Chủ nhật, 19/05/2024

Đặc sắc truyện ngắn Lê Hoài Nam

Thứ sáu, 07/10/2022

TRẦN THỊ TRÂM

Tuyển tập truyện ngắn Lê Hoài Nam do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành, tháng 4 năm 2022, gồm 42 tác phẩm được chia làm 2 phần. Phần thứ nhất là 24 truyện viết về đề tài chiến tranh và một số vấn đề hậu chiến. Phần thứ hai là 18 truyện ngắn dành cho đề tài lịch sử và tôn giáo.

Nhìn chung, đây là một tuyển tập có nhiều truyện ngắn hay. Khi đọc chúng trong một hệ thống, ta sẽ thấy được quá trình vận động, phát triển và những nét đặc sắc của truyện ngắn Lê Hoài Nam trên cả hai phương diện nội dung tư tưởng và nghệ thuật thể hiện. Qua đó cũng thấy được đóng góp của truyện ngắn Lê Hoài Nam cho đề tài chiến tranh cách mạng và đề tài lịch sử .

1. Đặc sắc về nội dung tư tưởng của truyện ngắn Lê Hoài Nam

Truyện ngắn Lê Hoài Nam được viết ở hai giai đoạn: trước và sau thời kỳ Đổi mới (1986).

Thời kỳ đầu, Lê Hoài Nam viết chưa nhiều và anh chỉ chọn đưa vào tuyển tập các truyện: Hải âu, Chim biển, Những phút đầu của mùa xuân, Lâu đài trên biển, Tình yêu là thế đấy, Người lính chưa quen biển… Đây là những tác phẩm ra đời cách nay gần nửa thế kỷ, nhưng sự trong sáng của giọng điệu và những tư tưởng cao đẹp của thời đại đã tạo ra một hấp lực giúp chúng vượt qua sự nghiệt ngã của thời gian và khẳng định được sức sống bền lâu của mình. Mang đặc điểm của nền văn học sử thi, truyện ngắn Lê Hoài Nam giai đoạn này được viết trên cơ sở của tinh thần dân tộc và ý thức cộng đồng. Văn phong theo lối truyền thống, cốt truyện đơn giản thường tập trung làm sáng tỏ một chủ đề. Mạch văn thường là mạch kể, giọng điệu nhẹ nhàng, âm hưởng chủ đạo là khẳng định ngợi ca.

Những truyện ngắn sau 1986 của anh được viết trên cơ sở của tinh thần nhân bản và ý thức cá nhân. So với thời kỳ trước, chúng phong phú, đa dạng và vận động, phát triển theo khuynh hướng hiện đại hóa nên ngày càng hoàn thiện với rất nhiều đổi mới về đề tài, nội dung tư tưởng, bút pháp thể hiện… Nếu ở giai đoạn trước, truyện ngắn Lê Hoài Nam chỉ tập trung phản ánh đề tài chiến tranh cách mạng thì ở giai đoạn sau anh đã mở rộng hiện thực theo nhiều hướng, nhiều cách. Ngoài đề tài sử thi, có đề tài thế sự, đời tư. Không gian, thời gian nghệ thuật được tác giả mở rộng theo nhiều chiều kích: từ xứ xở chúa Trịnh đàng ngoài tới miền đất mới của chúa Nguyễn đàng trong; từ Việt Nam ra thế giới; từ phương Đông sang cả trời Tây; từ cõi người đến cõi âm xa lạ, bí ẩn… Lịch sử được quay trở lại mấy trăm năm trước: từ thời Trần mạt đến thời Lê Thánh Tông; từ thuở Trịnh Nguyễn phân tranh đến khi vua Gia Long thống nhất đất nước thành một mối…

Song song với quá trình mở rộng là quá trình nâng cao chất lượng tác phẩm. Các truyện ngắn về đề tài chiến tranh như: Thung lũng sói, Chuyện rồi sẽ kể, Tình yêu vỗ cánh, Cuộc gặp gỡ muộn mằn, Sói con, Bên hàng rào kẽm gai, Cây hoa lạ ở góc vườn… đã có những thay đổi rất cơ bản, hay hơn và hiện đại hơn. Sau độ lùi của thời gian, đủ để suy ngẫm, chiêm nghiệm và nhận thức lại, cái nhìn về chiến tranh và người lính không còn đơn giản rạch ròi trắng - đen, ta - địch mà thấm đẫm tinh thần nhân bản. Với anh, viết về chiến tranh lúc này là “nhằm tôn vinh truyền thống yêu nước tốt đẹp và những tấm gương hy sinh vì đại nghĩa chứ không phải để đào sâu thêm cái hố ngăn cách lòng người”.

Quan niệm ấy thể hiện rất rõ trong “Bên hàng rào kẽm gai”. Truyện ngắn mở đầu bằng cuộc gặp gỡ đầy ân tình và thiêng liêng sau mấy chục năm xa cách, vào sớm mùng 1 Tết giữa hai cựu chiến binh thuộc hai phía: tiểu đội trưởng Quynh và xa trưởng Tư Bôn. Họ cùng nhau ôn lại câu chuyện cũ xảy ra vào ngày hiệp định Pa ri được ký kết (28/1/1973). Khi lệnh ngừng chiến vừa được ban ra, Tư Bôn cùng mấy người lính cộng hòa đã lái chiếc M113 ùa sang gặp nhóm chiến sĩ Việt Cộng. Tiểu đội trưởng Quynh vốn là sinh viên khoa Văn, đại học Tổng hợp Hà Nội. Còn Tư Bôn là sinh viên Văn khoa Sài Gòn. Họ đã cùng nhau đàm đạo văn chương và hát vang những bài ca của cả hai miền đất nước. Khi đã hiểu nhau về văn hóa, người ta có thể bỏ qua nhiều thứ, kể cả hận thù để làm một cuộc hòa giải tự nguyện đầy cảm động. Sau chiến tranh, Tư Bôn cải tạo rất tốt nhưng có người phản ánh: anh là chiến xa trưởng khát máu, vào thời điểm hiệp định Pa ri được ký kết đã lái xe cơ giới húc đổ hàng rào dây thép gai rồi tấn công sang phần đất của quân giải phóng. Nhờ Quynh đứng ra làm rõ bản chất sự việc nên hiểu lầm đã được tháo gỡ. Ra tù, người lính cộng hòa đã di cư sang Mỹ. Và khi có điều kiện, người đàn ông ấy đã trở về Việt Nam gặp ông Quynh để bày tỏ tấm lòng tri ân cố nhân.

Nhìn chung, trước và sau Đổi mới, truyện ngắn Lê Hoài Nam đã có bước phát triển rõ nét, sâu sắc hơn và đa giọng điệu hơn. Ngoài đổi mới cái nhìn về chiến tranh, đổi mới quan niệm về nghệ thuật và con người (Sói con, Bên hàng rào kẽm gai), tác phẩm của anh trở nên đa thanh, có tính tư tưởng cao hơn và hàm ngậm những triết lý nhân sinh sâu sắc hơn (Triết luận hoa trà, Lan hoàng vũ, Cây hoa lạ ở góc vườn...). Ẩn sâu trong từng con chữ là quan niệm nghệ thuật sâu xa của tác giả về cái đẹp, về sức mạnh, sự linh diệu và bí ẩn của văn chương, về con người và hiện thực phản ánh, về sức mạnh của nghệ thuật và thiên chức của người nghệ sĩ.

Bên cạnh cảm hứng ngợi ca và giọng điệu lạc quan tin tưởng (Đốm lửa, Linh khí mùa xuân), là sự xuất hiện của cảm hứng phê phán trong nỗi lo lắng về sự tha hóa của con người (Đồng quê gió thổi, Mãnh lực phố phường, Ông Noel không mặc áo đỏ). Điều thú vị là, dưới ánh sáng của tinh thần nhân bản và ý thức cá nhân, những vấn đề sử thi luôn được nhà văn phản ánh qua số phận con người, vì vậy, khiến cho truyện ngắn của anh thường đa chủ đề, đa nghĩa, sâu sắc và giàu tính nhân văn hơn. Mà “Sói con” là một ví dụ. Sói con là biệt danh dân làng dành cho chú bé mồ côi tên Độn. Cha mẹ chết vì bom đạn, không nơi nương tựa, em đã phải sống cuộc đời của một con thú hoang: ngày ngày bới rác kiếm ăn, tối ngủ dưới gầm một chiếc xe cháy, cạnh bãi tha ma làng An Hội. May mắn, em được nhà báo chiến sỹ Lê Thuyên cứu và đưa theo ra Bắc. Để giúp chú bé, Lê Thuyên đã không ngại cắt ngón tay lấy máu viết giấy bảo đảm cho em được vào học ở một trường học sinh miền Nam. Được Nhà nước chăm lo học hành, Sói con đã tốt nghiệp đại học rồi trở thành một thành viên trong Hội đồng quản trị của một công ty thương mại của Thủ đô. Anh đã tìm gặp lại ân nhân và hẹn sẽ cùng ông trở lại quê nhà để anh xin lỗi cậu bạn mà Độn vì đói khát đã cắn đứt một ngón tay và làm một điều gì đó cho quê hương mình.

Thông qua số phận của chú bé Độn, người viết không chỉ cho thấy sự khốc liệt của chiến tranh, ngợi ca mối tình quân dân gắn bó mà còn khẳng định những giá trị quý báu mà Cách mạng đã mang lại cho mỗi con người, đặc biệt làm sáng lên vẻ đẹp của hình tượng người lính Cụ Hồ. Những người lính trong truyện ngắn Lê Hoài Nam chủ yếu là những người lính trí thức, xuất thân từ nông thôn, sống có lý tưởng, sẵn sàng chiến đấu hy sinh, rất lãng mạn, yêu văn chương nghệ thuật, yêu cái đẹp và luôn biết sống đẹp. Khi trở về cuộc sống đời thường, dường như họ vẫn giữ được phẩm chất quý báu này. Dĩ nhiên là tổng hòa các quan hệ xã hội, những người lính của Lê Hoài Nam không phải là không có tì vết nhưng nhìn chung cảm hứng chủ đạo vẫn là cảm hứng ngợi ca.

Càng về sau, chất nhân văn trong truyện ngắn Lê Hoài Nam càng đậm đà hơn. Mà thái độ đối với phụ nữ chính là thước đo giá trị nhân văn của một tác phẩm văn chương. Những nhân vật như: cô vĩ cầm (Hải Âu), chim bồ câu - xanh bé nhỏ (Người lính chưa quen biển), cô bé Thấm (Những phút đầu của mùa xuân); hay ni sư tài sắc vẹn toàn đã bỏ trốn quyết không vào cung làm vợ vua dù vị vua đó là một minh quân (Chuyến du xuân của Hoàng đế), nàng Đoàn Thị Điểm thông tuệ và giỏi giang, đức độ (Lung lay bóng nguyệt), người con gái làng Mén (Quan tả thị lang hồi triều), công chúa Ngọc Bình tuyệt thế giai nhân (Những giọt lệ đỏ thắm)… đều là những phụ nữ thông minh, tài giỏi, đẹp người đẹp nết và luôn được tác giả trân trọng, yêu mến, cảm thông.

Hành trình truyện ngắn Lê Hoài Nam từ đơn thanh đến đa thanh và sự trưởng thành của cây bút.

Ở mảng truyện ngắn về đề tài lịch sử, Lê Hoài Nam đã có những đóng góp rất riêng. Ý thức rõ được sự khác nhau giữa nhà văn với nhà viết sử, anh không sa vào các chi tiết của lịch sử mà tập trung đi tìm cách khái quát cuộc đời và đặc biệt chú tâm vào những vùng lịch sử còn khuất lấp. Nhờ biết chọn cách nhìn lịch sử qua số phận của mỗi cá nhân mà các nhân vật lịch sử trong trang viết của Lê Hoài Nam không hề khô cứng, ngược lại: sống động, chân thực và gần gũi. Giã từ cái nhìn sử thi quen thuộc, những người anh hùng trong tác phẩm của Lê Hoài Nam không hiện lên trong phút giây làm nên lịch sử đầy ánh hào quang mà thường được khai thác ở phía bi kịch, được soi chiếu từ phía khuất khúc của cuộc đời. Là những đấng mày râu, họ đều là những kẻ tình si và họ thường không vượt qua nổi cửa ải mĩ nhân. Hoàng đế Lê Thánh Tông anh minh tao nhã (Chuyến du xuân của Hoàng đế) giỏi việc nước, mê thơ phú vẫn đau đáu vì mối tình không thành với ni sư chùa Ngọc Hồ tài sắc. Nguyễn Ánh mặt sắt đầy cơ mưu trong “Những giọt lệ đỏ thắm” lập tức bị đổ gục trước vẻ diễm kiều của nàng công chúa nhà Lê - Ngọc Bình, hoàng hậu của vua Tây Sơn - Quang Toản. Ba anh em chúa Sãi lú lẫn mù lòa vì nàng Tống Thị sắc nước hương trời. Chúa Trịnh Sâm bị mất cơ nghiệp vì Tuyên phi Đặng Thị Huệ. Phó vương Trương Phúc Loan ngây dại vì vẻ đẹp thánh thiện của nàng tiểu thư họ Mai. Giản Định Đế mê đắm trước sức cuốn hút của nàng Thúy Hạnh, ái nữ của Quốc Công họ Đặng…

Riêng đề tài tôn giáo, tác giả tỏ ra rất hiểu biết và trường vốn. Phần vì từ nhỏ anh được sống cùng lũ trẻ xứ đạo hiền lành, lương thiện. Trong những năm tháng chiến tranh, mái nhà thờ rêu phong cổ kính đã trở thành lớp học chở che anh, những người dân mộ đạo từ tâm đã hết lòng giúp đỡ anh, vì thế chú bé ngoại đạo Lê Hoài Nam đã sớm ngộ ra không ít điều tốt đẹp của các tôn giáo chân chính. Đó là khả năng làm nhân đạo hóa con người. Lựa chọn đưa vào tác phẩm những sự kiện quan trọng, thiêng liêng và tiêu biểu nhất cho lịch sử và văn hóa Thiên chúa giáo: truyện Đức Chúa Kitô giáng sinh nơi máng cỏ trong một hang lừa thuộc thị trấn Belem (Giáng sinh), truyện Chúa Giê su được phục sinh sau khi bị quân vô đạo đóng đinh trên cây thập giá (Phục sinh); truyện ra đời của bản Thánh ca bất hủ (Đêm thánh); truyện vị danh họa Leona Đavinci hoàn thành bức tranh bất hủ tại nhà thờ lớn thành Milan (Bữa tiệc ly)… Lê Hoài Nam đã khéo léo dẫn dắt bạn đọc tìm hiểu những điều căn cốt nhất về Kitô giáo. Và do được sắp xếp một cách hệ thống mà những câu chuyện này đã tạo thành một bức tranh toàn cảnh, góp phần xóa bớt những “vùng mù” trong không ít độc giả, giúp họ có thêm hiểu biết đạo Thiên Chúa - một trong những tôn giáo lớn nhất của nhân loại và thấu thị được tinh thần bác ái nơi Chúa, từ đó phát huy được những giá trị hết sức tích cực của Tôn giáo: “Thiên Chúa trừng phạt người chỉ mang tính nhất thời, cứu người mới là việc muôn thuở”. (tr. 427)

Trong cái nhìn đa chiều, con người được hiện lên một cách khách quan với sự phức tạp của nó: trong mỗi phận người có phần thiên thần và không thiếu phần ác quỷ. Cha tu viện trưởng trong giây phút hung bạo thoắt trở thành phiên bản mẫu của ác quỷ Giuđa. Chàng trai Italo Aquileia mang nét siêu phàm của Đức Giêsu, chỉ sau ít năm ở tù đã hóa ra tên cướp Giuđa khét tiếng (Bữa tiệc ly). Cô bé Diễm tự kỷ không thể phát âm tròn vành rõ chữ nhưng nhờ tình yêu thiêng liêng từ người cha của mình có thể sáng tạo được những câu hát thật hay, thật xúc động, làm thức tỉnh trái tim của người mẹ vô cảm, lạnh lùng (Ông Nôen không mặc áo đỏ).

Trong Đêm Thánh, qua việc kể lại câu chuyện kỳ lạ về sự ra đời của bản thánh ca huyền diệu, Lê Hoài Nam đã gián tiếp bàn về sự linh diệu và sức mạnh to lớn của nghệ thuật. Siêu nhạc phẩm mà các nhà xuất bản đều mặc nhiên coi là của những nhà soạn nhạc siêu phàm: Bách, Betthoven, Handel… trên thực tế lại do thầy giáo làng Gruber và thầy dòng Mohr ở một miền quê heo hút nước Áo, trong một phút giây xuất thần nhờ hồng ân Thiên Chúa mà có được. Và “Đêm Thánh vô cùng” - đã trở thành bức thông điệp hoà bình, nối kết những trái tim, giúp những người lính giữa hai chiến tuyến Nam - Bắc Mỹ dễ dàng xóa bỏ hận thù cùng nắm tay nhau hòa chung câu hát.

2. Đặc sắc bút pháp truyện ngắn Lê Hoài Nam

Nhìn chung truyện ngắn Lê Hoài Nam rất có truyện với lối kết thúc bất ngờ. Dĩ nhiên, những truyện giai đoạn đầu nút thắt có phần vụng về, kết thúc có lúc còn khiên cưỡng. Ví dụ trong “Tình yêu là thế đấy”, tác giả để cho cô Hiên không yêu ông Hữu mà se duyên cho ông và Mơ - một cô giáo dạy cùng trường cấp 3 với mình. Ở “Trong nhà có chàng thiếu úy”, kết thúc câu chuyện hợp lý hơn: cái chàng trai Tòe ngờ nghệch nhất nhà trong cơ chế thị trường lại làm nên sự nghiệp và đã là chỗ dựa cho những ông anh mọt chữ…

Việc sử dụng ngôn từ của tác giả khá đặc sắc và càng ngày càng linh hoạt, sáng tạo hơn. Ý thức rất rõ và vai trò của nhà văn trong quá trình phát triển ngôn ngữ dân tộc, Lê Hoài Nam đã sáng tạo không ít từ mới: lụt cụt, lút cút, vong vóng, song sóng, xú xứa, tũng toãng... Đồng thời anh còn góp phần làm sống lại một lớp từ cổ kính, trang trọng: hoàng đế, thượng uyển, nhuần hòa, chúa xuân, thảo lư, hiển đạt, sư huynh, hiền đệ, đàng ngoài, đàng trong… Và rất nhiều ngôn từ riêng của nhà chúa: giáng sinh, phục sinh, mùa thương khó, Đấng cứu độ, phúc âm, kính mừng, amen, tòng giáo, lậy chúa tôi, hồng ân Thiên chúa, nhà Bề trên, nhà nguyện, kinh kính mừng, kính lạy cha, thị trấn Belem nơi chúa giáng sinh trong máng cỏ… Mặt khác, anh cũng thường xuyên sử dụng đắc địa thành ngữ, tục ngữ (Cây nhà lá vườn; Có nụ mừng nụ, có hoa mừng hoa...), nhờ thế những câu chuyện xa lạ được Việt hóa trở nên gần gũi, dễ dàng đến với bạn đọc.

Lối viết của Lê Hoài Nam càng về sau, càng đa dạng với những câu văn linh hoạt và rất có văn. Khi trong trẻo, tinh tế, mượt mà, mềm mại, lãng mạn giàu nhạc điệu và giàu chất thơ: “Những bông hoa trà, hoa lan trong vườn Thượng uyển đang e ấp hé nở dưới làn nắng xuân rất nhẹ, mỏng tang như sương khói” (Tr. 335). Khi rất ngắn, hiện đại, giản lược tối đa chỉ còn độc một vài từ: “Tuổi già. Đau yếu. Bệnh tật” (tr. 344). Lại có lúc lối viết trùng điệp được sử dụng rất đắc địa: “Họ thấy rất nhiều quạ... Con thì bay lượn bên trên. Con thì bay bổ nhào. Con thì sà hẳn xuống ruộng. Quạ đen tuyền. Quạ khoang. Có cả quạ màu xám nâu. Con thì kêu quạ quạ. Con lại kêu quà, quà, quà. Có con tiếng kêu kéo dài quạ - òa, quạ - òa, quạ - òa… những âm thanh đan xen vào nhau vừa rời rạc vừa quấn quýt, có gì đó âm u hoang vắng như kéo bóng tối xuống mang màn đêm về, một dạ khúc lạnh tanh và ghê rợn”. (tr.370, 371)

Khác với thời kỳ đầu, không chỉ tả và kể, giai đoạn sau nhiều lần anh đã mạnh dạn sử dụng thủ pháp huyền ảo. Chẳng hạn, trong “Những giọt lệ đỏ thắm”, anh đã cho xuất hiện hồn ma ba anh em cha con Nguyễn Huệ. Chiếc đầu lâu Quang Toản không chỉ đa tạ cái ơn Ngọc Bình đã can gián Nguyễn Ánh thôi trả thù nhà Tây Sơn mà còn báo cho nàng biết “trong con người Ánh tích tụ âm khí rất nặng. Ánh sẽ giết chết nàng bằng những âm khí ấy”. Ở “Vĩ nhân thời ốc đảo” là cuộc đàm đạo giữa hồn ma Nguyễn Trường Tộ và ngài Fukuzawa Ykichi (Nhật Bản) về vấn đề canh tân đất nước, với khát vọng nước Nam mình hôm nay có thể tiến kịp nước người… Đồng thời Lê Hoài Nam cũng rất dụng công khi chọn những chi tiết đắt giá. Ví dụ chi tiết về muỗi ở chiến trường: “muỗi ở Căm Bot có họ với muỗi Đồng Tháp, con nào con nấy to kềnh… Muỗi lăn xả vào người như cảm tử quân. Nhưng người lính không được vỗ, đập vì sẽ gây tiếng động… Chỉ được phép vuốt thôi. Vuốt đến đâu kêu lép bép đến đó… Lỡ để ngón tay sát màn là muỗi châm ngay. Những con khác không châm được thì châm vào bụng con đang hút máu, thành một dây chuyền dài hàng mét. (Lính bắn tỉa, tr.167) đã cho thấy những nỗi vất vả, cơ cực mà trong chiến tranh những người lính phải chịu đựng. Chi tiết “những con quạ tranh nhau mổ phía sau lưng lôi ruột gan cô bé vừa chết đói gục xuống bụi lác ngoài đồng cho thấy nỗi thống khổ của dân chúng trong cuộc chiến Trịnh Nguyễn phân tranh trong “Dạ khúc quạ kêu”, (tr.371). Hay chi tiết “từ hai khóe mắt Ngọc Bình lăn ra những giọt lệ màu đỏ như máu, ánh lên lấp lánh dưới ánh đèn cầy” (Những giọt lệ đỏ thắm, tr.388), đã diễn tả rất thành công nỗi đau đớn, tủi nhục, xót xa của nàng công chúa triều Lê…

Như vậy, đọc Tuyển tập truyện ngắn Lê Hoài Nam, ta có thể thấy được diện mạo, nét đặc sắc về nội dung tư tưởng và bút pháp, quá trình vận động và phát triển của truyện ngắn Lê Hoài Nam. Qua đó, cũng thấy được sự trưởng thành theo hướng ngày càng hiện đại và hoàn thiện của một cây bút văn xuôi sáng giá, người đã có những đóng góp không nhỏ cho thể loại truyện ngắn về đề tài chiến tranh cách mạng, đề tài lịch sử, đặc biệt là đề tài tôn giáo.

 

Tư liệu tham khảo: Hữu Thỉnh, Bến văn và những vòng sóng, Nxb Hội Nhà văn.

T.T.T

(Nguồn: TC VNNB 269-9/2022)

 

Bài viết khác