Chủ nhật, 19/05/2024

Viên thuốc đắng không biết mình là đắng

Thứ năm, 16/02/2023

Nhà lý luận phê bình ĐỖ NGỌC YÊN

Tôi cầm trong tay tập truyện ngắn có tên “Xuống cửa là đường” của nữ nhà văn Phạm Thị Duyên, hiện là Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình. Tên sách lúc đầu gây cho tôi một chút bất ngờ, vì người ta vẫn thường nói: Ra khỏi cửa là đường, chứ ít ai nói: Xuống cửa là đường.

Nhưng đọc hết tập sách tôi lại thấy tác giả đã có lý. Bởi lẽ nhà mặt phố thường có bậc tam cấp để bước xuống, rất ít khi nền nhà cùng cao trình với mặt đường. Hầu hết những tình tiết, sự việc xảy ra trong các câu chuyện của tập sách này đều diễn ra ở phố thị, rất ít cảnh ở nông thôn.

Xuống cửa là đường” dày hơn 200 trang, gồm 10 truyện ngắn đã được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2019. Nói là truyện ngắn cũng chỉ có tính chất tương đối mà thôi. Bởi lẽ, có những truyện dài đến 30 trang in như truyện “Thuốc đắng”. Đây có thể gọi là một truyện vừa cũng được hay là một truyện ngắn cũng chẳng sao. Các truyện còn lại trong tập này đều có độ dài trên dưới 20 trang.

  

Bìa tập truyện ngắn Xuống cửa là đường

* * *

Có một ai đó nói rằng văn chương là một cuộc chiến vô cùng khắc nghiệt dành cho những người muốn tìm kiếm bản ngã của riêng mình như một tấm căn cước văn hóa đầy tinh thần nhân văn giữa cuộc đời trắc ẩn này. Tất nhiên, trong cuộc chiến ấy có nhiều quân, binh chủng tham gia tùy theo năng lực, sở trường, sở đoản và sự đam mê của mỗi cá nhân mà người ta có thể chọn cho mình một loại vũ khí thích hợp nhất để tham chiến.

Thể loại ký được ví như những anh lính trinh sát, luôn đi đầu, áp sát cuộc sống đang hàng ngày, hàng giờ diễn ra đến chóng mặt quanh chúng ta ở thời kỳ Cách mạng công nghệ 4.0. Nó đòi hỏi người cầm bút phải chấp nhận dấn thân đến những điểm nóng của các cuộc xung đột vũ trang hay những vùng bão lũ, thiên tai bất ngờ đổ ập xuống đầu những người dân lành vô tội hoặc là những tâm điểm dịch bệnh mang tầm cỡ đại dịch toàn cầu. Những tay bút viết ký cần phải có đầu óc quan sát tinh tế và có con mắt xanh nhạy cảm để nắm bắt mọi khía cạnh của đời sống mà nhà văn quan tâm.

Tiểu thuyết được xem như những giàn trọng pháo, dành cho các trận đánh lớn. Nó đòi hỏi những người cầm bút phải trường vốn, giàu trải nghiệm và có bản lĩnh dám tham gia trận đánh lớn mang tính chất quyết định diện mạo, quy mô và tầm vóc không chỉ của cá nhân mỗi nhà văn, mà còn là của một thời kỳ, giai đoạn, thậm chí là của cả một nền văn học.

Còn truyện ngắn được xem như những tay xạ thủ có sở trường bắn tỉa tốt. Mỗi câu chuyện được nhà văn kể ra như những nhát cắt sắc lẹm, giải quyết nhanh gọn và có hiệu quả một vấn đề nào đấy của đời sống xã hội mà nhà văn quan tâm, ấp ủ.

Với một nữ nhà văn trẻ như Phạm Thị Duyên đi vào truyện ngắn là cách lựa chọn khôn ngoan. Bởi lẽ truyện ngắn không cần trường vốn, trải nghiệm nghề nghiệp sâu rộng, bản lĩnh cao cường như các nhà tiểu thuyết, cũng không cần lăn lộn nhiều với những sự kiện của cuộc sống diễn ra từng giờ, từng ngày, không cần độ tinh nhạy trong việc nắm bắt tư liệu sống theo cách mà những nhà viết ký thường làm. Trái lại, truyện ngắn cho phép người viết có thể lùi xa cả về không gian và thời gian, chấp nhận độ trễ của sự việc, câu chuyện đã xảy ra để nhà văn vừa suy tư, vừa có thể hư cấu, thêm hoặc bớt, cắt tỉa các tình tiết, câu chuyện sao cho chúng phục vụ đắc lực nhất ý đồ tư tưởng và thẩm mỹ của tác giả. 

* * *

Phần lớn những người yêu thích văn chương, nhất là những người có kinh nghiệm nghề nghiệp, chuyên “lườm nguýt” các nhà văn (chữ của thần đồng thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa X kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Nhà văn và cuộc sống của Hội dùng để chỉ những nhà lý luận, phê bình chuyên nghiệp), khi cầm một tập truyện ngắn hay tập thơ đều tìm đến bài thơ hay truyện ngắn mà tác giả lấy đặt tên cho tập sách. Tôi cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Tôi giở mục lục tìm đến truyện “Xuống cửa là đường”.

Câu chuyện xảy ra ở một con phố nhỏ, nơi mà cặp vợ chồng trẻ Liên - Thanh đang sinh sống. Tuy chỉ là một con phố nhỏ vô danh, nhưng biết bao chuyện đời, chuyện người xảy ra ở đây khiến chúng ta phải suy nghĩ và đôi khi cảm thấy đau lòng bởi sự trớ trêu của lòng người, lẽ đời. Đoạn phố nhỏ này như một bức tranh xã hội hiện đại thu nhỏ, thời cả nước tập tọng làm kinh tế thị trường. Mặt tích cực có và mặt tiêu cực cũng chả thiếu.

Liên là cô gái vừa tốt nghiệp đại học xong, chưa xin được việc làm, đành dọn hàng phở ra trước của nhà bán kiếm đồng ra đồng vào để bù vào mức lương của anh công chức quèn là Thanh, chồng cô, chưa đong nổi dăm yến gạo, chứ chưa nói đến tiền thức ăn, tiền điện nước và hàng chục thứ tiền khác lúc nào cũng tăng lên vù vù do thiên tai và dịch bệnh làm cho Liên nhiều lúc hoa mắt, chóng mặt. “Tháng Giêng là tháng ăn chơi/ Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè”. Trong ba tháng ăn chơi đó lại vập vào cảnh trâu bò chết hàng loạt vì đợt rét đậm, rét hại kéo dài khủng khiếp nhất trên toàn miền Bắc trong vòng năm mươi năm qua. Liên tiếp các đợt dịch lợn tai xanh, cúm gia cầm và rồi có lệnh cấm bán hàng ăn chín vì dịch khuẩn tả quay trở lại có nguy cơ trở thành đại dịch. Người ta không cho bán thì Liên đóng cửa chứ, hà cớ gì rắc vôi bột lung tung đầy quán nhà Liên. Chưa hết hoang mang, Liên lại giật mình bàng hoàng trước cơn sốt giá vật liệu xây dựng... mỗi loại vật liệu tăng gấp ba, bốn lần. Liên nghe giải  thích mà tai lung bung như bị người ta gí còi ô tô thổi bung màng nhĩ”... (tr. 71).

Sống quanh cặp vợ chồng trẻ Liên - Thanh có đủ hạng người. Nào là lão Mực suốt ngày khóc bà vợ đã quá cố. Tay chất nghệ làm nghề chữa đồng hồ, có cái nhà cao tầng đầu phố do buôn ma túy mà nên. Con mụ Hướn bán dưa cà ngay cạnh nhà Liên mới sáng mồng một ra đã kiếm cớ chửi đổng. Chị Hạnh ba đời chồng, một đời bồ, có bao nhiêu đất cát, của hồi môn bố mẹ để lại đem bán đi ăn hết. Em Toan, con gái Hạnh, không chồng mà đã có hai đứa con với hai người đàn ông và theo chị Hạnh nói Toan lại đã có mang, sắp đẻ đứa nữa với một người đàn ông thứ ba: “Hai đứa trẻ hai dòng máu sinh thành, tuổi thơ của chúng không nhà trẻ, không bạn, không cha” (tr. 78).

Rồi con mụ béo ị làm nhân viên ở một công ty tư nhân nào đấy, nhưng chuyên đánh lô đề, chơi chứng khoán và hay đến quán nhà Liên ăn phở và buôn dưa lê, chém gió. Rồi một hôm, nghe theo lời mụ dỗ ngon, dỗ ngọt thế nào ý, vợ chồng Liên đem hết vốn liếng tích cóp bấy lâu nay mang ra đặt vào tay mụ để quyết làm quả lớn những mong lên đời. “Thanh quả quyết thì Liên nghe. Liên mở tủ lấy gói tiền cất kỹ giữa mấy tầng chăn bông đưa cho Thanh. Thanh cẩn trọng đếm từng tờ đặt vào tay chị béo mà niềm vui hân hoan như sắp được lĩnh giải độc đắc (tr. 73). Nhưng ở đời có mấy ai học hết được chữ ngờ. Cuối cùng con nhà mụ béo ị ôm tiền rồi cao chạy xa bay, bặt vô âm tín. Còn chàng “sinh viên” dởm thực chất là một tên vừa trộm cắp vặt vừa buôn ma túy, nhoằng một cái, nhân lúc cô chủ quán vừa xểnh ra là hắn ta vơ hết tiền bán hàng và cả miếng thịt bò tươi Liên mua về để làm phở bán. Hoàng, một anh cán bộ công ty, đi ô tô riêng, ăn mặc chỉn chu, tay xách cặp là người quen cũ và rất thích Liên. Có lần Liên đã ngỏ ý nhờ Hoàng xin việc ở công ty, nhưng anh ta đưa ra những gợi ý gần xa mà một cô gái đã có chồng như Liên lại không thể, nên cuối cùng Hoàng đã lãng tránh.  

Mỗi người một cảnh ngộ, một số phận không ai giống ai. Nhưng chắc chắn tất thảy họ đều có một điểm chung là hiện đang sống giữa thời kỳ mà cơn bão kinh tế thị trường đổ bộ vào nước ta từng ngày, từng giờ. Cơn bão ấy là cái chưa hề có tiền lệ ở một đất nước mà trên 70% dân số làm nghề nông, lại trải qua những năm tháng chiến tranh liên miên, hết chống Pháp rồi đến chống Mỹ, chống quân xâm lược bành trướng Trung Quốc với một nền kinh tế thời chiến rồi chuyển sang kinh tế tập trung quan liêu và bao cấp kéo dài hàng chục năm.

Nền kinh tế thị trường đã đem đến cho con người bao sự đổi thay trong cách nghĩ, cách làm để thích ứng với sự biến đổi mau lẹ của cuộc sống thời hiện đại, khiến người ta không thể nghĩ và làm theo cách tư duy cũ, gặp chăng hay chớ, như kiểu “trông trời, trông đất, trông mây/ trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm” (ca dao). Tức là cung cách là ăn trước đây hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, con người còn ít phải động não, suy tính. Kinh tế thị trường đòi hỏi người ta phải biết xoay xở, tính toán lời lỗ đâu vào đấy. Nếu không biết tính ắt sẽ phải chấp nhận thua thiệt, rủi ro như chị Hạnh hay vợ chồng Liên - Thanh.      

Bằng lối kể truyện nhẩn nha, từ tốn, văn phong mạch lạc, ngôn ngữ giản dị, “Xuống cửa là đường” đã cuốn hút bạn đọc bằng bức tranh đa thanh, đa sắc ở một đô thị nhỏ thời kỳ nền kinh tế nước ta vừa mở cửa hướng ra thị trường khu vực và quốc tế.

* * *

 “Thuốc đắng” là một truyện ngắn khá hay và viết có nghề hơn so với những truyện khác trong tập. Ở câu chuyện này, nhà văn Phạm Thị Duyên đã kể về một đường dây chuyên sản xuất, kinh doanh thuốc tân dược giả xuyên quốc gia. Viên thuốc Cloxit là cực đắng, có thể sánh ngang với các loại thuốc chống sốt rét như Quinine, Chloroquine, Proquanil, Meflouine... mà trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ trước đây tôi đã từng uống. Chúng đều được xếp vào bảng độc dược nhóm A. Tuy nhiên, cái đắng của số phận những người nhắm mắt làm liều, bất chấp pháp luật có lẽ còn đắng hơn gấp hàng ngàn lần những viên thuốc đắng giả kia.

Đây là một số loại thuốc mà Charles, người Đan Mạch đã đầu tư vốn cho cô người tình (hay vợ) của hắn, tự sản xuất và tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. “Nàng phổ biến công thức pha chế thuốc bằng tâm thái cởi mở: - Với loại thuốc màu trắng như Cloxit, B1, C... Nguyên liệu chỉ cần bột gạo tẻ trộn nến hòa với vị đắng hoặc chua. Còn các loại thuốc nhuộm màu phải thận trọng ở khâu pha chế dung dịch màu sao cho đúng tỉ lệ. Sau khi xem tất cả các khuôn thô phải tẩm tráng lại một lần vị liệu đặc trưng của thuốc rồi đem lên cán, sấy khô. Những lô hàng này sản ít nhưng xuất lời. Trà trộn vào thị trường mới không bị phát hiện (tr. 27).

Những loại thuốc như này mà người dân bị ốm mua uống vào, chẳng những không khỏi bệnh, mà có khi còn chết oan ý chứ. Thật là một lũ bất nhân. Chỉ vì lợi nhuận kinh tế trước mắt mà chúng nó đang tâm giết đồng loại. “Thuốc đắng” là hồi chuông cảnh tỉnh cho bất cứ những ai, nhất là giới trẻ hôm nay thích làm giàu và đổi đời bằng mọi giá. 

Tuy nhiên, nguồn cơn của những lô thuốc giả này lại đến từ một câu chuyện sâu xa khác, khá là kỳ quặc, mà chính tay bác sĩ vừa là đàn em, kém nàng những hơn 10 tuổi, lúc đầu là gọi chị, xưng em, dần dà sau một thời gian vừa quan hệ làm ăn, vừa quan hệ giữa giống đực và giống cái, hai người thành một thứ “già nhân nghĩa, non vợ chồng”.

Khởi xuất của con đường tội lỗi của tay bác sĩ trẻ này lại bắt nguồn từ sự éo le của gia đình: Mẹ bảo “Làm phó đội trưởng như làm dâu trăm họ”. Một buổi chiều mẹ đang chấm công trên thửa ruộng cánh sào thì vợ gã đội trưởng lăm lăm con dao bầu đánh ghen. Mụ giật tóc vùi mẹ xuống bùn. Mẹ buồn bã xin ra khỏi hợp tác xã. Tôi biết thế nào gã đội trưởng cũng sang gọi cửa. Đêm đó tôi chuẩn bị sẵn cái đòn gành dưới gầm giường ngóng đợi. Khi ánh trăng đủng đỉnh gợi tình qua khe liếp cũng là lúc có bàn chân rón rén ngoài vách. Mùi mồ hôi gây gây hăng hắc sộc vào mũi làm tôi xuýt ói nếu mẹ không giật mình ôm chặt lấy tôi. Đêm nào mẹ tôi cũng khóc, nước mắt đẫm mảnh gối”...  

“Chòng ghẹo mẹ không được, lão phao tin người đàn bà không chồng mà có chửa với người đàn ông đào ngũ, buộc mẹ phải xin ra khỏi hợp tác xã trong nỗi nhuc nhã ê chề, tôi bỗng dưng biến thành một đứa con hoang. Bao vết bầm dập trên người tôi là kết quả sau mỗi lần ẩu đả chỉ để khẳng định cha tôi là bộ đội giải phóng chứ không phải tên lính đào ngũ. Còn mẹ, bao nhiêu uất nghẹn trong cuộc sống, những tai tiếng nhiếc móc của hàng xóm do tôi gây ra là con mắt bà long sòng sọc, túm lấy bất cứ cái gì gần đấy vút vào người tôi”... “Con lạy mẹ, con van mẹ, từ nay con không làm mẹ phải khổ nữa... Con xin mẹ đừng đuổi con đi. Con van mẹ” (tr. 40 - 43).

Một tuổi thơ ê chề điều tiếng và bầm dập đòn roi như vậy đã khiến cho anh chàng bác sĩ trẻ người, non dạ này không còn biết sợ là gì, không phân biệt được đâu là đúng sai trên bước đường vừa muốn gột rửa vết nhơ thù hận mà cuộc đời đã chụp lên đầu mẹ con anh ta, vừa muốn lật sang trang đời mới của hai mẹ con. Tuy nhiên cuộc sống luôn đem đến cho con người từ bất ngờ này đến bất ngờ khác theo một logic riêng của nó và không bao giờ chiều theo ý muốn chủ quan của riêng ai.

Sự dạn dĩ đòn roi và tính bất cần đời của chàng bác sĩ trẻ tương lai, con mẹ Tươi bắt đầu từ việc báo oán với đời: “Tôi cần lão (đội trưởng đội sản xuất ở thôn quê - Đ.N.Y) thấm ngập nỗi đau như cuộc đời đáng nguyền rủa mà tôi đã phải sống. Kết quả cuộc báo oán đang lớn dần lên trong bụng Thắm. Chính nó sẽ nghênh chiến cho đến lúc lão tàn hơi... Hôm nhận giấy nhập học, tôi hẹn Thắm ra giếng khơi đầu làng nói bằng giọng kẻ cả và dạy đời. - Kể từ hôm nay ngôi làng này là quá khứ kể cả ông bố tội nghiệp của em. Anh phải làm lại cuộc đời. Thành phố là cuộc sống của anh. Đừng đợi anh. (tr. 45).

Cũng bắt đầu từ đây chàng bác sĩ tương lai theo con đường “lấy oán báo oán” tham gia vào đường dây sản xuất và tiêu thụ thuốc tân dược giả với nàng “già chị, non vợ” trong vai trò phụ trách chuyên môn, còn “nàng” là CEO điều hành toàn bộ đường dây, Charles là nhà đầu tư chuyên cấp vốn tài chính cho đường dây tội lỗi này. Sau nhiều lần đụng chạm xác thịt với “bà chị”, cái thai trong bụng nàng cứ lớn dần lên. Chàng bác sĩ trẻ mới ra trường giàu trí tưởng bở rằng đấy là giọt máu của mình nên không ít lần cứ nằng nặc đòi đi đăng ký kết hôn cho bằng được, những mong đứa trẻ ra đời danh chính ngôn thuận là có cha, có mẹ hẳn hoi, nhưng đều bị nàng từ chối bằng nhiều cách khác nhau. Chắc chắn chỉ có nàng mới biết một cách đích xác giọt máu trong bụng mình là của ai.

Kết cục là viên thuốc đắng đầu tiên, nhưng mà đắng nhất, gấp hàng ngàn lần vô khối những viên cloxit giả đã được làm ra do chính bàn tay của mình, mà cuộc đời này đã “trả công” cho chàng bác sĩ trẻ này là những thông tin xác thực về Charles và nàng cùng đứa con trong bụng mà Trạch, người bạn cũ đã nói toẹt ra trước mặt chàng.

“Mối quan hệ của bọn mày đơn giản chỉ là một cái kiềng, mày đã để nó lung lay, cái giá phải trả quả không đến nỗi nặng nề đấy nhỉ?

- Chốt lại mày cần gì?

- Tao không lấy kim xỏ mũi, mày bình tĩnh để tao nói hết đã. Hẳn mày đã lú lẫn cái thai mang giống thằng Charles rồi, mày tưởng con vợ mày đi Lào à. Không! Chuyến hàng đã bị tóm. Nó bán tất cả, từ ngôi nhà, bay sang Đan Mạch. Điều này mày không ngờ phải không?...

Thằng Trạch đã thực hiện được ý đồ. Tôi như người hóa rồ, hóa dại, hai mắt như muốn bốc hỏa, đạp phá tất cả đồ mà vợ chồng tôi đã sắm... Chẳng còn gì ngoài cái phong bì trắng toát, dán kín nàng đã để sẵn trên cái két bạc “Em không còn đường về. Ngôi nhà thằng Trạch đã mua lại, anh hãy tự lo cho mình, mong anh tỉnh táo”(tr. 48).

Dù rằng đấy là viên thuốc đắng nhất trên con đường làm lại cuộc đời của chàng sinh viên y khoa vừa mới tốt nghiệp đã phải nếm trải. Nhưng dường như với ngần ấy vẫn còn chưa đủ toa để một con người xuất thân từ gia đình nông dân nghèo tỉnh ngộ ra. Chàng hãy còn ngô ngọng lắm, chỉ có chút kiến thức sách vở, còn thực tế vẫn mới chỉ là những bước đi tập tọng trong biển giời mênh mông của nền kinh tế thị trường đang ở đẳng cấp nửa dơi, nửa chuột này. Viên thuốc đắng thứ nhất là sự trượt trôi theo sự nghiệt ngã của dòng đời trong thời buổi tranh tối, tranh sáng, thực, giả lẫn lộn mà một chút kiến thức sách vở của chàng bác sĩ trẻ không thể nào đủ để phân biệt hay, dở, đúng, sai, cái gì nên làm và cái gì cần phải tránh.

Viên thuốc đắng thứ hai lại đến từ trước khi chàng trai trở thành một tân sinh viên y khoa đã cố tình “lấy oán, báo oán”. Người bác sĩ tương lai trả thù ông đội trưởng sản xuất, mà theo anh ta là nguyên nhân gốc rễ tạo nên nỗi khổ cho hai mẹ con anh bằng cách làm cho con gái lão ý có chửa trước lúc có ý định từ bỏ ngôi làng này để ra thành phố ăn học và lập nghiệp. Người muốn thế, nhưng giời đâu cho thế.

“Hôm tôi bỏ làng ra đi là ngày mẹ đón Thắm về làm dâu. Trong khi tôi sống phè phỡn trên đống tiền kiếm chác được từ những viên bột gạo trộn nến, đón nhận thành công sau mỗi ca phẫu thuật thì mẹ phải chịu cảnh mù lòa, tăm tối. Trời ơi, bây giờ trắng tay, tôi lại vác mặt về ẩn náu. Tạo hóa sao mà sòng phẳng. Bỗng dưng tôi lại thèm uống bát nước lá thuốc mẹ vẫn hái vào sáng sớm tết mồng năm tháng năm, lại thèm được nghe mẹ dỗ dành “Nào con trai của mẹ, thuốc đắng giã tật, con uống đi cho ụn tróc tan biến” (tr. 50).

Không biết đến viên thuốc đắng thứ hai bồi thêm vào đã đủ toa để thức tỉnh thiện tâm ở người bác sĩ trẻ này chưa, hay còn cần bao nhiêu viên thuốc đắng nữa mới đủ cho những ngươi trẻ tuổi hôm nay thích làm giàu và đổi đời bằng mọi giá?  Nhưng có một điều chắc chắn rằng “Thuốc đắng” là một truyện khá hấp dẫn, có nhiều vấn đề cần được bàn thảo. Truyện có bố cục, cấu trúc chặt chẽ và hợp lý với thủ pháp đồng hiện nên dễ cuốn hút người đọc. Giọng kể và ngôn ngữ khá phù hợp với từng đối tượng được miêu tả trong câu chuyện. Thực ra có thể nói đây là một truyện rất có chuyện để nói và là một truyện vừa, có nhiều khả năng phát triển thành tiểu thuyết về đề tài đang hot hiện nay.

Chúc mừng nhà văn và hy vọng chị sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trên con đường mà mình đã chọn./.

Hà Nội, 10/2021

(Nguồn: TC VNNB 278-3/2023)

 

Bài viết khác