Chủ nhật, 19/05/2024

Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam sau chiến tranh

Thứ sáu, 12/11/2021

THANH THẢN 

Người phụ nữ có một bổn phận vô cùng lớn lao và vẻ vang là duy trì nòi giống, phát triển nhân loại. Đại văn hào Nga Maxim Gorky viết: “Đời thiếu mẹ hiền, không phụ nữ/ Anh hùng thi sỹ hỡi còn đâu…”.

Nhưng chế độ phong kiến đã trói buộc họ vào một nỗi nhọc nhằn khó gỡ: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử…” (Ở nhà theo cha mẹ, lấy chồng theo chồng, chồng chết theo con…). “Phận gái chữ tòng”. Do vậy, thân phận người phụ nữ thật long đong: “Thân em như dải lụa đào/ Phất phơ trước gió biết vào tay ai”, và “Thân em như hạt mưa sa/ Hạt vào đài các, hạt ra vũng lầy” (ca dao)… Rồi “Làm thân con gái 12 bến nước…”.

Người phụ nữ bước chân về nhà chồng cũng bao nhiêu nỗi ngọt bùi, cay đắng. May được vào nhà tử tế, thì sung sướng, yên ổn. Không may “rơi” vào nhà phũ phàng, độc địa thì trăm bề khổ ải, khó thoát: “Gái có chồng như gông đeo cổ…”. Rồi còn chuyện nàng dâu mẹ chồng, chuyện đối xử với các cô em chồng “Giặc bên Ngô, không bằng bà cô bên chồng”…

Cả cuộc đời người phụ nữ là một gánh nặng. Tuy là con dâu nhưng lại là trụ cột gia đình nên phải lo bao nhiêu chuyện. Từ việc quanh năm đồng áng, mùa vụ đến con lợn, đàn gà, bếp núc, củi lửa, gạo ăn, mắm muối… Không việc gì không phải qua tay người phụ nữ trong nhà…

Rồi việc con cái cũng nặng nề. Từ chín tháng mang nặng, đẻ đau… đến việc chăm nuôi con cái suốt từ lúc còn đỏ hoẻn… Con cái khỏe mạnh còn đỡ, không may nó ốm đau, sài đẹn… Thuốc men, cơm cháo đêm ngày việc gì người mẹ cũng phải quần quật với con. Nhà ít con, khá giả còn đỡ, phải nhà đông con, khó khăn thì còn trăm bề cơ cực. Ngày ăn không ngon, đêm ngủ không yên. “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa/ Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương”, đêm mưa thì “Chỗ dột mẹ nằm, chỗ ráo phần con”… cực nhọc đủ bề.

Phụ nữ đồng chiêm               Ảnh của  DƯƠNG DUY KHANG

Đi lấy chồng, may được ông chồng tử tế thì còn hạnh phúc, không may vớ phải ông chồng “vũ phu”, rượu chè, nghiệp ngập, cờ bạc… thì cuộc đời vô cùng bất hạnh.

Có đi đâu, ngồi đâu cũng phải ngồi sau, ngồi dưới nam giới. Nói thì không ai nghe, không được bàn bạc việc chung, việc riêng…

Chế độ ngày nay, người phụ nữ đã được giải phóng, được bình quyền, bình đẳng với nam giới.

Tuy vậy người phụ nữ vẫn phải gánh vác hết, từ việc gia đình đến việc đoàn thể, xã hội không kém gì nam giới. Đặc biệt là trong chiến tranh, khi người nam giới cầm súng đi đánh giặc thì mọi việc hậu phương họ phải lo trọn, phải gánh vác gấp đôi. Họ là nhà nông, họ cũng là những chiến sỹ dân quân, tự vệ - những chiến sỹ thực thụ. Nhiều đội nữ dân quân cũng đêm ngày đánh tan đồn bốt giặc, cũng bắn rụng tầu bay, bắn chìm tầu chiến và bắt sống địch. “Có cô du kích xóm Lai Vu/ Rắn cắn bên chân vẫn bắn thù…”; “O du kích nhỏ gương cao súng/ Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu…” (Thơ Tố Hữu) là những hình ảnh đẹp về người phụ nữ Việt Nam anh hùng.

Thế mà khi tan giặc, khi đất nước bình yên họ vẫn còn phải chịu bao nhiêu nỗi gian nan, cơ cực, còn phải mang nặng bao nhiêu “nỗi buồn chiến tranh”. Điều đó đã được ghi đậm trong những trang văn, vần thơ, bức tranh, bản nhạc, vở kịch… và mãi mãi còn lay động lòng người.

Đó là những người mẹ, người chị, người em gái… đằng đẵng chờ chồng ra trận, khi đến ngày vui đoàn tụ thì lại chỉ nhận được một tờ giấy mỏng … “Báo tử”. Thế là trở thành những người vợ góa, một mình lẻ bóng suốt đời. Nhiều người còn trẻ trung, sung sức, còn đang tuổi hồi xuân cũng đành phải cắn răng chịu đựng. Canh khuya thui thủi: “Đêm thắp đèn cho bóng nữa thành đôi” (Thơ Vương Trọng). Bữa ăn thì “Một mình một mâm/ Ngồi bên nào cũng lệch” (Thơ Hữu Thỉnh).

Họ khát khao đến từng tiếng trẻ nô đùa “Nhà hàng xóm ồn ào tiếng trẻ/ Chị thiếu từng tiếng bát đũa va nhau” (Thơ Vương Trọng).

Nàng vọng phu”, người đàn bà chờ chồng hóa đá là một hình ảnh không hiếm trên đất nước ta: “Ba lô còn vọng tiếng bom/ Vợ ai lên núi làm hòn Vọng Phu” (Thơ Hoàng Nhuận Cầm).

Đó còn là nỗi đau di chứng chiến tranh mà họ là người không trực tiếp ra trận, mà phải mang nặng. Những đứa con của những người bố bị nhiễm chất độc Điôxin do giặc Mỹ rải xuống còn đó. Mười năm… hai mươi năm… những đứa trẻ vẫn nằm trơ trơ với một cơ thể “dị hình, khuyết tật”… Mỗi lần nhìn con, là người mẹ lại thêm một lần đứt ruột: “Nhìn con quằn quại mà đau/ Thương con mẹ gánh nỗi sầu khôn nguôi/ Nuôi con 19 năm rồi/ Khô dòng nước mắt, cạn lời thở than/ Mẹ chưa từng đến Trường Sơn/ Mà nay ôm trọn nỗi buồn chiến tranh” (Thơ của một chiến sỹ).

Nhiều người tuổi xuân đã vụt qua trong chờ đợi. Có người vướng những đứa con, không nỡ bỏ mà đi tìm hạnh phúc cho riêng mình. Có người đã nặng lời xưa với người ra trận cũng không nỡ quên trước vong linh những người con đã hy sinh vì nước. Nhiều người lại không còn đủ sức mà bước đi, vì già yếu, bệnh tật nên suốt đời chịu cảnh còm cõi một thân lẻ bóng với cái nghèo, cái khó: “Nhân gian trăm mối bong bóng/ Bao năm chị gánh chưa xong phận mình/ Gập gềnh mấy đoạn đường tình/ Cái nghèo cơm áo còn rình bám theo/ Già không thoát khỏi gieo neo/ Đến khi nằm xuống còn đeo nợ đời…” (Thơ Lê Hường)…

Còn biết bao nhiêu những vần thơ, lời ca xúc động như vậy. Nhưng, người phụ nữ Việt Nam, dù trong chiến tranh giặc dã, bom đạn… dù trong mưa gió, bão bùng, hạn hán, lũ lụt… họ đều vượt qua tất cả. Phụ nữ ngày nay đâu còn là những người “chân yếu, tay mềm”. Họ thực sự đã là những người phi thường, dũng mãnh… Nhiều người đã vươn lên hàng đầu trong nhiều lĩnh vực lao động, chiến đấu, học tập, khoa học, giáo dục, văn hóa, văn nghệ… Công sức, tài năng và trí tuệ của họ đóng góp cho xã hội, cho đất nước thật vô cùng lớn lao. Nhiều tên tuổi phụ nữ còn sáng mãi muôn đời trong sử sách và trong mỗi trái tim người Việt Nam. Họ thật xứng đáng và tự hào với 8 chữ vàng mà Bác Hồ kính yêu đã tặng: Phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.        

                                                            Ninh Bình, tháng 9/ 2021

(Nguồn: TC VNNB 256-10/2021)

Bài viết khác