Chủ nhật, 19/05/2024

Khoảng lặng sóng ngầm

Thứ sáu, 10/12/2021

PHẠM THỊ THÚY NGA

Nhà văn Nguyễn Trọng Tân sinh năm 1949 quê Phú Thọ. Ông tham gia kháng chiến từ năm 1966 đến năm 1976. Sau chiến tranh là giáo viên giảng dạy đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1984, ông chuyên tâm vào làm báo, viết văn. Ông tham gia phụ trách các tờ báo: Tuổi trẻ Thủ đô, Thanh tra, Dân tộc và phát triển, Tạp chí Văn học nước ngoài.

Về văn học, ông đã cho công bố 20 tác phẩm gồm các tập truyện ngắn, bút ký, tiểu thuyết. Nhà văn Nguyễn Trọng Tân đã được tặng nhiều giải thưởng văn học, trong đó tiểu thuyết “Thư về quá khứ”. Một tác phẩm mà ông dụng công rất lớn, chắp bút tới 18 năm (1998- 2016) và viết liên tục trong 2 năm (2014-2016).

Có lẽ đây là tác phẩm mà ông gửi gắm nhiều nhất tình cảm của mình. Nó lưu giữ hình bóng cuộc đời ông trong hình bóng một giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước. Nhà văn Ma Văn Kháng đã nhận xét về tiểu thuyết “Thư về quá khứ”: “Những chất liệu thẩm mỹ mới lạ dày đặc dồn dập thể hiện một bản lĩnh văn chương dày dặn của người viết… đó là chuỗi hình ảnh sinh động, chưa trở nên nhàm chán cũ kỹ và nhờ thế đã tỏa ra một trường lực hấp dẫn khá đặc sắc từ bên trong, có ý nghĩa như định hình, định tính cho các nhân vật của cuốn sách”. Trong lời đề từ cho tiểu thuyết của mình nhà văn Nguyễn Trọng Tân đã từng viết: “Mỗi mảnh kí ức là một câu chuyện, một lá thư. Thư về quá khứ! Một quá khứ đớn đau, hàm oan tăm tối! Một quá khứ phi nhân tính và bao điều phi lý kì quặc, bất nhẫn dối lừa… mang tên chiến tranh!”.

Ngòi bút của nhà văn Nguyễn Trọng Tân đã tái hiện cuộc sống cuộc chiến đấu của đất nước trong đó có sự đóng góp của các chàng trai làng Phù. Một làng quê mang số phận chìm nổi, cam go, khốc liệt đầy biến cố thăng trầm. Những người lính ra đi từ làng Phù cũng là hiện thân của thế hệ chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta những năm tháng không thể quên. Nhưng tác giả muốn dành tình cảm và sự quan tâm lớn nhất cho những người phụ nữ. Lớp người chịu đựng sự đau đớn, nhức nhối và hy sinh âm thầm vô cùng lớn lao. Thư về quá khứ được coi là bức tranh thu nhỏ về lịch sử chiến trận và xây dựng đất nước ta những năm gian lao nhất. Tôi không có tham vọng nói về tất cả những vấn đề mà nhà văn đề cập trong tiểu thuyết chỉ xin nói về số phận những người mẹ, người vợ người em, những nữ quân nhân, thanh niên xung phong. Dưới ngòi bút của nhà văn người đọc dường như bắt gặp họ ở đâu đó gần lắm trong cuộc sống những năm tháng đó.

Số phận, bi kịch của người phụ nữ bị đẩy xuống tầng sâu nhất, bộc lộ rõ nhất đó là khi diễn ra cuộc cải cách ruộng đất và chiến tranh, và ngòi bút của nhà văn vì thế mà đau hơn, xót xa hơn, thấm đẫm nước mắt hơn. Ngọn roi cải cách quất qua làng Phù để lại vết thương thật sâu, thật đau, thật khốc liệt, nó ám ảnh không chỉ những người bị quy kết là thành phần bóc lột những người dân làng Phù, mà còn ám ảnh với cả thế hệ người đọc sau này. Nếu như không có ngòi bút hiện thực của nhà văn thì người đọc dẫu có trí tưởng tượng phong phú đến mấy cũng không thể hình dung tại sao con người ta lại có thể đối xử với nhau độc ác, tàn nhẫn đến thế. Vừa mới là hàng xóm láng giềng tắt lửa tối đèn có nhau, thậm chí vừa là những người thân thích vậy mà bỗng chốc họ trở thành “kẻ thù” của nhau, “kẻ thù” mà không phải ở trên hai chiến tuyến, họ ở ngay trong làng, ngay cạnh nhau, thậm chí cùng mái nhà.

Những người từng ám ảnh sợ hãi vì bị quy thành phần bóc lột phải kể đến đó là bà Mận, chồng đi kháng chiến, một tay chăm chỉ tháo vát nuôi con chờ chồng, bà thuộc hộ nghèo của xóm vậy mà bỗng chốc bà được tôn lên làm thành phần cường hào ác bá bởi một lý do tưởng chỉ có trong tưởng tượng: bà là con dâu cụ Chánh tổng Hiếu mà cụ Chánh tổng đã chết từ hai chục năm trước. Đau đớn xót xa uất ức nhất là bị dân làng xa lánh, không ai dám đến gần mẹ con bà mặc dù họ biết mười mươi bà bị oan. Chỉ có mẹ và các em gái bí mật lặng lẽ tiếp tế cho mẹ con bà mới qua được đận lao đao, khốn khổ đó.

Rồi đến bà Én bị chính con rể đấu tố, cái kẻ đấu tố bà vốn là một tên thợ cày mồ côi được bà cưu mang rồi chăm chút rồi gả con gái cho, xây nhà, dựng cửa, chăm con, chăm cháu cho mà bỗng chốc trở thành “ông” đầy uy quyền mạt sát nhục mạ mẹ vợ như kẻ thù không đội trời chung vậy, nhưng chính màn đấu tố của Cấn - con rể bà Én với mẹ vợ mình như gáo nước lạnh dội vào người dân làng Phù để họ thấy được màn đấu tố là sự điêu hớt giả dối, họ nhận ra trắng đen, phải trái lẫn lộn, đảo điên hết cả. Khiến nhà văn phải cay đắng, chua chát thốt lên: “Những ông đội có tài phép gì mà biến một thằng khố rách được bà Én cưu mang đổi đời cho, nay trở mặt sấp ngửa như trò đùa thế nhỉ”.

Làng Phù chưa nổi trăm nóc nhà nhưng dưới tài phù phép của đội cải cách đã có đủ số gia đình để quy địa chủ, cường hào, phú nông” (Tr79). Thì ra để đủ số lượng mà những con người nắm quyền sinh quyền sát này không cần biết họ đang làm gì, họ để cho những kẻ chuối rễ như tên Cấn, Ngư chuột, rễ Thủ, đĩ Thớ mặc sức vì tư thù cá nhân vì thói ghen ăn tức ở vì sự bỉ ổi của mình mà mặc sức nhục mạ hành hạ những người gần gũi thậm chí những người có ơn với mình. Chính sự vô cảm, chính sự tư thù nhỏ nhen mà đã gây bao bi kịch cho những con người ở cái làng Phù nhỏ bé vốn quá nhiều đau thương mất mát này. Cái chết của cô Biển sau cái chết của chồng vì không chịu được sự uất ức, nhục nhã cô đã tự vẫn, rồi biết bao gia đình tan nát, ngay con gái bà Én vì không chịu được cảnh chồng mình hành hạ mẹ đẻ mà chị đã phải tự vẫn. Chính tác giả đã phải thốt lên cay đắng: “Cải cách ruộng đất giải phóng người nông dân thoát khỏi ách bóc lột của bọn địa chủ ác bá là một chủ chương lớn đem lại ruộng đất cho người cày tự do cho người nghèo. Nhưng cách làm tràn lan quan điểm dùng người của đội cải cách ở nhiều nơi làm cho ý nghĩa của cuộc đấu tranh giai cấp nhuốm màu thanh trừng trả thù ân oán cá nhân. Chọn rễ chuối từ những phần tử vô học, lười nhác, bợm đãi để thực hiện một ý tưởng nhân ái là nối giáo cho giặc. Đám vô sản lưu manh không bao giờ có thể đại diện cho giai cấp vô sản đúng nghĩa của nó” (Tr.96). Chính vì thế bao hậu họa, bao bi kịch đã xảy ra, bao nhiêu người bị chết oan khuất, tức tưởi. Hãy xem bà Chỉnh bị bọn “chuối, rễ” hành hạ thì mới thấy hết sự độc ác không khác gì những tên đồ tể: “Chúng bắt bà xắn quần lên đến bẹn rồi trói hai tay bà lại. Hai thằng đẩy bà ngâm mình trong nước ao tù hàng tiếng đồng hồ. Cái ao nhung nhúc đỉa. Những con đỉa to như đầu chiếc đũa cái. Ngửi thấy mùi người, đỉa cong người guồng tới. Đen ngòm cả mặt ao. Bà Chỉnh run cầm cập, nước mắt nước mũi đổ nháng, gập người lạy thằng Thủ với đám chuối rễ nhưng chúng không tha” (Tr.93,94).

Đau đớn thay, xót xa thay nạn nhân của cuộc cải cách đó phần nhiều là những người phụ nữ chân chất, lành hiền, thậm chí có người có chồng con đi kháng chiến, thậm chí có người cả đời sống trong nghèo khó.  

Trong chiến tranh nhà văn đã dành những trang tiểu thuyết và tình cảm thương xót của mình để nói về những người phụ nữ trực tiếp tham gia vào cuộc chiến. Họ là những y tá, nữ thanh niên xung phong, chiến sĩ hậu cần… Họ là những bông hoa trong cuộc chiến đầy cam go ác liệt. Họ làm dịu đi phần nào sự khốc liệt của cuộc chiến này. Tác giả tập trung xây dựng hình ảnh nữ y tá xinh đẹp Ngàn Chi, với vẻ đẹp và tâm hồn trong sáng thánh thiện với mối tình đầu thủy chung lãng mạn. Bằng tình yêu mãnh liệt, sự chăm sóc tận tình, Ngàn Chi đã giúp người yêu mình là Nhã thoát khỏi bàn tay tử thần để đưa anh về với cuộc sống dẫu còn nhiều gian khổ nhưng vẫn tràn ngập hạnh phúc, tình yêu để anh vượt qua tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ của người lính. Nhưng rồi chính người nữ y tá xinh đẹp dũng cảm ấy phải rời xa người mình yêu để làm nhiệm vụ ở mặt trận. Và Ngàn Chi đã hy sinh để lại nỗi đau cứ ám ảnh Nhã suốt cả cuộc đời.

Còn những người phụ nữ ở hậu phương họ không chỉ lao động góp công sức của mình vào công cuộc kháng chiến mà họ còn động viên con em mình lên đường chiến đấu. Khi chiến tranh đi qua, bao người con ra đi, bao người không trở về, bao người hy sinh nỗi đau lại chồng lên những đôi vai gầy, trũng thêm những đôi mắt buồn đè lên tấm lưng còng của bao người mẹ, người chị, người em, họ gánh những bi kịch của chiến tranh.

Trước hết phải nói đến chị Thứ câm, mẹ của Cao Mừng. Người phụ nữ mà cái tên đã đủ nói lên nỗi bất hạnh. Bất hạnh từ nhỏ, mồ côi cha mẹ, bị câm, chị Thứ lầm lũi sống. Khát vọng làm mẹ, khát vọng có một đứa con làm chỗ dựa tinh thần đã giúp chị vượt qua mọi định kiến, vượt qua mọi cực nhọc vất vả, vượt qua mọi mặc cảm thân phận để sinh và nuôi Cao Mừng lớn khôn trong sự sỉ vả, ghẻ lạnh của người làng. Đứa con chửa hoang Cao Mừng không được xã hội thừa nhận, không có chứng chỉ tồn tại (không được khai sinh, không được đi học) nhưng lại là người con anh hùng, dũng cảm nhất. Cao Mừng là chỗ dựa, nguồn năng lượng sống để chị Thứ câm vượt qua mọi khó khăn cực nhọc, vượt qua mọi cái nhìn dè bỉu, định kiến. Nhưng rồi trời đã không cho chị đường sống khi lấy đi của chị đứa con trai duy nhất ấy. Dập tắt mọi cố gắng mọi hy vọng của chị khiến chị suy sụp không thể gượng dậy được, không thể tiếp tục sống. Chị tìm đến cái chết để giải thoát cho mình, giải thoát cho một số phận bất hạnh đầy nghiệt ngã. “Tiếng gào thét của chị nếu có chỉ có thể lặn ngược vào ruột… Tiếng khóc của một người câm ghê rợn và quặn thắt. Tưởng có lúc như bật thành lời, nhưng vẫn chỉ là chuỗi âm thanh u ú như tiếng mèo hen, như giọng từ quy sặc nước. Vón cục lại bị chặn ứ trong ngực, trong họng nỗi đau không thoát ra khiến chị càng chết lặng” (Tr.401). Nỗi đau của chị Thứ câm là tận cùng nỗi bất hạnh, không thể sẻ chia, không thể vuợt qua, nó quá sức chịu đựng. Chị đã đốt nhà, đốt luôn cả kiếp sống đầy đắng cay tủi nhục của mình.

Bà Nhận, cô Bê đều là nạn nhân của chiến tranh nhưng nỗi đau của họ tăng lên gấp đôi khi cùng lúc mất đi hai người con ra trận. Người anh Lê Văn Bất chiến đấu và hy sinh như một anh hùng. Người con thứ hai Lê Văn Bỉ lại là kẻ phản bội. Một kẻ hèn nhát đảo ngũ. Bi kịch không của riêng gia đình bà Nhận. Nó là bi kịch chung của dân tộc ta những năm tháng đó. Nhưng cái cách mà người ta hành xử với người thân của họ thật bất nhẫn. Sau chiến tranh, đồng đội của liệt sĩ Lê Văn Bất đề nghị cô Bê ký đơn đề nghị truy tặng danh hiệu anh hùng cho anh trai lớn của mình, nhưng cô nhất quyết không ký. Cái cách mà người đời hành hạ bố mẹ cô đã ám ảnh hằn sâu vào tâm trí óc cô. Cô chỉ muốn được yên ổn để hương khói cho bố mẹ mình và hai người anh.

Nỗi đau của Bủ The cũng là nỗi đau tận cùng của người phụ nữ những năm tháng đất nước trải qua chiến tranh. Bủ có bốn người con, người con gái bị chết đuối từ nhỏ, ba người con trai đi chiến đấu mà không một ai trở về. Chẳng có bút nào tả xiết nỗi đau đó. Vợ chồng Bủ được chính quyền quan tâm được xây nhà tình nghĩa. Nhưng cái cách người ta quan tâm vừa cứng nhắc, vừa vô cảm như cứa thêm vào nỗi đau của Bủ, rắc thêm muối vào vết thương lòng của Bủ. “Nghe đám thanh niên say sưa hát mà nước mắt Bủ The cứ quánh bết lại. Nước mắt thương ba đứa con bò quanh trên gò má nhăn nheo. Khách khứa và đám thanh niên tình nguyện ra về là Bủ lại ngồi nhìn lên bàn thờ, suốt đêm không ngủ” (Tr.388). Không những thế còn những kẻ táng tận lương tâm muốn cướp đất của Bủ để mở rộng khuôn viên nhà chúng, đem nỗi bất hạnh của Bủ ra rủa xả: “Ăn ở thế nào mới thất đức thế chứ?. Có mấy thằng con chết tất. Đúng là đồ vô phúc mất mả” (Tr.398). Nỗi đau của Bủ The không ai có thể gánh đỡ. Nó cứ ngấm cứ cồn cào khiến Bủ “Sợ người ta ca ngợi Bủ là anh hùng, là tấm gương hy sinh cho đất nước” Để rồi Bủ phải lên “đề nghị chính quyền, đoàn thể từ nay đừng đến thăm hỏi nữa, nhất là đừng phát thanh ca ngợi Bủ nữa, đừng gọi Bủ là người mẹ anh hùng. Đừng cho đó là niềm tự hào, vinh dự nữa…” (Tr.398).

Tôi đồ rằng khi viết những trang này ngòi bút của nhà văn cũng phải ứa lệ, là một người lính trực tiếp ra chiến trường, chứng kiến đồng đội của mình ngã xuống, hy sinh đã đủ đau lắm rồi, chứng kiến nỗi đau của những người mẹ đã đủ xót xa lắm rồi nhưng chứng kiến cái cách người ta đối xử, hành xử với Bủ The, với bà Nhận thì quả là tận cùng nỗi cay đắng tủi cực. Có triết gia đã từng nói “Nhà văn là phần đau đớn của nhân loại”, còn nhà văn đã từng nói: “Người lính cầm bút nỗi đau còn nhân đôi”, hẳn người đọc cảm nhận rất rõ điều đó mỗi khi đọc lại tác phẩm “Thư về quá khứ”.

Mỗi câu, mỗi từ trong tiểu thuyết “Thư về quá khứ” cứ cồn lên cứ cứa vào tâm can người đọc. Không xót xa, không cay đắng, không hãi hùng sao được khi những bức họa bằng ngôn từ dung dị với bút pháp miêu tả chân thực và cảm xúc mãnh liệt của nhà văn cứ hiển hiện trong cật vấn người đọc. Chiến tranh, cải cách ruộng đất không chỉ có mất mát đau thương mà còn biết bao hệ lụy. Ngòi bút của nhà văn Nguyễn Trọng Tân dường như đau hơn, nhức nhối, day dứt hơn khi ông viết về những người phụ nữ. Nỗi đau của họ không chỉ là nỗi đau của số phận mà còn là nỗi đau của thời đại của lịch sử. Nỗi đau của số phận có thể mờ đi, phai đi, qua đi, nhưng nỗi đau của lịch sử thì còn mãi ám ảnh và nhức nhối.

P.N

(Nguồn: TC VNNB 257-11/2021)

 

Bài viết khác