Chủ nhật, 19/05/2024

Hoa Trường Sơn

Thứ sáu, 04/10/2019

Chèo ngắn của ĐĂNG THANH 

  Nhân vật:  - Cô Quế     - Cường                

                    - Cô Mây    - Ông Quỳnh

                    - Lưu

            Trong lán quân y ven đường Trường Sơn những năm chống Mỹ. Một cây quế rừng sum sê.

 Quế:

(Nói vần) Đỉnh đèo hoa vẫn còn bom nổ chậm.

Nhưng kìa! Một, hai, ba ... cả đoàn xe vẫn cứ vượt đèo

Đỉnh đèo hoa sao khéo cheo leo

Cao chín tầng mây rồi lại đổ ầm xuống vực.

Bom đạn Mỹ ngày đêm liên tục.

Nhưng ở đây vẫn sống một con đường

Con đường mang tên Bác Hồ từ Bắc nối về Nam

(Những tiếng chim hót)

Chim núi gọi, nhưng trời chưa sáng

Mở chiến dịch chạy ngày, nên đồng đội đã theo xe.

Chỉ còn tôi ở lại lán quân y

Giữa Trường Sơn bốn bề rừng che, núi chắn

Nhiệm vụ của tôi là chăm sóc một người chiến sĩ.

Trong trận chiến đấu đêm qua đã bị bom vùi.

(Cầm lên một lọ nhỏ)

Rượu quế ...! Ngâm từ vỏ quế rừng ...

Của cây quế này đây, mang nặng tình, nặng nghĩa

Năm tháng cùng ta chữa bệnh cứu người.

Trong khói lửa đạn bom vẫn vươn lên nẩy lộc đâm chồi

Vẫn hát vi vu trong mưa ngàn gió núi.

(Hát cải biên):

Cây quế Trường Sơn

Tắm mưa ngàn gió núi

Vẫn hát vi vu ... ơi cây quế Trường Sơn

Lửa khói quân thù,

Cứ nảy lộc tươi xanh theo tiếng gọi của Bác Hồ

Làm vị ngọt cho đời đi đánh Mỹ

Vỏ quế ngát thơm bền bỉ đậm đà

Chữa cho người sống lại thịt da

Cây quế Trường Sơn mang ân nghĩa bay xa

(Nói) Có thuốc rồi sẽ vơi dần đau nhức

Anh Lưu ơi cứ ngủ ngon trên cánh võng Trường Sơn

(Nói sử) Chiếc võng xanh màu đất nước quê hương

Như nôi mẹ ru anh hồi thơ bé.

(Rộn hẳn lên) Trời sáng rồi đất nước lại vào xuân

Vách đá quần phong lan, hoa nở trắng trên cành,

Thoang thoảng hương thơm chanh rừng, bưởi núi.

(Cầm tấm áo lên)

Tấm áo này đây chiến trận xông pha

Em vá lại cho người chiến sĩ

(Sử chuyện) Áo xanh, áo xanh tươi nhẹ nhàng

Này là mầu áo quân nhân

Mầu xanh, chứ mầu xanh đất nước

Vai gánh núi sông, đất trời

Thỏa cánh tay dài gạt bão táp với mưa sa

Khâu đường kim chỉ, tay em còn vụng

Nhưng vẫn đẹp đường tơ

Chỉ thắm ơn dân

Mang nghĩa của Bác Hồ

Em vá lại chỗ bờ vai đạn  xé.

Mây:

(Ra từ nãy đứng nhìn Quế) Chị Quế!

Quế:

- Kìa Mây! Em đến có việc gì?

Mây:

- Là giao liên, em mang tin vui cho chị.

Chính ủy sẽ ghé vào thăm

Quế:

Thế à? Vui quá! Bây giờ Chính ủy ở đâu?

Mây:

(Hát cách cú)

 Ở trạm giao liên

Nằm trên núi Ngọc

Họp bàn kế hoạch

Cử đoàn xung kích

Đưa những binh đoàn

Tiến vào chiến dịch Khe Sanh.

Quế:

- Thế là chuyến này em lại được tham gia chiến dịch Khe Sanh rồi.

Mây:

- Biết lán hôm nay chỉ còn mình chị nên Chính ủy bảo em đến giúp một tay cùng chăm sóc người chiến sĩ xem anh ấy thế nào?

Quế:

- Hay lắm! Em đến rất đúng lúc.

Mây:

- Thế cái anh chàng ấy đâu? Cho em vào thăm một tí nào.

Quế:

- Khoan, để cho anh ấy ngủ, không có dậy bây giờ là lại đòi đi

Mây:

(Sửng sốt) Kìa, mái tóc chị bị cháy. Thế mà lại dấu em ...

Tiếc quá, mái tóc chị dài, đen mượt nhất ở Trường Sơn, giờ bị cháy rồi, buồn quá!

Quế:

- Mây ơi! nhảy vào lửa cứu người chiến sĩ. Dẫu có cháy cả mái đầu chả ngại hy sinh. Chị chỉ lo khối óc với quả tim mình. Cứ lạnh đi trong những ngày đánh Mỹ.

Mây:

- Em biết! Nhưng...

(Hát đào liễu) Nặng nghĩa nặng tình. Trong gian lao chị Quế ơi, càng thắm nghĩa tình. Giữa nơi chiến trường khói lửa. Chị em mình càng thấy thương nhau. Tình người thắm thiết cao sâu

 (Nói) Bây giờ chị kể em nghe chuyện về người chiến sĩ này, có gì mà Chính ủy quan tâm đến thế?!

 

Quế:

- Mây ạ. Nửa đêm về sáng Chính ủy Binh đoàn trực tiếp chỉ huy. Năm chục chiếc xe, lưng cõng đầy hàng máy vẫn đều ga. Nhằm thẳng đỉnh đèo hoa vượt tới! ... Bỗng máy bay Mỹ từ bên kia ngọn núi. Bắt được ánh đèn bâu vào đuổi đoàn xe. Bom tấn bom bi xối xả bốn bề. Thế là cả đoàn xe của ta nằm gọn trong vòng vây của giặc.

 

Mây:

- Chết! Thế rồi sao hả chị?

 

Quế:

- Bỗng từ một nhánh đường khác, anh Lưu lái chiếc xe của mình, bật sáng hai pha cứ phóng lao trở lại đánh lạc mục tiêu. Thế là bọn giặc trời lao vào đuổi xe anh. Chớp được thời cơ, Chính ủy ra lệnh cả đoàn xe ta vượt qua trọng điểm rất nhanh. Anh đã hút đạn vào xe mình cho đồng đội tiến ra mặt trận.

 

Mây:

- Tuyệt quá!

(Hát cách): Chiến công xuất sắc tuyệt vời.

Là do mưu trí của người lái xe

Đường Trường Sơn mỗi ngày lại nở thêm hoa.

(nhanh nhẩu) Để em vào nhìn người chiến sĩ một tí nghe chị

 

Quế:

(Ngăn lại) Đã bảo để yên cho anh ấy nghỉ. Không có dậy bây giờ lại đòi đi. Đây, cho Mây xem cuốn nhật ký của anh Lưu đây này.

 

Mây:

- (Cầm cuốn sổ) Ôi! Chị Quế ơi, anh ấy ghi lời mẹ dặn lúc lên đường đây này! (đọc) "Lưu ơi! Nước còn giặc. Mẹ cho con đi đánh giặc. Tiếp bước cha con đã hành quân suốt mấy chục năm trường. Cái buổi mẹ tiễn cha lên đường, kể con nghe rồi phải nhớ! Đừng làm mờ truyền thống quê hương ..."

Đấy là lời mẹ dặn ... còn trang anh ấy ghi về bố nữa đây này: "Bố ơi! Mười mấy năm bố ở chiến trường xa. Con không được gặp. Mẹ vẫn chờ trông... Tình bố trong con luôn như ánh trăng trong. Soi mát tận cõi lòng thơ trẻ. Bố như ngôi sao sáng đường con đánh Mỹ. Chứ không phải là nhịp cầu để con bước tới bến vinh quang".

 

Quế:

- (reo lên) Hay quá! Anh Lưu ơi lời anh sao tha thiết. Mà giản dị đường hoàng ... Nghe lời anh càng rõ việc anh làm. Càng thêm quý thêm thương người chiến sĩ.

(cả hai cùng hát)

(sa lệch chênh) Ước gì như cánh chim bay. Bay đi khắp nẻo trời mây tìm người. Cho cha anh được biết tin vui.

(Quế nói) - Thôi, bây giờ ... Mây ở nhà trông người chiến sĩ. Chị đi điện, báo cáo với Chính ủy. Nồi cháo đậu xanh kia, em nấu thật nhừ. Phải nhớ, khi anh ấy dậy là không được cho ra khỏi lán!

 

Mây:

- Vâng, chị cũng đi nhanh mà về đấy nhé.

(Quế đi ra khuất)

Lới lơ:

Thơm thơm hương gỗ cây lim. Lửa hồng sưởi ấm những tình thương. Tiếp thêm sức sống cho chiến sĩ lên đường lập công

(Mây đi vào trong - một lát sau Lưu nhẹ nhàng đi ra, ngơ ngác)

 

Lưu:

- Tôi vừa nghe ... Tiếng cười khúc khích. Tỉnh dậy có một mình, cô Quế bỏ đi đâu? Ôi! Rừng phong lan hoa nở trắng trên đầu. Chưa tìm được bạn dạ vẫn sầu, vẫn nhớ (gọi to) Cường ơi! Ơi Cường! Vẫn chẳng thấy tăm hơi.

(ngâm sổng): Trong ngủ mơ xe. Tỉnh ra thương bạn. Gió thổi cây rừng. Nghe tiếng sáo ngân vang.

(sa lệch chênh): Nhìn con đường đỏ Trường Sơn. Nhớ đoàn xe chạy tắm cơn mưa rừng. Tai nghe tiếng sáo vang lừng

(xuống nhịp đuổi): Ta đi xuyên núi băng rừng. Rừng bao nhiêu lá thương Cường bấy nhiêu. Xa nhau để nhớ nhau nhiều.

(có tiếng sáo vọng vào rất tha thiết) kìa tiếng sáo! Thôi đúng rồi, tiếng sáo của thằng Cường đang thổi. Đúng là tiếng sáo của Cường rồi (gọi to) Cường ơi! (chạy vụt đi)

 

Mây:

 (Từ bên trong mang cháo ra)

(cách cú) Nồi cháo thơm ngon. Đậu xanh em xiết. Thêm đường cho ngọt. Anh ăn khỏi mệt. Em mới yên lòng. Chị Quế về ắt sẽ phải khen (nhìn vào trong kêu lên). Ôi! thôi chết rồi, anh Lưu đi đâu rồi? (gọi to) Anh Lưu ơi? Anh Lưu! Làm sao được bây giờ, chị Quế? À, súng đạn hãy còn đây. Mà còn cả cuốn sổ tay ghi nhật ký nữa cơ mà! Được rồi! ... thương binh Lưu thì không thể đi bằng người khỏe. Con sóc này sẽ tóm được cho mà xem (ra nhanh - sân khấu ngừng một lát)

 

Mây:

- (kéo tay Lưu trở vào). Không. Anh cứ vào đây đã. Đợi chị Quế về rồi anh hỏi mà đi.

 

Lưu:

- Đợi cô Quế về thì còn nói mà làm chi. Tôi với thằng Cường lạc nhau từ tối hôm qua. Cô cứ để tôi đi tìm Cường cái đã.

 

Mây:

- Không được! Đã nguyên tắc là phải dứt khoát. Xin cứ mời anh vào ăn cháo đi cho.

 

Lưu:

- Thế tôi hỏi, cô với cô Quế quan hệ với nhau như thế nào ấy nhỉ?

 

Mây:

- Bạn chiến đấu!

 

Lưu:

- Bạn chiến đấu mà cũng chẳng thân nhau là mấy? Nhỡ ai có mệnh hệ gì thì cũng cảm thấy bình thường, có phải thế không cô?

 

Mây:

- Anh nói dở lắm. Ai chả có tình thương. Nếu không thì đêm qua ai đưa anh về đây cứu chữa. Tôi với chị Quế còn thương nhau hơn thế nữa. Miếng lương khô bẻ nửa, mảnh lược gỗ chia đôi. Không thương nhau sao được!?

 

Lưu:

- Đấy! Cô với cô Quế thương nhau thì chia sẻ ngọt bùi. Còn tôi với Cường chung một chiếc xe thì phải đôi nơi cách trở. Thôi, lòng vả cũng như lòng sung, cô cứ thả tôi ra. Cho tôi đi tìm Cường cô ạ.

 

Mây:

- Nhưng anh còn đang mệt kia mà?

 

Lưu:

-Không, nếu gặp được Cường tôi sẽ khỏe ngay thôi.

 

Mây:

- Thôi được! Nhưng nếu anh làm sao? Chị Quế về là anh phải nhận đấy nghe chưa?

 

Lưu:

- Rõ! (Đi, Mây đi theo, Lưu quay lại với Mây). À, nhưng mà cô đi theo tôi để làm gì?

 

Mây:

- Là giao liên, tôi phải dẫn anh đi. Mà biết đâu nhỡ ra kia gặp anh Cường lại bốc lên xe phóng đi mất, chẳng lẽ tôi đứng dương mắt ếch nhìn à? Chả dại, "cẩn tắc vô áy náy" các cụ đã dạy rồi, mà cánh lái xe các ông liều lắm. (Họ đi ra, sân khấu vắng một lát, Quế về nhìn quanh ngơ ngác, bối rối)

 

Quế:

- Kìa! Sao võng nhẹ tênh. Người không thấy. Anh Lưu vừa nằm đây, giờ đã đi đâu, Mây ở đây chắc cũng đi tìm theo?... Đường Trường Sơn vách đá dựng cheo leo. Máy bay địch vẫn ngó nhòm từng phút. Chính ủy đến vào lúc nào chẳng rõ. Sao ruột gan mình bỗng thấy nao nao.... (sắp chênh) gió rừng cuốn lá lao xao. Mình ta ngóng đợi biết bao nhiêu người. Có một con chim bay vút lên trời (vào trong)

(sân khấu vắng một lát thì Mây và Lưu đi vào)

 

Mây:

- Anh vào đây! Anh ngồi xuống đây!

(sắp chợt) Bây giờ anh không được đi đâu. Nếu anh chẳng nghe, tôi về báo cáo cấp trên phê bình anh, anh đã rõ chưa. Anh làm tôi cũng bị phê bình.

 

  Lưu:

- Ai phê bình cô nào?

 

Mây:

- Chị Quế chứ còn ai nữa. Đã bảo người còn yếu mà cứ đòi đi. Cũng may đấy, hôm nay mà anh lăn đùng ra đấy thì tôi cũng chết!

 

Quế:

(ra) - Kìa Mây!

 

Mây:

- Chị Quế! Anh Lưu ...

 

Quế:

- Thôi! bây giờ em đi đón Chính ủy hộ chị nhé

 

Mây:

- Chính ủy đến rồi hả chị?

 

Quế:

- Chưa. Ở núi Ngọc đang bắt đầu đi

 

Mây:

- Thôi ... xin chào đồng chí Lưu ạ (đi ra)

 

Quế:

- Anh Lưu! Chân anh có còn đau không? Mà sao ...?

 

Lưu:

- Báo cáo đồng chí Quế ... tôi ... tôi xin nhận khuyết điểm.

 

Quế:

- Được rồi, anh vào ăn cháo đi rồi tiêm thuốc

 

Lưu:

- Đồng chí cứ yên tâm, sức khỏe của tôi đã trở lại bình thường. Để tôi đứng đây ngắm cảnh (im lặng)

 

Quế:

- Anh thấy chỗ chúng tôi ở thế nào? Được không?

 

Lưu:

- Đẹp lắm! Kìa! Mây! Mây trắng bồng bềnh cuốn ngang núi tím. Mây ùa vào trong lán của chúng ta.

 

Quế:

- Ở Trường Sơn vẫn thế! Lại có cả sương. Sương lạnh nấp trong mây. Gió, gió đổ về xào xạc rừng cây. Trời trở lạnh, chắc là anh rét đấy. Anh Lưu ơi. Tấm áo cháy bên vai, em đã vá lại rồi. Anh mặc thêm vào cho khỏi lạnh. Dù gió núi mưa ngàn vẫn ấm bước hành quân (luyện năm cung): Áo chắn bom thù. Người với áo lập công. Mỗi chuyến xe qua. Bon ra tiền tuyến thắm thêm tình quê hương. Anh nhìn đường kim, mũi chỉ có vụng về. Xin anh đừng cười, cô gái Trường Sơn. Tay em quen trồng bẻ quế, đào sâm, hái rau rừng. Đường tơ có đôi phần còn chưa óng mượt xin anh đừng cười chê.

 

Lưu:

- Cảm ơn cô đã chăm sóc tận tình. Đi chặng đường xa càng thấy xích lại gần tình nghĩa. Ai đã cứu tôi trong cơn máu lửa. Làm thuốc quế rừng gánh hộ nỗi đau thương. Giờ gặp nhau đây còn bận việc chiến trường. Đánh Mỹ xong mời về thăm quê hương tôi ... và thăm ...

 

Quế:

- Thế quê anh ở đâu ta?

 

Lưu:

- Quê hương tôi có sông Vân núi Thúy, có Ngọc Mỹ Nhân, có cửa biển Kim Đài.

 

Quế:

- À. Ninh Bình! Đúng không? Nếu đúng là quê Ninh Bình thì thơ mộng lắm.

 

Lưu:

- Đúng! Cô Quế về, tôi sẽ đưa lên thăm núi Thúy. Nơi những ngày đen tối, anh Lương Văn Tụy cắm lá cờ Đảng bay cao. Thăm chiếc trống Quỳnh Lưu khi kháng Nhật thúc gọi phong trào. Xem mũi chông tre lúc chống càn của du kích Khánh Trung, Khánh Thiện. Thăm lịch sử ngàn năm về trước. Tôi sẽ đưa cô đến Cố đô Hoa Lư cổ kính rêu phong. Quê hương của Đinh Bộ Lĩnh, người anh hùng dân tộc. Đã có công dẹp loạn 12 sứ quân. Thống nhất sơn hà lên ngôi Hoàng đế. Rồi đặt tên nước là Đại Cồ Việt. Cách đây hơn một ngàn năm về trước.

 

Quế:

- Anh Lưu! Nhớ lịch sử quê hương quá nhỉ? (Im lặng một mình) Tôi phải hỏi những điều mà anh ấy ghi trong nhật ký xem sao? Thế bác gái, bác trai ở nhà có khỏe. Anh ra đi chắc hai bác nhớ thương nhiều?

 

Lưu:

- Mẹ tôi ở nhà vẫn khỏe ... còn cha tôi ... cũng đánh giặc trong này.

 

Quế:

- Thế ông cụ cũng đi bộ đội à?

 

Lưu:

- Vâng, cha tôi đi chiến đấu. Mười mấy năm rồi tôi chưa được gặp lại một lần. Mẹ tôi kể ngày xưa, cảnh nhà nghèo lắm, nghèo đến nỗi bà phải tiễn chân chồng bằng một dúm gạo rang. Dưới gốc đa đầu làng... cây đa bây giờ vẫn còn đứng đó (hào hứng lên) cô Quế ạ, mẹ tôi còn kể: Thắng trận Điện Biên về cha tôi trồng cây đào trước cửa. Cây đào hoa cứ nở đỏ mỗi mùa xuân. Rồi cha tôi lại đi đánh Mỹ. Mở đường cùng đất nước hành quân. Tôi vẫn nhớ vòng tay cha tôi bế tôi trước lúc đi xa. Rồi cứ vẫy vẫy năm tôi mới lên sáu tuổi. (ngâm thơ) Kể chuyện gia đình lòng bỗng nhớ. Cây đào trước cửa đã sang xuân. Tóc sương, bóng mẹ tảo tần. Tình làng nghĩa xóm xa gần có nhau.

 

Quế:

- Anh Lưu ạ, đất nước đánh giặc trường kỳ, hoàn cảnh gia đình nào chẳng thế. Chúng ta phải xa cha, xa mẹ. Để rồi đây đoàn tụ đến muôn đời. Phải không anh? (Đi vào trong)

 

Lưu:

(Nhìn theo Quế) cô ấy nói hay quá!

 

Cường:

- (vào phát hiện thấy Lưu) Kìa Lưu!

 

Lưu:

(Nhận ra) Cường! (Họ ôm chầm lấy nhau)

 

Cường:

- Khỏe chưa?

 

Lưu:

- (gật đầu) Thế xe đâu rồi?

 

Cường:

- Yên tâm! Sau lúc vắng cậu mình lái rất đẹp!...

 

Quế:

- (ra nhìn hai người) Anh Cường! Đêm qua xe đi có được an toàn. Hàng có đưa đến nơi đến chốn?

 

Cường:

- Tốt lắm đồng chí ạ. Tôi lái xe vào đến K5. Giao hàng xong thì gà rừng vừa gáy. Bởi thương Lưu, lòng tôi như lửa cháy. Tôi nhảy lên xe, nổ máy, phóng tìm ngay!

Hát sắp: Trên đường bất chấp đạn bom. Vững vàng tay lái bon bon vượt đèo (với Quế) Thôi xin đồng chí, chúng tôi đi thôi! (khoác ba lô của Lưu định chạy đi)

 

Quế:

- (ngăn lại) khoan đã các anh chưa thể đi được

 

Cường:

- (trố mắt) Sao thế?

 

Quế:

- Bởi lẽ thứ nhất: Thương binh Nguyễn Văn Lưu tôi còn trách nhiệm; Lẽ thứ hai là Chính ủy Binh đoàn tôi sẽ đến thăm anh Lưu

 

Cường:

- Chính ủy đến thăm? ... Ghê quá nhỉ?

 

Quế:

- Bởi chiến công đêm qua của anh Lưu đối với binh đoàn của chúng tôi là xuất sắc! Rất đáng biểu dương!

 

Lưu:

- Đồng chí Quế ạ! Chiến công đêm qua là chiến công chung. Chứ riêng anh em tôi có gì đáng kể ạ. Xin đồng chí …

 

Quế:

 

- Đây là lệnh của Chính ủy chúng tôi còn tùy ở anh Lưu, ý thức kỷ luật của quân nhân quyết định. (ngừng ngắm)

 

Cường:

- (Với Lưu) Thế nào hả ông bạn?

 

Lưu:

- Lệnh của trên ta phải chấp hành! Cứ ở lại đợi xin Chính ủy

 

Cường:

- Không được! Nếu ở lại đây, chiều nay lỡ chuyến ... bây giờ thế này ... Mình đánh xe về lấy hàng, chiều ra đón Lưu tại đây, được không nào?

 

Lưu:

- Mình rất tiếc, nhưng đành... vừa được việc chung lại chấp hành kỷ luật.

 

Cường:

- Mình đi nhé! Xin chào đồng chí Quế ạ! (chạy vụt ra)

 

Quế:

- (mỉm cười) Thôi, anh Lưu vào ăn cháo đi (Lưu vào, Quế vào theo, sân khấu ngừng 1 lát) (đồng ca hát cách vang lên): Ai đi phơi phới trời mây. Gió sương đã trải, dạn dầy đã qua. Vì dân vì nước xông pha.

 

Mây:

- (chạy vào) Chị Quế ơi? Chị Quế (Quế đi ra). Chính ủy đến!

 

Quế:

- (Vui hẳn lên) Thế à?

 

Chính ủy: - (vào) Kìa, chào đồng chí Quế!

 

Quế:

- (quay lại phía Chính ủy) Dạ, chào Thủ trưởng ạ.

 

Chính ủy: -Thế nào, trận chiến đấu đêm qua ... nghe Mây nói mái tóc    của cháu bị cháy có nhiều không?

 

Mây:

- Dạ ... báo cáo Chính ủy, tóc của chị ấy trước dài và dầy một nắm thế này này ... mà bây giờ chỉ còn một nửa. Chị ấy bảo không lo rồi nó sẽ lại xanh như cũ ạ.

 

Chính ủy

- Đúng! Đúng là không lo. Nhưng các cháu ạ, cũng rất cần ... một mái tóc trên đầu người con gái. Trong khói lửa, đạn bom phải giữ sao cho xanh mãi. Như lúc ở nhà với mẹ với cha. Bác biết khi cách mạng cần các cháu có thể xả thân ra. Nằm xuống đất tóc lại nở thành hoa chiến thắng. Có phải thế không?

 

Quế:

- Dạ ...

 

Mây

- Dạ, đúng ạ!

 

Chínhủy:

- (cười) Quà của cháu Quế đây!

 

Mây:

- Kẹo à thủ trưởng?

 

Chính ủy:

- Đây là bột hà thủ ô mọc ở rừng. Bác sĩ Đính bảo cho Quế uống để mau xanh tóc.

 

Quế:

- Dạ ... xin cám ơn Chính ủy ạ

 

Chính ủy:

- (nhìn quanh) Người chiến sĩ ấy nằm đâu, sức khỏe ra sao rồi?

 

Quế:

- Dạ ... báo cáo Chính ủy, anh ấy đỡ rồi ạ.

 

Chính ủy:

- (với Quế) Tốt lắm! Đồng chí ấy bị thương mà không có cháu là gay rồi đấy (ngừng) thế anh ta ở binh trạm nào, hay từ miền Bắc mới vào?

 

Quế:

- Dạ ... ở binh trạm 26 ạ

 

Chính ủy:

- 26 à?...Đồng chí ấy thật là dũng cảm! Phá vòng vây, hút đạn quân thù. Trong khi đoàn xe ta gặp lúc hiểm nguy. Hành động của đồng chí ấy đã trở thành điểm sáng. Nhờ đồng chí ấy mà đoàn xe của mình vượt qua bão tố. Bom đạn của Ních Sơn rút cục chỉ là những đốm ma trơi! Cả đoàn xe ta tới đích kịp thời. Tiếp lửa cho đồng đội phá tan đồn giặc (ngừng). Đảng ủy binh đoàn đánh giá đây là chiến công rất đặc biệt. Của tư tưởng "giáp mặt quân thù là chỉ có tiến công"! Nên quyết định cho toàn Binh đoàn noi gương người chiến sĩ ấy. Tôi đến thăm và hỏi thêm cho rõ (ngừng với Quế). Thế đồng chí cho nhận xét về người chiến sĩ này?

 

Quế:

- (chân thành) Báo cáo Thủ trưởng... Anh ấy còn rất trẻ, nhưng qua tiếp xúc thì tôi lại thấy anh ấy có cách nghĩ thật là hay và mưu trí khi giáp mặt với địch ạ.

 

Mây:

- (đưa cuốn nhật ký của Lưu) Dạ... xin mời Chính ủy xem quyển nhật ký của anh ấy ạ.

 

Chính ủy:

- (cầm cuốn nhật ký)  Nguyễn Văn Lưu. Tên anh ấy là Lưu à?

 

Quế:

- Dạ ... Chính ủy!

 

Chính ủy:

- Ử... không... mà phải rồi... đất nước! Đất nước có biết bao nhiêu thằng tên Lưu ra trận, thằng Lưu nào cũng đánh giặc với làm thơ ... Đất nước có biết bao nhiêu bố thằng Lưu hành quân mái tóc đã bạc phơ! Đất nước có biết bao nhiêu người mẹ thằng Lưu tiễn chồng, tiễn con đi đánh giặc?! Lưu ... có phải Lưu ...

 

Quế:

- Dạ ... ! Chính ủy nói gì ạ? ...

 

Chính ủy:

- À... các cháu vào đưa người chiến sĩ ấy ra đây!

(Quế và Mây đi vào, Chính ủy nói một mình)

Mải việc quân ... nay ta bỗng nhớ. Bởi sự tình cờ người chiến sĩ này, tên là Nguyễn Văn Lưu. Đã mười mấy năm xa nhà không biết ra sao? ... Lưu đã làm gì, mẹ Lưu giờ có khỏe? Vì ngày tôi vào Nam Lưu còn thơ bé! Ừ nhỉ! Nhưng cứ mỗi độ xuân sang... trước cửa nhớ cây đào! Tôi biết quê hương còn trải lắm gian lao. Ở chiến trường... mỗi lần bưng bát cơm ăn biết là có công sức của vợ con, quê hương, đồng chí. Mải việc nước bởi còn quân giặc Mỹ. Nhưng tôi vẫn thương nhớ mẹ thằng Lưu chung thủy tảo tần. Năm xưa đã tiễn tôi đi... Có phải nay lại cho con tiếp bước hành quân! Cùng dân tộc giành tự do độc lập... Mẹ thằng Lưu ơi! Có phải đây là con của chúng ta không? Người chiến sĩ vô cùng dũng cảm... Nếu đúng thế thì... mẹ thằng Lưu  là tấm gương cho con chiến thắng!... (Quế đưa Lưu ra)

 

Quế:

- Báo cáo Chính ủy... anh Lưu đây ạ...

 

Lưu:

- (đứng nghiêm) Báo cáo... Tôi, Nguyễn Văn Lưu có mặt!

 

Chính ủy: - Đồng chí Lưu đã khỏe hẳn chưa?

 

Lưu           - Báo cáo Chính ủy... Được đồng chí Quế chăm sóc, sức khỏe   của  tôi đã trở lại bình thường, xin Chính ủy cho tôi được trở về chiến đấu!

 

Chính ủy: - Cứ yên tâm... thế quê đồng chí Lưu ở đâu nhỉ?

 

Lưu:

- Dạ... thưa... quê tôi ở Ninh Bình... xóm Núi ạ

 

Chính ủy:  - (thảng thốt) Ninh Bình, xóm Núi? (đến gần) Thế mẹ ở nhà...

 

 

Lưu:

- Dạ... thưa Chính ủy. Mẹ tôi ở nhà vẫn khỏe. Nước còn giặc mẹ cho đi theo bước chân của bố ạ.

 

Chính ủy:

- (cảm động) Nước còn giặc mẹ cho đi theo bố... ? Lưu

 

Lưu:

- Dạ... thưa... Bố cháu cũng đi đánh giặc Mỹ. Mười mấy năm nay cháu cũng chưa được gặp lại một lần ạ.

 

Chính ủy:

- Thế cây đào trồng ở trước sân... nếp nhà tranh ba gian đã có gì thay đổi?

 

Lưu:

- (ngạc nhiên) Ơ! Thế bác biết nhà cháu ạ?

 

Chính ủy:

- Thì chính người trồng cây đào ấy đây, sao không biết. Mẹ sinh ra cháu tên là Côi, vì ngày xưa là một cô gái mồ côi.

 

Lưu

- Vâng! Mẹ cháu lấy bố cháu là ...

 

Chính ủy

- Là Quỳnh! Và đặt tên con là Lưu! Lưu! Lại đây con, bố đây!

 

Lưu

- Kìa! Bố! (hai bố con ôm lấy nhau trong khúc hát đồng ca hậu trường)

(quân tử phu dịch): Lớp trước cha đi, con còn thơ nhỏ. Nhưng đất nước chưa tan Mỹ, ngụy. Mẹ lại cho con tiếp bước quân hành. Đầu bạc, đầu xanh chung chiến hào. Mũ cài sáng những ngôi sao. Hoa Trường Sơn nở thắm chào nước non!

 

Lưu:

- Bố (Quế vào, kéo cả Mây ra khoe)

 

Chính ủy:

- Con! Cha không ngờ.... người chiến sĩ kiên trung lại chính là con

 

Lưu:

- Bao ngày con mong được gặp cha. Riêng, chung lẫn lộn chan hòa niềm vui

 

Chính ủy:

- Con ơi! Cha con ta gặp nhau trên đường đánh Mỹ. Con đường Trường Sơn. Con đường Hồ Chí Minh vĩ đại. Con đường nối liền nghĩa Bắc tình Nam.

 

Quế+Mây:

- (nói tiếp) Ta mở hội anh hùng trên đỉnh Trường Sơn (đồng ca bài hát cải biên): Trường Sơn! Trường Sơn cao ngất tầng mây. Con đường cha đang bước. Có chúng con đây bước cùng. Đường Trường Sơn ta đi, hoa nở những anh hùng ...

                                                             Hạ  màn

 

 

                                                                                  Đ.T

 

 

 

 

 

Bài viết khác