Chủ nhật, 19/05/2024

Đặng Văn Tờ, người Đảng viên đầu tiên của Chi bộ Trường Yên

Thứ tư, 24/07/2019

NGUYỄN KIM CÚC
Năm 1927 Chi bộ Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ở Trường Yên được thành lập, là một trong  ba chi bộ đầu tiên của tỉnh Ninh Bình (chi bộ Quỳnh Lưu, Côi Trì, Trường Yên). Chi Bộ gồm có ba đồng chí: Đặng Văn Tờ, Dương Văn Quang, Nguyễn Hữu Trụ.

Vào năm 1929, Tỉnh ủy Đông Dương Cộng sản đảng lâm thời được thành lập ở Việt Nam. Tờ báo của Đảng bộ ra đời, được đặt tên là báo “Dân cày” để làm tài liệu tuyên truyền Cách mạng. Số báo đầu tiên ra mắt độc giả ngày 1/11/1929, do đồng chí: Lương Văn Tụy, Nguyễn Văn Hoan biên tập, được phát hành với nội dung tố cáo sự bóc lột dã man của bọn đế quốc, kêu gọi nhân dân đoàn kết đứng lên đấu tranh chống đế quốc và bọn tay sai phản động.

Đêm mồng 6 rạng ngày mồng 7 năm 1929 để kỷ niệm Cách mạng tháng 10 Nga lần thứ 12 (7/11/1917 – 7/11/1929), Đảng bộ Ninh Bình cho chủ trương treo cờ đỏ búa liềm trên núi Non Nước, và giải truyền đơn tại thị xã Ninh Bình. Đồng chí Đặng Văn Tờ được giao nhiệm vụ giải truyền đơn ở thị xã Ninh Bình, những nơi đông dân cư như: Chợ Rồng, mấy đường phố chính.  Đồng chí  Tờ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được đảng giao cho; xứng đáng là người đảng viên đầu tiên của chi bộ xã Trường Yên. Sáng ngày 7 tháng 11 năm 1929, cờ đỏ búa liềm mang dòng chữ: “Đông Dương Cộng sản đảng”, “Ủng hộ Xô – Nga”, “Xô – Nga vạn tuế” tung bay trên đỉnh núi Non Nước. Truyền đơn, cờ Đảng, áp phích, khẩu hiệu…xuất hiện ở chợ Rồng và các phố trong tỉnh Ninh Bình.

Thắng lợi nối tiếp thắng lợi, ngày 15/11/1929 , tỉnh ủy Ninh Bình cho phát hành tờ báo “Dân cày” số hai, giới thiệu sự kiện và tuyên truyền Cách mạng, vạch rõ tội ác của đế quốc và phong kiến; khơi dậy tinh thần yêu nước, căm thù giặc trong quần chúng nhân dân. Cổ vũ động viên kịp thời việc tổ chức tuyên truyền kỷ niệm ngày Cách mạng tháng 10 Nga vĩ đại.

Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào Cách mạng ở Ninh Bình khiến thực dân Pháp hoảng sợ. Ngày 18/11/1929  Pháp mở cuộc đàn áp, khủng bố lớn, cho lính và bọn tay sai lùng sục những nơi nghi ngờ có tổ chức Cộng sản đảng. Hàng chục đảng viên, quần chúng Cách mạng bị địch bắt. Trong đó có ba đồng chí: Lương Văn Tụy, Đặng Văn Tờ, Nguyễn Văn Hoan. Đứng trước quân thù đồng chí Tờ vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sỹ Cộng sản. Ngày 28 tháng 4 năm 1930, thực dân Pháp đưa đồng chí  ra tòa Thượng Thẩm Hà Nội, xử phạt  mức án 5 năm tù khổ sai và đưa đi giam ở nhà tù Sơn La.

Thời kỳ mặt trận dân chủ Đông Dương năm 1936 – 1939, sau khi vượt tù trốn ra hoạt động Cách mạng, đồng chí bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai, lần này chúng giam đồng chí ở nhà tù Lai Châu. Ngày 19 tháng 10 năm 1943 đồng chí hy sinh tại nhà tù Lai Châu.

Từ  các phong trào những thập kỷ 30, 40 của thế kỷ XX, chi bộ xã Trường Yên, Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình đã phát huy truyền thống chống ngoại xâm, góp sức mình cùng cả nước làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám. Năm 1987, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Phạm Hùng đã ký quyết định số 151 ghi công và truy tặng danh hiệu liệt sỹ cho đồng chí  Đặng Văn Tờ.

Có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc hôm nay, chính là nhờ xương máu của bao nhiêu chiến sỹ cách mạng, đã hy sinh cho quê hương đất nước. Trường Yên, Ninh Bình và quê hương ta nói chung mãi mãi nhớ ơn và tự hào về những tấm gương sáng ngời như đồng chí Đặng Văn Tờ!                                                                                   

K.C

Bài viết khác