Chủ nhật, 19/05/2024

Danh nhân Phạm Thận Duật

Thứ hai, 01/04/2019

PHẠM THỊ NHU

Phạm Thận Duật có hiệu là Quan Thành, hiệu là Vọng Sơn (tên một ngọn núi ở quê ông), sinh ngày 24 tháng 9 năm Ất Sửu ( tức 4.11.1825)  dưới triều vua Minh Mạng tại làng Yên Mô Thượng, tổng Yên Mô, nay là xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình trong một gia đình nhà nho nghèo nhưng có truyền thống hiếu học nhiều đời, tại vùng quê văn hiến có nhiều nhà khoa bảng. Phạm Thận Duật mồ côi cha từ năm lên 9 tuổi, mẹ phải tần tảo sớm hôm nuôi con ăn học, ngay từ tấm bé đã bộc lộ phẩm chất của một sỹ phu chân chính. Năm 1850, khi vừa 26 tuổi ông đã đỗ cử nhân. Từ năm 1851 ra làm quan với chức Giáo Thụ phủ Đoan Hùng, rồi Tri châu Tuần Giáo. Hơn hai mươi năm sau làm việc ở Bắc Ninh từ quan đầu huyện tới quan đầu tỉnh. Từ năm 1856, về kinh làm Tả tham tri Bộ Lại kiêm Phó đô Ngự sử. Sau 2 năm làm Khâm sai Hà đê sứ phụ trách trị thủy 6 tỉnh vùng tả ngạn sông Hồng, ông  lại về Kinh đảm nhiệm Thượng thư Bộ Hình, Phó Tổng tài Quốc sử quán kiêm Quản Quốc tử giám, Đại thần Viện Cơ mật, Hiệp biện Đại học sĩ.

Ngay từ những ngày đầu ra làm quan, và sau đó suốt chặng đường hoạn lộ dài trên 30 năm đầy khó khăn gian khổ, kinh qua bao chức vụ từ nhỏ đến lớn, ở địa phương cũng như ở trung ương, Phạm Thận Duật đã tỏ ra là một người có tài và trong bất cứ lĩnh vực công tác nào được giao luôn tỏ ra là người có năng lực, mang hết sức mình phục vụ, một lòng vì dân vì nước. Ngày 5/7/1885, sau sự biến kinh thành Huế, ông cùng với Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi ra sơn phòng Quảng Trị. Tại đây Chiếu Cần Vương đã ra đời. Trong “Chiếu Cần Vương” của vua Hàm Nghi, có ý kiến đã khẳng định chính Phạm Thận Duật là tác giả, hoặc chí ít cũng là “đồng tác giả” với các đại thần chủ chiến trong Viện Cơ mật của triều đình. Ngày 26/7/1885, ông nhận lệnh ra Bắc chiêu tập nghĩa sỹ Cần Vương, tổ chức phong trào kháng chiến ngoài Bắc. Trên đường đi ông bị bắt cùng toàn thể gia quyến. Bị giải về Huế, lúc đầu thực dân Pháp và tay sai cũng tìm mọi cách mua chuộc lung lạc ông, lợi dụng uy tín của ông để nói tốt cho cho triều đình bệ rạc của vua Đồng Khánh mới được Pháp đặt lên sau khi vua Hàm Nghi rời bỏ kinh thành Huế. Nhưng chúng đã thất bại thảm hại trước khí phách kiên cường của ông. Sau 11 ngày bị giam giữ trong nhà tù, khi gặp người con trai út ông nói: “Sứ mệnh chưa rồi, tội của ta đấy!”, thể hiện nỗi ân hận chưa làm tròn nhiệm vụ Vua giao của mình. Thái độ của ông trước kẻ thù vô cùng khảng khái, trước sau một mực cự tuyệt không khai báo một điều gì có hại cho sự nghiệp cứu nước của mình còn dang dở. Cuối cùng kẻ thù bất lực đã lưu đày ông ra hải đảo, lúc đầu thực dân Pháp đưa ông ra Côn Đảo, hơn hai tháng sau lại đày đi xa hơn tận đảo Tahiti trên Thái Bình Dương. Trên đường đi, ông lâm bệnh nặng và mất ngày 29/11/1885. Thi hài ông được quàn trong bộ quần áo trắng buông xuống biển khơi, từ đó biển xanh bao la ôm trọn ông vào lòng và sóng gió đại dương mãi vang vọng tâm sự bi thương, nhưng rất hào hùng của một chí sỹ yêu nước bất khuất đã cống hiến trọn một đời cho dân, cho nước, người đã có công lớn cho phong trào Cần Vương của vua Hàm Nghi cuối thế kỷ XIX.

Phạm Thận Duật không những là một nhà yêu nước, nhà chính trị, nhà quân sự, nhà ngoại giao, nhà thủy lợi... Ông còn là một nhà văn hóa, nhà giáo dục hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau và đã để lại cho đời sau nhiều tác phẩm có giá trị như: Cuốn địa phương chí đặc sắc “Hưng Hóa ký lược”; Gồm văn, thơ và câu đối trong  cuốn “Quan Thành văn tập”...

Cuộc đời và sự nghiệp của nhà yêu nước, nhà văn hóa lỗi lạc này hầu như không được lịch sử nhắc đến nhiều, nhưng ông đã được nhắc đến 61 lần trong cuốn Đại Nam thực lục chính biên của Triều Nguyễn. Từ năm 1989 khi  cuốn  Phạm Thận Duật - Cuộc đời và tác phẩm  của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyền ra đời thì các nhà nghiên cứu đã quan tâm có nhiều công trình nghiên cứu, bài viết nói về ông. Năm 1995, kỷ niệm 110 năm ngày mất của ông đã có một cuộc hội thảo về danh nhân tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Chính quyền địa phương cùng con cháu dòng họ đã xây dựng một nhà bia tưởng niệm danh nhân ở ngay chính quê hương và đã có một số sách bài viết về cụ, những ngôi trường của quê hương Yên Mô mang tên Phạm Thận Duật như Trường Tiểu học Phạm Thận Duật - xã Yên Mạc - huyện Yên Mô. 

Năm 2000, kỷ niệm 115 năm ngày mất của ông theo truyền thống tốt đẹp của dân tộc, UBND tỉnh Ninh Bình, Viện Sử học, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Trung tâm UNESCO Thông tin tư liệu lịch sử và Văn hóa Việt Nam, Văn Miếu -  Quốc Tử Giám, Hà Nội long trọng tổ chức Lễ tưởng niệm danh nhân để nghi nhớ và tri ân đến một nhà yêu nước đã có nhiều đóng góp cho đất nước cho dân tộc. Cũng trong dịp này Trung tâm UNESCO Thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam  đã nghiên cứu, sưu tầm xuất bản xuất bản hai cuốn sách mới: Cuốn Phạm Thận Duật toàn tập, dịch và in tất cả các trước tác của ông để lại và một cuốn truyện và ký về danh nhân đó là cuốn Sóng trào non Bảng. Hậu duệ của danh nhân còn thành lập một Quỹ Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật, nhằm tài trợ hàng năm và lâu dài cho các công trình nghiên cứu sử học xuất sắc. Tại buổi lễ, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam trao tặng UBND tỉnh Ninh Bình một bức tượng danh nhân bằng đồng, trong khuôn khổ cuộc vận động: “Mỗi người một giọt đồng đúc tượng danh nhân”. Ngay sau buổi lễ bức tượng danh nhân được UBND tỉnh đón nhận và bàn  giao cho Bảo tàng tỉnh để trưng bày giới thiệu cho quần chúng nhân dân về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Hiện nay, pho tượng của ông được Bảo tàng long trọng đặt tại phần trưng bày: “Phong trào Cần Vương - Văn thân chống Pháp”, giới thiệu về thân thế sự nghiệp của ông người con ưu tú của quê hương Ninh Bình cho khách tham quan mỗi khi đến với bảo tàng.

                                                                             P.T.N

Bài viết khác