Chủ nhật, 19/05/2024

Những bức thư gửi từ chiến trường

Thứ năm, 13/06/2019

PHẠM THỊ NHU

Hàng nghìn hiện vật là những kỷ vật chiến trường của các đồng chí Cựu chiến binh tham gia hai cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đã được cán bộ Bảo tàng Ninh Bình sưu tầm. Những câu chuyện xung quanh hiện vật, là đời sống vật chất và đời sống tinh thần của người lính đầy oanh liệt nơi chiến trường.

Bảo tàng Ninh Bình đã và đang trưng bày giới thiệu đến khách thăm quan, với tinh thần tri ân đến các đồng chí Cựu chiến binh và truyền lửa tới các tầng lớp thanh thiếu niên tinh thần yêu nước xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Những ngày tháng lặn lội trong công tác sưu tầm, được nghe các đồng chí cựu chiến binh kể chuyện chiến trường chúng tôi vô cùng xúc động, có những câu chuyện nghe mà chúng tôi không cầm được nước mắt. Đặc biệt có những hiện vật đã nói lên tiếng nói của nó, đó là những bức thư của người lính gửi từ chiến trường về cho gia đình.

Ngày 5/3/2019, vô cùng quí khi lần đầu tiên chúng tôi biết và đến thăm gia đình liệt sỹ Tạ Văn Minh, tại thôn 4,  xã Khánh Thủy, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Ông Tạ Văn Rương bố của liệt sỹ đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện cảm động và những bức thư mà gia đình đang cất giữ cẩn thận. Được sự động viên của chúng tôi, ông đồng ý hiến tặng những bức thư bản gốc cho Bảo tàng để bảo quản và trưng bày phát huy giá trị, còn gia đình thì giữ bản phôtô.

Năm 1972, chiến tranh càng ác liệt, nhân dân Ninh Bình càng quyết tâm làm tròn nghĩa vụ hậu phương đối với tuyền tuyến. hưởng ứng lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng: “ Nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, kiên quyết chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà…” Ba đợt tuyển quân liên tiếp trong năm, Ninh Bình đã tuyển được 5.000 thanh niên bổ sung vào quân đội lên đường chống Mỹ cứu nước, rất nhiều thanh niên chưa đến tuổi đi nghĩa vụ quân sự, nhưng đã hăng hái viết đơn tình nguyện xin đi bộ đội. Một trong số thanh niên tình nguyện có anh Tạ Văn Minh, sinh năm 1954, anh vừa học xong cấp 2 khi ấy anh mới bắt đầu bước sang tuổi 17 chưa kịp gửi tình yêu cho một người con gái. Trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại chống Mỹ xâm lược, anh đã cùng đồng đội nêu cao tinh thần chiến đấu, vượt qua khó khăn gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị và đã hy sinh vẻ vang  ngày 4/02/1973 tại chiến trường phía nam Quảng Trị. Những bức thư anh viết gửi về cho gia đình mà ba lô kê làm bàn, trải qua thời gian nên nay nét mực đã nhòe, giấy thì ố, nội dung giản dị chất phác được gia đình ép platic cất giữ cẩn thận. Những là thư là những tình cảm, là những bước chân trên đường hành quân đi chiến đấu, được anh cập nhật gửi về cho gia đình.

           

                                 Những bức thư của liệt sỹ Tạ Văn Minh gửi về gia đình

 

Lá thư đầu tiên anh gửi về cho gia đình, thông báo nơi ở, tình hình học tập, huấn luyện và tinh thần sẵn sàng lên đường đi chiến đấu; nỗi nhớ thương tình cảm gia đình và công lao sinh thành dưỡng dục của cha mẹ; động viên bà và bố mẹ yên tâm anh viết:

Thanh Hóa ngày 21/9/1972

Bà và thày mẹ, các cô, các chú kính mến! Các em yêu quí của anh!

Qua ngày học tập về chính sách và tiêu chuẩn đi B, con cảm thấy nhớ nhà thương bà và thầy mẹ rất nhiều. Con cầm bút viết mấy dòng chữ để báo cho thầy mẹ biết là con chuẩn bị đi chiến đấu.

Đầu thư con chúc bà, thầy mẹ và các cô các chú có một sức khỏe dồi dào sản xuất tốt và gặp mọi sự may mắn con mừng.

Bà và thầy mẹ ạ! Chúng con bước vào Thanh Hóa hơn hai tuần rồi, hiện nay chúng con đang ăn dưỡng ngày ăn đồng hai. Và học tập các chiến thuật gấp, do đó chỉ trong cuối tháng này thì sẽ rời đất Bắc rồi. Bố mẹ ạ! Đi chiến đấu họ không giải quyết phép cho đâu nên con rất buồn và thương hại bà và bố mẹ nhiều. Từ đêm hôm 19/9 chúng con bắt đầu có lệnh đi chiến đấu, thì lòng con càng nhớ tới công ơn của thầy mẹ nuôi nấng con bây giờ con phải xa rồi. Bố mẹ và bà ạ! Chỉ còn hơn nửa tháng nữa là con phải xa đất Bắc và tạm biệt xa bố mẹ và bà. Con phải xa rời 5 đứa em thân yêu và thơ dại của con và con phải sống nơi một cuộc đời thiếu thốn rất nhiều  về tình cảm và tình thương của bố mẹ và bà, mà con phải sống nơi cuộc sống là sinh và tử giữa hai cái đó nó cứ tranh chấp nhau từng giờ từng phút. Nhưng con vẫn hy vọng là một ngày mai con sẽ được sống một cuộc đời đầy tình cảm yêu thương đầm ấm  của gia đình và quê hương. Bà và thầy mẹ cứ yên tâm đừng lo nghĩ gì về con mà ảnh hưởng nhiều về sức khỏe. Bà và thầy mẹ cứ yên tâm, con đi chiến đấu tuy xa nhưng con cũng tin rằng con sẽ trở về thôi đừng lo nghĩ nhiều, con tha thiết yêu cầu bà và thầy mẹ đừng khóc nhiều.

Đêm khuya con tạm dừng bút chúc toàn bộ gia đình ta và gia đình anh em nhà ta bình an luôn gặp may mắn!

                                 Cháu bà, con trai của bố mẹ!

                                                Văn Minh

Nhận được lệnh đi chiến đấu, anh viết thư về cho gia đình bày tỏ nỗi lòng đầy xúc động  với nỗi nhớ bà, bố mẹ và các em. Nội dung thư nói lên tinh thần khẩn trương của cuộc chiến, anh phải lên đường ngay mà không về thăm gia đình được, động viên gia đình yên tâm  đừng lo nghĩ nhiều về anh. Những tình cảm đầy yêu thương của người anh cả dành cho 5 đứa em nhỏ, anh động viên các em bảo ban nhau giúp đỡ bố mẹ, gọi tên từng đứa em với nỗi nhớ da diết hẹn ngày thống nhất anh về, thư viết:  

            23/9/1972

            Xa nơi đất Bắc!

            Bà và thầy mẹ kính mến, các cô các chú kính mến!

            Các em bé nhỏ yêu thương của anh!

            Không còn bao lâu nữa là con phải xa rời đất Bắc

Bà, thầy mẹ ạ! Hiện nay tình hình rất gấp và rất khẩn trương thày ạ. Hiện nay, đang chuẩn bị đi chiến đấu rồi mà con không được về chắc bà và thầy mẹ rất nghĩ và buồn lắm, nhưng vì điều kiện  và hoàn cảnh của đơn vị rất gấp nên con không thể về được do đó bố mẹ đừng nghĩ nhiều.

Khi nhận được lệnh như thế con rất đau khổ là con không về gặp lại gia đình ta và anh em bà con cô bác của con lần cuối cùng nữa. còn nhiều đêm không ngủ mà con suy nghĩ rất nhiều, nhiều lúc con phải rơi nước mắt và những hình ảnh của nhà nó cứ hiện lên trong đầu óc con, hơn nữa là 5 đứa em bé thơ dại của con nó phải xa con, con nhớ chúng nó nhiều, và nhớ những ngày còn ở nhà con mắng chửi chúng nó con nghĩ lại con rất là đau khổ. Và nhớ thương thầy mẹ phải vất vả mà con lo nghĩ nhiều về con, nhưng thầy mẹ đừng nghĩ nhiều thiên hạ nhiều người đi chứ không phải mình con.

Lan, Thăng, Long, Luyến, Bảy các em yêu quý của anh, anh đi xa các em ở nhà cố gắng học tập bảo ban nhau đừng đánh đấm nha các em nhé, anh biết các em vất vả đấy nhưng anh không làm sao được, khi nào thống nhất anh về sẽ có quà cho. Thầy mẹ và bà cứ yên tâm đừng lo nhiều về con mà ảnh hưởng đến sức khỏe nhất là mẹ và bà.

Cuối cùng con xin chúc toàn bộ anh em bà con  của gia đình ta mạnh khỏe con mừng.

                                                            Con trai: Văn Minh

Trên đường hành quân vất vả đến chiến trường, anh tranh thủ viết thư về cho gia đình, thông báo tình hình cá nhân và đơn vị. Những băn khoăn lần đầu tiếp xúc với súng đạn có phần lo ngại, nhưng với tinh thần trai trẻ anh trấn tĩnh giành phần thắng về mình. Cũng như những tình cảm vô cùng hiếm hoi và quí báu khi trên đường hành quân gặp được người anh họ hàng quê hương. Thư anh viết:

Quảng Bình 18/10/72

Bà, thầy mẹ cùng các cô các chú kính mến! Các em yêu quý của anh!

Qua những ngày hành quân mệt nhọc và vất vả, nay con nghỉ ở Trạm 6 đất Quảng Bình, con cảm thấy nhớ nhà vô cùng con cầm bút viết mấy dòng chữ ngắn ngủi chúc toàn bộ gia đình ta mạnh khỏe con mừng.

Bà và thầy mẹ kính mến! Sống trên đất Quảng vô cùng ác liệt và nguy hiểm, do cuộc sống như thế con cảm thấy rất chán, vì đầu tiên nó va vấp  nơi cuộc sống của con là va chạm vào súng đạn nên nó cũng có phần nào là hơi rút rát  và lo, nhưng chỉ một lúc đầu đó con cũng chấn tĩnh ngay được  và con cũng hiểu là đời con phải sống ở bên đất nước bạn đạn nhiều nên con cũng phải xác định cho con một sức mạnh trai để giành phần thắng về con. Còn tình hình đơn vị của con vẫn tiếp tục hành quân trong vòng nửa tháng nữa  là con cũng được nếm mùi vào cuộc chiến đấu ở chiến dịch tháng 12 này, thôi con không lân la gì nữa. À đợt hành quân ở Nghệ An con có gặp anh Thắng con bác Vụ, anh ra hai anh em chỉ gặp được có trong vòng 2 – 3 phút thôi, lúc chia tay tình anh em sao nó quyến luyến.

Còn thày mẹ và bà cứ yên tâm đừng lo nghĩ nhiều về con cả, thế nào thống nhất con cũng sẽ về đoàn tụ gia đình lúc giờ vui biết mấy. Con tạm dừng bút chúc toàn bộ anh em bà con gia đình ta mạnh khỏe bình an con mừng.

Con và Hùng vẫn ở với nhau, sức khỏe của con và Hùng vẫn bình thường như hồi ở nhà vậy, cho con gửi lời chúc sức khỏe các bạn thanh niên trong xóm.                                                                                                                                                             Con: Văn Minh

Ở Ninh Bình từ ngày 13/4 đến 26/12/1972, giặc Mỹ đã huy động 1.177 lần chiếc máy bay đánh 535 trận váo 523 mục tiêu, trong đó có 201 mục tiêu giao thông vận tải, 123 mục tiêu kinh tế, 174 mục tiêu cư dân  và 25 mục tiêu quân sự. Để làm cho ta căng thẳng về tinh thần, hao tốn về sức lực và của cải, chúng không chỉ đánh phá ác liệt vào ban ngày , mà còn tăng cường đánh về ban đêm. Tại Vĩnh Linh, tình hình chiến tranh vô cùng ác liệt và tết cổ truyền sắp tới, với bao trăn trở nội tâm của người con lần đầu không được ăn tết cùng người thân trong gia đình, với nỗi nhớ thương vơi đầy, với trách nhiệm của người người anh cả lo lắng cho các em, anh viết thư động viên gia đình yên tâm về anh và gửi lời chúc tết ông bà cô dì chú bác họ hàng. Thư anh viết:

Vĩnh Linh ngày 30/12/72

Bà và thầy mẹ kính mến! Các cô các chú kính mến! Các em yêu quí của anh!

Chỉ còn hơn một tháng nữa là tết rồi, chắc tết năm nay nhà ta không vui lắm thì phải vì con biết là bà và thày mẹ rất thương nhớ con vì thế nên ăn không ngon. Nhưng con cũng khuyên bà và thầy mẹ cứ yên tâm đừng lo nghĩ nhiều về con mà ảnh hưởng đến sức khỏe . Con biết là mẹ chắc khóc nhiều vì tết năm nay con không được ăn tết ở nhà, tuy con không được hưởng cái tết của quê hương đó, nhưng cũng được hưởng cái tết đầu tiên trong quân đội  và cũng là tết đầu tiên con xa nhà.

Còn về sức khỏe của con, từ ngày đi chiến đấu đến nay sức khỏe vẫn bình thường như khi con ở nhà. Hùng và con vẫn ở với nhau, còn tình hình đơn vị con đang chuẩn bị đi chiến đấu, nếu có thể là đầu xuân năm nay là xuất trận, con nói sơ qua để thầy mẹ rõ. À vừa qua đế quốc Mỹ nó bắn phá ngoài ta hăng, quê ta có bị gì không và nhà ta thày cũng nên tranh thủ làm một cái hầm cho các em nó trú.

Các em yêu quý của anh! Chắc bây giờ thì các em đang mong cho chóng tết lắm nhỉ  và các em cũng mong sao cho tết năm nay anh được về ăn tết, nhưng vì nhiệm vụ anh không về được rất nhớ và thương các em nhất là Luyến và Bảy hai em nhỏ nhất, anh nhớ các em nhiều, anh hứa khi nào thống nhất anh sẽ về và sẽ mua cho các em nhiều quà.

  Thôi thời gian có hạn con tạm dừng bút chúc toàn bộ anh em trong gia đình ta sang năm mới thêm một tuổi và mạnh khỏe công tác tốt con mừng.

Thầy cho con gửi lời chúc tết đến ông chú và chú Vang, các cô Oanh, Thùy, các bác Ngọc, Việt, bà Cận, dì Vấn sang năm mới mạnh khỏe công tác tốt con mừng.

                                                 Cháu bà, con của thầy mẹ

                                                               Tạ Minh

Những bức thư là hiện vật gốc, lời thư giản dị, phản ánh chân thực tình cảm của người con tình nguyện lên đường nhập ngũ chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc. Những tình cảm trong sáng của người con trai tuổi 17 còn rất trẻ, tất cả là tình yêu thương gia đình và quê hương đất nước sẵn sàng xung phong lên đường chiến đấu. Với gia đình đây là những kỷ vật thiêng liêng nhất đã được nâng niu cất giũ cẩn thận và thường xuyên đem ra đọc  suốt 47 năm qua mỗi khi nhớ đến anh. Gia đình cũng rất lưu luyến khi quyết định tặng những bức thư cho Bảo tàng, chúng tôi sẽ gìn giữ bảo quản tốt nhất, trưng bày giới thiệu cho khách thăm quan phát huy giá trị. Từ đó giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, tôn vinh và tri ân các thế hệ cha anh đã hy sinh vì Tổ quốc, khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay.

 P.T.N

Bài viết khác