Chủ nhật, 19/05/2024

Vũ Phạm Khải một tài năng đa diện, một tấm lòng yêu nước thương dân, một cuộc đời đầy ẩn ức, bi tráng

Thứ ba, 06/11/2018

TRƯƠNG HÁN VŨ

 

Vũ Phạm Khải (1807 - 1872), tự là Đông Dương, hiệu Ngu Sơn, quê ở Phượng Trì (nay thuộc xã Yên Mạc, huyện Yên Mô), một danh nhân lịch sử - văn hoá tầm cỡ của đất nước thế kỷ XIX.
Cuộc đời Vũ Phạm Khải đầy ẩn ức và vi tráng. Đường khoa cử của ông không mấy may mắn, 22 tuổi đỗ tú tài (1828), 25 tuổi đỗ cử nhân (1831). Về thực học, ông thừa sức đỗ thi Hội, nhưng chỉ vì tính tình cương trực, phóng khoáng, không dễ khuôn mình vào các quy chế trường thi phong kiến khắc nghiệt, nên sau hai lần lều chõng thi Hội (năm 1832, 1835), đều không đạt kết quả, ông quyết định bước vào đường hoạn lộ.
Thế nhưng đường hoạn lộ của ông nào có bằng phẳng. Ra làm quan, đảm nhiệm trọng trách ở các địa phương và cả ở triều chính, dù ở đâu, trên cương vị nào, Vũ Phạm Khải cũng luôn giữ bản tính cương trực, nêu cao chính kiến của mình, nên đã có lần bị vua Minh Mạng lớn tiếng quở trách giữa triều đình. Song, là người vốn có thực tài, thông tuệ, lại giàu đức độ, ông vẫn được nhà vua tin cẩn giao cho nhiều công việc quan trọng như Ngự sử Bộ Lễ (1838 - 1841), Thanh tra tình hình dân sự ngoài Bắc (1840 - 1841). Sau khi vua Minh Mạng mất, Thiệu Trị lên thay (1841), ông được cử giữ chức Lang trung, biện lý bộ Hình, Kỳ thi Hội mùa xuân năm đó, ông được cử giữ chức duyệt quyển. Chỉ xuất thân là một cử nhân, thế mà được vua giao nhiệm vụ chấm thi tuyển chọn các bậc đại khoa, các vị tiến sĩ, vinh dự cao quý đó không thể có nếu ông không có kiến thức uyên bác và thực tài. Quả đúng như thế. Nhiều lần được vua Thiệu Trị hỏi về văn thơ, kinh sách, sử học, luật pháp, triết học, hỏi đến đâu, ông trả lời đến đó, đầy đủ, rõ ràng, sâu sắc, khiến nhà vua phải thốt lên: "Khanh là một cái hòm sách chăng?". Cùng năm 1841, ông được cử giữ chức Toản tu Quốc Sử Quán để chuyên lo việc biên soạn lịch sử nước nhà.
Ba năm làm quan ở bộ Hình, ông khảo cứu các bộ luật của các triều đại trước, trích rút các điều hệ trọng về lễ nghi và hình sự soạn thành cuốn Lịch đại chính hình thông khảo có giá trị như một cuốn cẩm nang dùng trong công việc hình án. Ông kiên quyết giữ nghiêm pháp luật, kết đúng người, đúng tội, bất chấp kẻ quyền thế. Có một vụ án mạng, thấy đã buộc tội lầm, ông yêu cầu đưa ra đình thần duyệt lại. Trương Đăng Quế là vị quan đầu triều, bảo vệ mức án trước. Ông không chịu. Trương Đăng Quế nói: "Tôi phụng mệnh Vua quyết y án ấy!". Ông lớn tiếng với vị quan đầu triều này trước đình thần: “Tôi ở bộ Hình quyết bác án ấy!”. Trương Đăng Quế quát: “Ông không chịu nghe lời tôi sao?”. Ông thẳng thừng đáp lại: “Vì pháp luật, tôi không thể theo ngài!”. Thế là bản án oan sai đó đã được vua Thiệu Trị bác đi như ý của Vũ Phạm Khải. (Đông Dương thi văn tuyển, NXB KHXH.1992).
Thời kỳ làm sử của ông tổng cộng 9 năm. Ông tham gia biên soạn phần lớn công trình lịch sử đồ sộ của triều Nguyễn là bộ Đại Nam thực lục, từ Tiền biên tới Đệ tam kỷ. Ông còn tham gia hiệu chính, chú giải bộ sách  Ngự chế lịch đại sử tổng luận của vua Thiệu Trị (1844), Thông chính phó sứ (1845) và Giảng quan ở toà Kinh diên. Đó là những năm tháng ông được nhiều lần thăng quan tiến chức nhất. Nhưng cũng chính từ đó, ông đã phải chuốc lấy sự ghen ghét, đố kỵ của quyền thần trong triều. Chỉ trong 15 năm làm quan (1835 – 1850) hai lần ông bị giáng cấp, 19 lần bị phạt trừ lương, tương đương với 95 tháng lương, bằng một nửa thời gian làm việc! Uất ức, buồn chán, ông xin về quê phụng dưỡng cha mẹ già, nhưng thực chất là về quê hương Phượng Trì non xanh nước biếc ở ẩn, lánh chốn quan trường đầy rẫy kẻ giá áo túi cơm.
Năm 1856, ông lại được triệu về Kinh giữ chức Biên tu Sử Quán. Chỉ vài năm sau, đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Vũ Phạm Khải ngay từ đầu thể hiện tư tưởng chủ chiến. Ông dâng sớ lên vua Tự Đức bày tỏ quan điểm quyết chiến, tự viết bài “Hoà Nhung luận” (Bàn về việc hoà với rợ Nhung), để nói lên bầu nhiệt huyết cứu nước của mình, cực lực phản đối xu hướng điều đình, cầu hoà đang có nguy cơ lan tràn trong triều đình Huế lúc đó.
Năm 1859, phải về quê chịu tang cha rồi tang mẹ, Vũ Phạm Khải vẫn đứng ra chiêu mộ nghĩa dũng, tổ chức hương binh giúp Tuần phủ Ninh Bình dẹp loạn. Ông đã nhiều lần dâng sớ lên vua tình nguyện xin mộ binh vào Nam chống Pháp xâm lược và lên vùng Đông Bắc dẹp loạn.
Năm 1865, vua Tự Đức triệu về Kinh giữ chức Toản tu Sử Quán, rồi thăng chức Trực học sĩ Chưởng Hàn lâm viện, kiêm công việc ở Sử Quán. Khi một phái đoàn của thực dân Pháp từ Sài Gòn ra Huế đòi Tự Đức phải nhượng nốt ba tỉnh miền tây Nam Kỳ (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) cho chúng. Trong buổi thiết triều của vua Tự Đức để bàn bạc vấn đề này, Vũ Phạm Khải vạch rõ âm mưu thâm độc muốn thôn tính nước ta của giặc Pháp. Trước xu hướng cầu hoà không điều kiện của văn võ đại thần, kể cả vua Tự Đức, biết mình thân cô thế cô, nhưng không sợ trăm ngàn nguy hiểm sẽ đến với mình, đứng giữa điện Thái Hoà, ông quát lớn: “Phải ở trong vòng vạn nguy, vạn chết mới làm ra được công cuộc vạn toàn..., chưa hề nghe thấy, chỉ ngồi bó tay mà nói, lại có sự vạn toàn được”... “Chiến sĩ đời xưa không nói hoà. Chiến sĩ đời nay chỉ một vệt nói hoà. Quan võ đời xưa không sợ chết. Quan võ đời nay chỉ một vệt sợ chết. Sao đời nay lại khác đời xưa như vậy?” (Sđd).
Từ một văn quan ở triều đình, ông bỗng “được” cử làm Thương biện đi dẹp phỉ ở Ninh Bình (1869) rồi làm quyền Bố chính Thái Nguyên, nơi quan lại thì tham nhũng, bọn phỉ đang hoành hành dữ dội, triều đình bó tay. Chính tại đây, trong lúc ông đang ra sức điều tra các vụ tham nhũng, chẩn cứu dân cấp triệu về Kinh. Một số quan lại địa phương bị ông tố cáo đã câu kết với một vài triều thần vốn đố kỵ, hiềm khích từ lâu, tìm cách vu cáo, kết tội ông theo giặc. Năm 1872, bệnh ông thêm nặng. Theo truyền ngôn, bị cường thần ép tự vẫn bằng thuốc độc ông phẫn chí tự nín hơi để chết mà không chịu uống thuốc độc để giữ cho mình trong sạch ngay cả khi về với cát bụi. Vũ Phạm Khải mất khi bản án oan trái đối với ông vẫn chưa đưa ra được lời phán xét cuối cùng.
65 tuổi đời, Vũ Phạm Khải trải dài bốn triều vua (Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức). Ông là người chứng kiến, cống hiến và cũng chịu đối đầu với triều đại nhiều biến động, thử thách, không ít lời khen chê chưa ngã ngũ của đương thời và cả hậu thế.
Nhưng chỉ sau khi ông đã mất, những người sống quanh ông, kể cả vua Tự Đức, dường như mới sực tỉnh ngộ về đại cuộc và thức nhận đầy đủ hơn về phẩm chất và cốt cách con người Vũ Phạm Khải. Vua Tự Đức tỏ lòng thương, ban thơ viếng, cải chính cho ông khỏi cái án theo giặc, biểu dương công trạng, ban phát tiền tuất và cho khâm liệm, mai táng chu tất ở quê nhà... Tác phẩm của ông được truyền bá với lời tựa rất trọng thị. Người đời sau nữa tiếp tục đọc thơ văn của ông để được thán phục ông như lời Cao Xuân Dục, Tổng tài Quốc Sử Quán triều Nguyễn, đánh giá thật xác đáng trong lời tựa cho bộ “Ngu Sơn thi tập” của Vũ Phạm Khải đầu thế kỷ XX: “Tiên sinh có tư chất sáng suốt, đọc sách hàng vạn quyển, hạ bút viết ra là với ngòi bút lâm ly, rộng như biển, dài như sông, đã từng dựng nên ngọn cờ tiếng trống ở nơi tao đàn, cái khí hùng kiệt trông cao vượt một thời, cái tâm vượt hẳn muôn người...” (Theo Đông Dương thi văn tuyển, sđd).
Bi kịch của Vũ Phạm Khải phản ánh mâu thuẫn giữa tài năng và phẩm giá con người trong thời đại phong kiến đang buổi chiều tà, cái mà Nguyễn Du cho rằng “Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”, “Chữ tài đi với chữ tai một vần”. Ông đã từng được coi là người có tâm hùng hơn vạn kẻ, có con mắt cao vượt một thời (Phạm Văn Nghị – Văn tế). Phải chăng đó cũng là nguyên do gây nên tấn bi kịch bất đắc chí của ông giữa thời buổi loạn lạc, nhiễu nhương ấy? Ông là kẻ sĩ tài năng, trí dũng và lòng tận tuỵ vì dân, vì nước có thừa, song không gặp thời vận, nhưng trước sau vẫn giữ cho mình một thái độ, một lối hành xử văn hoá để mong làm trọn thiên chức của kẻ sĩ, của bậc đại trí, đại nhân. Chúng ta hãy nghe Nguyễn Đình Tân trả lời vua Tự Đức khi hỏi vì sao có nhiều người không ưa mà còn gièm pha và lập mưu hãm hại Vũ Phạm Khải:“Bởi Khải là người khảng khái, không a phụ với người quyền quý, trước sau đều không có thái độ xu viêm phụ nhiệt như mọi người khác, thấy ai có lỗi lại hay bắt bẻ thẳng ở trước mặt, vì thế nên nhiều người không ưa”. (Đông Dương thi văn tuyển, sđd).
Chúng ta tưởng nhớ đến Vũ Phạm Khải còn là một tác gia văn học mà đôi cánh văn, thơ đều vào loại tầm cỡ thế kỷ XIX, một con người “Ôm chí nuốt sao trời/ Nguồn văn như thác đổ”. Trước hoạ ngoại xâm chỉ giữ nguyên một ý chí “Xin đem bút nhọn ra làm kiếm/ Trước sau quyết chiến một niềm thôi”. Dương Khuê cũng ca ngợi ông: “Văn chương mạc đại thị” (Văn chương chẳng ai lớn như vậy!) (Đông Dương thi văn tuyển, sđd).
Không những không bị phủ mờ bởi lớp bụi thời gian, Vũ Phạm Khải với tài năng đa diện, trí dũng song toàn và tấm lòng yêu nước, thương dân nồng nàn, ông như một vì sao trên bầu trời cao, càng nhìn càng thấy sáng.

 

Xuân Đinh Hợi, 2007

Bài viết khác