Chủ nhật, 19/05/2024

Đặc điểm tiếng cười trong thơ nôm truyền tụng thuộc hiện tượng Hồ Xuân Hương

Thứ hai, 05/11/2018

BÙI NGỌC MINH

Cần phải khẳng định rằng vấn đề tiếng cười không đặt ra với mảng thơ chữ Hán và Lưu hương kí, nhưng lại là một trong những vấn đề cần quan tâm trong phần thơ Nôm truyền tụng. Ở vấn đề này, chúng tôi thấy vẫn thể hiện giao thoa văn hóa giữa hai nguồn bác học và folklore. Trên phương diện mỹ học, Nho giáo có cái nhìn hướng thượng sùng cổ. Văn chương với họ là thứ để giáo hoá, giáo hối, đưa con người vào con đường chính đạo, gần thì thờ cha, xa thì thờ vua. Sự phê phán của nhà Nho với thời thế phải ôn nhu, đôn hậu, không được đụng đến những vấn đề chính sự, nhất là ngôi vua, không được dùng văn chương để làm lung lay thể chế của chế độ chuyên chế.
Ham mê đến sùng bái văn chương nghệ thuật, nhìn ra trong đó khả năng to lớn làm xúc động cải tạo con người, giành cho nó một vị trí đặc biệt cao quý và giao cho nó những chức năng vinh dự. Nho giáo xác định văn học nghệ thuật là phương tiện giáo hoá chính tâm, chế dục, là công cụ chính trị động viên tổ chức xã hội nhằm biến thành hiện thực sự hài hoà của trời, sự trật tự của đất. Vì lẽ đó Nho giáo chỉ chấp nhận một thứ văn học nghệ thuật chí thiện, hoàn toàn hợp đạo đức. Chính vì vậy mà Nho giáo làm cho văn học nghệ thuật xa rời cuộc sống thực, ức chế tình cảm thực thiếu khát vọng, thiếu sinh khí chiến đấu mà trở thành nhạt nhẽo, bằng phẳng, hướng mãi vào đạo, vào các thánh vương xưa, văn học ngày càng khô cằn, không sáng tạo, không phát triển được.(1)
Tất nhiên, không chỉ có Nho giáo mà Phật, Lão - Trang cũng có ảnh hưởng tới loại hình tác giả nhà Nho, nhưng Nho giáo vẫn là yếu tố chính, yếu tố cấu trúc hệ thống trong tâm thức Nho gia. Tư tưởng Nho gia dần dần được tôn giáo hoá cùng Phật giáo, Lão - Trang dị ứng với cuộc sống muôn mặt, đặc biệt là những nhu cầu bản năng chính đáng của con người ở những mức độ khác nhau; Nho giáo là quả dục, tiết dục, Lão - Trang cũng trên một tinh thần ấy, Phật giáo là cấm dục. Tam giáo chỉ khuyến khích một thứ dục, đó là vươn tới đạo, những dục vọng tinh thần mang tính chất hướng thượng duy tâm, siêu hình và có mặt là phản nhân văn.
Nhà Nho chính thống trước những biểu hiện trái đạo thường bất thủ, bất giao (Nhân phi nghĩa bất giao, vật phi nghĩa bất thủ). Tiếng cười dường như vắng bóng trong văn học của nhà Nho chính thống, Nguyễn Trãi khi bất đắc chí, về ở ẩn cũng trần tình, ngôn chí, bảo kính cảnh giới theo tinh thần khiêm cung của Nho gia, với những triết lý tao nhã: Hoa thường hay héo cỏ thường tươi; Ngoài chưng mọi chốn đều thông hết; Bui một lòng người cực hiểm thay; Ở thế nhiều phen thấy khóc cười.
 Nhưng ta không thấy tiếng cười châm biếm, đả kích, phê phán trong thơ ông. Chỉ thấy những vần thơ nặng lòng ưu ái hoặc siêu thoát theo Lão - Trang, theo Phật giáo (Nghe hồn Nguyễn Trãi phiêu diêu - Tiếng gươm khua, tiếng thơ kêu xé lòng – Tố Hữu)
Nguyễn Bỉnh Khiêm nhà Nho ẩn dật tiêu biểu, với triết lý "minh triết bảo thân” chỉ phê phán thói đời đen bạc bằng những vần thơ đượm màu sắc triết lý của bậc trí giả, đứng cao hơn cuộc đời mà nhìn xuống để bảo ban răn dạy, nhắc nhở. Ta luôn gặp trong thơ Trạng Trình một cái nhìn đăm chiêu mang đầy tinh thần đạo nghĩa, thơ ông không có tiếng cười
Đến nhà Nho tài tử, tiếng cười bắt đầu xuất hiện. Đó là tiếng cười phê phán những mặt tiêu cực trong cuộc sống. Phạm Thái, trong Sơ kính tân trang, đã dùng tiếng cười để lật tẩy lối sống hoang dâm, xa xỉ của  lũ tu hành bịp bợm: Sư ông chải chuốt vãi già đong đưa/ Ra vào tiểu gái lẳng lơ/Long lanh mắt liếc, say sưa miệng cười. (Sơ kính tân trang - Phạm Thái)
Sau này, tiếng cười như một vũ khí phê phán, đả kích ta sẽ gặp ở Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công Trứ, Trần Tế Xương, Nguyễn Thiện Kế… Nhưng đó là những người đến sau.
 Tình hình sẽ khác hẳn, khi ta trở về với folklore. Trong văn hoá dân gian, tiếng cười luôn cất lên với nhiều cung bậc. Ở đây, ta không bàn đến tiếng cười sinh lý, tiếng cười cơ giới do quang tuyến Q tác động đến thần kinh sinh vật mà gây ra. Khi quang tuyến Q kích thích cả người và động vật cao cấp đều cười, tiếng cười do bị cù, hoặc do bị bệnh thần kinh cũng nằm ngoài sự khảo sát của chúng tôi.
 Rabơle, nhà nhân văn chủ nghĩa Pháp thời Phục hưng nhận xét rằng: Cười là một đặc tính của người. Cùng với những giọt nước mắt tiếng cười với nhiều cung bậc khác nhau là sự thể hiện những trạng thái phong phú của đời sống tâm hồn, trí tuệ, tình cảm của loài người. Tiếng cười với con người cũng là một tất yếu biểu hiện niềm vui sống, là lẽ tự nhiên nhi nhiên. Con người càng thuần phác, hồn nhiên bao nhiêu, tiếng cười càng trong sáng, hồn nhiên, sảng khoái bấy nhiêu. Đó là một trong bảy thứ tình cảm phổ quát nhất của con người nhân loại: ái, ố, hỉ, nộ, bi, hoan, lạc.
Con người có miệng có môi, khi buồn thì khóc, khi vui thì cười (ca dao). Tuy nhiên, cũng có khi cười mà không vui, khóc mà không buồn, thậm chí ngược lại: Khấp như nữ tử vu quy nhật/ Tiếu tự văn nhân lạc đệ thời. (Khóc như cô gái vu quy/Cười như anh khoá hỏng thi mất hồn.) (Chúng tôi tạm dịch) Hoặc: Ngồi buồn lại trách ông xanh/ Khi vui muốn khóc buồn tênh lại cười. (Nguyễn Công Trứ)
Tiếng cười vui tươi, sắc sảo làm cho tinh thần con người sảng khoái, trong sáng tốt lành, giúp con người lạc quan yêu đời, ta sẽ khó có thể tìm thấy ý nghĩa chính trị tư tưởng xã hội trong những truyện cười dân gian Đêm tháng năm bà nằm chẳng nhắp, Tay ải tay ai, trong một số vai hề trong chèo sân đình, trong ca dao trào lộng cũng có những bài: Nửa đêm gà gáy canh ba/ Vợ tôi con gái đàn bà nữ nhi.
Trong tranh dân gian Đông Hồ cũng có những tác phẩm thể hiện tiếng cười này, có nhà nghiên cứu xếp vào tiếng cười trào lộng, như bức Ngửa váy hứng dừa với câu thơ: Khen ai ngửa váy hứng dừa/ Đấy trèo, đây hứng cho vừa lòng nhau.
Tiếng cười này còn xuất hiện trong hề kịch Pháp thời Trung cổ. (xin xem Lịch sử sân khấu thế giới, Nxb Văn hoá, Hà Nội, năm 1975). Tiếng cười khôi hài là một thứ thể dục trí tuệ, cười cho vui cửa vui nhà, tô điểm cho cuộc sống, như một nhà khoa học trên báo Tiền Phong số 2319 cho biết: Mỗi lần cười người ta kéo dài tuổi thọ thêm năm phút. Heghen trong Mỹ học cho rằng tiếng cười là sự thể hiện niềm yêu đời của con người. Tổ tiên ta thật là những người nghệ sĩ tạo hình cho tiếng cười Việt Nam. Tạo cho tiếng cười ta bao nhiêu là bóng dáng và có cả một cái gì như là một biên chế đầy đủ thang bậc về tiếng cười. (Cần cười - Nguyễn Tuân).
Thời nguyên thuỷ với tín ngưỡng phồn thực, với tư duy ma thuật, tô tem giáo, với cái nhìn thần nhân nhất thể, thiêng - tục có sự phân chia chưa rõ rệt. Có thể coi rằng thiêng tục thống nhất, trong thiêng có tục, trong tục có thiêng. Tín ngưỡng phồn thực tôn thờ sinh thực khí nam và nữ để cầu mong mọi vật sinh sôi nảy nở nhân khang vật thịnh. Ở di chỉ Phùng Nguyên , cách đây chừng 4.000 năm  còn lại một pho tượng đá cao 3,6cm, thân thể thon dài, mặt trái xoan, mũi thẳng mắt là hai lỗ nhỏ, hai tay tượng bị lược bỏ, bộ phận sinh dục được nhấn mạnh. Tượng đá đào thấy ở di chỉ Văn Điển thuộc thiên niên kỷ I (trước công nguyên) là tượng người đàn ông có bộ phận sinh dục rất to. Trên nắp thạp đồng Đào Thịnh ở Yên Bái có niên đại thế kỷ V trước công nguyên, xung quanh ngôi sao mặt trời mười hai cánh là bốn đôi nam nữ giao hợp. Đến thế kỷ XVII, trên một bức phù điêu của đình Hưng Lộc Nam Định còn khắc cảnh người đàn ông sờ vú cô gái ngồi lòng. Một số ngôi đình ở Quảng Ninh ở thế kỷ XVIII, XIX lại chạm cảnh đua thuyền, đánh vật, chọi gà, đặc biệt là cảnh phụ nữ đang tắm (theo Đỗ Lai Thuý trong Hồ Xuân Hương- hoài niệm phồn thực). Chế Lan Viên bằng cái nhìn bác học đã viết bài tứ tuyệt Người thợ chạm: Đâu vương triều đâu là Mạc, đâu là Lê/ Còn lại đây người tắm trần trên thớ gỗ/ Nét dao chạm quên mất mặt rồng vua chúa/ Chỉ để lại hoa người và một lá sen che. Huy Cận còn viết thật thà hơn: Chị em tắm hồ sen/ Tránh thằng quan dâm đãng/ Một chị tay hái liền/ Lá sen, làm lá chắn.
Các ông đã không giải mã được triết lý của tín ngưỡng phồn thực trong bức phù điêu trên. Thực ra đó là sự bảo lưu của tín ngưỡng phồn thực trong thời chuyên chế phong kiến. Người ta đã đưa những yếu tố thông tục vào trong một không gian thiêng. Rõ nhất là trong các lễ hội dân gian. Tục rước nõ nường ở làng Đức Bác Vĩnh Phú: người ta lấy khúc gỗ vông làm nõ (dương vật) mo cau làm nường (âm vật) do trai tân gái trinh cầm rước. Sau mỗi câu hát "tinh, tinh, tinh, phoọc”, nõ và nường lại dí vào nhau. Tan rước, nõ nường được tung ra cho mọi người cướp. Ai cố cướp được thì sẽ được nhiều may mắn trong cả năm.(2)
Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên giải thích từ nõn nường: Từ chỉ vật làm bằng gỗ, tượng trưng dương vật (nõ) và âm hộ (nường) do nhân dân miền Dị Nậu và Khúc Lạc (Phú Thọ) xưa làm ra để rước thần. Khi rước những người khiêng kiệu vừa di vừa hát "Ba mươi sáu cái nõ nường, cái để đầu giường cái để đầu tay”. Khi kiệu đến chỗ thờ thần, người ta tung nõ và nường cho mọi người cướp, con trai cướp được nường, con gái cướp được nõ là điềm tốt. Ba mươi sáu cái nõ nường thành ngữ dùng để nói mỉa những người đòi hỏi những điều quá đáng.(3)
 Có lẽ lớp phủ văn hoá bác học quá dày khiến các soạn giả không nhìn thấy tín ngưỡng. Văn hoá, triết lý phồn sinh phồn thực được bảo lưu trong từ nõn nường. Tục trồng cây gạo, cây đa, cây đề ở những không gian thiêng ở nhiều làng xã Việt Nam xưa cũng lại là một dấu vết của tín ngưỡng phồn thực. Đây là những cây thiêng. Nguồn gốc sâu xa bởi tại chúng rất dễ sống và sống rất lâu. Đến nay chỉ còn lại ý nghĩa thiêng trong câu: Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề.
Ý nghĩa phồn thực, gắn kết thiêng - tục còn bảo lưu dấu vết ngay trong ngôn ngữ suồng sã thông tục hàng ngày, đặc biệt là lời nói tục. Những bài chửi dân gian tiêu biểu cho sự gắn kết đã nói ở trên, (Nguyễn Công Hoan đã chú ý tới ý nghĩa ngôn ngữ học của hiện tượng này). Đây là một bài chửi mất gà mà tôi sưu tầm được:
Mày què mày quặt, mày bắt con gà nhà tao, mày hao xương sống, mày chống gậy tre, mày ra đầu hè, mày nghe tao chửi... Con gà, nó ở nhà tao nó là con gà, nó về nhà mày nó là con cú con cáo, nó thành thần nanh đỏ mỏ, nó mổ mắt con cái, họ hàng hang hốc tốc rãnh nhà mày, nó đào mả ông bà ông vải, cao tằng tổ tỉ, tử tôn hôn tế, cửu tộc nhà mày. Bớ quân bắt gà ơi, mày uống máu l... bà...
Ngày nay chỉ còn thấy đây là một hiện tượng vô văn hoá, phản văn hoá. Chúng tôi muốn nói tới tiếng cười theo nguyên lý lễ hội giả trang Carvanal, một trong những luận điểm hết sức quan trọng trong công trình: Tiếng cười Rabelais và văn hoá trào tiếu dân gian của Mikhailoviks Bakhtin:           
      Mấy lời sơ bộ về bản chất phức tạp của tiếng cười hội cải trang. Trước hết, đó là tiếng cười hội hè. Nghĩa là đó không phải là sự phản ứng cá nhân đối với một hiện tượng nực cười” cá biệt (riêng lẻ) nào đó. Tiếng cười hội cải trang, thứ nhất mang tính toàn dân (tính toàn dân như chúng tôi đã nói, chính là thuộc về bản chất của hội cải trang), ở đây mọi người đều cười, đó là "tiếng cười mỉa nhân gian”, thứ hai, nó mang tính phổ quát, nó nhằm vào mọi thứ và mọi người (trong đó có cả những người tham gia hội cải trang) cả thế giới đều nực cười đều được tri giác và khai thác ở bình diện trào tiếu của nó, ở tính tương đối đầy vui nhộn của nó; thứ ba và cuối cùng tiếng cười ấy mang tính hai chiều: nó vừa vui nhộn, hoan hỉ, vừa nhạo báng, chế giễu, nó vừa phủ định, vừa khẳng định, vừa khai tử, vừa khai sinh.(4)
Bakhtin giải thích về sự phủ định, hạ bệ, trong tiếng cười hai chức năng như sau: Sự hạ thấp và hạ bệ cái cao siêu (...) "phần trên” và "phần dưới” ở đây (chủ nghĩa hiện thực nghịch dị) có ý nghĩa tuyệt đối, ý nghĩa tô pô nghiêm ngặt. "Phần trên” là trời, "phần dưới” là đất, mặt đất thì vừa là yếu tố thu hút (huyệt, bụng) vừa là yếu tố sản sinh và tái sinh (lòng mẹ). Ý nghĩa tô pô của "phần trên” và "phần dưới” ở bình diện vũ trụ là như thế. Còn ở bản thân bình diện thân xác, mà bình diện này không nơi nào gián cách rõ rệt, với bình diện vũ trụ, thì "phần trên” là mặt (đầu) phần dưới là các cơ quan sinh dục, bụng và đít (...) hạ thấp ở đây có nghĩa là kéo sát xuống đất, làm cho hoà nhập với đất như một nhân tố vừa thu hút, lại vừa sinh sản. Hạ thấp tức là cùng một lúc vừa hạ huyệt vừa gieo hạt, là vừa giết chết để lại sinh ra tốt đẹp hơn và phong phú hơn. Hạ yết cũng có nghĩa là làm cho sáp lại với đời sống của cái thân xác "phần dưới”, đời sống của bụng và các cơ quan sinh dục, và như thế là với những hoạt động như giao hợp, thụ thai, chửa đẻ, ăn uống, phóng uế. Hạ yết đào huyệt thân xác cho sự ra đời mới. Vì thế nó không chỉ có ý nghĩa tiêu diệt, phủ định, mà còn có cả ý nghĩa tích cực, ý nghĩa tái sinh. Nó hai chiều, nó cùng một lúc vừa phủ định, vừa khẳng định. Người ta không đơn thuần vứt đẩy xuống vực, xuống nơi hư vô, xuống nơi tuyệt đối triệt tiêu - không, người ta vứt đẩy, đánh đổ xuống cái "phần dưới” luôn luôn sinh sôi nảy nở, nơi diễn ra sự thụ thai và sinh nở mới, nơi mọi vật đều tăng trưởng dồi dào (...), "phần dưới” đó là lòng đất sản sinh và lòng thân xác, cái phần dưới luôn luôn thụ thai.(5)
Về ý nghĩa của những lời nói tục, những câu chửi thì từ xa xưa, Bakhtin cũng chỉ ra rằng: Những câu chửi rủa như "Đ. m. mày” (với tất cả mọi biến tướng của nó) hay những câu thành ngữ như "ỉa vào ...” hạ thấp người bị mắng chửi (...) tức là vứt đẩy nó xuống cái phần dưới thân xác có ý nghĩa tô pô tuyệt đối, xuống dòng các cơ quan sinh dục, sinh sản, xuống huyệt thân xác (hay là âm phủ thân xác) để chết đi và sống lại. Nhưng ở những câu chửi rủa hiện nay hầu như không còn lại tí gì của cái ý nghĩa hai chiều tái sinh xưa kia ngoài sự phủ định sạch trơn, sự thô bỉ trơ trẽn và thoá mạ thuần tuý”. (...) ở chúng (những câu chửi hiện nay - chúng tôi thêm) dường như vẫn còn thoi thóp một ký ức mơ hồ về những luật tự do trong hội cải trang xưa kia và về cái lẽ phải hội hè xưa kia. Vấn đề nghiêm túc về sức sống không thể triệt tiêu ở chúng trong sinh hoạt ngôn ngữ thực chất vẫn chưa được đặt ra. (6)
Chúng ta có thể thấy tiếng cười hạ bệ cái cao siêu ngay trong ca dao - dân ca: Sáng ngày em đi hái chè/ Gặp thằng phải gió nó đè em ra/ Em van em lạy nó vẫn chẳng tha/ Nó đè em xuống, nó đút cái "mả cha" nó vào/ Đút vào nó sướng làm sao/Hôm sau em lại lên cao hái chè.
 Hoặc: Sáng trăng em tưởng tối trời/Em ngồi em để cái "sự đời” em ra/ "Sự đời” bằng cái lá đa/ Đen như mõm chó chém cha "sự đời".
Tiếng cười ấy thấm đượm trong hình tượng Thị Màu của chèo sân đình, trong các lời thoại ở màn Thị Màu lên chùa: Trúc xinh trúc mọc đầu đình/Em xinh em đứng một mình chẳng xinh; Cau non tiện chũm lòng đào/ Trầu têm cánh phượng thiếp trao tay chàng; Thầy như táo rụng sân đình/ Em như gái dở đi rình của chua; Gió xuân đánh tốc cái dải yếm đào/ Anh trông thấy oản sao chẳng vào mà thắp hương. Hoặc: Lẳng lơ chết cũng chẳng mòn/ Chính chuyên cũng chẳng sơn son để thờ...
Trong câu đố thanh giảng tục: Múi bưởi, hạt bòng/Lá vông, rễ ấu/ Xấu thì thật xấu/ Ai cũng muốn xem/ Nói đến thì thèm/ Bảo ăn thì giận .   
Khi con người thoát khỏi thời dã man, khi các tôn giáo lớn xuất hiện và thống ngự đời sống tinh thần nhân loại, tiếng cười hai chức năng, tiếng cười lưỡng trị, bị lối tư duy phân tích, làm mờ nhạt dần. Người ta phân biệt, cô lập giữa tục và thiêng, thấp hèn và cao quý, phi chính thống và chính thống, cợt nhả và trang nghiêm, sang trọng và thấp hèn ... Vì vậy tiếng cười dường như vắng bóng trong văn chương của nhà Nho chính thống, nhưng nó vẫn được bảo lưu trong đời sống hàng ngày của dân chúng, trong folklore.
Cái hài là một trong những phạm trù mỹ học. Tiếng cười hài hước được bật ra khi người ta khám phá được một mâu thuẫn đặc biệt, trái tự nhiên. Đó là sự chiến thắng về mặt trí tuệ. Ở phương Đông, cái hài không nằm trong trường thẩm mỹ Nho giáo. Ở phương Tây, Arixtôt (Thi học) coi bản chất của cái hài gắn với mâu thuẫn giữa cái xấu và cái đẹp. Kant nhà triết học, mỹ học Đức thế kỉ XIX coi mâu thuẫn giữa cái cao thượng và cái thấp hèn là bản chất của cái hài. Hêghen nhà triết học, mĩ học Đức cho đó là mâu thuẫn giữa hình tượng và ý niệm. Sécnưsepxki nhà văn, nhà phê bình văn học Nga cho rằng: cái hài kịch xảy ra khi hình tượng lấn át ý niệm, tức cái hài là sự trống rỗng mà tính hoàn toàn vô nghĩa ở bên trong được che đậy bởi một vẻ bề ngoài phô trương, lòe loẹt, (Cái thùng rỗng lại kêu to). Becxông nhà triết học, nhà văn hiện sinh cho đó là mâu thuẫn giữa cái máy móc và cái sinh động. Mác trong Góp phần vào việc phê phán triết học về pháp quyền của Hêghen có đoạn: Lịch sử hành động đến nơi đến chốn và khi đưa xuống mồ một hình thái xã hội đã già cỗi thì lịch sử trải qua rất nhiều giai đoạn, giai đoạn cuối cùng của một hình thái lịch sử toàn thế giới là tấn hài kịch của nó ... Vì sao lịch sử lại diễn ra theo tiến trình như thế? Điều đó cần để cho loài người vứt bỏ quá khứ một cách vui vẻ. (7)
 Bôriep nhà mĩ học Nga cho rằng: cái hài kịch được nảy sinh do mâu thuẫn trong bản thân hiện thực. Cái cười là một hình thức phê phán đặc biệt, có sắc thái cảm xúc, là một hình thái phê phán có tính thẩm mỹ, khi phát hiện ra mâu thuẫn giữa lô- gíc đời sống và hoạt động không phù hợp với nó. Cái hài kịch là người chị xinh đẹp duyên dáng của cái đáng buồn cười.
Như vậy tiếng cười bật ra khi con người ta khám phá ra mâu thuẫn giữa bản chất và hiện tượng, mâu thuẫn giữa nội dung bên trong và biểu hiện bên ngoài, tiếng cười này bao giờ cũng mang ý nghĩa xã hội ở những mức độ khác nhau. Trong phạm trù cái hài, thường có hai cấp độ: hài hước giản đơn (buồn cười, cười vui) và cái hài hước phức tạp, cái hài là một trường hợp riêng của cái cười. (theo Văn học dân gian, giáo trình Đại học Sư phạm)
 Cái hài được chia ra: khôi hài, hài trào phúng, hài trào phúng đả kích. Cái khôi hài xuất hiện trong truyện Tay ải, tay ai, trong các câu ca dao: Chồng còng lấy vợ cũng còng/ Nằm phản thì chật, nằm nong thì vừa; Chồng hen lấy vợ cũng hen/Đêm nằm cò cử như kèn thổi đôi;Chồng què lấy vợ kiễng chân/ Nuôi được thằng ở đứt gân cũng què.
 Hay câu chuyện Chồng gù lấy vợ sứt môi, Vừa tức vừa tức cười ... cái hài trào phúng có đối tượng là thói hư tật xấu của con người nói chung, có thể lấy trong cái truyện cười Con rắn vuông, Cưỡi ngỗng mà về, Nhất bên trọng nhất bên khinh, Quần ẩm, Ô hay nhỉ! Ô tài nhỉ!, Mời bác xơi ngọc... , Thơm rồi lại thối v.v...
Cái hài trào phúng đả kích thường đánh vào bọn thống trị, những tầng lớp ăn trên ngồi trốc trong chế độ chuyên chế. Không phải ngẫu nhiên, truyện tiếu lâm, truyện Trạng Quỳnh, Trạng Lợn lại ra đời trong giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX. Đây là giai đoạn mà chế độ chuyên chế bộc lộ nhiều nét bản chất xấu xa, độc ác, vô đạo đức ... nhất trong lịch sử chế độ chuyên chế Việt Nam: vua chúa, quan lại, thầy đồ, thầy bói, thầy cúng, thầy lang, sư sãi... Chính chúa Trịnh đã ra lệnh không được truyền bá thứ "yêu thư", "yêu ngôn" này. Thậm chí còn đe dọa sẽ trừng trị thật nặng những kẻ lưu truyền chuyện cười đả kích vua chúa bằng hình phạt cắt lưỡi. Nhưng nó vẫn lưu truyền trong ký ức dân gian. Con người thật của vua chúa được phê phán quyết liệt trong các chuyện Diêm vương xử kiện, Chúa tham ăn, vua ăn bẩn, ngu dốt, hoang dâm... bị bóc mẽ trong các chuyện: Món ăn mầm đá, Cây nhà lá vườn, Đào trường thọ, Ngoạ sơn v.v... "Công lý” của làng xã Việt Nam thời xưa được lật tẩy với một sức mạnh nghệ thuật tuyệt vời trong màn "làng ăn khoán” ở vở chèo dân gian Quan Âm Thị Kính. Công lý nằm trong tay đồ điếc, hương câm, lý mù và xã trưởng nên mới có oan Thị Kính.
  Tiếng cười trong thơ Nôm truyền tụng Hồ Xuân Hương, có đầy đủ các cung bậc của tiếng cười nhân loại. Đó là sự giao thoa, xuyên thấm hoà quyện giữa tiếng cười của folklore và văn hoá bác học. Hồ Xuân Hương đã tạo ra một mô thức nghệ thuật về con người lệch chuẩn chính thống, làm lung lay những tín điều đã trở thành công thức, thậm chí thiêng liêng, thực ra đã khô héo, chết cứng về con người trong quan niệm Nho giáo. Các giá trị đã thành định luận về vua, chúa, anh hùng, quân tử, văn nhân tài tử, sư sãi, thiên nhiên,... đều được đem ra bàn lại, định giá lại trên cơ sở một tín ngưỡng, một triết lý, một mỹ học phồn thực. Hồ Xuân Hương nhìn con người ở một hệ quy chiếu mới: con người với những niềm vui trần thế bản năng lành mạnh. Con người vừa có những giá trị độc lập tự thân cao quý, không gì thay thế được của cá nhân, của bản ngã tự nhiên, của phần con đã được người hoá; đồng thời đó cũng là những giá trị siêu cá nhân, giá trị chủng loại không gì thay thế được của cuộc sống cộng đồng, về những nhu cầu bản năng. Thái quá bất cập, thơ Nôm truyền tụng thuộc hiện tượng Hồ Xuân Hương lại thiếu đi những khát vọng tinh thần lớn lao mang tầm kích vũ trụ của những tình cảm cộng đồng. Mẫu hình một con người lý tưởng theo chúng tôi phải khổng lồ trong những tình cảm công dân, trong nghĩa chung: Hữu thì trực thướng cô phong đỉnh/ Nhất khiếu trường thanh hàn thái hư. (Dương Không Lộ - Ngôn hoài); Nam nhi tự hữu xung thiên chí/ Hưu hướng Như Lai hành xứ hành. (Quảng Nghiêm- Hưu hướng Như Lai); Trí chủ hữu hoài phù địa trục/ Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà... (Đặng Dung - Cảm hoài)
Và đó là con người: Hoành sóc giang san cáp kỷ thâu/Tam quân tỳ hổ khí thôn Ngưu/ Nam nhi vị liễu công danh trái/ Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu. (Phạm Ngũ Lão - Thuật hoài)
Con người như Triệu Trinh Nương từng tuyên bố: Tôi muốn đạp cơn sóng mạnh, chém cá kình ở biển Đông... Đồng thời cũng phải là con người biết uống cạn những niềm vui, những khoái lạc trần thế mà trời đất, tự nhiên đã ban tặng cho nó. Con người phải biết sống hết mình cả trong nghĩa chung lẫn tình riêng.
Tiếng cười trong thơ Hồ Xuân Hương mang lại cho hệ thống đề tài, chủ đề, hình tượng cơ bản trong thế giới nghệ thuật của mình một màu sắc thẩm mỹ mới, trước đó chưa từng có mà sau đó cũng không có một hiện tượng văn học nào ngang tầm.
Các hình tượng nghệ thuật cơ bản trong thơ Nôm truyền tụng luôn luôn đa nghĩa, bất cứ bài thơ nào cũng ẩn hiện một lớp nghĩa phồn thực tài hoa, tinh quái, hấp dẫn. Mỗi hình tượng thơ của Hồ Xuân Hương thường mang những nét nghĩa sau đây:
Lớp nghĩa tường minh, nghĩa phô ra, nghĩa hiển hiện trong từng con chữ, thường được thể hiện ở tên các bài thơ: Cái quạt (I, II) Cái giếng nước, Hang Cắc cớ, Trống thủng, Đồng tiền hoẻn, Hang Thánh hoá, Động Hương tích, Tát nước, Thiếu nữ ngủ ngày, Không chồng mà chửa, Khóc Tổng Cóc, Khóc ông Phủ Vĩnh Tường, Dỗ người đàn bà chồng chết, Tự tình (I, II, III), Bỡn bà lang khóc chồng, Mời trầu v.v...
Lớp nghĩa phồn thực, nghĩa ngầm, nghĩa hàm ẩn: chỉ sinh thực khí nam nữ, thân thể người phụ nữ, hành động tính giao, thời điểm tính giao ... (theo Đỗ Lai Thuý).
Lớp nghĩa tâm tình xã hội mang khát vọng, triết lý nhân sinh về thân phận con người đặc biệt là thân phận người phụ nữ với những khát vọng cháy bỏng về hạnh phúc lứa đôi mang tính phồn vinh phồn thực, nghiêng về những khao khát bản năng mang tính người.
Trước và sau hiện tượng Hồ Xuân Hương, thơ lấp lửng đa nghĩa  trong văn chương không phải không có: thơ Ly tao, Đường - Tống, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Chế Lan Viên, Hàn Mạc Tử, Nguyễn Bính... Nhưng sự lấp lửng đa nghĩa kiểu Hồ Xuân Hương vẫn là độc nhất vô nhị trong lịch sử văn học dân tộc, trong văn học khu vực Đông Á và có thể nói trong văn học thế giới cũng hiếm có hiện tượng này. Tiếng cười độc đáo trong thơ Hồ Xuân Hương buộc người nghiên cứu  không thể xếp hiện tượng văn học này đồng hạng với tiểu thuyết những Kim Bình Mai, Nhục bồ đoàn... trong văn học Trung Quốc. Ta cũng không thể đồng tình với Đoàn Lê Giang và Vũ Xuân Hương khi hai ông này gọi Rubôkô So một nhà thơ Nhật Bản là "Hồ Xuân Hương của Nhật Bản” khi tác giả Nhật này viết những bài thơ huê tình, đắm say những xúc cảm nhục thể, những đam mê sung sướng thể xác trong cuộc sống nam nữ kiểu thế này:
Một lần nữa ngước lên - tôi lướt bằng môi - Khắp người em âu yếm. Một con én mong manh run rẩy - Vụt thoáng nhanh.
Vứt Kimônô sang bên - Em ngồi xuống lòng thuyền. Chống sào tôi rời bến. Bơi mãi về tận xa - Ngũ Hồ lô nhô đảo.
Ai gây nên những trận chiến hung tàn - Ai khơi ra cơn thịnh nộ quân vương - Tôi hôn lên đùi cô gái - Đôi hài tơ thẫm lại - Từ những giọt sương. (8)
Tiếng cười tích hợp văn hoá, lưỡng trị vừa huỷ diệt, vừa tái tạo trên cơ sở những ám ảnh phồn thực, trên cơ sở một tín ngưỡng phồn thực, tạo ra ở hiện tượng Hồ Xuân Hương một thể thơ Nôm Đường luật độc đáo. Nó cho phép Hồ Xuân Hương nhìn thể loại này không giống bất cứ loại hình tác giả nào đã và sẽ có trong lịch sử văn học trung đại và hiện đại Việt Nam. Hồ Xuân Hương đã chuyển hoá, cải hoá linh hồn của thể thơ Nôm Đường luật, từ một thể loại trang trọng, nghiêm cẩn cung đình mang tính chất quy phạm, kiểu cách quý tộc, thành một thể thơ mang tính dân chủ hoá, có thể dùng để viết về những đề tài thuộc muôn mặt đời thường. Hồ Xuân Hương đã xoá bỏ khu vực cấm kỵ của thơ Nôm Đường luật ở mức triệt để nhất. Thể thơ này dưới tài năng phi thường Hồ Xuân Hương đã bừng lên một sinh khí mới. Nó chứng tỏ thể thơ này chưa bị lão hoá, chưa bị đào thải. Điều này khiến chúng tôi liên tưởng tới sự kiện sau đây trong lịch sử triết học: vào những năm đầu thế kỷ XX, khi các nhà khoa học tự nhiên khám phá ra rằng: hoá ra nguyên tử chưa phải là phần tử nhỏ nhất của vật chất, trong cấu trúc nguyên tử còn có hạt nhân (prôtôn) và các điện tử (electron). Trước phát hiện này của khoa học, nhiều nhà triết học đương thời hoang mang cho rằng nguyên tử mất đi, vậy vật chất cũng mất đi. Lúc ấy, chính Lê-nin đã chỉ ra rằng: không phải vật chất mất đi, mà chỉ mất đi một quan niệm sai lầm về vật chất. Tương tự như vậy, có thể nói rằng: với hiện tượng thơ Nôm truyền tụng Hồ Xuân Hương thể loại thơ Đường luật nói chung, thơ Nôm Đường luật nói riêng chưa thể chết. Có chăng là thiếu những tài năng đích thực nhìn thấy khả năng miêu tả và biểu hiện cuộc sống của nó còn tiềm tàng sức mạnh bí ẩn mà người ta chưa biết tới. Đến thời kỳ 1932 - 1945, lại nổ cuộc đấu tranh giữa thơ mới và thơ cũ (thơ Đường luật cuối mùa). Cuối cùng thơ mới đã chiến thắng và chiếm lĩnh văn đàn hiện đại. Loại hình tác giả Tây học đã làm một cuộc cách mạng trong thi ca. Nhưng đến nay, thử hỏi thơ mới đã sản sinh ra một hiện tượng nào sánh ngang với Hồ Xuân Hương. Chính Xuân Diệu, nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ mới vẫn phải tôn vinh Hồ Xuân Hương là bà chúa thơ Nôm. Thơ Nôm Hồ Xuân Hương đến nay vẫn trẻ trung, hiện đại, ngay cả trên phương diện thể loại. Hồ Xuân Hương chủ yếu cơ bản "độc tấu” bằng thể thơ Nôm Đường luật. Đây là một vấn đề rất hấp dẫn nhưng đã vượt ra ngoài phạm vi của bài nghiên cứu này.
Bằng cảm thức độc đáo, bằng tiếng cười độc đáo, Hồ Xuân Hương đã tạo ra một hệ thống ngôn ngữ riêng, một hệ lời riêng, một giọng điệu riêng:
 "Vua" "chúa”,"anh hùng”,"quân tử”,"văn nhân tài tử” ... mất đi cái vẻ thiêng liêng, đạo mạo, trong văn chương bác học của nhà Nho chính thống và phi chính thống, qua tiếng cười Hồ Xuân Hương được tái sinh, giải thiêng trút bỏ y phục vàng son, hào quang của đạo để trở về làm người qua tiếng cười suồng sã mang sinh khí của cuộc sống, thậm chí họ là những con người phàm tục. Cái tiếng gọi anh đồ nghe ra kẻ cả, xếch mé. Hồ Xuân Hương luôn nhìn đấng bề trên, những nơi tôn nghiêm: chùa, đền, những phong cảnh thiên nhiên bằng cái nhìn bất kính, phạm thượng.
Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo/ Đứng tréo trông theo cảnh hắt heo. (Quán Khánh). Tạo hoá thì dưới tầm: Khéo khéo bày trò tạo hoá công; Khéo, khen ai đẽo đá chênh vênh; Khen ai đẽo đá tài xuyên tạc.
Bởi lẽ Hồ Xuân Hương cũng là một Tiểu Hoá công.
Đề đền Sầm Nghi Đống là bài tứ tuyệt thể hiện rất đậm bản lĩnh tài năng, giọng điệu… thơ Nôm truyền tụng thuộc hiện tượng Hồ Xuân Hương. Cái nhìn trên tầm, trên tài bộc lộ ngay ở câu đầu: Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo.
 Tiếp đó là sự bất kính, giải thiêng bằng chỉ trỏ: Kìa đền Thái Thú đứng cheo leo. Rồi cách xưng hô xếch mé với thần thánh "đây”, "đấy”: (Ví đây đổi phận làm trai được). Nhưng vẫn nhận ra mặc cảm phụ nữ, mặc cảm phận đàn bà. Cuối cùng là một cái bĩu môi chê bôi, coi thường: Thì sự anh hùng há bấy nhiêu. Đối chiếu với hành trạng Sầm Nghi Đống thì phải hiểu là sự phủ định tuyệt đối, là sự lăng nhục với thần thánh. Hồ Xuân Hương rất hay chửi. Tiếng chửi cất lên nhiều lần trong thơ Nôm truyền tụng: Cái kiếp đường tu sao lắt léo; Chém cha cái kiếp lấy chồng chung; Rúc rích, thây cha con chuột nhắt/ Vo ve bét mẹ cái ong bầu; Đầu sư há phải gì bà cốt/ Bá ngọ con ong bé cái nhầm; Ai về nhắn nhủ phường lòi tói/  Muốn sống đem vòi quét trả đền; Này này, chị bảo cho mà biết.../Chốn ấy hang hùm chớ mó tay.
Đây đích thị là lời ăn tiếng nói suồng sã, thông tục của đời sống thường thấy trong "văn hoá chửi”, "văn học chửi” của người bình dân: Qua sông rồi lại đấm ngay bòi; Đấm cặc ngay vào ngấn nước xuôi. (Qua sông phụ sóng)
 Lối nói lái từng có trong folklore cũng xuất hiện trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Hãy so sánh câu nói lái dân gian miền Trung: Cu khê dũ đệ sính bất cương/ Đạn bay trên phủ súng vô cường/ Sô lụ sí đường vương vương đại số. (Kê khu dễ đụ sướng bất kinh/ Đụ bay trên phản sướng vô cùng/ Su lộ sướng đì vô vô đại sướng.)
Với các câu thơ nói lái trong thơ Hồ Xuân Hương: Cái tiếp tu hành đếm lại đeo; Trái gió cho nên phải lộn lèo.
Tiếng cười trong thơ Nôm truyền tụng rõ ràng là tiếng cười lưỡng trị, đa trị. Nó không thuần tuý chỉ là tiếng cười đả kích, châm biếm. Tiếng cười trong thơ Nôm truyền tụng hội tụ đủ các cung bậc của tiếng cười nhân loại. Nó là một trong các yếu tố cấu trúc hệ thống cơ bản, quan trọng và cốt yếu nhất làm nên gương mặt thơ độc đáo vô song Hồ Xuân Hương.


                Vân Giang, 10/1999 - 10/2011



Chú thích:  (1) Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại, Trần Đình Hượu, NXB Giáo dục, Hà Nội, năm 1999, trang 29 - 33; (2), (8) Hồ Xuân Hương - Hoài niệm phồn thực, Đỗ Lai Thúy, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội, năm 1999, trang 72 -92; (3) Đến với thơ Hồ Xuân Hương, NXB Thanh niên, Hà Nội, năm 1997, trang 15 -16; (4), (5), (6) Lí luận và thi pháp tiểu thuyết, M. Bakhtin, Phạm Vĩnh Cư dịch, Trường viết văn Nguyễn Du, Hà Nội, năm 1992, trang 159- 176-177- 188- 189; (7) Về văn học nghệ thuật, C. Mác - F. Ăng ghen, NXB Sự thật, Hà Nội, năm 1996, trang 106 - 107.

Bài viết khác