Chủ nhật, 19/05/2024

Khái lược về văn học hiện đại Ninh Bình thời kì đổi mới

Thứ tư, 27/02/2019

NGUYỄN THỊ BÌNH

Tiếp nối nguồn mạch từ Văn học trung đại, Văn học hiện đại Ninh Bình ngày càng đổi mới vươn lên xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến. Là một bộ phận của văn học đương đại, Văn học Ninh Bình thời kì đổi mới, đặc biệt từ khi tái lập tỉnh (1992) đã có sự phát triển vượt bậc cả về số và chất lượng, từ đội ngũ văn nghệ sĩ đến thể loại, thể tài…

7

Bên cạnh thơ là thể loại sáng tác chủ đạo có nhiều thành tựu, hội tụ một đội ngũ đông đảo các nhà thơ chuyên nghiệp và nghiệp dư, thì các thể loại khác như truyện ngắn, tiểu thuyết, kí, kịch bản sân khấu, phê bình văn học, nghiên cứu sưu tầm …cũng không ngừng phát triển, làm nên một diện mạo vô cùng khởi sắc của Văn học Ninh Bình: Số lượng tác phẩm ngày một nhiều, chất lượng tác phẩm được nâng lên rõ rệt. Tất cả được in dấu ấn bằng những giải thưởng từ Trung ương đến địa phương. Tiêu biểu nhất là năm 2012, nhà viết kịch Đăng Thanh đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng “Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật”. Giải thưởng đã đánh dấu và tôn vinh quá trình sáng tạo không ngừng nghỉ của ông. Đây là vinh dự không chỉ cho riêng ông, mà còn cho đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà. Bởi lần đầu tiên trong lĩnh vực VHNT, Ninh Bình có một tác giả được tặng giải thưởng cao quý đó.
Thời kì đổi mới, Văn học Ninh Bình có bước phát triển mạnh về nhiều mặt:
Về đội ngũ, khi chưa tái lập tỉnh, Hội VHNT Ninh Bình chỉ có 41 hội viên, trong đó có 25 hội viên bộ môn sân khấu. Có 9 hội viên Trung ương đều là hội viên bộ môn Sân khấu. Từ khi tái lập tỉnh, số lượng các nhà thơ, nhà văn ngày tăng lên rõ rệt, nhiều tác giả đã trở thành hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, và Trung ương. Hiện nay, hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình đã có180 hội viên, trong đó có 75 hội viên thuộc tất cả các Hội chuyên ngành Trung ương.
Nói riêng ở lĩnh vực thơ, 16 năm chung tỉnh Hà Nam Ninh, Ninh Bình chỉ có 4 tác giả là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam Ninh và cũng chỉ xuất bản được 3 tập thơ (in chung 2 tác giả). Đó là: Mưa nắng sông quê của Lâm Xuân Vi và Đào Vĩnh; Cánh diều mùa thu của Thanh Thản và Nguyễn Văn Thắng; Ngọn gió tình yêu của Vũ Hùng và Nguyễn Phú Nhuận, chưa có tác giả là hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Nhưng đến nay, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã có trên 20 cây bút thơ và đã có 4 tác giả được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Đặc biệt, tác giả nào cũng có ít nhất một vài tập thơ in riêng. Có những tác giả xuất bản trên dưới mười tập thơ, ra được Tuyển tập thơ (Lâm Xuân Vi, Thanh Thản, Trương Minh Phố, Lê Công). Đó là chưa kể một lực lượng sáng tác thơ đông đảo ở khắp các câu lạc bộ và ở các lĩnh vực khác trong tỉnh. Tác phẩm của họ được đón nhận, được đăng tải trên các sách báo, tạp chí Trung ương và địa phương. Họ chính là lực lượng kế cận, là nguồn bổ sung dồi dào cho đội ngũ sáng tác thơ trong tỉnh.  
Từ năm 1993, Ninh Bình đã có một Tạp chí chuyên về Văn học Nghệ thuật, đó là Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình. Tạp chí đăng tải hầu hết các tác phẩm do các tác giả địa phương sáng tác với hàng ngàn bài thơ, hàng trăm truyện ngắn, hàng trăm bài nghiên cứu sưu tầm, phê bình văn học cùng các thể loại văn học khác... Có thể nói, đây là “chất xúc tác” thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sáng tác của các văn nghệ sĩ Ninh Bình. Trong những năm qua, Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình không ngừng đổi mới, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới. Tạp chí ra đều đặn mỗi tháng một số, in ấn đẹp đẽ dày dặn. Từ năm 2011 đã tăng từ 12 số/năm lên 13 số/năm. Đây không chỉ là nơi đăng tải sáng tác của những cây bút tỉnh nhà ở các thể loại, mà còn là nơi giới thiệu sáng tác của các cây bút trẻ nhằm bổ sung kịp thời cho đội ngũ sáng tác. Đây cũng là nơi giao lưu trao đổi với các cây bút trong cả nước ở nhiều lĩnh vực, nhằm nâng cao nghiệp vụ sáng tác.
Sau 25 năm tách tỉnh, đã có trên 300 đầu sách của hội viên được xuất bản. Đặc biệt, kỉ niệm một nghìn năm Hoa Lư - Thăng Long - Hà Nội, được sự nhất trí của tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Hội VHNT Ninh Bình đã xuất bản cuốn sách “Tuyển tập văn học Ninh Bình một nghìn năm” (1400 trang). Đây là một sự kiện văn học có ý nghĩa lớn, đánh dấu những thành tựu và sự phát triển có tính kế thừa, tiếp nối của văn học Ninh Bình ngàn năm qua.
   Về chất lượng: Chất lượng sáng tác ngày càng được nâng cao ở các thể loại. Các tác giả và tác phẩm đạt giải thưởng từ Trung ương đến địa phương ngày càng nhiều. Đề tài được mở rộng đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần làm giàu có và phong phú tâm hồn con người nói chung và  con người trên quê hương Ninh Bình nói riêng. Phạm vi phản ánh hiện thực trong văn học ngày càng phong phú. Một vùng non nước “sơn thuỷ hữu tình” của quê hương Sông Vân - Núi Thuý, luôn là đề tài quen thuộc trong các sáng tác của các tác giả địa phương…
Về thể loại: Thơ tiếp tục phát triển và có nhiều thành tựu. Nhiều tác giả có những tập thơ chất lượng tốt, được tặng giải thưởng của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (Lâm Xuân Vi, Bình Nguyên, Trương Minh Phố, Trần Xuân Trường, Ninh Đức Hậu…). Nhiều tập thơ được UBND tỉnh tặng giải thưởng VHNT Trương Hán Siêu…Trong cuộc thi thơ Lục bát do Báo Văn nghệ Trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức năm 2001- 2002, các tác giả thơ ở Ninh Bình đã có số lượng bài dự thi khá cao và đạt nhiều giải thưởng trong đó có 2 trong số 3 giải A (Bình Nguyên, Kao Sơn), 2 giải Ba (Vũ Hùng, Trần Lâm Bình) và 1 bằng khen (Lê Thi Hữu). Đó là chưa kể đến các cuộc thi thơ do các cơ quan ban ngành từ Trung ương đến địa phương tổ chức, mà có rất nhiều tác giả Ninh Bình đạt giải (Trần Lâm Bình, Thanh Thản, Trần Duy Đới, Bình Nguyên, Ninh Đức Hậu…). Ngoài các tác giả tiêu biểu mà tên tuổi đã trở thành quen thuộc như: Lâm Xuân Vi, Bình Nguyên, Trần Lâm Bình, Trương Minh Phố, Ninh Đức Hậu, Thanh Thản, Vũ Đức Thanh, Trần Duy Đới, Nguyễn Khắc Thiệu, Lê Nhuệ Giang, Vũ Đức Thành, Đinh Hữu Niên, Võ Ngột, Phạm Tâm An…Còn xuất hiện một số tác giả trẻ, mang lại một hơi thở mới, màu sắc mới cho nền thơ tỉnh nhà như: Trần Xuân Trường, Đặng Diệu Thoa, Hoàn Nguyễn, Bùi Thị Nhài, Bùi Hồng, Cầm Thị Đào…Bên cạnh đó, trong nhiều tuyển tập thơ bề thế của các nhà xuất bản, đã có sự góp mặt của một số tác giả thơ Ninh Bình. Ngoài ra, thơ văn của các tác giả Ninh Bình thường xuyên được đăng tải trên các sách, báo, tạp chí của Trung ương, được phát trên Đài tiếng nói Việt Nam…
Văn xuôi cũng có bước chuyển mình đáng kể về nội dung và nghệ thuật. Điều dễ nhận thấy là khi còn chung tỉnh Hà Nam Ninh, Ninh Bình chỉ có nhà văn Kao Sơn và Nguyễn Thế Kiểm có mặt trong tập truyện ngắn in chung: Nơi bắt đầu. Ngay sau khi tách tỉnh, hàng loạt các tập truyện ngắn, bút ký, tản văn của các tác giả Ninh Bình ra đời. Hầu như tác giả nào cũng có ít nhất 01 tập sách. Có tác giả liên tục có sách xuất bản như: Thanh Thản, Đinh Hữu Niên, Nguyễn Hữu Văn, Vũ Thanh Lịch, Kao Sơn , Hoàng Phương Nhâm... Điều đó cho thấy, không khí văn học tỉnh nhà được khởi sắc ở nhiều khía cạnh, và có những tác giả đã ghi được dấu ấn bằng những giải thưởng ấn tượng. Năm 2001 nhà văn Kao Sơn đạt giải A của NXB Kim Đồng cho tác phẩm Khúc đồng dao lấm láp. Nhà văn Hoàng Phương Nhâm đạt giải Ba - NXB Kim Đồng, năm 2003, cho tập truyện Miền cổ tích; Giải thưởng cuộc thi viết truyện ngắn cho thanh thiếu nhi, do hội Nhà văn Việt nam và Bộ GD&ĐT tổ chức năm 2004; Giải thưởng văn học của UBTQ Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho tác phẩm của Hoàng Phương Nhâm, Kao Sơn (in chung); Vũ Thanh Lịch...Nhiều tác phẩm được UBND tỉnh tặng giải thưởng VHNT Trương Hán Siêu…Gần đây, nhà văn Kao Sơn đạt giải Nhì cho tác phẩm Trăng vàm cọp, hưởng ứng cuộc vận động sáng tác Văn học cho thiếu nhi, giai đoạn 2012-2013 do dự án hỗ trợ thiếu nhi Việt Nam- Đan Mạch tổ chức. Bên cạnh đó, hàng loạt tác phẩm thuộc các thể loại: Truyện ngắn, bút kí, tuỳ bút, tản văn… của các tác giả Ninh Bình được công bố trên các sách, báo, tạp chí từ Trung ương đến địa phương. Ngoài các tác giả văn xuôi tiêu biểu: Kao Sơn, Hoàng Phương Nhâm, Vũ Thanh Lịch, Ngô Xuân Hành, Ninh Đức Hậu, Nguyễn Minh Ngọc, Trần Duy Đới, Nguyễn Đăng Trình, Phạm Thị Duyên, Đỗ Quyên Quyên, Đào Thu Hà... Gần đây đã xuất hiện những cây bút có nhiều triển vọng như: Thúy Hoàng, Mai Hồng Quế, Cầm Thị Đào...Về nội dung, bên cạnh việc tập trung ca ngợi vẻ đẹp của quê hương và con người Ninh Bình trong xây dựng cuộc sống mới, các cây bút văn xuôi đã chú ý hơn đến những số phận riêng của con người, mang đến cho những trang viết một chiều sâu nhân bản, nhân văn.
Lĩnh vực văn học dành cho Thiếu nhi được hình thành, phát triển và ít nhiều đã có những thành tựu, “Hợp tuyển Văn học thiếu nhi” ra đời là một minh chứng tiêu biểu cho sự đóng góp của lĩnh vực này. Nhiều tác giả đã có tác phẩm in riêng cho thiếu nhi. Tiêu biểu là các tác giả: Nguyễn Quang Hảo, Thanh Thản, Ninh Đức Hậu, Kao Sơn, Hoàng Phương Nhâm, Trần Anh Thuận...
Lĩnh vực Lý luận phê bình bước đầu được hình thành, bước đầu có thành tựu, Đó là 02 giải thưởng của UBTQ Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật cho tác phẩm của Nguyễn Mạnh Quỳnh và Nguyễn Thị Bình. Tuy nhiên, nhiều bài viết chưa thực sự có tính chuyên nghiệp, mới chỉ dừng ở sự cảm nhận tác phẩm, hoặc giới thiệu chân dung tác giả, cảm nhận và giới thiệu sách...
Nghiên cứu sưu tầm có nhiều khởi sắc, nhất là trong lĩnh vực sưu tầm. Các tác phẩm tập trung giới thiệu danh lam thắng cảnh, lịch sử, văn hoá và danh nhân nổi bật của Ninh Bình. Tiêu biểu là các tác giả: Trương Đình Tưởng, Nguyễn Văn Trò, Đặng Công Nga, Lã Đăng Bật, Đỗ Danh Gia, Nguyễn Quang Hải, Đỗ Trọng Am, Vũ Văn Lâu, Mai Đức Hạnh, Đỗ Thị Bảy, Lê Doãn Đàm...
Nghệ thuật sân khấu cũng có bước phát triển mới với một số tác giả tiêu biểu: Đăng Thanh, Ngọc Cương, Lâm Xuân Vi, Ninh Đức Hậu ... Nhiều vở kịch nói, kịch chèo... với đề tài về lịch sử, về cuộc sống hiện đại của địa phương được sáng tác, dàn dựng công phu, chất lượng tốt, được công chúng đánh giá cao.
Điểm qua sự phát triển của Văn học hiện đại Ninh Bình thời kì đổi mới để thấy được sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Qua đó, một mặt khẳng định lòng tự hào về một Ninh Bình khai sinh ra dòng Văn học viết, mặt khác, thấy được sự tiếp nối có tính truyền thống của Văn học địa phương trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
      

                 
N.T.B

Bài viết khác