Chủ nhật, 19/05/2024

Nhịp điệu kể chuyện trong tiểu thuyết "Giông tố" của Vũ Trọng Phụng

Thứ ba, 12/03/2019

(Trích chuyên khảo"Thời gian giả trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng" Giải B Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam 2018)

NGUYỄN MẠNH QUỲNH

Xét từ phương diện nhịp điệu kể chuyện, Giông tố là sự kết hợp độc đáo giữa nhịp điệu kể chuyện nhanh dần của tiểu thuyết phóng sự và nhịp điệu luân phiên trong các tiểu thuyết tâm lý.
Nhịp điệu kể chuyện luân phiên

Nhịp điệu của Giông tố, nhìn một cách tổng thể, tuân theo kiểu nhịp điệu nhanh chậm luân phiên của các tiểu thuyết – tâm lý. Tốc độ kể chuyện đi từ rất chậm (100 trang/20 ngày) đến nhanh dần (50 trang/20 ngày), tiếp đến rất nhanh (43 trang/90 ngày) rồi chậm dần (108 trang/90 ngày) và bất ngờ cực nhanh ở những trang cuối (13 trang/9tháng).

Về khung thời gian sự kiện trong Giông tố, chúng tôi xin có một số lưu ý nhỏ. Một số nhà nghiên cứu căn cứ vào thời gian được tác giả ghi ở chương đầu (tháng 10/1932) và phần kết (mùa hạ năm 1933) của Giông tố để kết luận rằng thời gian của câu chuyện là 7 - 8 tháng. Tuy nhiên, khảo sát của chúng tôi qua các phần cụ thể của tác phẩm lại cho thấy thời gian của Giông tố ít nhất phải là 18 tháng. Bởi vì chương I là vào mùa đông năm 1932, đến chương XX (trong số 30 chương và đoạn kết của tác phẩm) tác giả cho biết thời gian lúc này đã vào hè (nghĩa là đã thời gian của chuyện đã bước sang năm 1933). Lúc này, Nghị Hách vừa cưới thị Mịch.

Chương XXIX, Nghị Hách tuyên bố gả Tuyết cho Long. Đến đoạn kết, thị Mịch đã có con” gối đầu tay” và Tuyết thì “con đẻ thì chết như thế”. Như vậy chắc chắn Vũ Trọng Phụng đã nhầm lẫn trong việc tính toán và ghi thời gian niên biểu ở phần kết mà đúng ra phải là mùa hè năm 1934.
Việc xác định khoảng thời gian của các sự kiện trong tác phẩm không hề dễ dàng và cũng dễ nhầm lẫn. Chẳng hạn, có người đã cho rằng bảy chương đầu của Giông tố, “Vũ Trọng Phụng dùng để nhẩn nha kể về thời gian gần năm hôm”  có lẽ là thiếu căn cứ; bởi vì ở chương VII, khi Tú Anh nói về chuyện “nài hoa ép liễu” của Nghị Hách, Long đã nói với Tú Anh: “Chuyện xảy ra, hình như cũng đã quá nửa tháng” (sự kiện hiếp dâm xảy ra ở ngay chương thứ nhất).

Cũng như vậy, mở đầu chương VIII, tác giả viết: “Từ khi xảy ra cái việc không may cho cô gái quê làng Quỳnh Thôn, tính đến hôm nay đã được hai mươi hôm” dễ làm người đọc hiểu là tám chương đầu tác giả kể chuyện xảy ra trong hai mươi hôm. Thực ra là chưa chính xác. Bởi lẽ, chương IX thuật lại sự kiện diễn ra trong ngày hôm sau ngày được kể trong chương VIII. Trong khi đó, chương X kể sự việc diễn ra cũng là ngày hôm sau ngày được kể trong chương VII. Như vậy chương X nằm trong khoảng thời gian từ “quá nửa tháng” cho đến “hai mươi hôm” sau sự kiện “không may” đối với Mịch. Và chương IX - nói một cách chặt chẽ – là sự kiện của ngày thứ hai mươi mốt. Tóm lại, mười chương đầu là có thời gian sự kiện là khoảng hai mươi ngày.


Trong mười chương đầu, với 100 trang, tác giả kể chậm rãi các sự kiện, biến cố diễn ra trong thời gian như đã nói ở trên và dừng lại ở sự việc xử kiện. Sự kiện này đã đánh dấu một bước ngoặt của truyện, bởi lẽ đến đây, với cách xử kiện có một không hai của viên quan huyện Cúc Lâm mới thì vụ kiện “dâm sự” coi như đã kết thúc với phần thắng thuộc về kẻ hiếp dâm, theo đúng cái triết lý của hắn là “nén bạc đâm toạc tờ giấy”. Sự kiện này sẽ làm gia tăng mâu thuẫn, vì rằng toàn bộ phần truyện này đều xoay quanh vụ án “dâm sự” của Nghị Hách.

Bên bị ra sức “chạy án”, còn bên nguyên quyết tâm kiện đến cùng để “giữ thể diện cho làng” để khỏi mang tiếng “nhục với cả tổng”. Các hoạt cảnh được sử dụng theo cách thức song song tương ứng làm cho căng thẳng nối tiếp căng thẳng: Dân làng Quỳnh Thôn kéo như lên quan thì Nghị Hách cũng sai người đến điều đình với quan. Chức dịch trong làng liên tục bàn định kế sách kiện tụng thì Nghị Hách, một mặt, cậy nhờ đến những kẻ tai to mặt lớn như quan Công sứ và quan Tổng đốc giúp sức; mặt khác, ném đá giấu tay để vu vạ khiến cho cả làng phải “sống những ngày tháng nặng trình trịch, rất hỗn loạn”. Mâu thuẫn đối kháng quyết liệt giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị, giữa cái thiện và cái ác được phơi bày ra ánh sáng qua lối kể chậm và tỉ mỉ đến từng chi tiết.

Tốc độ kể chuyện được đẩy nhanh dần lên ở năm chương tiếp theo (từ chương XI đến chương XV) bắt đầu bằng sự kiện Mịch có thai bị dân làng “thêu dệt là hư thân mất nết”, cha mẹ cô bị khinh khi, dè bỉu (Chẹp! Chẹp!!!... Rõ chém cha cái đời! Cho thế mới mát ruột con mẹ đồ Uẩn...). Một tỉnh lược mơ hồ đã được chèn vào giữa khoảng cách của chương X và chương XI, có độ dài thời gian là khoảng một tháng rưỡi (sự kiện ở chương XI diễn ra vào một ngày cuối tháng chạp, trước lễ ông Táo một ngày). Với khoảng thời gian ấy, cộng thêm sự nghi kỵ của Long, sự lừa dối của Tú Anh đã đủ để khiến Mịch từ một cô thôn nữ hiền lành, chất phác, biến thành một con người chai sạn, lì lợm “muốn sống cho đủ dày dạn, cho đủ khổ nhục”. Các hoạt cảnh độc thoại bắt đầu phát huy tác dụng đào sâu vào thế giới nội tâm đầy giằng xé của Mịch, ông đồ và Long.

Từ chương XVI đến chương XX, tốc độ kể chuyện được đẩy lên nhanh nhất khi khoảng thời gian hơn ba tháng chỉ được thuật lại trong 40 trang, trong đó có một hoạt cảnh dài tới 16 trang nằm trọn trong chương XVI và XVII (Long và Tú Anh trong tiệm hút). Các tỉnh lược giả định bắt đầu phát huy tác dụng để làm nhoè đi những dấu hiệu thời gian cụ thể. Các sự kiện chỉ được gắn với các dấu hiệu thời gian mờ nhạt, phiếm chỉ như “đêm hôm ấy” (chương XVI và chương XIX), “buổi chiều hôm ấy” (chương XVIII). Khung thời gian sự kiện tương đối dài (ba tháng), “thời gian giả” tương đối ngắn (trên bốn chục trang), trong khi khoảng thời gian bị “bỏ qua” hay khoảng cách giữa các sự kiện là không thể xác định được, đã tạo ra một hiệu quả là tốc độ tự sự khá nhanh. Nó khiến cho chính người trong cuộc như Long cũng phải thốt lên “sự đời y như một giấc mộng”.

Mà quả là một giấc mộng thật, bởi vì chỉ mới cách đấy ít lâu, Mịch còn đau đáu trong khổ nhục thì giờ đã là vợ lẽ của nghị Hách; còn Long vừa bị cướp trắng người yêu thì nay đã có một hôn thê “tuyệt thế giai nhân” là Tuyết, con gái Nghị Hách!
Từ chương XXI đến chương XXX, tốc độ kể chuyện giảm xuống chỉ còn một nửa so với phần truyện kế trước. Khoảng thời gian sự kiện là ba tháng được kể trong 108 trang và đánh dấu bằng sự xuất hiện của ông già Hải Vân cùng với lời báo trước cho Long “trong ba tháng nữa thì cậu sẽ gặp bố mẹ của cậu”.

Không gian truyện lúc này được thu hẹp lại, các sự kiện, biến cố chủ yếu xoay quanh phạm vi gia đình nghị Hách. Lối kể chậm rãi khiến cho mỗi một sự kiện, biến cố được xây dựng như một chiếc ngòi nổ chậm dẫn đến trái bom đang tiềm ẩn trong nhà Nghị Hách. Hải Vân xem sinh phần cho Nghị Hách rồi đoán số cho y và dự báo về một kết cục kinh hoàng (“tử tôn thế nào cũng bất đắc kỳ tử”; “con giai thì ăn thua mà con gái thì hoặc trụy lạc, hoặc chết non”, “có đau đớn về tinh thần”); chuyện Mịch ngoại tình với Long – cuộc loạn luân giữa con trai với vợ bé của bố; quan hệ xác thịt giữa Long và Tuyết - loạn luân giữa hai anh em ruột; vợ cả Nghị Hách thông dâm với một thằng cung văn chỉ đáng tuổi con mình... Trái bom ấy sẽ nổ tung đúng như dự báo của Hải Vân khi mọi chuyện thâm cung bí sử, nhếch nhác và bẩn thỉu trong gia đình Nghị Hách bị phanh phui (chương XXIX)

Nhưng Vũ Trọng Phụng còn muốn đi đến chỗ tột cùng của bộ mặt đểu giả, bất nghĩa, bất nhân của cái quái thai mặt người dạ thú ở Nghị Hách. Đó là cảnh phát chẩn và nhận huân chương của Nghị Hách (chương XXX) diễn ra chỉ một ngày sau khi tấn kịch dâm loạn kia bị phơi bày. Để lừa dối dân nghèo, nghị Hách trong đầu phải tưởng tượng ra cảnh vợ con loạn dâm để cố ứa nặn ra những giọt nước mắt đau khổ nhằm trá hình là thương dân lầm than. Biết rõ Long là con trai mình nhưng nghị Hách vẫn tuyên bố gả con gái cho Long để được tiếng là “bình dân”, để được Bắc đẩu bội tinh ! Và đây lại chính là chiếc ngòi nổ nữa cho trái bom ở đoạn kết.

Đoạn kết, như chúng tôi đã nói ở trên, dù được tác giả ghi rõ là “một buổi tối mùa hạ năm sau, tức là năm 1933”, nhưng đúng ra phải là mùa hạ năm 1934 (mùa hạ năm 1933 là ở chương XX). Như vậy, đã có một tỉnh lược mơ hồ xuất hiện ở Đoạn kết này mà theo tính toán của chúng tôi (một cách rất tương đối) là khoảng chín tháng. Những gì đã xảy ra trong chín tháng ấy? Đây là khoảng trống dành cho sự lấp đầy của độc giả. Thật thế, cuộc phát chẩn và buổi lễ đón Bắc đẩu Bội tinh của Nghị Hách dừng lại với chi tiết Nghị Hách tuyên bố gả Tuyết cho Long. Long lúc này cũng đã biết rõ mình là con trai Nghị Hách. Một cuộc hôn phối loạn luân ghê tởm giữa hai anh em ruột được sắp đặt bởi bàn tay người cha thô bỉ và quái đản diễn ra trong nỗi “sợ sệt” và  cam chịu của Long. Vai trò của tỉnh lược ở đây chính là dành chỗ cho sự ước đoán, suy luận của độc giả. Phải chăng Long, kẻ mang trong mình dòng máu của nghị Hách, cũng sẽ chấp nhận một cách thô bỉ cuộc hôn nhân đầy tội ác này ?

Bởi thế, một người đọc giàu tưởng tượng nhất cũng sẽ phải ngạc nhiên và bất ngờ khi chứng kiến ở Đoạn kết một cảnh “cuồng dâm dữ dội, một bữa dạ yến long trời lở đất, đáng chép vào cuốn sử của khách làng chơi”- nghĩa là một cuộc ăn chơi thác loạn của Long với “cánh hẩu rỉ” trước khi anh ta tự kết liễu đời mình một cách bi thảm và rùng rợn. Tốc độ kể chuyện phi mã của Đoạn kết chính là để dành cho sự bất ngờ đó.
Nhịp điệu nhanh dần bên trong nhịp điệu luân phiên

Đặt tên tác phẩm là Giông tố hẳn Vũ Trọng Phụng đã tiên liệu nội dung của tác phẩm là một trận cuồng phong dữ dội trong xã hội thực dân nửa phong kiến - cái xã hội mà ông thường cho là “chó đểu” và “vô nghĩa lý”. Quả thật, Giông tố đúng là một trận bão tố kinh thiên động địa với “đủ cảnh tượng đảo điên, láo nháo, quay cuồng như đèn cù...”.  Trận bão tố ấy, theo chúng tôi, là sự hợp thành từ hai cơn giông tố tương ứng với hai phần truyện của tác phẩm; một diễn ra và tàn phá trên diện rộng, gieo rắc tai ương và kinh hoàng từ chốn thành thị đến một vùng nông thôn xa xôi; một xoáy vào tâm điểm là phạm vi chỉ trong một gia đình.

Từ chương I cho đến chương XX của tác phẩm là cơn giông tố diễn ra trên diện rộng, từ Tiểu Vạn lý trường thành của Nghị Hách đến làng Quỳnh Thôn của thị Mịch. Quá trình này diễn ra trong 6 tháng cho đến khi Hải Vân xuất hiện. Những đám mây u ám xuất hiện từ cuộc cưỡng bức giữa đường của Nghị Hách rồi chuyển thành giông bão với biết bao tai hoạ ập xuống đầu những người dân vô tội mà chính nghị Hách cũng trở thành một nạn nhân. Cơn giông tố có vẻ tạm lắng xuống khi Nghị Hách bằng lòng cưới cô thôn nữ thị Mịch làm vợ hờ và Long trở thành hôn phu của Tuyết. Nhịp điệu của phần truyện này, như chúng tôi đã phân tích ở trên đi từ rất chậm đến nhanh dần rồi rất nhanh – như một sự hối hả về đích.

Sự xuất hiện của nhân vật Hải Vân đã châm ngòi cho một trận giông tố thứ hai, diễn ra trong phạm vi không gian gia đình Nghị Hách. Độ dài thời gian của các sự kiện trong cơn giông tố thứ hai này là 12 tháng. Trong đó có 3 tháng, tác giả dành 108 trang kể chậm rãi phanh phui những chuyện đáng được gọi thâm cung bí sử của kẻ bạo chúa khét tiếng gian dâm. Đoạn kết của truyện, tác giả bất ngờ tăng tốc bởi một tỉnh lược dài, như đã nói ở trên, quãng thời gian chín tháng (từ cuối hè năm trước đến đầu hè năm sau) chỉ  được thuật trong mười ba trang và kết thúc bằng sự kiện Long tự tử trong thác loạn.
Vậy là, mỗi trận giông tố nằm trong hai phân đoạn như đã phân tích, mang nhịp điệu của các tiểu thuyết - phóng sự, nghĩa là dồn nén, căng thẳng và đẩy nhanh về điểm chót. Giông tố chính là những cơn bão táp dồn dập, phũ phàng, xô đẩy những số phận, những cuộc đời từ mọi nẻo đường.

Tính phức hợp của nhịp điệu kể chuyện cho thấy những biểu hiện khác nhau của các vận động tự sự như lược thuật, tỉnh lược, ngừng nghỉ và hoạt cảnh trong các tiểu thuyết - phóng sự và tiểu thuyết tâm lý đều được Vũ Trọng Phụng sử dụng phát huy ưu thế của chúng trong kiệt tác của mình. Đó là tỉnh lược mơ hồ xuất hiện ở khoảng cách giữa chương X và chương XI, tỉnh lược giả định giữa các chương XVIII, XIX, XX. Các tỉnh lược này là cần thiết cho sự vận hành của truyện, chúng bù đắp cho sự “đẳng thời” của các hoạt cảnh và tính chất “phi thời gian” của các ngừng nghỉ miêu tả. Lược thuật với việc nén các sự kiện dồn dập diễn ra trong hai mươi ngày sau sự kiện hiếp dâm của Nghị Hách; lược thuật qua hồi tưởng của nhân vật Long và nhân vật Hải Vân về quá khứ của các nhân vật; các hoạt cảnh đối thoại đầy kịch tính trong diễn biến vụ kiện của dân làng Quỳnh Thôn, cảnh Nghị Hách phát chẩn… Các hoạt cảnh độc thoại khắc họa những biểu hiện tâm lý của các nhân vật Long, Mịch, ông đồ. Các ngừng nghỉ cũng khá đa dạng như miêu tả phong cảnh (cảnh Tiểu vạn lý trường thành của Nghị Hách, cảnh thôn quê vào những đêm trăng), giới thiệu nhân vật, tình huống, bình luận ngoại đề…

Các vận động tự sự còn có thể kết hợp với nhau theo kiểu đan xen, lồng ghép, hoạt cảnh này lại bao hàm một hoạt cảnh khác hoặc một lược thuật (đoạn Hải Vân nhắc lại cho Nghị Hách nhớ về những sự kiện 28 năm về trước là một ví dụ). Các hoạt cảnh có xu hướng kéo dài và đan xen với các ngừng nghỉ và lược thuật tạo nên độ căng của thời gian giả trong 10 chương đầu.
Cũng có trường hợp các ngừng nghỉ đan cài với những suy nghĩ của nhân vật (lời nửa trực tiếp) hoặc với lời thoại, làm cho ngừng nghỉ “tiến gần đến tốc độ của hoạt cảnh” .

Đoạn văn sau đây là một ví dụ: “Càng nghĩ đến những lời nhận xét của Tú Anh, Long càng thấy đúng, mà đã càng thấy đúng, Long càng ngán ngẩm cho sự đời. Chao ôi! Ông đồ Uẩn! Một người xưa kia như thế mà bây giờ như thế! Hay là tại ông đồ chưa phải hẳn người đã thấm nhuần đạo nho? Hay tại đạo nho chỉ kết quả nên hạng người như thế? Hay bởi lẽ mặc lòng được tiếng nhà nho, ông đồ Uẩn cũng vẫn vô học như thường? Phải đâu, ừ phải đâu mới là một thày đồ có một dúm chữ ê a dạy lũ trẻ ranh mà đã là có học! Vả chăng cái số thầy đồ vô học mà tự phụ vẫn nhan nhản trong xã hội... Nếu đúng thế Long đã nhầm, đã nhầm một cách khốn khổ, đã sung sướng một cách vô nghĩa lý, khi chàng hỏi được Mịch mà chàng tự đắc là sẽ được làm rể một bậc thượng lưu học thức, một người thanh bần nhưng có một tầm hồn vững chãi, có một căn bản tinh thần - một nơi dòng dõi thế gia”. Đây là kiểu miêu tả khá đặc biệt mà theo Genette, cũng thường xuất hiện trong tiểu thuyết của Proust và Flaubert.

Giông tố là trường hợp trung gian giữa tiểu thuyết – phóng sự và tiểu thuyết – tâm lý xét ở khía cạnh nhịp điệu kể chuyện. Nhịp điệu kể chuyện phức hợp phản ánh tính chất pha trộn loại thể của tiểu thuyết này đã được đề cập ở chương 1 của chuyên khảo.
Những phân tích về tốc độ và nhịp điệu trong các tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng trên cơ sở xem xét mối tương quan giữa khoảng thời gian của câu chuyện và độ dài của văn bản tự sự cho thấy tốc độ và nhịp điệu của tác phẩm rõ ràng đã bị chi phối bởi ý đồ nghệ thuật của tác giả, bởi nội dung - tư tưởng và loại thể của tác phẩm. Xét riêng từ khía cạnh tốc độ và nhịp điệu kể chuyện, có thể thấy Vũ Trọng Phụng rất có ý thức về thời gian tự sự trong mỗi tác phẩm của mình. Thời gian trở thành một nhân tố quan trọng chi phối cách kể chuyện của nhà văn.

N.M.Q

 

Bài viết khác