Chủ nhật, 19/05/2024

Bá Kiến con quỷ dữ mang bộ mặt người ở làng Vũ Đại

Thứ ba, 18/08/2020

BÙI NGỌC MINH 

1. Dường như mỗi nhân vật trong kiệt tác Chí Phèo của Nam Cao đều từ trang sách bước ra cuộc đời, từ một cái tên riêng trở thành cái tên chung để người đời dùng chỉ một loại người, một loại tính cách nào đấy trong cuộc sống thực của nhiều thời.

Ngày hôm nay, mặc dầu cái thời đại đã sản sinh ra những mẫu gốc Chí Phèo, Thị Nở, Tự Lãng, Năm Thọ, Binh Chức, Đội Tảo, Lí Cường, Bá Kiến, bà Ba con quỷ cái…đã qua đi, nhưng vẫn cứ thấy lẩn quất đâu đây hình bóng những con người ấy. Trong số đó, Bá Kiến có thể coi là một trong những hình tượng lớn về bọn hào cường ác bá ở nước ta trước Cách Mạng Tháng Tám 1945.

2. Trước khi Nam Cao xuất hiện trên văn đàn với tư cách là một cây bút hiện thực, văn học Việt Nam 1930-1945, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố… từng cho ra đời những nhân vật về bọn cường hào địa chủ ở nông thôn ta. Ở những mức độ nhất định, độc giả có thể nhắc tới Nghị Quế trong Tắt đèn, Nghị Lại trong Bước đường cùng… Người ta nhớ tới Nghị Lại với thủ đoạn đê hèn xui nguyên giục bị, bắt cá hai tay mạt hạng. Người ta nhớ tới Nghị Quế với cái đức không thèm biết chữ, cái tài xem tướng chó, lối treo tranh, bày biện đồ dùng trong nhà của hạng trọc phú, lối cho vay nặng lãi cắt cổ…thời trẻ, có lần hắn ta đã chửi bố mẹ rồi bỏ đi biệt tích. Ấy thế rồi rượu, thịt hiệp dữ với lí trưởng, chánh tổng, quan phủ, quan huyện đưa ông lên ghế nghị viện. Ông có cái tật xấu khi ngồi hay thu lu hai chân lên ghế và ngủ gật, nhưng khi đi họp viện dân biểu thì ông không bao giờ ngủ gật vì sợ mất đôi giày Chí Long ở dưới gầm ghế. Cứ y như là thành viên của Viện dân biểu Bắc kì thời thuộc Pháp chỉ toàn là một lũ lĩ những thằng ăn cắp vặt vậy. Bá Kiến của Nam Cao xuất hiện, người đọc có được cái nhìn mới hơn, sâu sắc hơn về bọn cường hào lí dịch nơi nông thôn bùn lầy nước đọng trước Cách mạng tháng Tám 1945 ở xứ ta.

Nguyên mẫu nhà Bá Kiến trong truyện ngắn "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao         Ảnh:(nguồn: dantri.com.vn)

Không ngẫu nhiên chút nào, khi Nam Cao cho Bá Kiến xuất đầu lộ diện trong Chí Phèo sau lí Cường con trai hắn. Thằng con mới bước chân vào nghề hút máu dân quê này quả là đớn, thật đúng như lời nhận xét của thằng bố: nó hữu dũng vô mưu. Vì cách xử sự ngu xuẩn của lí Cường mà việc Chí Phèo ăn vạ bé xé ra to, làm thanh động cả làng Vũ Đại. Lí Cường rơi vào thế bí xanh xám cả mặt mày. Đúng lúc ấy, thằng bố, con mọt già Bá Kiến xuất hiện. Thoáng nhìn qua, đã hiểu cơ sự rồi. Làm lí trưởng rồi chánh tổng, bây giờ lại đến lượt con cụ làm lí trưởng, những việc như thế này cụ không lạ gì(*). Cụ tinh đời, cáo già lắm, con ruồi bay qua, con đực con cái cụ cũng còn nhận ra nữa là cái việc tép riu này (!). Những việc này với Bá Kiến xảy ra như cơm bữa, bởi biết bao lần hắn đã gây thù chuốc oán, đẩy xô biết bao những cư dân làng Vũ Đại vào kiếp Chí Phèo, hắn vẫn còn nhớ hết (Trước Chí Phèo đã từng có Năm Thọ, Binh Chức). Hắn bình thản thực hiện công việc gỡ bí cho thằng con ngu dốt của mình, theo kịch bản có sẵn. Đầu tiên là phải giải tán đám đông. Muốn đuổi người làng về, phải quát đuổi mấy bà vợ già mồm đang xưng xỉa chực tâng công với chồng:

 - Các bà đi vào nhà; đàn bà lôi thôi, biết gì? Rồi quay lại bọn người làng, cụ dịu gịong hơn một chút: Cả các ông các bà nữa, về đi thôi chứ! Có gì mà xúm lại như thế này?

Việc mồ mả tổ tiên, ông bà ông vải bị Chí Phèo chửi bới thậm tệ, máu người đang chảy, nguy cơ án mạng có thể xảy ra…với con mọt già này, chẳng có gì đáng nói, chẳng có gì đáng bận tâm cả. Phải dàn xếp ổn thoả với cái thằng không cha không mẹ, đang máu me bê bết nằm chềnh ềnh ngay cổng nhà mình gây sự cái đã. Hãy xem bá Kiến dàn xếp với Chí Phèo như thế nào và bằng cách nào? Ở tiếng Việt, xưng hô trong giao tiếp đời thường thể hiện rất rõ thái độ khinh trọng của người giao tiếp. Chí Phèo một mực không chịu dàn hoà với cha con Bá Kiến, Chí đến để gây sự, ăn vạ, báo thù. (Tao chỉ liều chết với bố con nhà mày đấy thôi. Nhưng tao mà chết thì có thằng sạt nghiệp, mà còn rũ tù chưa biết chừng). Một thằng cùng hơn cả những dân cùng nhất, khùng hơn cả những thằng khùng nhất, lại dám mày tao với cụ bá Kiến, nhà bốn đời làm tổng lí. Lạ thay, bá Kiến khét tiếng đến cả hàng huyện lại ngọt nhạt, xử nhũn với Chí Phèo. Bá Kiến lại tỏ ra rất ngạc nhiên, tôn trọng cái thằng khố dây, tứ cố vô thân này, (Anh Chí ơi! Sao anh lại làm ra thế?). Sau tiếng cười nhạt giòn giã hơn người đầy ngụ ý, nhằm thông báo cho đối thủ rằng cụ không sợ lời đe doạ, cụ muốn nắn gân Chí Phèo, cũng có thể là tiếng cười xoà đầy thân thiện của những người bề trên độ lượng, của những người bạn lâu ngày mới gặp bị hiểu lầm, là một câu trách móc:

Cái anh này mới hay! Ai làm gì anh mà anh phải chết? Đời người chứ có phải con ngoé đâu? Lại say rồi phải không?

Nhưng đúng như Nam Cao viết, đó là cái cười Tào Tháo gian hùng, quỷ quyệt đầy tính toán; cái cười đã trở thành một phản xạ tự nhiên ở kẻ mang dòng máu lạnh tanh, không còn biết ngạc nhiên, luôn vô cảm trước những sự kiện mà ở người bình thường phải xởn gai ốc, nổi da gà. Cũng có thể coi đó là cái cười nghề nghiệp, dấu hiệu đặc trưng của kẻ đã mất hết nhân tính. Tiếp đó là câu nói trống không chỉ có ở những người bạn thật thân tình và bằng vai phải lứa, ra vẻ trách móc:

- Về bao giờ thế? Sao không vào tôi chơi? Đi vào nhà uống nước.

Bá Kiến nửa nạc nửa mỡ nài nỉ:

Có cái gì, ta nói chuyện tử tế với nhau. Cần gì mà phải làm thanh động lên như thế, người ngoài biết mang tiếng cả.

Bằng câu nói này, vô hình dung Bá Kiến đã thừa nhận y và Chí Phèo cùng một giuộc, là người trong. Bá Kiến đã lấy nhu thắng cương, dùng cái khôn ngoan lọc lõi mà xỏ mũi được Chí Phèo. Dân gian có câu: Sợ người ở phải, hãi người cho ăn. Bá Kiến dĩ nhiên không ở phải với ai, nhưng hắn biết dùng thủ đoạn phóng tiền tài thu nhân tâm, chính xác hơn hắn biết hành xử theo lối miếng thịt nó bịt lấy miệng. Chỉ qua sự xuất hiện lần đầu tiên của mình, Bá Kiến cho thấy bản lĩnh lọc lõi của một tên hào cường lành nghề ức hiếp đè nén, hút máu dân quê. Lí Cường thằng con hữu dũng vô mưu của hắn, quả là chưa nối được nghiệp nhà. Và cũng thật vô phúc cho nhà nó, nhưng có lẽ lại thật là may mắn cho cái xã hội làng Vũ Đại vậy thay! 

Tiếp đó, đi sâu vào bộc lộ tâm địa Bá Kiến bằng độc thoại nội tâm, một sở trường của mình, Nam Cao đã làm hiện nguyên hình bản chất con quỷ dữ đội lốt người này. Bá Kiến tự hào hơn đời hơn người ở cái cười Tào Tháo gian hùng, bởi hắn đích thị là một Tào Tháo trong chốn hương thôn làng xã Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Nếu Tào Tháo ở chính quốc có những triết lí sống vô cùng tàn bạo, dã man của một chính khách phong kiến chuyên chế thời Tam Quốc bên Tàu ở tầm vi mô: Thà ta phụ người còn hơn người phụ ta, (tuyên bố trước Trần Cung, sau khi đã giết cả nhà Lã Bá Sa); Kẻ chửi ta mà ta không giết thì thiên hạ cho ta là nhân nghĩa (ứng xử với Nễ Hành), kẻ biết hết bụng dạ của ta mà ta không giết thì ta không còn đánh lừa được ai nữa (sau khi Dương Tu chết), thì Tào Tháo chốn hương thôn bùn lầy nước đọng Việt Nam cũng có một mớ những kinh nghiệm, những bài học đè nén, áp bức dân quê được đúc rút nâng lên thành triết lí, thứ triết lí của kẻ uống máu người không tanh:

Thì ra già néo đứt dây. Cụ tiên chỉ làng Vũ Đại nhận ra rằng: đè nén con em đến nỗi nó không chịu được phải bỏ làng mà đi là dại. Mười thằng đã ra đi thì chín thằng trở về với cái vẻ hung đồ, cái tính ương ngạnh học được từ phương xa. Một người khôn ngoan thì chỉ bóp đến nửa chừng. Hãy ngấm ngầm đẩy người ta xuống sông, nhưng lại dắt nó lên để nó đền ơn. Hãy đập bàn, đập ghế, đòi cho được năm đồng, nhưng được rồi thì lại vứt trả lại năm hào "vì thương anh túng quá"! Và cũng phải tuỳ mặt nữa: những thằng có máu mặt, vợ đẹp, con đàn, chính là những thằng sợ quan và dễ bóp; trái lại, những thằng tứ cố vô thân, giết chúng nó thì dễ, nhưng giết được, chỉ còn có xương; mà gây sự với chúng nó là mở một dịp tốt để cho các phe nghịch xoay lại mình (…) Cụ lại nhận ra rằng: ở cái đất nhà quê, bọn dân hiền lành chỉ è cổ làm nuôi bọn lí hào, nhưng chính bọn lí hào nhiều khi lại phải ngậm miệng cung cấp cho những thằng cùng hơn cả dân cùng nên liều lĩnh, lúc nào cũng có thể cầm dao đâm người hay đâm mình.

Nhưng cụ không phải là một người ưa than thở. Than thở chẳng ích gì cho ai, cái bọn dân đinh suốt đời bị đè nén kia sở dĩ bị đè nén suốt đời chỉ vì khi bị đè nén chúng chỉ biết than thở chứ không biết làm gì khác. Cụ Bá Kiến không cần than thở: trị không lợi thì cụ dùng. Cụ nghĩ bụng: cũng phải có những thằng đầu bò chứ? Không có những thằng đầu bò thì lấy ai trị những thằng đầu bò? Thế lực của cụ sở dĩ lấn áp được các vây cánh khác, một phần lớn cũng bởi cụ biết mềm biết cứng, biết thu dụng những thằng bạt mạng, không sợ chết và không sợ đi tù. Những thằng ấy chính là những thằng được việc. Khi cần đến, chỉ cho nó dăm hào uống rượu, là có thể sai nó đến tác hại bất cứ anh nào không nghe mình. Gặp người bướng bỉnh, đanh thép thì nó lừa đốt nhà hay cho mấy lát dao; gặp người non mật, thì nó quăng vào chai rượu lậu, hay là gây sự rồi lăn ra kêu làng. Có chúng nó sinh chuyện thì mới có dịp mà ăn, nếu không thì giữa đám dân hiền lành và yên phận này, khéo lắm chỉ bóp nặn được vào vụ thuế. Thuế một năm có một lần nếu chỉ trông vào đấy thì có bán cha đi cũng không đủ để bù vào chỗ ba, bốn nghìn bạc chạy chọt để tranh triện đồng.

Lỗ Tấn, văn hào Trung Quốc hiện đại có nói đại ý: từ trong huyết quản chảy ra đều là máu, từ trong nước lã chảy ra đều là nước. Tâm địa đen tối, độc ác, dã man, tàn bạo của Bá Kiến được phơi bày từ tiếng cười, suy nghĩ đến cử chỉ, lời đối thoại... Hãy chú ý đến đoạn Chí Phèo đến nhà Bá Kiến để đòi được đi ở tù (Thực chất là tống tiền kẻ đã xô đẩy anh ta đến tình trạng khốn khổ khốn nạn, bi đát, bi thảm hiện thời). Ngôn ngữ Chí Phèo dĩ nhiên là lời ăn tiếng nói của kẻ lưu manh thực thụ, bất cần đời, sẵn sàng làm tất cả, bất chấp tất cả, để đạt được mục đích, nhưng cũng là thứ tiếng nói của một kẻ nửa tỉnh nửa say, mượn rượu để ra tối hậu thư với Bá Kiến. Trong hơi men, dường như anh Chí vẫn còn đủ tỉnh táo để nhận ra rằng: với cái thằng mọt già này, phải dùng cách này, mới đạt được mục đích. Anh Chí còn gì để mà mất? Bá Kiến lại rất ngại những kẻ cố cùng liều thân. Chính vì vậy Chí Phèo dở giọng uống máu người không tanh một cách nhũn nhặn lễ phép rất đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng:

Giọng hắn lè nhè và tiếng đã gần như méo mó. Nhưng điệu bộ thì lại như hiền lành: Hắn vừa gãi đầu gãi tai, vừa lải nhải.

- Bẩm cụ, từ ngày cụ bắt con đi ở tù, con lại sinh ra thích đi ở tù; bẩm có thế, con có dám nói gian thì trời tru đất diệt, bẩm quả đi ở tù sướng quá. Đi ở tù còn có cơm để mà ăn, bây giờ về làng về nước một thước đất cắm dùi không có, chả làm gì nên ăn. Bẩm cụ, con lại đến kêu cụ. Cụ lại cho con đi ở tù…(…) - Bẩm không ạ, bẩm thật là không say. Con đến xin cụ cho con đi ở tù mà nếu không được thì…thì…thưa cụ…

Hắn móc đủ mọi túi để tìm một cái gì, hắn giơ ra: đó là một con dao nhỏ, nhưng rất sắc. Hắn nghiến răng nói tiếp:

 - Vâng, bẩm cụ không được thì con phải đâm chết dăm ba thằng, rồi cụ bắt con giải huyện.

(Bá Kiến ngầm hiểu trong dăm ba thằng ấy có cả hắn, mà trước hết, cũng có thể người đầu tiên và người cuối cùng cũng là hắn).

Tình thế thậm nguy cấp. Nhưng với bản lĩnh lưu manh bậc thầy, chỉ bằng một câu nói, cùng thái độ ngọt nhạt thâm hiểm dùng lợi nhử mồi, con quỷ dữ mang bộ mặt người đã hướng lưỡi dao của con quỷ dữ mang bộ mặt quỉ sang Đội Tảo, một tay đàn anh khác trong làng Vũ Đại, vốn không cùng cánh hẩu, xưa nay vẫn kình nhau, lại vừa mới chơi khăm Bá Kiến, khiến hắn tức như chọc họng, mà chưa có cách gì xử lí. Vốn là một chuyên gia bậc thầy trong nghề ném đá dấu tay, ngậm máu phun người, đòn xóc hai mũi. (Nếu có một cuộc thi như vậy, chắc chắn hắn sẽ giật giải quán quân vì làm gì có đối thủ). Chí mới tập tọng những bước đi đầu tiên trong nghề lưu manh, còn cụ bá Kiến đã vào nghề lưu manh từ lúc làm lí trưởng, khi Chí còn là anh canh điền thật như đếm kia mà. Quả là Chí Phèo đánh trống qua cửa nhà sấm, múa rìu qua mắt thợ… Vì vậy, cụ Bá cười khanh khách, cụ vẫn tự phụ hơn đời cái cười Tào Tháo ấy, cụ đứng lên vỗ vai hắn mà bảo rằng:

 - Anh bứa lắm. Nhưng này, anh Chí ạ, anh muốn đâm người cũng không khó gì. Đội Tảo nó còn nợ tôi năm mươi đồng đấy, anh chịu khó đến đòi cho tôi, đòi được tự nhiên có vườn.

Chỉ có kẻ nhân tính đã cạn kiệt mới phun ra những lời ráo hoảnh, lạnh tanh: Đâm người cũng không khó gì. Bá Kiến không từ bất cứ thủ đoạn dã man tàn bạo nào, miễn là có lợi cho hắn. Trong con người này chứa chất biết bao tội ác. Cái hầm tội ác có tên là Bá Kiến, đã dùng lợi để điều khiển Chí Phèo. Dĩ nhiên, mảnh vườn hắn bán cho Chí là mảnh vườn hắn vừa cướp được của một người thiếu thuế. Thật đúng là của ông Mít, phúc bà Đa. Bá Kiến không ưa gì Chí Phèo, với hắn chỉ có hai loại người có lợi hoặc không có lợi cho hắn mà thôi. (Cụ thử nói khích xem sao. Nếu nó trị được đội Tảo thì tốt lắm. Nếu nó bị đội Tảo trị thì cụ cũng chẳng thiệt gì, đằng nào cũng có lợi cho cụ cả). Có thể nói: lịch sử làm giàu, lịch sử leo ngày càng cao trên những bậc thang danh vọng trong cái thế giới có tên là làng Vũ Đại, từ lí trưởng đến chánh tổng, ăn tiên chỉ làng, rồi chánh hội đồng kì hào, huyện hào, Bắc Kì nhân dân đại biểu, khét tiếng đến cả hàng huyện của Bá Kiến là lịch sử của biết bao nhiêu tội ác, biết bao nhiêu mưu ma chước quỷ. Để có được như ngày hôm nay, hắn đã từng tác oai tác quái cho bao nhiêu dân làng, đã phá bao nhiêu cơ nghiệp, đập nát bao nhiêu cảnh yên vui, đạp đổ bao nhiêu hạnh phúc, làm chảy máu và nước mắt của bao nhiêu người lương thiện, xô đẩy bao nhiêu người vào con đường bần cùng, tha hoá, lưu manh… Hắn nhớ hết chứ không như Chí Phèo. Nếu chú ý một chút sẽ thấy, trong cái làng có tên là Vũ Đại ấy, bất cứ ai, dường như không có ngoại lệ, hễ trực tiếp hay gián tiếp quan hệ hoặc liên quan đến Bá Kiến đều bị cuốn vào dòng xoáy kinh khủng và kinh tởm của quá trình tha hoá, lưu manh hoá. Ở Bá Kiến, thấy có quy luật này: Tài sản, của cải càng nhiều, quyền lực, chức tước càng khét tiếng, thì nhân tính của hắn càng bị cạn kiệt, bị triệt tiêu. Đó là mối quan hệ hàm số nghịch biến. Đến một lúc nào đó, Bá Kiến sẽ rơi vào tình trạng độ âm của nhân tính. Bá Kiến cực kì tiêu biểu, cực kì điển hình cho một nghịch lí cũng cực kì đáng đau buồn của kiếp người trên cõi sống này: ở không ít, người tài sản, địa vị, danh tiếng vô cùng lớn, nhưng nhân phẩm lại hầu như bằng không. Rất dễ nhận ra rằng: Bá Kiến và Chí Phèo, từ lúc đi ở tù về cho đến trước khi gặp Thị Nở là những kẻ có cùng bản chất lưu manh, quỷ dữ. Chỉ có điều chúng ở hai bậc thang khác nhau trong cùng một hệ giá trị âm mà thôi. Chí Phèo là thằng lưu manh ngoài vòng pháp luật, nhưng lại được chính kẻ nắm pháp luật và quyền lực trong tay bảo kê, dung túng. Bá Kiến là thằng lưu manh bậc thầy, nắm trong tay quyền lực, thu dụng bọn lưu manh để tác oai tác quái, để ăn trên ngồi trốc, để có địa vị cao nhất làng, để làm mưa làm gió ở chốn hương thôn. Hắn chính là con rắn độc nguy hiểm nhất ở làng Vũ Đại. Hắn chính là con quỷ dữ mang bộ mặt người. Cả làng Vũ Đại căm thù hắn, sợ hãi hắn, ngộ nhận về hắn. Nhưng Nam Cao thì tinh tường, sâu sắc chỉ ra một cách thuyết phục đầy tính nghệ thuật về bản chất thật của con người hắn. Bá Kiến chính là thứ chất độc nằm ngay trong sự sống, mà loài người cần phải loại bỏ, để con người được sống xứng đáng với danh hiệu con người. Nếu Chí Phèo là con quỷ dữ vô ý thức, thì bá Kiến chính là con quỷ dữ có ý thức sâu sắc về những tội ác của mình. Nếu Chí Phèo là con quỷ dữ tạm thời, bởi cuối cùng khi tỉnh ngộ khát vọng lương thiện của anh vẫn còn nguyên vẹn; trong hành động tự sát của anh, vừa có ý thức về sự tuyệt vọng, lại còn có cả một phần rất quan trọng của ánh sáng toà án lương tâm; anh chết vì chính anh cũng không thể chấp nhận quá khứ tội ác của chính mình, thì Bá Kiến là con quỷ dữ từ trong cốt tuỷ, cho đến chết hắn vẫn không từ bỏ bản chất của mình. Chí Phèo đâm chết Bá Kiến, vì vậy cần được hiểu là hành động của người lương thiện tỉnh táo bị dồn vào chân tường của cuộc sống đâm chết tên bất nhân bất nghĩa số một ở làng Vũ Đại. Nhưng cái ác quả thật sống rất dai dẳng. Phải chăng đây là một nghịch lí đáng buồn của tồn tại người? Tuy nhiên điều đáng mừng là: Chí Phèo đâm chết Bá Kiến còn có ý nghĩa cái Thiện mặc dù đơn độc đã đứng lên tiêu diệt cái ác, tuy chỉ có ý nghĩa tiêu diệt một kẻ ác cụ thể. Cuộc sống ở Vũ Đại vẫn tiếp diễn; vẫn còn đó, những Lí Cường, Đội Tảo, Tư Đạm, Bát Tùng, bà Ba con quỷ cái…vẫn còn đó, nguyên lí sống hoang dã quần ngư tranh thực, vẫn còn nguyên đó, cái định kiến quái ác trong dư luận xã hội Vũ Đại về hiện tượng Chí Phèo…  Cơ chế nảy sinh tội ác vẫn còn đó. Vấn đề mà Nam Cao đặt ra là: Phải triệt tiêu cơ chế nảy sinh tội ác, phải làm một cuộc cách mạng để thay đổi tận gốc rễ sinh quyển sống ở làng Vũ Đại. Đoạn văn sau đây thật có ý nghĩa:

Cả làng Vũ Đai nhao lên. Họ bàn tán rất nhiều về vụ án đáng ngờ ấy. Có nhiều kẻ mừng thầm. Không thiếu kẻ mừng ra mặt. Có ngưòi nói xa xôi: "Trời có mắt đấy, anh em ạ!". Người khác thì nói toạc ra: "Thằng nào chứ hai thằng ấy chết thì không ai tiếc! Rõ thật bọn chúng giết nhau, nào có phải cần đến tay người khác đâu". Mừng nhất là bọn kì hào ở trong làng. Họ tuôn đến để hỏi thăm, nhưng chính là để nhìn Lí Cường bằng những con mắt thoả mãn và khiêu khích. Đội Tảo, không cần kín đáo, nói toang toang ngay ngoài chợ, trước bao nhiêu người: "Thằng bố chết, thằng con lớp này không khỏi người ta cho ăn bùn”. Ai chả hiểu "người ta" đó chính là ông. Bọn đàn em thì bàn nhỏ: "Thằng mọt già ấy chết, anh em mình nên ăn mừng”. Những người biết điều thì ngờ vực; họ chép miệng nói: "Tre già măng mọc, thằng ấy chết còn thằng khác, chúng mình cũng chẳng lợi tí gì đâu".

 Bá Kiến đã chết bất đắc kì tử, như là sự trả giá đích đáng cho những hành động tội ác của hắn, nhưng Lí Cường, Đội Tảo, Tư Đạm, bát Tùng, nhà tù, trại lính thực dân đế quốc và cả cái lò gạch cũ bỏ không vắng người qua lại cũng vẫn còn đó. Sự tỉnh ngộ của Chí Phèo càng trở nên cô độc. Đó là một bi kịch đau xót.

Bá Kiến không chỉ một lần xuất hiện trong Chí Phèo, nhân vật này còn hiện diện thấp thoáng trong một số truyện ngắn, và cả trong tiểu thuyết Sống mòn của ông. Điều này khiến ta ít nhiều liên tưởng đến một số nhân vật xuất hiện qua nhiều tác phẩm trong bộ Tấn trò đời của Banzăc. Đáng buồn hơn nữa là nhân vật này, tuy đã chết nhưng hình như không tuyệt tự, con cháu hắn vẫn lảng vảng đâu đấy quanh ta, trong những bộ trang phục mới, lối sống mới, giữa những tiện nghi của thời hiện đại, không chỉ ở ta mà dường như có cả xứ người nữa. Và còn tồn tại những con người mang cái gen Bá Kiến thì tất yếu sẽ còn những hậu duệ của Chí Phèo. Thế mới thật là sầu đời, đau đời… Nếu hiểu như vậy, có nghĩa là: cách kết thúc câu chuyện mở đầu là hình ảnh cái lò gạch, kết thúc cũng vẫn là hình ảnh ấy, đâu có phải là bi quan bế tắc, như một số người vẫn thường quan niệm lâu nay? Theo chúng tôi, đó chính là cách kết thúc cần phải có. Bởi nó thể hiện một cách sâu sắc cái nhìn hiện thực lạnh lùng, tỉnh táo của Nam Cao, cũng là nỗi đau đời của người nghệ sĩ, trí thức vô cùng tâm huyết và đầy tinh thần trách nhiệm trước cuộc sống. Đó còn là tiếng chuông cảnh tỉnh mọi người về tình trạng cái ác đang có nguy cơ lấn át cái thiện. Bằng cách kết thúc ấy, Nam Cao còn muốn nói rằng: Con người không thể sống được trong cái xã hội hoặc biến người ta thành Bá Kiến hoặc biến người ta thành Chí Phèo. Nó khác cách kết thúc Tắt đèn của Ngô Tất Tố, (Tắt đèn trời tối như mực. Nó tối như cái tiền đồ của chị Dậu). Bởi chị Dậu tuy bị bần cùng hoá, nhưng chưa bao giờ bị tha hoá. Chị vẫn có thể sống trong xã hội Tắt đèn, mặc dù đó là một cuộc sống khốn khổ. Chị vì nghèo túng quẫn bách mà phải bán chó, bán con, bán sữa, nhưng nhân phẩm thì chị quyết không bao giờ. Đọc Lão Hạc, Ở Hiền, Trẻ con không được ăn thịt chó, Một bữa no… đặc biệt là Chí Phèo, có cảm giác cuộc sống đã đi vào ngõ cụt. Người xưa có câu: cùng tắc biến, biến tắc thông. Nam Cao dường như đã dự cảm được giông bão sắp nổi lên để cuốn phăng đi cái xã hội chỉ toàn những Chí Phèo, Bá Kiến. Lịch sử đã chứng minh dự cảm thiên tài ấy của ông.

3. Xét cho cùng, Bá Kiến cũng vẫn là một con người do Nam Cao khai sinh, đều ít nhiều mang tâm huyết, tinh huyết của ông. Trong cái thế giới người có tên là làng Vũ Đại ấy, sao cứ thấy những gì tốt đẹp quá ư ít ỏi, sao cứ thấy cái Ác lấn áp cái Thiện. Có phải vì vậy chăng mà đọc Chí Phèo nói riêng, Nam Cao nói chung, ta cảm thấy một nỗi buồn da diết, nỗi buồn mênh mông vì tình trạng con người bị mất dần đi theo tháng ngày nhân tính nhân tình nhân phẩm của mình? Nhưng bản lĩnh cao cường của tài năng và tấm lòng Nam Cao không chỉ có thế. Viết về cái ác, ông không làm chúng ta sợ hãi cúi đầu trước nó; trái lại, ông giúp ta nhận rõ nó để ghê tởm, căm thù và muốn tiêu diệt nó.

Chú thích: (*) Tất cả những trích dẫn trong truyện ngắn Chí Phèo đều lấy trong Tổng tập Văn học Việt Nam, chủ biên Nguyễn Đăng Mạnh tập 32, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội - 2000, từ trang 66 dến trang 91.

B.N.M

(Nguồn: TC VNNB 240-7/2020)

Bài viết khác