Chủ nhật, 19/05/2024

Bình bài thơ Gửi chị Tầm

Thứ tư, 11/03/2020

Lời bình của HOÀN NGUYỄN


Gửi chị Tầm
Em lục bát chị lục nồi
Cái năm đói rách mẹ ngồi buồn trông
Dìu nhau qua mấy mùa đông
Ngày xuân ấy chị sang sông một chiều

Em tạ từ mái tranh xiêu
Đi ngơ ngác giữa bao nhiêu bộn bề
Chị cầm nước mắt xa quê
Nhớ thương từng mụn nón mê dại mầu

Buồn vui thì cũ từ lâu
Nhưng không mới những vàng thau kiếp người
Rồi làng ra phố đổi đời
Ao sen ruộng mạ về trời mơ tiên

Chị đi qua những ưu phiền
Bước chân hành khất em biền biệt xa
Đêm đêm chín mộng vườn nhà
Mái gianh ấm tiếng ông bà xa xưa

Em đời gió rét nắng mưa
Khổ đau chị vẫn dư thừa khổ đau.
                         Bình Nguyên

 

Lời bình của HOÀN NGUYỄN


Nói đến thơ Bình Nguyên là nói đến cái duyên của tác giả với thể lục bát. Có thể nói: Lục bát làm nên một Bình Nguyên và có một Bình Nguyên đã đưa lục bát đến với bạn đọc cái nhìn mới. Ở đây là những thi ảnh được Bình Nguyên khái quát trong một không gian mở mà cụ thể, ước lệ mà sống động, một sợi dây của cảm xúc từ câu chữ như những giọt nước trong vắt của mùa thu xưa trở lại thấm vào trong cõi người hôm nay. Có những điều, bây giờ kể lại, viết lại, không ít người cho rằng chuyện “cổ tích” vì bản thân họ không được chứng kiến, không được trải qua, không chịu cảnh đó. Nghệ thuật là lao động của quá khứ. Với Bình Nguyên, thế hệ “đầu” của các nhà văn vùng đất Cố đô xưa nên không chỉ phải “nếm trải” qua tất cả các cung bậc của một thời gian khó mà còn là “nhân vật” chính của giai đoạn, là chứng nhân của những nghèo khổ một thời.

Không né tránh gia cảnh “Em lục bát chị lục nồi” kể về cái đói, cái khổ xuất thân. Cái đói, nỗi thèm cơm của một thời qua ngõ nhà người,
ngửi mùi cơm phải chạy. Một gia cảnh nghèo, một hoàn cảnh đói, cái đói vật vã của cả một giai đoạn mà bây giờ nhắc đến nhiều người còn vã mồ hôi. Trẻ, cứ thấy đói là về nhà lục bát, lục nồi để xem còn có thể tìm thấy cái gì đút miệng, dối lòng. Nhưng, chính cái vô tư tìm thức ăn ấy mà làm đau lòng mẹ. Sự vô tâm đến đớn đau để “mẹ ngồi buồn trông”. Biết con đói, biết con khát và mẹ có đói không? Đói lắm, thậm chí còn đói hơn con, bởi mẹ ta “miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương” (Nguyễn Duy). Cái đói của gia cảnh khi mà trong nhà, ngoài vườn không còn gì có thể “ăn vay trước mùa”. Củ khoai rãi chẳng còn, củ dong non cũng sạch. Cái đói, cái nghèo, cái khổ đến tận cùng của cõi người. Hình ảnh mẹ cứ ngồi lặng lẽ bên thềm hè, nghe tiếng con lục bát lục nồi loảng xoảng mà không thể cất thành lời. Cái đau, cái khổ cứ lặng lẽ lặn vào trong, xát muối vào lòng mẹ buốt nhói.

Thân cò      Ảnh: BÌNH NGUYÊN


Cái đói cái rét cái khổ dai dẳng, đằng đẵng như bám lấy phận người. Dìu nhau qua mấy mùa đông”. Không nhiều lời, Bình Nguyên chỉ cần sử dụng một từ “dìu”. Dìu là động từ chỉ hành động khi đi có thể phải xốc nách, có thể phải cầm tay và cũng có thể phải dựa vào vai nhau mà bước. Hành động dìu chỉ khi sức đã tàn, lực đã kiệt. Ở đây, đang tuổi ăn tuổi lớn mà phải như thế để đủ thấy cái đói, cái nghèo đến kiệt cùng. Và cái đói cái nghèo ấy đâu chỉ có một mùa đông mà là “mấy” mùa đông. Sẽ có người hỏi: Tại sao lại mùa đông mà không phải mùa khác? Mùa đông, theo nghĩa đen, mùa của giá lạnh, mùa con người phải tiêu hao nhiều nhất sức lực để giữ nhiệt cho cơ thể. Mùa đông ở đây không chỉ là giá lạnh mà còn là một mùa chỉ sự âm u, lạnh lẽo và cô tịch, giá lạnh phận người.

Và nỗi khổ ấy còn được nhấn thêm khi “Ngày xuân ấy chị sang sông một chiều”. Đi lấy chồng, nghĩa là ngày vui, mà cũng phải đi vào chiều, cuối ngày. Cuối ngày, cái gì cũng vội, thời gian còn đâu nữa, và cũng là để cái đói nghèo ngày sang sông không phải phơi bày trước thanh thiên cả một quãng dài, như kiểu đi trốn chạy làm vậy. Bình Nguyên tả thực khung cảnh một “đám cưới”, ngày đón dâu của người chị cho người đọc hình dung hình ảnh người chị áo vá, váy thâm, tay cắp chiếc nón, bước chân vội vội vàng vàng, len lén về nhà chồng như cái phận nghèo đã định để lại đứa em ngơ ngác chẳng hiểu sao. Và ngày đó cũng là ngày đánh dấu của sự ly tán. Em thì “tạ từ mái tranh xiêu”, “ngơ ngác” với chợ đời cùng bao “bộn bề” trắng đen lừa lọc. Còn chị, cái sự “cầm nước mắt” đi theo hạnh phúc mà “nhớ thương từng mụn nón mê dại mầu”. Nỗi đau không thể nói thành tiếng, nhức buốt, lặng lẽ ngấm vào đời, ngấm vào người tái tê. Những mùa đông băng giá tự trong phận áo cộc, tự trong lòng nhân kiếp.

Ai cũng cho rằng, thời gian sẽ làm dịu nỗi đau. Nhờ thời gian, vết thương sẽ lành miệng. Không như thế “Buồn đau thì cũ từ lâu/ Nhưng
không mới những vàng thau kiếp người”. Thời gian một chiều, cứ trôi xuôi và thời gian cũng không chờ đợi ai. Cái tưởng cũ thì không cũ, cái tưởng mới thì không mới, trong khi thời gian cứ trôi, đời người thêm ngắn lại. Một vòng luẩn quẩn trong vòng xoáy cuộc đời. Những điều ước của kiếp nghèo từ những biến thiên của đời sống “Rồi làng ra phố đổi đời/ Ao sen ruộng mạ về trời mơ tiên”. Quyền được khao khát, quyền hy vọng và quyền được ước mơ khi “rũ bùn đứng dậy”. Nó cũng là quy luật của cuộc sống, quy luật của tâm lý mà con người muốn vươn tới. Thời gian cứ trôi, cuộc sống xã hội đổi thay, nhưng tất cả dù cho “Chị đi qua những ưu phiền/ Bước chân hành khất em biền biệt xa” đều vẫn không thể rời xa, không thể quên, không thể đánh mất dẫu đó là những ký ức của một thời gian khó. Tiếng quê, lời quê, hồn quê, bóng quê vẫn vẹn nguyên trong “Đêm đêm chín mộng vườn nhà/ Mái gianh ấm tiếng ông bà xa xưa”. Ta gặp lại ở đây “người quê” Nguyễn Bính “Hoa chanh nở giữa vườn chanh/ Thày u mình với chúng mình chân quê” (Chân quê) như một lời khẳng định, dẫu có phồn hoa đến đâu, dẫu có “làng thành phố” thì cái chất quê vẫn là gốc gác của người. Đó là lời “Mẹ ru cái lẽ ở đời/ Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn” (Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa – Nguyễn Duy). Và rồi, “Em đời gió rét nắng mưa/ Khổ đau chị vẫn dư thừa khổ đau”.

Bài thơ Bình Nguyên chia làm 2 khổ rõ rệt. Khổ đầu là hình ảnh từ xa xưa hiện về, là “chị cầm nước mắt”, cầm phận khổ, cầm phận nghèo, nỗi tủi cực kiếp người, còn em “tạ từ”, “ngơ ngác” ra đi cùng “mẹ ngồi buồn trông”. Bình Nguyên đưa bạn đọc về một thời của tủi cực và đắng cay. Khổ 2 là những biến thiên của cuộc sống, là những xô đẩy cùng sự đổi thay của xã hội. Những đổi thay ấy chỉ là bên ngoài, như lớp áo mặc, không đủ che đi những gì quá khứ đã có, và nỗi buồn hiện có của một kiếp “hành khất” giữa chốn con người.

Bài thơ đậm chất tự sự, là nỗi lòng của Bình Nguyên gửi đến “chị Tầm”, một người có tên có tuổi, cụ thể của tác giả nhưng lại là một “chị
Tầm” rất riêng, không cụ thể trong mỗi người. Đây cũng là thủ pháp ẩn ẩn hiện hiện, biến hóa khôn lường, tùy theo tâm trạng và góc độ của người đọc để định hình nên cấu tứ ý nghĩa ngôn từ. Cả bài thơ, Bình Nguyên dường như sử dụng tối giản các phép thi hình mà đi sâu vào thi tứ, thi ảnh. Bình Nguyên tìm đến ngôn ngữ, sử dụng từ lấp láy “bộn bề”, “ngơ ngác”, “biền biệt” để tạo nên sự day dứt, tạo sự kết nối giữa cảm xúc của người viết với cảm xúc của bạn đọc, làm nên sự đồng điệu giữa đời với thi ca. Câu chữ như nén lại, có cảm giác như độ nén của lò so khi đọc qua từng câu. Nén nữa nén nữa để đến khi đọc câu cuối, độ nén đến cực độ bật lên thành tiếng nấc. Tiếng nấc ấy lại nghẹn lại, không bật ra, giữ lại, ngấm vào, lặn sâu vào tâm thức về hình ảnh, về cuộc sống cùng trải nghiệm đã qua.

Viết về nỗi đau, viết về chia ly, viết về những ký ức buồn mà như thế, cứ nhẹ như gió thoảng, nhẹ mà thấm, ngấm dần vào rồi ở lại trong tâm thức, đã mấy ai làm được như Bình Nguyên.

H.N

Bài viết khác