Chủ nhật, 19/05/2024

Cái phi lý trong “Vụ án” của Franz kafka

Thứ ba, 29/06/2021

TRẦN THỊ HUYỀN PHƯƠNG, NGUYỄN THỊ THU

(Khoa Xã hội – Du lịch, Đại học Hoa Lư)

Là đại diện của một thế hệ bắt buộc phải làm chứng nhân cho một thời đại đầy bi thảm với những bi kịch hiếm có của nhân loại trong lịch sử châu Âu, Franz Kafka (1883 -1924) nhà văn Tiệp khắc, gốc Do Thái, viết tiếng Đức, đồng thời còn là người mở đường của văn học phi lý. Cùng với thái độ phủ định những ước lệ truyền thống, văn học phi lý "có nhiệm vụ nhận thức và mô tả cái hiện thực vô nghĩa, phi lô gic, phi lý tính, trái với năng lực nhận thức của con người... trái với lôgic nhân văn tiến bộ của loài người" (Nguyễn Văn Dân). Nó ghi dấu rõ nét nhất những khủng hoảng nhiều mặt của phương Tây đầu thế kỷ XX và phản ứng của các nhà văn trong hành trình chỉ ra và chống lại cái phi lý.

Sẽ thật nhàm chán nếu nhắc lại những lời nhận xét của các nhà nghiên cứu cả phương Đông lẫn phương Tây về sự đổ bóng dài lâu của tác phẩm, tư tưởng Kafka xuống văn học thế giới từ giữa thế kỷ trước và cả thế kỷ này. Cũng sẽ thật viển vông khi muốn chạm đến những vấn đề cơ bản về thân phận con người một cách thấu đáo trong cuốn tiểu thuyết đa âm này. Một chút thôi, ấy là vài khía cạnh của cái phi lý trong sự tương tác giữa tòa án và "phạm nhân" của "Vụ án".

Ở "Vụ án", cốt truyện cho một tiểu thuyết mà như không có gì. Người đọc không cần nhọc công để nhớ một tiến trình sự việc gần như không có đột phá, kể cả cái chết của nhân vật ở cuối tác phẩm. Joseph K vào lần sinh nhật thứ 30 bất ngờ bị hai kẻ lạ mặt tự xưng là người của tòa án đến bắt mà không có lí do. Từ khi bị mắc vào vụ án (dù vẫn được tại ngoại) biết mình hoàn toàn vô tội K vẫn buộc phải dấn thân vào mê cung luật pháp để cố hiểu xem mình phạm tội gì. K mệt mỏi đối đầu với một hệ thống tòa án có mặt khắp nơi. Quyền lực vô hình cứ mỗi lúc một siết chặt, đẩy K vào chỗ chết. K ra khỏi cõi sống vào đúng ngày mình 31 tuổi. Đến lúc bị dao ngoáy vào tim hai lần K vẫn còn băn khoăn. Rốt cục thì mình vì tội gì mà "chết như một con chó"...

Chừng ấy thôi và vô vàn chi tiết nhàn nhạt như thừa thãi được kết nối trong một văn phong đúng chất "lost generation" vẫn thừa sức gợi mở, thách thức khả năng diễn dịch của các thế hệ kể từ khi "Vụ án" ra đời. Nhưng trực giác về cái phi lý thì rất rõ ràng, đó là sự tồn tại của cơ quan hành pháp và phản ứng của người bị kết tội.

1. Phi lý trong sự hiện hữu của Tòa: có mặt ở khắp mọi nơi, từ vô hình đến hữu hình, nhưng hỏi cho đến nơi, đến chốn thì không thể. Người thi hành luật pháp mỗi khi bị truy lý đều nhất loạt nhắc đến một nhân vật quyền lực ở trên mà chính họ cũng chưa hề biết mặt. Bao trùm lên tất cả là ấn tượng duy nhất: lực lượng vô hình ấy lại có một sức mạnh ghê gớm. Nó sẵn sàng kết án tử hình người ta vô cớ mà không bị phán xét, cấm cản.

2. Phi lý trong không gian xử án: Căn phòng xử án cũng không có dấu hiệu của sự tôn nghiêm mà mang dáng dấp của căn nhà bình dân, muốn đến đó phải đi qua rất nhiều lần rẽ, ngoặt. Đám đông chen chúc cả ra dọc theo hành lang căn phòng áp mái. Ở góc phòng một vụ quan hệ tình dục đột nhiên diễn ra, như nhiên. Cả người hành xử và người quan sát đều xem như việc tự nhiên... Người ở đây quen với sự tù túng, yếm khí đến mức cửa vừa hé ra không khí trong lành ùa vào họ như sắp ngất, phải quay lại ngay về chốn âm u quen thuộc.

3. Phi lý trong cơ chế làm việc: Cỗ máy ấy vận hành theo một cơ chế mà nếu tư duy theo lối thông thường người ta chỉ còn biết kêu trời. Cấu trúc mang lý tính cao của luật pháp đã bị phá bỏ không thương tiếc: tòa triệu tập K tới tòa vào chủ nhật, giấy mời không có giờ ấn định, có địa chỉ tòa nhà mà không có số căn phòng cụ thể... Không thể tìm đâu ra những phân tích rạch ròi, cẩn thận và những giải thích chính xác của tòa trong những phiên xử kéo dài lê thê trước thắc mắc của nghi can. Chỉ có kết quả được mặc định. Kể cả người đang thi hành luật pháp như 2 cảnh sát, viên đội và thẩm phán được giao nhiệm vụ xét xử K không biết bị cáo mắc tội gì, cũng không biết gì về lí do K bị bắt "Chẳng liên quan gì đến bọn tôi". Bởi vì ở đó chuyên "sử dụng những viên thanh tra hám tiền, đội trưởng cảnh binh và những viên dự thẩm ngu độn". Sách luật pháp mà quan tòa dùng trong đó là những "bức tranh thô tục" nên "tổ chức tư pháp chìm ngập trong vô vàn những cái tinh vi. Rồi cuối cùng nó cũng khám phá ra một tội trạng xưa nay chưa từng bao giờ có cả". Đó là thế giới của những điều phi lý.

4. Con người vô tội sống ở đó, buộc phải vận hành theo nó cũng dần bị tha hóa mà chấp nhận cái phi lý. Bị kết án mà vẫn đi làm, tòa thích thì gọi, nhân vật K hoàn toàn không biết mình mắc tội gì, không được xem chứng cứ kết tội. Cái án mơ hồ cứ lơ lửng treo trên đầu. Càng muốn chứng minh mình vô tội K càng bị hệ thống tòa án dày dặc vây bủa. Anh tìm luật sư bào chữa, tìm người giúp đỡ, bỏ bê công việc từ ngày này sang ngày khác để cuối cùng nhận được lời khuyên "Ông nên nhớ rằng trong những chuyện kiện tụng này không ngừng có những điều được đề cập mà lí trí không hiểu nổi" khép lại hi vọng mỏng manh của K là phía bắt giam cho mình đích danh một cái tội nào đó. Âu lo, chán nản bào mòn lý trí, xui khiến K thỏa hiệp với hoàn cảnh. Anh dần thích nghi với trạng thái tội lỗi và bình thản đón nhận cái chết phi lý. Thậm chí K còn chạy nhanh đến chỗ chết như một cách giải thoát nỗi tuyệt vọng đã đeo bám mình quá lâu. Không ai biết K chết vì lí do gì chỉ biết rằng nhân vật vô tội...

Có nhiều cách đọc thông điệp của Kafka từ những chất liệu bất thường đã được ông cài đặt trong "Vụ án" nhưng dễ thấy vẫn là bi kịch: con người là nạn nhân đau đớn nhất của thời đại, thể chế phi lý. Ở đó sự chuyên quyền đối đầu với công dân của mình một cách vô pháp và độc ác. Pháp luật là vỏ bọc của các tổ chức tội ác, của các thế lực chính trị. Tất cả hợp lại để thao túng đời sống con người. Ở đó, ai cũng có thể là một tội phạm chờ phán quyết một cách bất thình lình. Lỡ bị kết tội thì dù phi lý cũng chỉ tạm tha và hoãn xử chứ không bao giờ tha bổng. Giữa mê cung khổng lồ ấy con người thật nhỏ nhoi, cô độc. Tồn tại mà như không tồn tại. Bị tuyên tội, phải chết mà không biết tội gì, không biết lý do. Cảm giác bất an thường trực, chi phối đời sống con người. Cái phi lý chỉ có thể giải thích bằng "định mệnh" khiến con người nếu sống sót cũng phải chung sống với những chấn thương tâm lý vĩnh viễn. Với lí giải này Kafka đã gặp Dostoievxky trong câu nói "Hạnh phúc là ngụ ngôn, còn bất hạnh là chuyện đời"....

Gần một thế kỷ đã qua, Kafka chưa bao giờ là một "người xa lạ" trong hành trình tinh thần của nhân loại. Thế mới biết ở những nhà văn thiên tài có khả năng tiên tri thì khoảng cách của thời gian chỉ làm cho những thấu thị của họ trong tác phẩm sáng rõ hơn mà thôi.

T.T.H.P – N.T.T

(Nguồn: TC VNNB 252-6/2021)

 

Bài viết khác