Chủ nhật, 19/05/2024

Cảm thức thân phận trong truyện ngắn của một cây bút nữ

Thứ năm, 20/05/2021

ĐỖ HẢI NINH

Sự nở rộ của của các cây bút nữ trong giai đoạn sau 1986 đã tạo nên một cú hích mạnh mẽ, một luồng sinh khí mới cho văn chương bằng sự hiện diện tiếng nói mạnh mẽ mà sâu thẳm, da diết của nữ giới về chính họ, những thân phận phụ nữ với những trải nghiệm từ nội giới. Không chỉ phá vỡ thế nghiêng lệch, bị lấn át bởi nam giới, các cây bút nữ còn làm nổi sóng văn đàn và tạo nên xu thế mới của văn chương đương đại bằng cái nhìn riêng, lối viết và ngôn ngữ riêng của giới mình. 

Những thế hệ nhà văn nữ đã truyền dẫn được ngọn lửa sáng tạo cho các thế hệ tiếp sau: từ Phạm Thị Hoài, Dạ Ngân, Võ Thị Hảo, đến Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Võ Thị Xuân Hà, rồi đến Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu, Phong Điệp,... Sự hiện diện đông đảo của lực lượng viết văn nữ và cá tính mạnh mẽ của họ là động lực lớn cho những tác giả trẻ tìm đến văn chương, góp thêm những tiếng nói của giới mình về cuộc đời, và về chính họ.

Với 17 truyện ngắn gọn gàng, xinh xắn, Gió thổi trước hiên nhà mở ra một thế giới ngổn ngang, đa tạp của cuộc sống đời thường từ miền quê đến phố thị với đủ mọi cung bậc cảm xúc, những cảnh đời buồn vui đặc biệt là những thân phận đàn bà nhọc nhằn, cay đắng. Trong tập truyện của Mai Thị Hồng Quế, nhân vật chính đa phần là phụ nữ, những người phụ nữ có vẻ đẹp từ sâu trong tâm hồn phía sau vẻ bề ngoài mộc mạc hương đồng gió nội và lấm lem bùn đất ruộng vườn, những người phụ nữ vừa giàu trắc ẩn, đa mang vừa kiên cường, bền bỉ. Đâu đó cuộc đời họ có bóng dáng của những nhân vật nữ trong văn học nhà trường, là nàng Kiều ba chìm bảy nổi, thị Nở dở hơi bất hạnh, chị Dậu nghèo khổ mà khí chất ngời ngời hay cô Mị lùi lũi như con rùa trong xó cửa,… Đó là những mảnh đời bé nhỏ, những kiếp người lo toan, nhọc nhằn, bị số phận dồn đẩy, quăng quật như của Thắm, Phong, Loan,… Cái nhìn của người phụ nữ Mai Thị Hồng Quế về phụ nữ xuyên qua lớp vỏ bề ngoài có khi chao chát, đáo để, có khi lỡ lầm, yếu đuối để soi thấu từng ý nghĩ thầm kín, ước vọng thẳm sâu của chính họ. Đồng cảm, sẻ chia với thân phận của phụ nữ, Mai Thị Hồng Quế luôn tạo cho nhân vật nữ của mình một vẻ riêng: vật lộn, lam lũ trong cuộc mưu sinh hàng ngày vẫn chắt chiu những khoảnh khắc lắng lại để nghĩ ngợi, để vấn vương. Trải qua nỗi cay đắng, tủi nhục, người phụ nữ dần ý thức về chính mình, biết sống cho bản thân mình. Đây có lẽ là trăn trở nhiều nhất trong tập truyện của Mai Thị Hồng Quế, khi trong cuộc sống, có bao nhiêu cơn “gió thổi trước hiên nhà”, buộc mỗi người phụ nữ sẽ tự tìm cho mình một cách ứng xử, một câu trả lời không giống nhau.

Nếu như có thể nói đến một lối viết nữ - lối viết mang phong cách riêng của phụ nữ thì truyện ngắn Mai Thị Hồng Quế đã đem lại một cảm giác rõ ràng về lối viết nữ này. Bằng cách kể chuyện giản dị, tinh tế và sâu lắng, truyện ngắn Mai Thị Hồng Quế len lỏi qua những mạch máu trong trái tim đòi gọi yêu thương, khát khao làm mẹ, rung động cùng cảm xúc của nỗi đớn đau, của niềm hạnh phúc, cảm thông với những phút giây xao động, chống chếnh của con người, và bắt sóng được từng chuyển động nhỏ của thời gian, của đất trời, cây cỏ xung quanh. Người phụ nữ đã phải thốt lên đầy tiếc nuối: “Ôi phải chi đừng có những cuộc chia ly, nếu không thì ông trời cũng đừng run rủi những cuộc gặp gỡ khi đã quá muộn màng”, còn một nhân vật nữ làm nghề hàng thịt cũng có lúc cảm nhận được vẻ đẹp đồng quê: “Màu xanh mướt mát của rau củ khiến người đi qua cũng cảm thấy lòng mình chùng xuống. Nắng chiều đã ngả, trên trời cao, sau những dải mây trắng mềm như lụa, lấp ló một vầng trăng non”. Ngòi bút Mai Thị Hồng Quế tinh tế ở khả năng khám phá chiều sâu tâm lý nhân vật và lý giải những ẩn ức, bản năng, dục vọng ở con người. Trong truyện Bóng chiều, đằng sau câu chuyện cuộc tình gá tạm ngắn ngủi cay đắng, bẽ bàng của lão và thị là nỗi buồn thấm thía về phận người, là những ẩn ức không thể hóa giải của người đàn bà lỡ làng cô độc. Truyện Chạy trốn là một ca rối loạn tâm lý điển hình của thời hiện đại, trong bi kịch hôn nhân gia đình, nhận biết tất cả nhưng vô phương giải quyết, nhân vật rơi vào cuộc chạy trốn trong tâm tưởng để cho tiếng nói độc thoại nội tâm và những dồn nén chất chứa từ sâu thẳm tự cất lên. Mai Thị Hồng Quế cũng có ý thức làm mới lối kể chuyện khi sử dụng một giấc mơ, ở đó bản năng và khát khao làm mẹ của người phụ nữ được hiện hình, chuyển hóa thành những giấc mơ về đứa con đã mất và tiếng gọi mẹ trong mơ ấy khiến người phụ nữ mạnh mẽ hơn bao giờ hết, có thể dám vượt qua tất cả và đánh đổi mọi thứ để được làm mẹ (Đi qua những giấc mơ).

Truyện của Mai Thị Hồng Quế không quá dữ dội, phức tạp nhưng cũng không dễ dàng, đơn giản, mỗi truyện đều luôn dùng dằng, day dứt giữa những trạng thái và những chất vấn. Cần sống cho mình và biết tự yêu thương mình như thế nào? Những ranh giới nào giữa tình yêu và lầm lạc, nhu cầu thể xác và tâm hồn, cái bản năng và lý trí?. Lỗi lầm và lạc lối hay là hành trình đi tìm chính mình? Nhiều truyện được kể từ điểm nhìn bên ngoài, với đại từ nhân xưng giàu sắc thái biểu thị là những lão, thị, mụ, hắn, cô, nàng, gây ấn tượng mạnh nhưng cuối cùng qua cái kết bất ngờ lại đầy trắc ẩn, xót xa. Mai Thị Hồng Quế tỏ ra khéo léo trong việc di chuyển điểm nhìn của nhân vật. Chẳng hạn truyện Về làng, với ngôi kể khách quan trung tính và sự di chuyển điểm nhìn trần thuật vào từng nhân vật, thoạt đầu có thể thấy người quê vẫn còn nguyên chất nông dân, manh mún nhỏ lẻ, những hủ tục lạc hậu, những thói xấu tò mò, chửi đổng, lười nhác, ỷ lại, ham cờ bạc, mê gái, nhưng cuối cùng hành động của người đàn bà chao chát, đáo để đã bảo vệ cô gái dạt về làng từ phố thị như một giấc mơ trở về với làng quê yên bình để được làng quê bao bọc, chở che. Hai tuyến truyện song hành trong Gió thổi trước hiên nhà với tình huống gần như tương tự nhưng các nhân vật có sự hoán đổi vai, tạo một không khí bàng bạc mơ hồ, sự ngang trái, trớ trêu của số phận. Giọng văn nhuần nhị mà linh hoạt cũng tạo nên lối kể chuyện hấp dẫn, sinh động của Mai Thị Hồng Quế.

Không phải ngẫu nhiên mà những năm gần đây có rất nhiều cây bút xuất thân từ nghề giáo. Có lẽ sự gắn bó với công việc giảng dạy của những giáo viên như Mai Thị Hồng Quế ở khắp mọi miền quê, có lợi thế tương tác với nhiều thế hệ học trò đã khiến cho những trăn trở về thân phận con người được chuyển hóa thành tác phẩm giàu ý nghĩa nhân văn và ngôn ngữ tươi ròng của đời sống.

Đ.H.N

(Nguồn: TC VNNB 251-5/2021)

Bài viết khác