Chủ nhật, 19/05/2024

"Có đàn chim lạ" - một sự khởi đầu đầy hứa hẹn

Thứ hai, 26/04/2021

NGUYỄN THỊ BÌNH 

Thúy Hoàng là tác giả trẻ, truyện ngắn của chị thường xuất hiện trên Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình và trên các phương tiện thông tin đại chúng trong những năm gần đây. Cùng với Mai Thị Hồng Quế, truyện ngắn của hai cây bút nữ này đã thổi vào nền văn xuôi Ninh Bình một luồng gió mới, trẻ trung, khác lạ và đầy hứa hẹn.

Riêng về Thúy Hoàng, chị tên thật là Trần Ngọc Thúy hiện là giáo viên văn tại Trường PTTH Nho Quan C. Mới dấn thân vào “nghiệp” văn, nhưng chị viết rất khỏe, chắc và có trách nhiệm. Chị làm thơ, viết tản văn, nhưng sở trường là truyện ngắn. Gần đây, Thúy Hoàng đã cho ra mắt độc giả tập truyện ngắn đầu tay khá chững chạc: “Có đàn chim lạ” - Nhà xuất bản Văn học, quý IV, năm 2020.

“Có đàn chim lạ” gồm 19 câu chuyện với những đề tài và thân phận khác nhau. Hẳn nhiên, đó là những vấn đề bức thiết của cuộc sống. Là cô giáo dạy chữ, dạy người cho học sinh, thế nên truyện của chị thường mang tính nhân văn một cách ý nhị, kín đáo. Mỗi truyện, chị đều muốn gửi vào đó một tình cảm, một thông điệp khiến người đọc phải suy ngẫm. Cho dù đó là nhân vật dở hơi (Thằng điên) hay là người khuyết tật (Hoàng Minh, Bảo An), dù là nhân vật thiếu khó (mụ Sửu “đơ”, thằng Sáu “cứt bò”. Lão thuyền chài và thằng Ơ) hay là người bệnh tật, yếu đuối (A Cháng, Duy Anh)… thì thẳm sâu trong họ vẫn lấp lánh vẻ đẹp của tình người, tình đời. Vẻ đẹp ấy, đầy nội lực và luôn có sức lan tỏa.

Bìa tập truyện ngắn

“Có đàn chim lạ” là tập truyện đầu tay nhưng không hề non tay. Đọc truyện của Thúy Hoàng, dễ nhận thấy chị không quan tâm nhiều đến những cốt truyện gai góc, tình huống éo le, gay cấn, mà thiên về cảm xúc, tâm trạng. Bởi vậy ở nhiều truyện ta như cảm nhận được những rung động bật ra từ trái tim, có lẽ vì thế mà có những truyện khá giàu chất thơ (Cúc Phương, mùa bướm gọi; Ngược bão tuyết, bay về phía mặt trời; Bông tầm xuân bừng nở, Người hát tình ca; Nợ tình;…).

Bông tầm xuân bừng nở, là một truyện tình đẹp, tuy đau xót. Hoa tầm xuân kết nối mạch truyện và làm nền cho câu chuyện. Tầm Xuân cũng là tên gọi thân mật của nhân vật tôi, bạn bè thường gọi tôi là Hoa tầm xuân hoang dại. Thế rồi tôi gặp Văn, một kĩ sư xây dựng, cũng là chàng du ca đường phố đang say sưa hát bài Đánh thức tầm xuân, chính chàng du ca ấy đã đánh thức tình yêu trong tôi. Kết quả của tình yêu đó là một mầm sống đang hình thành và lớn dần trong cô. Nhưng không hiểu sao, chàng kỹ sư trẻ lại đột ngột đoạn tuyệt tình yêu với cô. Anh nói mình không thể cưới cô, rằng anh chỉ là “một thằng cặn bã của xã hội đã đánh cắp thời con gái của em”. Anh còn bày ra chuyện với cô gái bán hoa đã hết hạn sử dụng, để cô ghê tởm mà tránh xa anh. Bị anh phũ phàng chấm dứt tình yêu giữa lúc cô cần anh nhất, nhân vật tôi rơi vào trạng thái đau đớn, tuyệt vọng, và uất hận… “Nhưng nỗi uất hận dù lớn đến đâu cũng không thể phủ nhận rằng tôi đang nhớ anh”. Thế rồi tình mẫu tử thiêng liêng đã thắng sự hoang mang sợ hãi trong cô, cô sẽ cố gắng bù đắp cho con bằng thứ tình yêu tuyệt vọng…

Và một tình huống trớ trêu đã xảy đến. Một lần đi công tác, cô dừng lại ở một làng ngập tràn hoa tầm xuân, gặp những người đang hái tầm xuân cho một đám tang nào đó, theo chân họ, cô rụng rời và đau đớn khi nhận ra người trong di ảnh trên bàn vong chính là Văn - người yêu lâu nay đã bặt tin của cô: “Hai mắt tôi mờ nhòe đi. Người tôi nhẹ bẫng như không trong lượng. Tôi gần như ngã khuỵu xuống”. Sau đó, trong vai người bạn học, cô vào viếng anh và đưa anh ra đồng. Cô được nghe chuyện về Văn và tình yêu anh dành cho cô. Văn chưa kịp đưa cô về ra mắt gia đình thì bị bệnh ung thư và qua đời. Vậy là, Văn đã nén chịu bệnh tật để cô không phải khổ lây. Nỗi hận trong lòng cô được hóa giải. Càng thương anh, cô càng ân hận vì sự vô tâm của mình. Truyện kết thúc khi “Giữa cánh đồng bạt ngàn hoa tầm xuân rã cánh, tàn phai, có một bông còn rớt lại từng cánh, từng cánh khẽ khàng… bung nở” và chắc chắn, những điều tốt đẹp sẽ bắt đầu.

Nhân vật trong truyện của Thúy Hoàng rất đa dạng, gồm đủ loại người, tốt có xấu có… mỗi loại người lại đại diện cho một tầng lớp xã hội nhất định. Tuy nhiên, tác giả thường đi sâu khai thác những mảnh đời éo le, bất hạnh, tìm thấy ở họ những nét đẹp rất đời mà cuộc sống xô bồ thường ngày đã vô tình vùi lấp. Truyện Bẽm Rãnh là một ví dụ. Bẽm là cái tên do thầy cô đặt, ông nói với đứa con vừa mới sinh “nhà này đẻ hết trứng rồi nên tao chỉ có thể đặt tên mày là Bẽm, Bẽm Rãnh, hiểu chưa?”. Sinh ra trong một gia đình bất hạnh, mẹ sinh toàn con gái (bảy, tám hay chín đứa), Bẽm là con út, cô lớn lên không biết mặt mẹ, vì mẹ cô bị băng huyết và chết trên vũng máu ngay từ khi sinh cô. Nói khác đi, mẹ cô chết vì thói vô trách nhiệm đến tàn nhẫn của thầy cô (ông bắt mẹ cô sinh cho bằng được cái mậm chim, thấy vợ lại sinh con gái, lão đạp mạnh vào đầu vợ mà không biết bà đã chết từ lúc nào). Sau ba ngày cho mẹ, thầy cô cũng chết vì rượu. Từ đấy, “cuộc sống của đám trẻ mồ côi phải trông nhờ vào anh em xóm giềng giúp đỡ…”. Đã quen với đói khổ, từng ấy chị em không còn biết đến đói khổ. Mơ ước của chúng cũng tội nghiệp: “giá có… cục trứng mà ăn”. Có con gà mái ụ thầy nó định thịt để đãi mẹ nó sinh em trai - là con gà cuối cùng nhà chúng nó nuôi đã dành làm cơm cúng mẹ. Con Bẽm nói với các chị “Lớn lên em đi kiếm tiền thật nhiều, mua trứng cho cả nhà mình ăn bù. Em sẽ mua con gà mái thật to dành cho mẹ”.

 Từ nhỏ, Bẽm đã thấm thía sự khinh miệt của dân làng đối với chị em nó. Nhất là lão Miễu, vì sinh được con trai nên lão luôn dè bỉu: “Cái thứ vịt giời nhà chúng mày mà cũng bày đặt xem nom với chả hát hò”, rồi “Con Bẽm Rãnh làm ca ve trên thành phố, chứ học hành hát hò gì cái thứ không cha không mẹ ấy?”. Không cam chịu sự coi thường của lão Miễu và dân làng, còn bé nhưng Bẽm đã từng có ý thức phản kháng: “Nó thấy mình nhỏ bé quá chưa đủ sức mạnh để đến gần lão Miễu, hét vào tai lão túm lấy cổ áo lão mà nhấn xuống - Vợ ông chắc mọc chim. Nó chỉ dám nói lí nhí trong nước mắt”. Lát sau nó liếc xéo lão Miễu và hỏi một câu làm cho lão chết điếng: “Ông ơi, có phải mẹ ông và vợ ông mới mọc chim giống ông không?”. Bẽm muốn thay đổi “cái đã thành lệ trong nếp nghĩ ngàn đời của con người”, nó quyết tâm cho thiên hạ thấy “đàn bà đái qua ngọn cỏ”… Nó mơ ước có ngày nó được “vào” ti vi làm ca sĩ. Và cùng với thời gian, mơ ước đã thành hiện thực. Bẽm đã tốt nghiệp trung cấp thanh nhạc. Là người hát hay nhưng với cái tên Bẽm Rãnh, nhiều lần cô bị các công ty chuyên đào tạo, tổ chức biểu diễn từ chối, họ cho rằng cô bị điên khi cứ giữ khư khư cái tên Bùi Thị Bẽm, nghệ danh Bẽm Rãnh. Nhưng có một ngày, cô đã được chọn là vai diễn chính cho một bộ phim ca nhạc, trong sự tiếc rẻ của gã Giám đốc công ty đã chê và khinh rẻ cô ngay từ khi biết tên cô là Bẽm - Bẽm Rãnh. Sự vui sướng của cô lên đến tột đỉnh, giây phút ấy cô nghĩ đến người mẹ xấu số: “Mẹ ơi, con đã đái qua ngọn cỏ, con đái thay cả phần mẹ, con không đái dầm ra máu”. Vậy là tuy là gái, lại có cái tên xấu xí, nhưng cô đã chứng minh cái tên không quyết định được cuộc đời, số phận, mà chính là phẩm chất, năng lực và sự quyết tâm. Cô đã làm thay đổi cái đã trở thành cố hữu trong nếp nghĩ của cả thầy cô và dân làng. Con gái cũng có thể làm nên chuyện, và quả thật cô đã làm nên chuyện. Câu chuyện còn gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề trọng nam, khinh nữ đang tồn tại trong nếp nghĩ cố hữu của không ít người dân. Vì quan niệm ấu trĩ ấy đã làm cho bà nội, rồi mẹ cô và bao người phụ nữ phải chết oan. Vấn đề sinh đẻ có kế hoạch, nam nữ bình đẳng, bình quyền, cũng được tác giả gián tiếp đề cập tới. Việc Bẽm đã làm được “đàn bà đái qua ngọn cỏ” mà không “đái dầm ra máu” chính là một luồng sinh khí mới, đến với chị em cô và dân làng. Hy vọng từ đây cuộc sống của họ sẽ đổi khác, tươi mới hơn.

Giọng văn của Thúy Hoàng giản dị, tự nhiên không toan tính, dù viết về đề tài nào, chị cũng viết bằng tất cả cảm xúc và trái tim, nên câu chữ cứ thế tuôn trào. Truyện của chị ít nhân vật phản diện. Có thể có những nhân vật ban đầu người đọc không mấy cảm tình, nhưng sự va chạm của các mối quan hệ xã hội, đã dần dần làm bộc lộ những phần rất người trong chiều sâu cảm xúc, và đó mới là bản chất của họ. Trong truyện Hoa hồng và… ta bắt gặp những nhân vật cằn cỗi thiếu khó trong xã hội. Từ thằng Sáu “cứt bò” đến mụ Sửu “đơ”; từ ông giáo già gàn dở khô cứng, tới người mẹ đẻ đã bỏ con cạnh đống phân bò và người mẹ nuôi đã cưu mang hắn… Những con người ấy tưởng như mỏi mòn trong cuộc sống khốn khó cho qua ngày đoạn tháng, nhưng cuối cùng, nhân vật nào ta cũng nhìn thấy ở họ những nét đẹp rất nhân văn. Ông giáo già thường ngày rất khắt khe với Sáu “cứt bò”, ông bắt nó đi nhặt phân bò để trừ vào tiền học, nhưng thực ra ông không lấy một đồng tiền công nào, mà chỉ muốn dạy cho nó “bài học vượt khó”, để sau này nó thành người. Một người phụ nữ chăn bò đã nhặt được Sáu bên đống phân bò, đem nó về nuôi cùng mấy anh em không nơi nương tựa... Một lần, thấy nó nói năng bất kính với thầy giáo, bà đã tát nó và nó đã bỏ đi. Mụ Sửu “đơ” đã cưu mang Sáu, khi thấy nó “không một manh vải che thân, tấm lưng vằn ngang vằn dọc vết quất bầm tím, đôi mắt sưng húp, máu mồm máu mũi còn đang rỉ ra… nằm còng queo bên đường giữa trời giá rét”. Mụ Sửu người thô, da cháy bóng như da trâu, mà sống để lại hai chữ tử tế. Hay tin mụ chết, thằng Sáu “quỳ xuống giường, ôm thân xác mụ. Hắn gầm gào, những tiếng gầm gào khản đục như muốn xé toạc cổ họng hắn”. Đám tang của mụ được Sáu “cứt bò” và bọn đàn em gồm gần hai chục thằng “con trai” lo tử tế theo đúng nghi lễ. Thằng Sáu đã gọi mụ Sửu là mẹ, bởi nó đã nhận ra tình mẹ ở người đàn bà xấu số, dẫu là muộn, nhưng đó là dấu hiệu chuyển biến để nó dần tốt lên trong mắt mọi người. Chính Mụ Sửu gắn kết tình cảm, làm cho nó nguôi đi sự oán trách với người mẹ đẻ. Mụ Sửu đã nói với hắn: “Mày muốn khóc thì cứ khóc đi. Khóc xong thì sống cho tử tế. Khóc xong thì đừng oán mẹ mày”. Mụ Sửu đã hướng cho nó biết sống tử tế. Giây phút thằng Sáu gặp lại mẹ nuôi thật cảm động, hắn gục đầu vào lòng mẹ nức nở: “Mẹ ơi, con đã sai rồi” và bà tin nó sẽ nên người. Truyện có cái kết đẹp: “Biết đâu một ngày nào đó, đi bên người mẹ nuôi hắn được ôm bó hoa hồng đẹp nhất, thơm nhất, thơ nhất để tặng người đẹp đã sinh ra hắn”.

Kết cấu truyện của Thúy Hoàng khá chặt chẽ, lối viết táo bạo, phá cách rất riêng. Là tác giả trẻ, nhưng Thúy Hoàng không ngần ngại dấn thân với những đề tài có vẻ gai góc, ngòi bút của chị len lỏi tận những góc khuất của cuộc sống (OX- BX, Nợ tình, Chuyện lúc nửa ngày, Trong bóng đêm…). Nhân vật trong truyện của Thúy Hoàng phần đa là phụ nữ và không ít người rơi vào bi kịch. Bi kịch của cuộc sống khốn khó (Bẽm -  trong Bẽm Rãnh). Bi kịch giữa tiền tài danh vọng (Em - Trong bóng đêm). Bi kịch trong tình yêu và hôn nhân (Vân trong Yêu ngược - Nhân vật xưng tôi và người mẹ của tôi trong truyện Người điên)... Nhưng những con người ấy, không bao giờ buông xuôi theo số phận, mà trái lại, họ vẫn vùng vẫy thoát ra, trở về với cuộc sống đời thường, dẫu chẳng dễ dàng gì. Về chủ đề này, Mái tóc là truyện ngắn hay, đề cập đến những khuất tất trong việc làm ăn thời cơ chế thị trường. Hình ảnh mái tóc “mềm mại và xanh mướt như sắc cỏ vào xuân”, xuất hiện ở đầu và trong suốt tác phẩm, như biểu tượng của nét đẹp truyền thống cần được nâng giữ. Chính mái tóc và vẻ đẹp trinh nguyên của thiếu nữ đã là một cái giá rất đắt cho một phi vụ làm ăn của vị Giám đốc nọ - người mà tôi ngưỡng mộ như một thần tượng. Nhận ra sự thật chát đắng, nhân vật tôi định cắt ngắn cũn cỡn mái tóc và nhuộm màu loang lổ như máu để trả thù đời. Nhưng thật may, thái độ và cách cư xử của người thợ cắt tóc đã ngăn cô lại. Anh chính là người biết rõ giá trị của nét đẹp tự nhiên mà tạo hóa ban cho người phụ nữ. Nhờ anh, mà vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ, vẫn được nâng niu trân trọng.

Thúy Hoàng thường sử dụng câu văn ngắn, giàu nhạc tính, kể và tả đan xen nhiều khi dồn dập theo mạch truyện, giọng văn khi nhẹ nhàng, khi quyết liệt, khá lôi cuốn người đọc. Tình tiết truyện nhìn chung là hợp lý, lô-gíc, nhưng đôi khi cũng đem lại cảm giác gai góc, rùng rợn cho người đọc (Tình tiết mụ Hến chết - Chuyện lúc nửa ngày, và mụ Sửu “đơ” chết - Hoa hồng và…). Có thể là chủ quan nếu nhận định điều gì đó về cá tính của tác giả này. Tuy nhiên, truyện của Thúy Hoàng cũng manh nha một lối viết riêng, đầy hứa hẹn. Tuổi còn trẻ, chặng đường phía trước còn dài, hy vọng tác phẩm đầu tay “Có đàn chim lạ” sẽ là sự khởi đầu đầy khích lệ để chị có thể vững bước hơn trên con đường đã chọn.

N.T.B

(TC VNNB 250-4/2021)

Bài viết khác