Chủ nhật, 19/05/2024

Có một dòng sông thao thiết chảy     

Thứ năm, 18/07/2019

NINH ĐỨC HẬU
Có một dòng sông tháng ngày thao thiết chảy. Dòng sông ấy chở nặng phù sa. Phù sa của dòng sông là những con chữ giản dị mà chở nặng nghĩa tình. Những con chữ làm điểm nhấn cho các tác phẩm văn chương. Những con chữ của một nữ tác giả viết phê bình văn học khiêm nhường mà sâu sắc. Chị đọc, cảm nhận, trân trọng từng tác phẩm, để rồi những con chữ như những giọt phù sa tràn đầy sinh lực làm nên sự thao thiết của một dòng sông.

Dòng sông thao thiết là tập Tiểu luận – Phê bình văn học thứ hai của tác giả Nguyễn Thị Bình. Trước đó chị đã có “Nỗi niềm giăng mắc”. Cả hai tác phẩm đều do Nhà xuất bản Văn học ấn hành, và đều giành được những giải thưởng VHNT. “Nỗi niềm giăng mắc” giải B giải thưởng VHNT Trương Hán Siêu do UBND tỉnh Ninh Bình tặng (năm 2011). “Dòng sông thao thiết” giải C do UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tặng (năm 2014). Nhưng có lẽ giải thưởng cao hơn là tác phẩm của chị đã được bạn đọc ghi nhận và đánh giá tốt. Đặc biệt nhiều bài viết đã trở thành hành trang không thể thiếu của các em học sinh, sinh viên yêu thích học môn văn.

Dòng sông thao thiết có ba phần. Bình thơ tự chọn; Bình truyện ngắn tự chọn và Cảm nhận và giới thiệu tác phẩm. Đọc Dòng sông thao thiết mới thấy được thái độ làm việc hết sức khoa học và nghiêm túc của Nguyễn Thị Bình. Với lợi thế của một giảng viên Văn lại có tâm hồn thơ, ở từng tác phẩm chọn bình, chị đã hóa thân vào nhân vật, tìm ra được vẻ đẹp tiềm ẩn của tác phẩm, giúp người đọc định hướng thẩm mĩ, rút ra những bài học nhân sinh.

 Không thể phủ nhận là ngày nay, trong đời sống tinh thần của mỗi người, thơ cũng có một vai trò nhất định. Số người yêu thơ và làm thơ ngày một nhiều. Nhưng có một điều chắc chắn, thơ hay không phải là nhiều. Bởi vậy, đọc rồi cảm nhận được cái tinh tuý của những bài thơ hay quả không phải dễ. 12 bài thơ được Nguyễn Thị Bình chọn đều được chị cảm thụ, bình giá và kiến giải khác nhau, mặc dù phần lớn những bài thơ ấy đều chung một đề tài tình yêu.

Có một sự đợi chờ làm nên huyền thoại tình yêu, là tiêu đề bài bình bài thơ “Huyền thoại” của Đoàn Thị Lam Luyến. Đây là một bài thơ tình hay, có cá tính, ngập tràn nỗi khát yêu và rất khó bình, vì nếu bình không khéo, không trúng dễ bị người đọc hiểu nhầm sang những khía cạnh nhạy cảm khác. Bởi vậy ngoài sự hoá thân vào tác phẩm, phải có cái say mê của người trong cuộc nhưng cũng đòi hỏi phải có sự tỉnh táo sáng suốt. Bình bài thơ này Nguyễn Thị Bình đã có đủ những hội tụ đó. Chỉ một câu thơ Dẫu chẳng được hẹn hò em cứ đợi, cứ say, mà ngòi bút phê bình của chị trào dâng cảm xúc: … như xoáy vào lòng người đọc. Ta như nghe được nỗi da diết được cất lên từ thẳm sâu đáy lòng của một người phụ nữ khát yêu, luôn hoài vọng về một tình yêu tròn đầy, vĩnh viễn nhưng lại gặp đầy bất trắc. Câu thơ vừa thực vừa ảo làm toát lên sự cứng cỏi đầy cá tính nhưng cũng rất đỗi dịu dàng của người phụ nữ khi yêu…

Sức thuyết phục của người bình thơ là ở chỗ họ phát hiện ra cái mà người khác không thấy hoặc bỏ qua, đồng thời bằng ngôn ngữ và giọng điệu của mình giúp người đọc đồng cảm với những điều mình phát hiện. Ở những bài bình thơ, ít nhiều chị đã làm được điều đó. Về bài thơ “Tâm hồn” của Song Hảo, Nguyễn Thị Bình viết: Cả bài thơ không một lần từ yêu xuất hiện, những từ nhằm diễn tả những cung bậc khác nhau của tình yêu cũng vắng bóng, nhưng tình ý của bài thơ lại ngọt ngào đằm thắm, da diết gọi mời… Thế nên bài thơ là ăm ắp nỗi niềm yêu. Ngay vào đề bài bình thơ này chị đã đặt câu hỏi: Sao lại Bao giờ anh đau khổ hãy tìm đến với em? Hỏi để rồi lý giải Ai cũng hiểu, khi đau khổ người ta luôn mong muốn có một nơi chốn bình yên để giải toả cân bằng. Đó là lúc người ta cần đến sự chia sẻ cảm thông nhiều nhất…Từ sự thấu hiểu tâm trạng của người phụ nữ đang yêu, chị khẳng định “Tâm hồn” là một bài thơ ngọt ngào giản dị mà thẫm đẫm tình người…

  Đọc “Đơn phương” của Phạm Đức, Nguyễn Thị Bình cảm thấy: Mới lạ và thích thú, tâm trạng thật khó tả, một thoáng buồn dịu nhẹ, một chút an ủi, khích lệ và cả thú vị mơ hồ nữa… Tất cả tình cảm, cảm xúc ấy xáo trộn, hối thúc ùa về… Tình yêu có muôn dạng. Tình yêu đơn phương cũng là tình yêu khá lãng mạn, dẫu rằng nó buồn và khổ đau. Đồng cảm tinh thần ấy của bài thơ, Nguyễn Thị Bình chia sẻ: Tình yêu đơn phương là có thực luôn tồn tại…yêu đơn phương là biết yêu đời…Vậy nên bài thơ như một niềm an ủi không chỉ cho bản thân ông mà còn cho tất cả những ai nếu ở vào tình trạng này, sẽ có cách nhìn, cách nghĩ thông thoáng hơn, lạc quan hơn: cho người và vì người âu cũng là hạnh phúc? Sự đồng điệu, đồng cảm giữa người bình và tác giả bài thơ dường như đã có một sự sắp đặt và gắn kết dẫu biết chỉ là vô hình.

Ở các bài thơ “Trời và đất” (Phan Thị Thanh Nhàn), “Thơ cho người mong gặp” (Trần Mai Hường), “Để em lỡ hẹn” (Nguyễn Thị Mai), “Em” (Đỗ Trung Lai), “Tâm sự nàng Thuý Vân” (Trương Nam Hương), “Gửi em từ Khau Vai” (Bình Nguyên), “Điều anh không biết” (Phi Tuyết Ba)… lời bình của chị luôn đằm thắm, có lý có tình. Cái chân chất, trong trẻo của tình yêu luôn hiện hữu, những bài bình của chị khiến người đọc thấy thích thú và làm cho bài thơ lấp lánh hơn. Ở bài bình thơ nào chị cũng như muốn gửi một thông điệp tới cuộc đời, tới những ai đã yêu, đang yêu và sắp yêu. Đó là sự chân thành, thuỷ chung, lòng vị tha, nhân ái.

Phần bình truyện, có 11 truyện ngắn được Nguyễn Thị Bình chọn bình. Thực ra 11 truyện ngắn này cũng chưa hẳn là đặc sắc cả. Tuy nhiên đó là những truyện được công chúng đón nhận, có truyện được nhận giải thưởng văn học, có truyện được dịch in ở nước ngoài. Vấn đề là các truyện ngắn hợp gu người bình. Có hợp gu thì mới cảm nhận được sự tinh túy của từng truyện.

Dù bình thơ, bình truyện hay cảm nhận tác phẩm, Nguyễn Thị Bình luôn bám sát lý thuyết thể loại, soi chiếu tác phẩm ở các góc độ khác nhau, tìm ra nét đặc sắc của từng tác phẩm. Ở một số truyện tác giả đã phân tích bình giá tác phẩm dưới góc độ thi pháp. Thời gian và không gian nghệ thuật trong truyện “Hàng xóm” của Phạm Thị Duyên là một ví dụ. Không gian hiện thực của câu chuyện là một đám cưới. Thời gian hiện thực xảy ra chỉ trong một ngày. Nhưng từ cái không gian và thời gian cụ thể ấy tác giả đưa người đọc trở về thời gian quá khứ và hé mở thời gian tương lai- Một tương lai dự báo đầy bất trắc của các cặp vợ chồng trẻ. Người bình nhận thấy trong truyện: Những chi tiết đầy ắp tình người… ta vẫn bắt gặp đâu đó ở các làng quê, ngõ xóm. Đó chính là nét văn hoá cần được bảo tồn và phát huy. Nhưng vấn đề lớn hơn mà Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh là câu truyện khiến: độc giả phải dừng lại suy ngẫm về những giá trị, có khi là rất đỗi bình thường, nhưng vô cùng quý giá của cuộc sống gia đình và xã hội hiện nay… Và tác giả bình truyện khẳng định truyện ngắn này: đã đem đến cho người đọc những trải nghiệm và suy ngẫm về giá trị của hạnh phúc. Hạnh phúc thật đơn giản nhưng không giản đơn. Mỗi người phải biết trân trọng nâng niu và gìn giữ…

Cũng đề tài về gia đình, ở truyện ngắn “Một tuần”, Nguyễn Thị Bình đã có nhận xét thật xác đáng: Qua cách sống của hai gia đình, hai hoàn cảnh, hai không gian khác nhau, người đọc có điều kiện so sánh, ngẫm ngợi, ít nhiều lấy đó làm gương soi mình để điều chỉnh những lệch chuẩn trong cuộc sống mà bất cứ gia đình nào cũng có nguy cơ mắc phải. Nhà phê bình không những chỉ hiểu sâu sắc truyện ngắn này mà hẳn chị còn có vốn sống thực tế. Chính vì vậy những lời bình của chị không chỉ đi đúng nội dung vấn đề truyện đặt ra mà nó còn mang tính thực tiễn trong xã hội. Kết thúc bài viết về truyện ngắn “Một tuần” chị kết luận: Gia đình là nền tàng rất quan trọng của xã hội. Hãy chăm lo xây dựng và bảo vệ hạnh phúc gia đình. Đây không hẳn chỉ là cảm nhận về một truyện ngắn nữa mà còn là tiếng nói của một phụ nữ có trách nhiệm với gia đình.

Với truyện ngắn: “Bí mật cuốn gia phả” của Vũ Xuân Tửu, được Nguyễn Thị Bình phát hiện là: Có kết cấu lạ, lôi cuốn người đọc như một truyện trinh thám. Đây là truyện có cốt truyện khá ly kỳ, hấp dẫn, nhiều tình huống bất ngờ và gay cấn. Cái sâu sắc và khéo léo của người bình là chị đã hoà nhập với nỗi niềm day dứt của các nhân vật trong truyện, tức là có sẻ chia, có đồng cảm. Chị nhận xét: Truyện có xin và cho, có được và mất. Nhưng chuyện xin cho được mất đều được giải quyết khéo léo và ổn thoả để những người trong cuộc bớt đi mặc cảm… Đây còn là lời đánh giá thuyết phục cho cách xử lý cao tay của Vũ Xuân Tửu.

Nguyễn Thị Bình dành sự ưu ái của mình cho những cây bút trẻ trưởng thành từ Trại sáng tác Văn học trẻ Ninh Bình, đó là khi chị chọn bình truyện ngắn “Nỗi nhớ xa xăm” của Đặng Thị Hạnh Dung. Chị phát hiện: Đọc truyện của Hạnh Dung người đọc sẽ ngạc nhiên khi phát hiện ở cây bút này một lối viết truyện như thiên bẩm. Cốt truyện, tình tiết sắp xếp lô gic, tự nhiên đầy cuốn hút. Ngôn ngữ sắc sảo, mới lạ, trau chuốt, cách miêu tả nhân vật gợi cảm, độc đáo… Với một cây bút còn rất trẻ nếu nhận được những lời khen đúng mức sẽ trở thành một sự khích lệ lớn. Nghiên cứu truyện ngắn này nhà phê bình nhận ra: Xuyên suốt câu chuyện là một nỗi nhớ xa xăm, nỗi nhớ về quá khứ đẹp đẽ không phai mờ. Phải chăng đó là nguồn an ủi, là động lực để người ta biết yêu quý và trân trọng cuộc sống hơn.

Truyện ngắn “Tôi và hai người lính tây” của nhà văn Tùng Điển được Nguyễn Thị Bình khẳng định là Một câu chuyện đậm tính nhân văn. Bám sát nhận định ấy tác giả đã đi sâu, phân tích để làm toát lên tinh nhân văn cao cả của truyện ngắn này. Ta và địch. Đối đầu và đối kháng. Ngỡ là như thế. Nhưng câu chuyện không khai thác quan hệ ấy, mà nói về cuộc hội ngộ thú vị của nhân vật Tôi, một người bạn nhỏ, với hai người lính tây… họ là những người bạn… Nhà văn Tùng Điển với thủ pháp viết truyện: không có mâu thuẫn, xung đột căng thẳng, cốt truyện đơn giản, nhẹ nhàng, mạch kể tự nhiên, hấp dẫn… đã dẫn dắt bạn đọc đi từ bất ngờ này đến những bất ngờ thú vị khác. Chị nhận xét: Họ là hai thế giới, tuổi tác lại chênh lệch, nhưng qua gặp gỡ giao tiếp ứng xử ít nhiều họ đã tìm được sự đồng cảm. Có lúc ranh giới về tuổi tác và quốc tịch dường như bị xóa nhòa…Có lúc họ như những người bạn lớn… Đó chính là sự tinh tường của con mắt phê bình khi đề cao vấn đề nhân văn của tác phẩm.

Những truyện ngắn được chọn bình khác là:“Con gái cũng là con”, một truyện ngắn ý nghĩa ; “Làn gió lạ”, điều kỳ diệu của sáng tạo nghệ thuật ; “Đi qua giấc mơ”là những cuộc tình buồn;“Suối nữ” một câu chuyện tình cảm động; Thời gian nghệ thuật trong truyện ngắn “Chuyến đi săn cuối cùng” … đều đã được nhà phê bình trân trọng và bình luận có trách nhiệm. Cái hay và cả cái chưa hay đều được bàn luận khá thấu đáo. Ở từng truyện, nhà phê bình đã hoá thân vào tác phẩm, vừa làm đúng thiên chức của người “đồng tác giả”, vừa làm nhiệm vụ của một người nghiên cứu.

Phần Cảm nhận và giới thiệu tác phẩm, Nguyễn Thị Bình giới thiệu 4 tác phẩm với những cách đánh giá và cảm nhận khác nhau.

Nhọc nhằn năm tháng đời người là nhan đề bài viết về tiểu thuyết “Một đời người” của Nguyễn Minh Ngọc. Đây là tác phẩm đầu tay của cây bút nữ Ninh Bình. Cuốn tiểu thuyết khá dầy dặn: Nội dung khá hấp dẫn cùng với cách kể chuyện thong thả, điềm tĩnh, đan xen giữa hiện thực và quá khứ … Nhà phê bình phát hiện ra trong tiểu thuyết: Để đạt được ham muốn ích kỷ, người ta không từ một thủ đoạn nào, kể cả diệt thân… và chị cho rằng: Đó là một phần quan trọng của hiện thực xã hội được đề cập tới trong Một đời người. Qua cảm nhận và bình giá của chị, người đọc hiểu thêm về bối cảnh xã hội cũng như bản chất các nhân vật trong tác phẩm. Cũng cảm thông xót thương, đồng cảm và sẻ chia những thiệt thòi mất mát mà những người lương thiện phải hứng chịu trong cuộc đời như bể khổ ấy, nhà phê bình nhận xét: Truyện không đề cập đến vấn đề lớn lao của đời sống xã hội, mà đi sâu phản ánh những chuyện đời tư, đời thường trong cuộc sống con người với những mối quan hệ phức tạp chồng chéo… Nhận xét này thật đúng với những gì tác giả Nguyễn Minh Ngọc đề cập trong tiểu thuyết “Một đời người”.

“Đi và ngẫm” là tập ký của Lâm Xuân Vi, theo Nguyễn Thị Bình, đây là tập ký sự đậm chất nhân văn. Nhà thơ Lâm Xuân Vi ngoài làm thơ ông còn là một cây bút viết ký khá sắc sảo. Bởi vậy khi tiếp cận những bài ký của Lâm Xuân Vi chị nhận ra: Ông có khả năng quan sát tinh tế, có kiến thức sâu rộng và am hiểu khá tường tạn về đối tượng… Qua lời nhận xét của chị, chúng ta thấy rõ lao động nghệ thuật của Lâm Xuân Vi nghiêm cẩn và linh hoạt nhường nào. Chị nhận xét: Với tầm hiểu biết vốn sống và sự tích luỹ kinh nghiệm gần như cả đời, cùng với những thôi thúc, suy tư trăn trở với nghề nghiệp, ông đã viết lên những trang ký kịp thời và nóng bỏng, góp phần phản ánh cuộc sống một cách chân thực nhiều chiều. Với cách tiếp cận ấy, chị đã góp phần làm cho thể ký gần gũi lại hơn với người đọc.

Sức hấp dẫn từ cuốn sách “Nam Cao những mạch nguồn văn” (Nguyễn Thế Vinh) và Ấn tượng về cuốn sách “Bái Đính, hang động Tràng An và huyền thoại” (Lê Doãn Đàm) là tiêu đề hai bài viết của Nguyễn Thị Bình giới thiệu với bạn đọc về hai tác phẩm mà chị tâm đắc. Ở bài nào chị cũng dành tình cảm trân trọng trong cảm nhận và sáng suốt trong đánh giá tác phẩm. Các bài viết của chị giúp người đọc hiểu thêm về công việc nhọc nhằn, gian truân của những nhà nghiên cứu văn nghệ, khi họ tiếp cận, tìm tòi tư liệu để cống hiến những tác phẩm không chỉ có giá trị hiện tại mà còn cả cho mai sau.

Trong Dòng sông thao thiết Nguyễn Thị Bình cùng dành nhiều trang viết bàn về nghệ thuật, hay kỹ thuật của từng tác giả trong sáng tác của họ. Ở lĩnh vực này, chị tìm tòi phân tích cụ thể từng thủ pháp nghệ thuật được sử dụng trong tác phẩm. Là người được đào tạo bài bản cho nên các trang viết có tính “học thuật” của chị đã thuyết phục được bạn đọc. Bằng cách ấy “chị đã góp phần không nhỏ giúp người đọc xích lại gần hơn với người nghệ sĩ qua mối dây liên hệ là những tác phẩm nghệ thuật” (Mai Phương).

Bằng tình cảm, và sự say mê khoa học, Dòng sông thao thiết đã trở thành cuốn sách hữu ích cho người thưởng thức và người nghiên cứu. Giải thưởng của UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam là phần thưởng xứng đáng cho tác giả Nguyễn Thị Bình.

                                                                                    N.Đ.H

 

Bài viết khác