Chủ nhật, 19/05/2024

Có một ngày thơ 

Thứ năm, 18/07/2019

Lời bình của HOÀN NGUYỄN 

Có một ngày không thể nào quên

Cả thị trường nhà đất sôi lên

Giá vàng cũng đột nhiên biến loạn

Còn sông Lục núi Huyền bừng reo tâm thế khác

Đến với nơi trồng người thuần phác

Trường trung học Đồi Ngô*

Thày và trò gặp các nhà thơ

Quanh khúc ngoặt gập ghềnh thi pháp

Những ý trò tươi non

Thày luận hướng tâm hồn dào dạt

Mở đất, nhà thơ gieo hạt ươm mầm

Mỗi khám phá tìm tòi, một khát vọng xanh trong

Thơ phủ sóng, trời đông ấm lại

Chủ và khách không còn ranh giới

Tan vào thơ vào nhau

Vào mạch nguồn nghĩa chữ xa sâu

Dung dưỡng hồn người. Thơ giàu có nhất

Không loạn như vàng không sôi như đất

Thơ đằm đằm hương mật trào dâng.

LÂM XUÂN VI

Sáng tạo nghệ thuật luôn là lao động quá khứ. Đó là những cảm nhận lưu lại từ sự vật, hiện tượng xảy ra trong thế giới tự nhiên, xã hội và tư duy. Sự cảm nhận cuộc sống hiện thực luôn tùy thuộc vào khả năng của mỗi cá nhân. Nhìn nhận sự vật như thế nào, xuất phát từ quan điểm, phương pháp luận của người đó. Đó là năng lực nhận thức của mỗi cá thể, từ góc quan sát chủ quan sự chuyển động của sự vật, hiện tượng để đọc tên theo cách của riêng mình. Chính vì thế, nghệ thuật luôn mang cái tôi đặc trưng từ sự thấm của người đó. Đó cũng là cái làm nên “hồn cốt” “Văn học là nhân học”.

Quá khứ nhận thức có thể được tái hiện nhanh, chậm, lâu, mau do năng lực tái hiện của cá thể. Trong những phương cách bộc lộ ấy, “Có một ngày thơ” của Lâm Xuân Vi lại đi từ hiện thực, một hiện thực có tính thời sự chứ không “nghiền ngẫm” như một số người viết khác. Từ những điều xảy ra có tính “trái chiều” trong cuộc sống để nói về cái lắng sâu trong tâm hồn: Có một ngày không thể nào quên/ Cả thị trường nhà đất sôi lên/ Giá vàng cũng đột nhiên biến loạn/ Còn sông Lục núi Huyền bừng reo tâm thế khác. Phải nói ngay rằng, đây là điều tất yếu của cuộc sống. Thế giới vật chất luôn vận động và phát triển. Sự vận động lại thường theo hình xoáy trôn ốc, có thể lặp lại nhưng luôn có chiều hướng lên cao. Sự phát triển cũng không hẳn hoàn toàn theo chiều thẳng đứng mà có thể theo đồ thị hình sin. Sự lên xuống của thế giới vật chất cũng chính là quy luật của tự nhiên. Một quy luật mà cuộc sống dù muốn hay không muốn đều quy thuộc. Lên hay xuống, hình xoắn hay hình sin, nó đều là dấu mốc của một giai đoạn, một khoảnh khắc, thậm chí là một “sác na” của nhà Phật thì nó vẫn là bước ngoặt của vật chất, của đời sống. Trong khi đời sống xã hội chịu sự chi phối cơ chế thị trường, sự mưu sinh, nhu cầu mà làm cho hiện thực biến dạng, hư thực “nhà đất” thì “sôi lên”; “giá vàng” thì “biến loạn”. Ngay những cái tưởng như là “cố hữu”, vĩnh cửu sông Lục, núi Huyền ấy cũng biến chuyển theo, mang một “tâm thế khác”. Tâm thế khác của sông Lục, núi Huyền là gì? Có thể sông Lục núi Huyền “bừng reo” nhưng cái tâm thế ấy nó không còn là “nguyên” xưa. Nó cũng như quy luật của cuộc sống, chịu sự tác động và cũng tuân theo quy luật của thế giới vật chất. Cái “bừng reo tâm thế khác” là khi vòng xoáy ở điểm “min” hay điểm “max”? Tất nhiên, cái “bừng reo” ở đây chính là bản thân nó đã nhận thức đúng, đủ, đầy đặn nhất những gì thuộc quy luật, không chịu những gì “cưỡng lại”, làm lu mờ, thay đổi hay biến dạng của thực tế như nó vốn có. Ở đây, tác giả gắn cái động, giá cả đất, vàng từ thực tế vào cái bất biến của lịch sử. Quá khứ hay hiện tại, thậm chí cả tương lai, không thể cưỡng lại được quy luật, một quy luật có thể khắc nghiệt, đớn đau nhưng cũng có thể là hạnh phúc. Đó cũng là “hỉ, nộ, ái, ố” như vốn có của cuộc đời, để từ đó, Lâm Xuân Vi bước từ hiện thực “vật chất” sang một hiện thực khác: con người. Đến với nơi trồng người thuần phác/ Trường trung học Đồi Ngô/ Thày và trò gặp các nhà thơ/ Quanh khúc ngoặt gập ghềnh thi pháp.

Nhân đây xin được nói rõ thêm, “Có một ngày thơ” được Lâm Xuân Vi viết trong dịp giao lưu giữa các nhà thơ với trường Trung học cơ sở Đồi Ngô vào dịp Ngày nhà giáo Việt Nam năm 2010. Sự thuần phác Lâm Xuân Vi muốn nói đến một hiện thực mà bất cứ một nền giáo dục, một chế độ xã hội, các nhà trường nào cũng đều dạy làm người, dạy chữ rồi mới dạy nghề. Sự gặp nhau của những tâm hồn với những tâm hồn, giữa thơ và đời trong “gập ghềnh” cuộc sống. Ở đây, Lâm Xuân Vi chọn cách “hợp nhất” của vật chất, không còn có sự đối lập. Đó là con người với con người, thày và trò và các nhà thơ. Nhưng ở đó cũng là sự gặp nhau của khúc quanh gập ghềnh giữa thơ với đời. Sự gập ghềnh này phải chăng cũng như “Đoạn trường thay lúc phân kỳ/ Vó câu khấp khểnh bánh xe gập ghềnh” mà Nguyễn Du đã nói đến phận người, phận thơ trong “tâm thức khác”? biết gập ghềnh, biết khúc khuỷu mà không bi quan, vẫn đầy niềm tin: Những ý trò tươi non/ Thày luận hướng tâm hồn dào dạt/ Mở đất, nhà thơ gieo hạt ươm mầm/ Mỗi khám phá tìm tòi, một khát vọng xanh trong. Từ hiện thực cuộc sống mang hơi thở vật chất có tính đối lập, Lâm Xuân Vi chuyển qua sự đồng nhất hướng tâm quy luật và đến sự đồng điệu của ý thức. Ý thức ấy được bắt đầu từ thày “hướng tâm” đến nhà thơ “gieo hạt”. Ý thức ấy chỉ với một mục đích nhắm tới là “khám phá tìm tòi”, “khát vọng tươi xanh”. Đây chính là ý niệm từ nhận thức thế giới vật chất và cải tạo thế giới vật chất? Khi cuộc sống lấy con người làm trọng tâm, nhận thức được quy luật, nắm bắt được quy luật thì không chỉ chấp nhận mà còn có thể tạo được sự đột biến trong tự nhiên, xã hội và tư duy. Lâm Xuân Vi đã nói căn cốt của cuộc sống đó là quá trình nhận thức của con người với những gì đã, đang và sẽ diễn ra, xảy đến. Cái đích cần đến, cần đạt không gì lớn hơn, khác hơn cho cuộc sống, cho con người: “Thơ phủ sóng, trời đông ấm lại/ Chủ và khách không còn gianh giới/ Tan vào thơ vào nhau/ Vào mạch nguồn nghĩa chữ xa sâu/ Dung dưỡng hồn người. Thơ giàu có nhất”.

Khi nhận thức được thế giới vật chất, nhận thức được quy luật của đời sống, tìm được cái đích đến của đời người, Lâm Xuân Vi đã dẫn luận đến một nhận thức về quy luật “bất biến” của xã hội. Không loạn như vàng không sôi như đất/ Thơ đằm đằm hương mật trào dâng. Quy luật của cuộc sống đấy, của đời đấy và cũng là của thơ đấy. Cái lặng yên chính là cái đằm sâu ta tìm đến. Cuộc sống vốn thế và vẫn thế. Những cái nhìn thấy, dễ dàng tìm thấy, đó là vật chất tầm thường, dễ ồn ào. Cái lắng sâu, nó chìm sâu, khó thấy, tìm thấy mới là vật chất đáng quý nhất. Có một nhà thơ đã nói: Những vỉa quặng dễ tìm như than, sắt cũng là vật chất cần thiết cho đời sống, nhưng cái chìm sâu hàng ngàn mét trong lòng đất, muốn tìm thấy nó như kim cương, đó mới là cái quý giá. Thơ cũng thế. Cái ồn ào rồi cũng qua đi, cái lắng sâu, đọng lại trong tâm hồn mới là giá trị đích thực. Là người một đời trăn trở với thơ, Lâm Xuân Vi có thể lắm chứ, muốn thông qua sự vật hiện tượng theo quy luật của thế giới, đi từ sự đối lập vật chất sang đồng nhất trong tâm thức rồi chuyển vào ý thức hệ về những điều con người cần vươn tới của thi ca. Những “con sóng” ồn ào của cuộc sống cũng như thi ca có thể làm con người trong một khoảnh khắc nào đó “bừng reo”. Nhưng tất cả rồi sẽ qua đi, như vốn có của quy luật, cái đọng lại “còn chìm sâu” trong tâm hồn, neo lại trong tâm trí mới thực là hương, là mật cho đời.

Bằng thể thơ tự do, lối kể tự sự, chậm, thủng thẳng có chút “biền ngẫu” như lời tâm sự đau đáu nỗi niềm với chính mình điều không nói được thành lời, tạo nên cách tiếp cận khác cho người đọc. Mang tính triết luận, sâu sắc  mà không căng cứng, lên gân. Một bài thơ “không hề dễ đọc” với những ai hời hợt, bởi ẩn sâu trong mỗi con chữ Lâm Xuân Vi muốn gửi gắm đến cuộc đời, mong “Có một ngày thơ” như thế, một cuộc sống như thế. Thật đáng trân trọng một tâm hồn thơ với đời, với người và với thơ Lâm Xuân Vi./.

----------------

*Trường THCS Đồi Ngô Lục Nam - Bắc Giang

                                                                                                                                H.N

Bài viết khác