Chủ nhật, 19/05/2024

Đinh Ngọc Lâm ngòi bút chân đi tìm cái đẹp

Thứ tư, 24/07/2019

Paul NGUYỄN HOÀNG ĐỨC
(Viết về tập truyện ngắn “Tấm gương chiếu hậu”)
Có một phương ngôn thật khắc nghiệt “Nếu một nhà thơ làm chính trị, thì chúng ta sẽ mất một nhà thơ, và sẽ được một nhà chính trị tồi”. Nhưng cũng may mắn thay đó là câu giành cho nhà thơ, chứ không phải nhà văn.

Tại sao? Vì chính khách đòi hỏi những cái nhìn thực tiễn làm sao đem lại kết quả đong đo được từ những dữ kiện hai năm rõ mười. Nhưng nhà thơ thì lại cần những cái nhìn mông lung bay bổng cùng đôi cánh ảo mộng tới tận những chân trời vô giới hạn. Nếu nhà thơ đóng gói đôi cánh của mình vào phiếu tín nhiệm cho chân ghế quyền hành thì thơ sẽ cùng lắm là cao như ghế. Còn chính khách nếu phất lá cờ ảo tưởng ở tít chân trời, chính khách đó khó lòng có đôi chân leo ghế.

Nhưng nhà văn thì khác hẳn, chính khách Machievelli (1469 – 1527), là một nhà ngoại giao của Italia, nhưng cũng là một cây bút cự phách với tác phẩm “Quân vương” bất hủ; hay như John Stuart Mill (1806 – 1873), thành viên Quốc hội Anh đã trở thành cây bút lớn hàng đầu với tác phẩm “Bàn về tự do”.

Tôi muốn dẫn hai trường hợp điển hình này ra để lý giải theo tinh thần kiểu mẫu về tác giả văn xuôi Đinh Ngọc Lâm với tập truyện ngắn “Tấm gương chiếu hậu”. Thành tựu của tập truyện ngắn này không đến một cách ngẫu nhiên mà trước đó tác giả đã thử sức và đào luyện với các tập thơ như “Hoa thảo nguyên” (2008), “Chảy cùng dòng sông”  (2009), “Lời ru con sóng đồng chiêm” (2010), “Đi qua năm tháng” (2013). Nhưng có lẽ đến tập truyện ngắn này sức vóc và lao động nghệ thuật viết văn xuôi mới thể hiện cốt cách cũng như sự sành sỏi trong ngôn ngữ của anh.

Nhìn tác giả Đinh Ngọc Lâm mới đầu tôi cũng chỉ có định kiến bình thường như về nhiều người khác, đó là một quan chức hưu trí “đốc chứng” làm thơ, viết văn, mới đầu vui là chính, sau đó thì nhân thể trang trí cho cuộc đời văn hóa của mình (tác giả nguyên là Bí thư Thành ủy thành phố Ninh Bình). Nhưng khi tôi đọc vào sách thì thật ngỡ ngàng. Rõ ràng cuốn sách đã trình diện một bản lai diện mục khác của tác giả. Một diện mạo chiều sâu, diện mạo của tâm hồn.

Bập vào những dòng chữ của tác giả thấy cái gì cũng thật. Từ tên của các truyện như “Thầy ơi”, “Ngày trở về”, “Tấm gương chiếu hậu”, “Chuyện làng Đồi”, “Lão Thấy”, “Sang về vợ”… nói chung là những cái tên chưa được cô thấu qua tư duy để biến thành một tên gọi mang quan niệm trừu tượng…

Vậy tác giả là dạng thấy gì nói nấy? Thấy gì kể nấy ư? Không, đọc vào truyện lại thấy kiến thức rất căn bản và khá uyên bác của tác giả. Đây là điều tác giả khác biệt khá nhiều so với mặt bằng chung của các nhà thơ, nhà văn Việt Nam. Nói chung đó là một mặt bằng lõm bõm ao chuôm quá thấp và quá yếu, nói lịch sự là hầu hết chưa thoát thai khỏi tầm nghiệp dư. Kiến thức đó tác giả lấy từ đâu? Tác giả từng là người lính, từng công tác ở doanh nghiệp, ở cơ quan công quyền cho đến cuối con đường sự nghiệp,... đã tạo lập được cho mình nền tảng kiến thức rất chắc chắn, nền móng đạo đức rất căn bản. Và với cương vị chính khách của mình, tác giả có được một trải nghiệm ở tầm vĩ mô và cái nhìn bao quát cũng như rất dồi dào về sự kiện…

Nhưng kiến thức chưa đủ để tạo ra cái đẹp của văn học, có phương ngôn “Biết không bằng yêu”. Một người dù không biết, nhưng nếu có tình yêu mãnh liệt với đối tượng, thì người đó sẽ tìm ra cách để biết. Đinh Ngọc Lâm có tình yêu thật dồi dào, sâu sắc, mãnh liệt, tha thiết, miệt mài với văn chương, tình yêu dường như là sự mặc cảm hay bất lực của một người “ăn” quá nhiều chữ, một ông quan “uống” quá nhiều sự kiện vào người mà chưa nhả tơ được. Và rồi sự miệt mài trồng cấy của tác giả cũng đã chín muồi để thu hoạch - những quả ngọt không bình thường chút nào. Chúng ta thử nếm một trong rất nhiều trang văn của tác giả, mà vẻ đẹp bên ngoài luôn xới lên mầu đất vỡ của tâm hồn suy tưởng bên trong:

“Một hôm anh bạn tôi rủ đi chơi trong rừng Cúc Phương. Tiếng chim trong rừng cất lên lảnh lót, trong veo, âm thanh cao vút nối nhau tạo thành những bước sóng trên không trung, nó tinh khiết đến nỗi xua tan những đám mây và nâng vòm trời lên cao mãi, dưới cái tầng vô tận ấy là những vòm lá xanh, tôi nghe thấy hơi thở của rừng, nhịp thở an nhiên, khoan hòa như tiếp sức cho âm vang đại ngàn, tiết tấu chủ đạo, lắng đọng là tiếng hót của loài chim. Chỉ có cảnh vật tự nhiên mới tạo ra cuộc sống phóng khoáng, chỉ có tự do mới bộc lộ hết được sức sống, bản năng phong phú trời cho. Chỉ khi nào con người hướng thiện thì vũ trụ mới được an nhiên tồn tại. Tham vọng cũng phải có điểm dừng…” (tr.149 "Vườn cảnh").

Để khách quan chúng ta hãy đi sâu vào mấy truyện. Đầu tiên là truyện “Thầy ơi”. Nói về phụ nữ thì người ta thường bàn về nhan sắc. Nhưng trong truyện này, tác giả lại vẽ lên cái đẹp của tâm hồn. Huyền học cấp ba cùng Phương, cả hai mấp mé tuổi dậy thì. Huyền là hoa khôi, đẹp, kiêu sa. Còn Phương thì đằm thắm dịu dàng. Bỗng lớp học như động đất khi đón thầy Hải trẻ măng ở Hà Nội về. Thầy Hải trở thành kiểu mẫu của đàn ông lý tưởng đẹp trai và trí tuệ. Phương bối rối và nghĩ rằng với vẻ đẹp của mình, mình sẽ là ứng cử viên đầu tiên lọt qua mắt thầy. Được ít tuần thầy Hải còn trở thành một đấng anh hùng đứng ở chân trời luyến tiếc một mất một còn, đó là, dù là con liệt sĩ, nhưng thầy quyết định tòng quân. Trời ơi, một không gian bi hùng như một vòm trời đặc sệt quyến luyến gợi ra, bao nhiêu niềm tự hào, bao nhiêu thương nhớ, bao nhiêu ao ước, bao nhiêu dang dở, bao nhiêu thập thò hẹn hò, rồi cả bao lo lắng cho sự ra đi của người anh hùng sẽ không trở về, chẳng lẽ thầy như chàng Ô-đi-xê lại không được khải hoàn ca trong vòng tay của nàng Pê-nê-lốp… nhưng nàng Pê-nê-lốp là ai đây? Còn ai ngoài người đẹp nhất lớp như mình (Phương nghĩ và ao ước vậy). Rồi cả hai cô gái cùng vào đại học nhưng khác trường. Trong một lần Huyền đến thăm Phương, trời ơi Huyền quỵ xuống như bị sét đánh vì nhìn thấy trên bàn viết của Phương là bức thư tỏ tình của thầy Hải… Lần đầu tiên Huyền suy xét lại mình rằng: cái vẻ đẹp bên ngoài của mình không sâu xa quyến luyến tạo ra được niềm tin tưởng như vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm của Phương?! Truyện thể hiện rất rõ vẻ đẹp tâm hồn của nghề sư phạm, cũng như lòng khát khao cái đẹp lý tưởng của tuổi trẻ học trò. Nếu không có vẻ đẹp lý tưởng trong sáng đó tạo đà cho cuộc sống thì con người chúng ta sẽ xù xì xấu xí thực dụng đến cỡ nào?

Ngòi bút của tác giả mở đầu bằng sự chân thực của mình, chân thực từ kiến thức, rồi chân thực không hàm hồ mông lung về các giá trị đạo đức, rồi đến chân thực các mảnh lắp ghép vào chiều dọc của cuộc đời trôi chảy như dòng sông qua những tháng năm. Chuyện “Sống giả” là một minh chứng rất rõ cho ý thức sáng tạo của tác giả. Hai anh em trai sinh trưởng trong một gia đình nhà nho rất gia giáo. Anh cả lúc nào cũng nâng niu những cuốn sách nho do cha để lại. Nhưng đứa em tên Vạn lại cứ xé giấy để làm diều. Vạn đi nghĩa vụ, để lại vợ đã sinh con. Rồi một ngày Vạn hy sinh, có giấy báo tử gửi về. Rồi vợ anh cả cũng mất. Anh cả ở cùng đứa con đi bộ đội về nhưng thương tật thành không còn giới tính. Anh cả ở cùng ngôi nhà với thím Vạn, nhiều khi họ chạm mặt nhau, và nói chuyện thẳng thừng về việc hai mảnh vỡ còn lại có nên ghép vào nhau. Đây là một cuộc chiến dai dẳng giằng co giữa hai con người cô độc đang mang nỗi đau vò võ về giới tính. Đứa con trai ủng hộ việc bố và thím Vạn sẽ lắp ghép vào nhau. Nhưng rồi một ngày thím Vạn chủ động nói chuyện với cả hai bố con anh cả rằng: không còn cách nào khác, vì sự cương quyết giữ gia phong và đạo đức của anh cả, mà thím quyết định lên chùa. Thật là một quyết định thăng hoa đau xót… nhưng sự bình an của đạo đức đã chiến thắng.

Truyện “Vườn cảnh” có lẽ là truyện thành công nhất về mô típ truyện ngắn, với lát cắt biểu tượng, cấu trúc và mục đích cho tư tưởng. Gia chủ mua một con vẹt cùng với mấy con chim biết hót. Rồi mấy con chim biết hót bị giam cầm chết sạch vì không chịu được cảnh tù túng trong lồng. Còn con vẹt sống sót và vui vẻ tận hưởng ý nghĩ, ta được sống vì biết bắt chước tiếng người. Một ngày con vẹt còn bắt chước tiếng “miao” của mèo, khiến con mèo ganh tỵ và đố kỵ về một con có tiếng giống mình nhưng lại khác chủng loại. Thế là thừa cơ, con mèo vồ con vẹt bị thương. Chủ nhân chữa chạy cho chim. Rồi phát hiện con vẹt cũng không còn hót được nữa khi bị giam cầm trong sợ sệt. Thế là ông đem ra rừng phóng sinh con vẹt. Truyện nhỏ nhưng mang ý nghĩa rất lớn.

Nói chung truyện ngắn của tác giả Đinh Ngọc Lâm nhiều khi còn tham chiều dọc, mà truyện ngắn lại cần những lát cắt ngang. Tác giả vẫn chịu ảnh hưởng rơi rớt của lối viết ngày xưa, đó là truyện ngắn chỉ là thứ tiểu thuyết ép xác. Truyện của tác giả đôi khi tham dẫn giải từ đầu đến cuối cuộc đời, nên hơi bị dài. Thêm nữa chính thế mà tác giả cũng tham đưa nhiều thông tin cấp một vào truyện khiến truyện bị cồng kềnh. Nhưng cũng những đặc điểm này, nếu tác giả biết khai thác, anh sẽ trở thành người viết tiểu thuyết trong tầm tay.

Chúc mừng tác giả Đinh Ngọc Lâm đã đạt được kết quả bước đầu thực sự đáng nể, và mong rằng với thành công này anh còn đi tiếp và đi rất xa trong những cuốn tiểu thuyết tiếp theo.

                                                                        Hà Nội, tháng 5/2015

Bài viết khác