Chủ nhật, 19/05/2024

Đọc “Ông Sì Lồ” Nhớ “Ông Hổ Lửa”

Thứ năm, 02/05/2019

NGUYỄN TRẦN BÉ  
(Cảm nghĩ nhỏ khi đọc tập truyện và ký “Ông Sì Lồ” của Lê Hữu Chư)

Tôi biết tác giả Lê Hữu Chư, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Ninh Bình, từ khi ông còn là một cán bộ lâm nghiệp, công tác ở Lâm trường Tân Phong, đóng chân trên địa bàn xã Đức Ninh (phía Nam huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang), cách xã Thái Hòa của tôi chưa đầy chục cây số.

 

 Ngày ấy cách đây đã 30 năm có lẻ. Tôi còn nhớ, hồi ấy thỉnh thoảng ông Chư đến nhà gặp gỡ, trò chuyện với bố tôi. Mỗi lần hai người gặp nhau là chuyện “nổ như ngô rang”. Chẳng biết hai ông nói những chuyện gì mà rất say sưa và thường kéo dài cả buổi. Tôi gọi ông Chư là chú, vì ông kém bố tôi mấy tuổi. Có lần tôi nghe thấy ông Chư hỏi chuyện về bố tôi rất kỹ, từ thời còn trẻ đến khi làm chủ nhiệm hợp tác xã quy mô toàn xã. Bố tôi nhẩn nha kể. Ông Chư miệt mài ghi chép. Sau này tôi mới biết, ông Chư lấy tư liệu viết báo, viết truyện về đề tài hợp tác xã và những ông chủ nhiệm.

Khi tôi “bước chân” vào lĩnh vực văn nghệ và được kết nạp vào Hội VHNT tỉnh Tuyên Quang thì mới biết ông Chư đã là hội viên của Hội từ thời còn là tỉnh Hà Tuyên. Từ đấy tôi được gặp ông thường xuyên hơn. Tôi học được ở ông Lê Hữu Chư rất nhiều điều, từ cuộc sống thường ngày đến những chuyện về văn chương, thơ phú. Tôi luôn coi ông là một bậc thầy của mình về tất cả các mặt. Tiếc rằng sau đó ông Chư về quê cũ định cư, ở xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình; còn tôi thì đi làm báo, làm văn và định cư ở tỉnh Hà Giang. Hai chú cháu tôi từ đó ít được gặp nhau hơn.

Mới đây, tôi được ông Chư gửi tặng tập truyện và ký của ông, do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2014. Tập sách có cái tên khá ngộ: “Ông Sì Lồ” (là tên một truyện ngắn trong tập, được tác giả lấy làm tên sách). Tập sách dày trên 200 trang, in khá đẹp, gồm hai phần: Bút ký (11 bài) và Truyện ngắn, truyện ký (7 tác phẩm). Tôi đọc một mạch hết luôn cuốn sách, sau đó nhẩn nha đọc lại lần nữa. Nguồn tư liệu, dữ liệu phong phú, đầy ắp chi tiết lịch sử, cùng những nét văn hóa và con người của mỗi miền quê mà tác giả được “mục sở thị” hoặc “hòa mình” ở đó, đã được thể hiện trong các bài bút ký, truyện ký, truyện ngắn bằng bố cục chặt chẽ, lối viết hoạt, lời văn đẹp, hàm chứa chiều sâu câu chữ… khiến cho tôi có cảm giác thỏa mãn như vừa được thưởng thức những món ăn ngon. Đặc biệt, tôi rất thích thú với truyện ngắn “Ông Sì Lồ”, vì khi đọc truyện ngắn này, tôi thấy nhân vật ông Sì Lồ có nhiều nét giống bố tôi - người một thời được dân quê tôi gọi với biệt danh là “Ông Hổ Lửa”. Tuy biệt danh ấy có vẻ khá “khủng khiếp” nhưng đó lại là cái tên thể hiện tất thảy lòng kính trọng, yêu mến, nể phục, tin tưởng của dân làng xã đối với bố tôi - một chủ nhiệm hợp tác xã luôn hết lòng, hết sức phục vụ xã viên, phụng sự cho sự nghiệp chung trong suốt thời kỳ gian khó của quê hương, đất nước! Và tôi nghĩ, cái tên Sì Lồ có lẽ cũng na ná như vậy.

Sở dĩ tôi dẫn chuyện hơi dài dòng, là nhằm lý giải vì sao tôi lại có sự liên tưởng giữa ông Sì Lồ - cụ La Văn Phú, với ông Hổ Lửa - bố tôi. Tôi xin phép nói kỹ một chút về bố tôi để độc giả có thể so sánh một vài điều gì đó với các tình tiết, chi tiết được nêu trong truyện ngắn đặc sắc này của tác giả Lê Hữu Chư.

Bố tôi và ông Sì Lồ cùng quê Ninh Bình. Ông nội tôi kể, thời Pháp thuộc bố tôi cũng học hết sơ học yếu lược thì đi bộ đội, tham gia vệ quốc đoàn, đánh giặc Pháp ngay tại Ninh Bình, nhiều phen ông cùng đồng đội làm quân địch thất điên bát đảo. Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, khi thực hiện phong trào hợp tác hóa, bố tôi được bầu làm “anh chủ nhiệm” hợp tác xã đầu tiên của thôn Đề Lộc, xã Ninh Nhất, huyện Gia Khánh (sau đổi tên thành Hoa Lư). Đầu những năm 60 của Thế kỷ XX, bố tôi và gia đình rời quê hương Ninh Bình, lên khai hoang, xây dựng quê mới tại xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Ngay từ những ngày đầu, bố tôi đã có chân trong Thường vụ Đảng ủy xã và được bà con xã viên bầu làm Chủ nhiệm Hợp tác xã. Bố tôi giữ chân chủ nhiệm mấy chục năm liền, trở thành một ông chủ nhiệm nổi tiếng khắp miền Bắc. Hợp tác xã Hồng Thái quê tôi thành đơn vị điển hình tiên tiến, được nhiều người nơi khác đến tham quan, học tập. Khi có chủ trương xây dựng hợp tác xã quy mô toàn xã, bố tôi cũng được bầu giữ chức chủ nhiệm suốt cả nhiệm kỳ. Thời gian bố tôi làm chủ nhiệm hợp tác xã, quê tôi còn rất nghèo. Nhà tôi thậm chí còn nghèo hơn những nhà khác, vì bố tôi suốt ngày đi lo việc tập thể, chúng tôi chưa kịp lớn, ông bà thì già yếu, mẹ tôi “quay như chong chóng” suốt cả ngày vẫn không hết việc. Đã vậy còn phải luôn gương mẫu trong tất cả mọi chuyện, nhất là việc đóng góp nghĩa vụ với tập thể. Thời gian làm chủ nhiệm, bố tôi thật sự trở thành một “người đầy tớ của nhân dân”, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân mà không tơ hào gì cho riêng mình và gia đình mình. Ông Nguyễn Đức Minh, Bí thư Chi bộ Hợp tác xã Hồng Thái có lần kể với tôi: “Bố cậu được đánh giá là người cán bộ lãnh đạo có bản lĩnh, có năng lực, rất năng nổ, sát sao thực tế, tác phong nhanh nhẹn, giản dị và thương người. Nhược điểm lớn nhất của bố cậu là rất nóng tính. Ai làm điều gì phương hại đến hợp tác xã và xã viên là bị ông “phang” cho tới nơi tới chốn, bằng những lời lẽ hết sức “ác khẩu”. Không chỉ cấp dưới, cấp trên đôi khi cũng bị ông ấy “tẩn” cho tơi tả khi về cơ sở hạch sách nọ kia. Bố cậu đã từng thẳng tay “đuổi cổ” những đội trưởng sản xuất báo cáo không trung thực hoặc làm những điều gian dối; phạt thẳng tay những xã viên mang thóc lép đi đóng thuế. Bố cậu chỉ đạo sản xuất chẳng khác gì tướng quân chỉ huy ngoài mặt trận, lúc nào cũng quát tháo, hò hét cứ như hổ lửa. Có lẽ vì thế mà bà con đặt cho ông ấy cái biệt danh “Hổ Lửa”. Nhưng đằng sau cái sự “Hổ Lửa” ấy là một tinh thần vì dân, vì hợp tác xã; là sự liêm chính, chí công vô tư của người cán bộ lãnh đạo; là sự thương yêu bà con hết mực và đức hy sinh quên mình. Chúng tôi học được rất nhiều điều tốt đẹp từ ông ấy. Tuy chẳng ai ưa cái tính hổ lửa của bố cậu, nhưng mọi người đều rất kính trọng, nể phục ông ấy!”

Mặc dù ông Minh hết lời ca ngợi bố tôi, nhưng cái biệt danh “Hổ Lửa” của bố vẫn làm cho anh em tôi day dứt. Nhiều lần tôi tự hỏi: “Thiếu gì những cái tên đẹp, tên hay sao mọi người không đặt, lại đặt cho bố cái biệt danh gớm giếc thế?” Đến khi bố tôi tạ thế thì anh em tôi mới thật sự được “giải tỏa”. Đám tang bố tôi đông nhất từ trước tới nay ở xã tôi. Có người còn khẳng định là đông nhất huyện. Người đến đám tang rất đông, dài hàng cây số, ai cũng khóc thương. Hàng chục vòng hoa và hàng trăm đoàn đại biểu của các cơ quan, đoàn thể từ địa phương đến tỉnh, có cả đại diện một số ban ngành ở trung ương, về phúng viếng, dâng hương. Điều ấy là minh chứng rõ nhất cho cái sự “Hổ Lửa” của bố tôi.

Hóa ra cái tên gọi chỉ là tên gọi. Cái thực chất sau tên gọi mới là điều chúng ta cần nghĩ tới.

                                                 Hà Giang, ngày 28/12/2018

Bài viết khác