Chủ nhật, 19/05/2024

Hải Âu và "Cải xanh trên đảo Trường Sa"

Thứ năm, 01/07/2021

HOÀN NGUYỄN

Đã có rất nhiều người đến với thơ như một men say. Một thứ men được chưng cất từ những cảm xúc và sự trải nghiệm của cuộc đời. Có thể chính thơ đã làm cho chất men ấy đưa đẩy cuộc đời lên hương, đó là cách “hữu xạ tự nhiên hương”. Rồi cũng từ hương đời ấy cất lên thành tiếng, thành lời và thành những thi ảnh có được từ chính cuộc đời mang lại.

Với trường hợp của Hải Âu cũng thế. Bạn đọc đã nhiều người biết đến Hải Âu với các tập thơ: “Tam Cốc xanh” - Nxb Thanh niên, năm 2006; “Lời ru” (trường ca) - Nxb Thanh niên, năm 2007; “Mùa gió chướng” - Nxb Văn học, năm 2013 và bây giờ là tập “Cải xanh trên đảo Trường Sa” (thơ Lục bát). Ngoài ra, Hải Âu còn có nhiều tác phẩm thơ khác.

Có lẽ ít ai biết Hải Âu là cây viết văn xuôi chứ không phải Bộ môn Thơ trong Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình. Tuy thế, số tác phẩm thơ của Hải Âu đã được in ấn và phát hành lại đang là con số ghi dấu ấn của tác giả trong sự nghiệp văn học nghệ thuật. Đây cũng có thể được gọi là một nét “khác biệt” của tác giả. Tác giả hiện nay đang sinh sống và làm việc tại phố Bắc Thịnh, phường Ninh Sơn, thành phố Ninh Bình; là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình và cũng là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.

Tập thơ “Cải xanh trên đảo Trường Sa” là một tập thơ được tác giả viết theo hình thức thể thơ lục bát. Phải nói, thể thơ lục bát dễ làm nhưng khó hay. Dễ làm bởi ngay từ khi lọt lòng mẹ, ai trong chúng ta cũng được đắm mình trong lời ru của mẹ, tiếng võng đưa của bà. Những câu hát ru đã đưa, dắt và nâng bước cho ta lớn lên, dìu ta qua mọi khó khăn, vất vả đường người. Giọt mật lời ru một thuở là hành trang mang theo trong kiếp nhân sinh. Bởi thế, để làm mới và làm cho câu thơ níu lại lòng người lại là cả một quá trình và không phải ai cũng có thể làm được. Nó thật sự là thách thức với tất cả người cầm bút. Và Hải Âu đã dám chấp nhận tất cả để đến với điều đó.

Việc đánh giá tác phẩm như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào quyền của bạn đọc. Đó là ý chí chủ quan của mỗi cá nhân. Song, dù có đánh giá như thế nào thì đích cuối cùng, cái cốt lõi, cái căn bản là những cảm xúc của tác giả, những cảm nhận được đưa thành thi ảnh đã đem đến cho bạn đọc cái gì, như thế nào và độ lắng đó đến đâu. Và việc đánh giá ấy, hoàn toàn phụ thuộc vào bạn đọc mà tôi không đánh giá ở đây. Chỉ có điều, là nhà báo, lại là người cầm bút, tất cả những trải nghiệm, những cảm xúc cất thành câu chữ có trong các tác phẩm của Hải Âu, tôi tin chắc một điều rằng, đó đều là những cảm xúc thật. Có thể đó là những ghi chép “bằng thơ”; có thể đó là những trải nghiệm được viết lại bằng thơ; có thể chỉ là những phác thảo bằng ngôn ngữ về cảnh vật, thiên nhiên bất chợt gặp lại và cũng có thể đó là những trăn trở, thao thức của tác giả trước những sự vận chuyển của cuộc sống xã hội, gia đình và bản thân. Chính vì thế, có thể bạn đọc sẽ gặp lại, thấy được tất cả những sự biến thiên của cuộc sống qua tác phẩm của Hải Âu gửi gắm, từ con người đến cảnh vật, từ những ký ức sáng trong đến những góc khuất cuộc đời. Và đó là cái tình của Hải Âu gửi đến bạn đọc như chính tác giả đã viết: “Nón nghiêng chao nắng trên đồng/ vui cùng tôm tép đòng đong dong cờ” (Nét quê). Nó như chính sự tự vấn của Hải Âu: “Ngựa dong duổi bảy chín xuân/ thi nhân bút lực còn nhuần nhụy không?/ Sức bền dưỡng đức tâm trong/
xuân đi xuân đến khơi hồng văn thơ” (Tự vấn).

Chỉ thế thôi đã là một Hải Âu của thơ, của đời và của người.

H.N

(Nguồn: TC VNNB 252-6/2021)

Bài viết khác