Chủ nhật, 19/05/2024

Không có sự hoàn thiện cuối cùng

Thứ năm, 12/03/2020

 TRẦN DUY ĐỚI

Những năm 60 của thế kỷ trước, người yêu thơ Việt Nam không ai không biết đến một hiện tượng văn học trên thi đàn: Thần đồng Trần Đăng Khoa, yếu tố đột biến bẩm sinh được nhấn nhá như huyền thoại.

Đã hơn một lần nhà thơ Trần Đăng Khoa nói trước công luận. Đại ý: “Chín mưới chín phần trăm thành công của tôi là học tập và lao động không biết mệt mỏi. Còn một phần trăm là năng khiếu trời cho. Tuy rất nhỏ, nhưng không thể thiếu. Không có chút phần trăm bé nhỏ của năng khiếu bẩm sinh thì chắc gì chín mươi chín phần trăm kia đã thành công”. Các nhân tài, thiên tài, các nhà lý luận cũng thường nói vậy. Phải chăng thần đồng thơ Việt Nam khiêm tốn mà nói thế thôi?...

 Xin được nói về một bài thơ của Trần Đăng Khoa mà tôi ghi trong sổ tay những năm còn trong quân ngũ. Qua thời gian, bài thơ ấy đã thay đổi như thế nào. Năm 1993, Nhà xuất bản Thanh niên (Chi Hội Nhà văn Quân đội) ấn hành một tập thơ chung cho 9 tác giả - những cây bút xuất sắc trong quân đội (Phạm Ngọc Cảnh, Nguyễn Hồng Hà, Trần Đăng Khoa, Đỗ Trung Lai, Nguyễn Đức Mậu, Anh Ngọc, Trần Nhương, Nguyễn Quang Tính, Vương Trọng). Mỗi người chọn 5 bài. Bìa sách đề “Thơ”. Trong số những bài tôi thích có bài “Tâm sự” (trang 46) của Trần Đăng Khoa. Dưới tiêu đề ghi: Thân yêu tặng mình và bạn bè những bài thơ nổi tiếng một thời. Gần đây đọc tuyển tập “Tinh hoa thơ Việt” - Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2007 của 10 tác giả - toàn những cây bút tài hoa thơ Việt đương đại (Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Nguyễn Duy, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Trọng Tạo, Lâm Thị Mỹ Dạ, Trần Nhuận Minh). Trần Đăng Khoa được tuyển 25 bài, tôi gặp lại bài “Tâm sự”, nhưng đã tu chỉnh nhiều và lấy tiêu đề mới: “Với bạn”.
Nếu chỉ kể thời gian xuất bản giữa hai cuốn sách thì đã cách nhau 14 năm (2007 – 1993). Chắc chắn thời gian suy ngẫm và chỉnh sửa bài thơ này còn dài hơn. Xin không đề cập đến nội dung sửa chữa - khắc phục điểm gì, phát triển thế nào, mà chỉ đề cập đến khía cạnh: thái độ nghiêm túc và trách nhiệm của nhà thơ đối với một sáng tác đã được tuyển chọn nhiều lần ở cấp độ quốc gia. Nghĩa là bài thơ đã có chỗ đứng vững trong lòng công chúng, có vị trí ổn định trên thi đàn.

Bài “Tâm sự” (1993): “Thân yêu tặng mình và bè bạn/ Những nhà thơ nổi tiếng một thời/ Nào ta cạn chén đi anh/ Đời người mấy chốc mà thành cỏ hoa/ Bao nhiêu ríu rít quanh ta/ Nhắp đi ngoảnh lại đã là khói sương/ Nói gì đến chuyện văn chương/ Con đường đi mỏi con đường vẫn xa…/ Cái thời oanh liệt đã qua/ Ngày mai còn lại, biết là mấy ai?/ Nhấp nhô toàn những nhân tài/ Cuối cùng thơ vẫn ở ngoài tầm tay/ Giữ gìn rặt những khói mây/ Đã là mây khói thì bay về trời/ Sống đây còn chẳng ra người/ Mong chi tiếng để muôn đời sau ta…/ Cũng may, mình vẫn chưa già/ Buồn thì chưa phải đã là buồn teo…”

Bài “Với bạn” (2007): “Tặng Nguyễn Đình Chiến, Bùi Quang Thanh”. Vẫn giữ nguyên 16 câu, nhưng thay đổi cả tiêu đề và ngôn ngữ của 10/16 câu lục bát: “Nào ta cạn chén đi anh/ Đời người mấy chốc mà thành cỏ hoa/ Biết bao thành lũy quanh ta/ Nhắp đi ngoảnh lại đã là khói sương/ Nói gì đến chuyện văn chương/ Cánh chim trong bão con đường không ga/ Cái thời ríu rít đã qua/ Ngày mai còn lại, biết là mấy ai?/ Nhấp nhô toàn những thiên tài/ Cuối cùng thơ vẫn ở ngoài tầm tay/ Giữ gìn những gió cùng mây/ Đã là mây gió thì bay về trời/ Viết sao cho hết niềm người/ Uống sao cho cạn nỗi lòng đắng cay/ Thôi thì còn một chén này/ Rồi ra mỗi đứa lưu đày một phương.”

Đối chiếu: tác giả giữ lại nguyên vẹn 6 câu trong bài “Tâm sự” (1, 2, 4, 5, 8, 10) viết lại hoàn toàn 10 câu và cả tiêu đề (3, 6, 7, 9, 11, 12, 13, 14, 15, 16). Hơn 60%. Sau khi đọc kỹ hai bài ở hai thời điểm, cảm nhận của riêng tôi về bài “Tâm sự”: thẳng thắn, hóm hỉnh, một chút khôi hài đắng, chát. Tâm trạng bất an. Thấm đậm chất thù tạc dốc bầu tâm sự bạn bè, gây được ấn tượng. Bài “Với bạn”: tinh tế, chừng mực, nỗi niềm, chín chắn. Chất suy tưởng hàm xúc sâu xa. Qua thời gian sự trải nghiệm cũng phong phú, gan ruột từng trải hơn, nhưng vẫn giữ được cái không khí “thi – tửu” chia sẻ bạn bè. Thở than vẫn có giới hạn. Bài nào cũng có vị trí và sức cảm hóa của nó tùy theo tâm trạng tiếp nhận của người đọc. Nên ngẫm ngợi cả hai theo thời gian, không gian bài thơ xuất hiện.

Thơ Trần Đăng Khoa đã xác lập được vị trí trên thi đàn nhưng mỗi lần xuất bản, tái bản, tác giả đều có sửa chữa, hoàn thiện, thậm chí là một dấu phẩy. Như bài: “Ghi ở ao nhà”, “Trong sương sớm”,… Trong bài “Mẹ ốm” có câu:“… Sớm nay trời đổ mưa rào/ Nắng trong, trái chín ngọt ngào bay hương”. Trong tập “Góc sân và khoảng trời” những lần tái bản sau dấu phẩy không còn nữa, câu thơ trở thành đa ngữ nghĩa, hàm xúc hơn (nắng trong và trái chín cũng có thể là Nắng trong trái chín) ý thơ sinh động hơn.

Cũng có những tác giả sau khi bài thơ được đăng báo hay tuyển chọn vào tập, được ngâm trên đài hay trên truyền hình, nhất là được giải thưởng các cuộc thi thì coi đó là chuẩn mực, coi như đã được đóng dấu bảo hiểm không phải suy nghĩ tu chỉnh gì thêm nữa. Cố nhiên đây cũng là một căn cứ, nhưng bài thơ không chỉ có một cách hay, một thời điểm hay mà… có muôn nẻo đường hay. Tư duy nghệ thuật cũng vận động không ngừng. Trách nhiệm với “đứa con tinh thần” của mình không có điểm cuối cùng. Nhà thơ nổi tiếng người Pháp thế kỷ thứ XVII Boileau đã nhấn mạnh: “Hãy sửa đi sửa lại hai mươi lần… luôn luôn gọt dũa, rồi lại gọt dũa. Đôi khi thêm vào và luôn luôn xóa đi”. Tôi ghi ra đây ý kiến của nhà thơ Lê Đạt, xem bạn đọc có hưởng ứng được chăng: “Không chỉ trong thơ, mà mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, có lẽ không thể có tiếng nói cuối cùng về bất cứ vấn đề gì. Cuộc sống luôn luôn vận động và phát triển. Mọi sự vật và hiện tượng trong cõi nhân sinh luôn luôn biến đổi. (Không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông). Sự hiện hữu bao giờ cũng là sự hiện hữu của một khoảnh khắc vô thường. Hiện hữu và hư vô là hai mặt của một quá trình biện chứng. Thơ cũng thế. Thơ bao giờ cũng hiện hữu trong hư vô và hư vô trong hiện hữu…” Khi bàn về thơ hay, Lê Đạt có một ý tưởng khá độc đáo: “… những câu thơ hay đều kỳ ngộ, nhưng đó là kết quả của một thành tâm kiên trì, một đa mang đắm đuối, làm động lòng quỷ thần, chứ không phải đơn thuần là may rủi. Làm thơ không phải đánh quả và không ai trúng số độc đắc một đời”.

Qua việc làm và suy nghĩ của hai nhà thơ nổi tiếng đủ thấy lao động sáng tạo thi ca rất lãng mạn nhưng cũng đầy thử thách, nghiêm túc và trách nhiệm. Có năng khiếu, có tư chất bẩm sinh chưa đủ mà phải có kiến thức vốn sống và trải nghiệm. Sự hoàn thiện hình như không có điểm dừng. Người xưa nói “giao đảo thi tù” (làm thơ khổ như tù). Không phải là ngoa ngôn.

T.D.Đ

 

 

Bài viết khác