Chủ nhật, 19/05/2024

Kim loại và khoáng chất trong Truyện Kiều

Thứ tư, 11/08/2021

VŨ ĐỨC THANH 

Thế giới tự nhiên chia làm bốn bậc: bậc một - sỏi đá trơ trơ; bậc hai - cỏ cây có sinh, có diệt; bậc ba - động vật biết di chuyển, hú gọi nhau; bậc bốn - con người biết tư duy, tự nhận xét về mình, có tiếng nói, chữ viết. Bốn bậc ấy vừa có tính độc lập tương đối, vừa liên quan, phụ thuộc, sử dụng lẫn nhau… (mà con người là chúa tể).

Bài viết này không có ý định kể hết và không thống kê việc Nguyễn Du đã bao nhiêu lần sử dụng kim loại, chất khoáng trong Truyện Kiều; mà muốn tìm hiểu xem Nguyễn Du đã sử dụng chúng như thế nào trong kiệt tác Truyện Kiều của ông?

Những kim loại: vàng (Au), bạc (Ag), đồng (Cu), sắt (Fe), chì (Pb) ... những khoáng chất: ngọc châu, cát, đá, nước, son, vôi, muối, bùn, phèn, kem… đã được đại thi hào Nguyễn Du căn cứ vào tính chất lý, hóa học và những đặc trưng của chúng để sử dụng như một chất liệu biểu cảm tính cách, tâm hồn con người một cách hiệu quả nhất.

Vàng (Au) là kim loại có màu sắc đẹp, giá trị cao, tính “trơ hóa học” vào loại hàng đầu các chất. Do vậy đại thi hào đã dùng nó để biểu thị những đức tính quý giá, cao đẹp, thủy chung... trong các ý thơ “ném châu gieo vàng”, “lòng vàng”, “tấc vàng”, “đá vàng”... nhưng có khi ta gặp trong Truyện Kiều những chữ “vàng” không phải là vàng kim loại như “suối vàng”, “thoi vàng vó rắc”... lại có khi có cả những hợp kim đồng thau rất giống vàng (bề ngoài) như “nhạc vàng”, “tiếng sắt tiếng vàng”...

Bạc (Ag) được dùng đúng nghĩa đen trong các cụm từ “khánh bạc”, “bạc nghìn cân”. Truyện Kiều còn dùng nhiều chữ “bạc” không phải là bạc kim loại: “thỏ bạc”, “bạc phau”, “mặt bạc”, có khi lại là “bạc phận”, “bạc mệnh” chỉ số phận.

Đồng (Cu) dẻo dai, bền chắc, dẫn điện, dẫn nhiệt tốt, được thi hào dùng vào việc biểu thị sự chắc chắn, bền vững “vững như đồng”, hoặc nói về lạnh lẽo “giá như đồng”, nói về lòng tham “máu tham hễ thấy hơi đồng là mê” ở đây đồng để đúc tiền. Cũng có khi gặp chữ đồng đa nghĩa “cùng trong một tiếng tơ đồng” có thể đồng tạo âm thanh tốt làm dây đàn, cũng có thể sự thăng hoa của hồn người vui, buồn, sướng, khổ. Cũng có chữ “đồng” nghĩa khác hẳn “tạc một chữ đồng” đồng tâm, đồng thuận.

Sắt (Fe) kim loại chỉ sự bền chắc, dứt khoát “lời sắt đá”, “sắt son”, còn “mặt sắt đen sì” đa nghĩa, màu đen của sắt bị ô xy hóa, bộ mặt chai lì, vô cảm.

Chì (Pb) trong 3254 câu Kiều thì “chì” được dùng duy nhất 1 lần “nặng như chì” rất chính xác, chì có nguyên tử lượng 207,2!?

Khoáng chất như ngọc châu có nguồn gốc vô cơ ô xít nhôm - co rumdum, khi lẫn Crôm có màu đẹp gọi là ngọc Ruby, lẫn Titan và sắt có màu lam gọi là ngọc Saphia. Loại có nguồn gốc từ động vật gọi là ngọc trai. Vì ngọc châu có màu sắc đẹp, giá trị cao, nên được dùng để chỉ vẻ đẹp cao quý của con người “nhả ngọc phun châu”, “hoa cười ngọc thốt”.

Đá, ở đây chủ yếu là đá tự nhiên hoặc đá silicat như “đá vàng”, “bia đá”, “trơ như đá”. 

Son, phấn là bột khoáng được chế từ đá cao lanh, hay bột đá phấn là trang sức của phái đẹp, được dùng trong Truyện Kiều “mặt phấn tươi son”, “cười phấn cợt son”.

Cát là khoáng vật được dùng nhiều trong Truyện Kiều “dặm cát”, “cát vàng cồn nọ”, có khi dụng ý coi rẻ “cát lầm”.

Nước (H2O) là hợp chất dạng lỏng, có khi là chữ thủy, lại có khi là dạng băng, tuyết, mây, mưa, sương… với số lượng nhiều, lại chảy thành dòng nên được đại thi hào Nguyễn Du sử dụng khá nhiều trong Truyện Kiều “ngựa xe như nước”, “nao nao dòng nước”, “nước biếc non xanh”, “làn thu thủy”, “thói nhà băng tuyết”, “tuyết chở sương che”...

Còn nhiều chất khác nữa được dùng trong Truyện Kiều như rượu, vôi, muối, bùn, keo... và chất phèn được dùng duy nhất trong một phần của câu “tiếc thay nước đã đánh phèn” vậy mà thật nhiều người nhớ, thuộc lòng, vận dụng, phải vì nó ám ảnh nỗi người!?

 

V.Đ.T

(Nguồn: TC VNNB 253-7/2021)

 

 

Bài viết khác