Chủ nhật, 19/05/2024

Muôn màu cuộc sống trong "Xuống cửa là đường"

Thứ sáu, 07/02/2020

NGUYỄN THỊ BÌNH

Từ tập truyện ngắn đầu tay Những viên sỏi phát sáng- Nxb Phụ nữ, năm 2007, (Giải B, giải thưởng Trương Hán Siêu tỉnh Ninh Bình lần thứ IV), cho đến năm 2019, sau những chờ đợi của độc giả, Phạm Thị Duyên đã cho ra mắt tập truyện ngắn thứ hai “Xuống cửa là đường”.

Tôi nghĩ, đối với những người theo nghiệp văn chương thì việc ra sách nhanh hay chậm không quan trọng. Mà quan trọng là ở chất lượng tác phẩm, hay đó chính là sự yêu mến của độc giả. Với Phạm Thị Duyên, công việc làm Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình, cùng với việc học hành để nâng cao trình độ lý luận chính trị và chuyên môn, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến “nghiệp viết” của chị. Dù vậy, thật mừng là sau 12 năm, chị đã cho ra đời đứa con tinh thần thứ hai“Xuống cửa là đường”- Nxb Hội Nhà văn. Tác phẩm được in ấn khá đẹp. Lời văn giản dị, trong sáng, đề cập đến nhiều phạm vi hiện thực của cuộc sống. Tuy chưa có những đột phá, nhưng truyện của Phạm Thị Duyên cũng bước đầu ghi được dấu ấn trong lòng độc giả. Qua hai tập truyện của chị, người đọc dễ nhận thấy những nỗi ưu tư, trăn trở về con người và cuộc đời trên từng trang viết. Nói khác đi, vấn đề mà chị quan tâm hàng đầu chính là cuộc sống hiện thực muôn màu, muôn vẻ và những hệ lụy khôn lường từ cuộc sống ấy. Dù vậy, mỗi người phải dũng cảm đối mặt với số phận mà tự tìm lấy hạnh phúc.

Ở tập truyện ngắn “Xuống cửa là đường”, tác giả tỏ ra khá từng trải khi đi sâu tìm hiểu những đề tài hóc búa như: nạn sản xuất và tiêu thụ thuốc giả (Thuốc đắng), tệ nạn mê tín dị đoan (Duyên lành), nạn chăn dắt, lừa lọc người để kiếm lợi bất chính (Phiêu bạt), hay nạn môi giới hôn nhân (Kẻ rao bán trái tim)… Nhưng có vẻ tâm huyết và thuận tay hơn với nhà văn, chính là đề tài về tình yêu và hạnh phúc gia đình (Hàng xóm, Giấc mơ phố, Rét ngọt, Kẻ rao bán trái tim, Xuống cửa là đường…). Không chỉ những truyện trực tiếp viết về đề tài này, mà ở bất cứ đề tài nào, thì hạnh phúc gia đình luôn là vấn đề tác giả muốn hướng tới. Cho dù, có những cái kết truyện chưa thật tròn trịa, thì thông điệp mà nhà văn muốn đề cập tới vẫn chỉ là vấn đề muôn thuở ấy mà thôi! Ngôn ngữ diễn đạt trong truyện của chị đôi khi còn dài dòng, nhưng bù lại, tác giả thường đi sâu khắc họa tính cách nhân vật qua miêu tả hành động và nội tâm, bởi vậy, nhân vật thường rõ nét, không bị nhòe mờ. Mỗi nhân vật đều đem đến cho người đọc những thông điệp khác nhau về cuộc sống và con người. 

“Nắng đầu hè” là truyện viết về đề tài hạnh phúc gia đình. Những vấn đề gợi ra từ câu chuyện mang lại cho người đọc nhiều suy ngẫm về cách ứng xử giữa cha và con, giữa người với người. Nhân vật chính- Hương, có cuộc sống tinh thần khá phức tạp, mẹ sớm qua đời, cô sống với bố và em trai. Cô và bố như hai thế giới xa lạ, có khi cả tuần không nhìn nhau và không bao giờ nói chuyện tử tế với nhau, bố lại luôn xưng hô mày, tao với Hương. Căn nhà của cô chán ngắt bởi những người trong gia đình không tìm được tiếng nói chung. Chị Hà (cùng cơ quan với hai bố con) và bố có cảm tình với nhau, chuyện này lúc đầu không được cô chấp nhận. Cô không chịu nổi bất cứ một người đàn bà nào chen giữa cuộc sống gia đình của mình. Rồi một ngày, bố nói với cô “tao sắp lấy vợ” và cô bị sốc. Cô không đồng ý cho bố lấy vợ cũng là để bảo vệ mẹ, bảo vệ gia đình. Cô không biết đó là hành động chỉ để bảo vệ cho sự ích kỷ của cô mà thôi. Nhưng có một liều thuốc thử đã làm cô “hạ hỏa”. Người bạn cô quen qua bố (hơn cả tuổi bố), đã tỏ ra đồng cảm và thấu hiểu. Ông khuyên cô nên cảm thông cho cha và những người sống xung quanh mình… Nghe ông nói, lần đầu tiên cô nghe thấy sóng hát. Rồi bố đã biết quan tâm và tỏ ra âu yếm với cô. Cô muốn sà ngay vào lòng bố khóc nức nở, tình cảm cha con được hàn gắn, cô đã mở lòng với bố và ngược lại. Truyện kết thúc khi Hương gợi ý mời chị Hà cùng về nhà ăn cơm, khoảng cách giữa cha và con được gỡ bỏ. Cứ nhẹ nhàng như vậy, câu chuyện gợi ra nhiều điều về hạnh phúc…

Truyện “Hàng xóm” được lấy bối cảnh từ một đám cưới ở thôn quê. Từ không gian nghệ thuật đó, các mối quan hệ, các tính cách và những vui, buồn trong cuộc sống của những con người trong cái xóm nhỏ vốn yên bình được bộc lộ. Trước hết là mối quan hệ hàng xóm được thể hiện khá tốt đẹp như nó vốn có từ bao đời của những người dân quê. Như một quy ước bất thành văn, mỗi khi nhà ai có việc, mọi người trong xóm đều nhiệt tình và có trách nhiệm. Đám cưới nhà ông Dần cũng vậy, mỗi người mỗi việc, ai cũng muốn đóng góp tình cảm, công sức của mình vào hạnh phúc của đôi trẻ. Những chi tiết đầy ắp tình người như thế, ta vẫn bắt gặp đâu đó trong cuộc sống thường ngày ở các làng quê, ngõ xóm. Nó chính là nét văn hoá đẹp cần được bảo tồn và phát huy. Nhưng đó chỉ là một phần ý nghĩa của câu chuyện. Từ chuyện tình làng nghĩa xóm này, tác giả muốn đề cập đến một giá trị khác, thiết thực hơn của cuộc sống.             Truyện được kể từ điểm nhìn của nhân vật Loan. Từ điểm nhìn này, một mặt người đọc thấy được những đẹp cần lưu giữ của tình làng nghĩa xóm "tắt lửa tối đèn có nhau". Mặt khác cũng thấy được những hậu quả tất yếu của lối sống mới, thông qua mối quan hệ phức tạp của các gia đình trẻ thời hiện đại. Qua tâm trạng đầy ưu tư dằn vặt và ăm ắp nỗi buồn của Loan, truyện cũng hé mở những lớp lang khác, khiến cho độc giả phải dừng lại suy ngẫm về những giá trị, có khi là rất đỗi bình thường, nhưng vô cùng quý giá của cuộc sống gia đình. Với giọng kể nhẹ nhàng, tình cảm, truyện “Hàng xóm” ở một góc độ nào đó, đã đem đến cho người đọc những trải nghiệm và suy ngẫm về giá trị của hạnh phúc. Hạnh phúc thật đơn giản nhưng không giản đơn. Mỗi người phải biết trân trọng nâng niu và gìn giữ.

Cũng viết về đề tài tình yêu và hạnh phúc gia đình, nhưng ở truyện“Xuống cửa là đường” vấn đề được đặt ra gay gắt và có phần quyết liệt hơn. Truyện viết về cuộc sống mòn mỏi, đơn điệu, nhàm chán của vợ chồng Liên nơi phố thị. Liên tốt nghiệp đại học, không xin được việc làm, ở nhà bán phở. Thanh (chồng Liên) chạy vạy mãi rồi cũng có việc làm, nhưng đồng lương còm cõi, ít ỏi. Giữa thời buổi kinh tế thị trường, giá cả tăng đến chóng mặt, cái quán phở bé xíu của Liên cũng “dở trôi dở chìm”. Nhưng cái quán ấy lại là nơi tụ tập của đủ loại người: Từ“thằng đàn ông khóc vợ, đến“thằng Mực khướt da bủng,”; Từ “lão đàn ông chất Nghệ” đến“người đàn bà béo ụ ị”; Từ“cậu thanh niên đẹp trai như minh tinh điện ảnh” đến “chị khách ruột” táo tợn đi cùng người chồng có “bản mặt bì bì dâm dục…” Thêm cô cháu họ, tên Toan cùng cậu sinh viên gầy còm, (thằng nghiện) mà cô thấy xót thương, nên đã làm cho nó bát phở thật đầy để rồi nó đã cuỗm đi tảng thịt bò và ít đồng bạc lẻ… Phụ họa cho những hạng người ấy còn có ả Hướn bán dưa cà, xổ số ở áp sát nhà Liên- một người có lai lịch không mấy tốt đẹp...  Những hạng người “đặc biệt” ấy, được tác giả “bắt mạch” đúng bản chất. Cùng với những câu chuyện làm ăn, buôn bán, lừa lọc, tất cả đã tạo nên một xã hội thu nhỏ nhộm nhoạm, phức tạp, bế tắc, giữa thời buổi kinh tế đầy khó khăn. Thêm nữa, gặp đợt rét đậm rét hại kéo dài kỷ lục, trâu bò chết hàng loạt, liên tiếp các đợt dịch lợn tai xanh, cúm gia cầm, đẩy những người trong ngõ phố và vợ chồng Liên vào cảnh tiến thoái lưỡng nan… Vợ chồng Liên định gom góp tiền vàng tích cóp được, cơi nới thêm quán bán đồ nhậu, thì giá cả vật liệu mỗi ngày cứ tăng chóng mặt. Nghe người phụ nữ béo ụ ị khuyên, vợ chồng Liên và mấy người trong ngõ đầu tư hết vào chứng khoán và bị lừa mất tất cả. Liên định bấu víu vào Hoàng, người hiểu rõ hoàn cảnh và có cảm tình với cô, hứa giúp cô, hẹn gặp cô vì “anh rất muốn làm một điều tốt cho em”. Hạnh phúc của vợ chồng Liên liệu có giữ được giữa thời buổi đầy cám dỗ và cạm bẫy này không? Chỉ biết rằng, khi cô gọi điện nhờ, thì Hoàng trả lời một cách vô cảm: “Em thông cảm anh đang bận chủ trì một cuộc họp quan trọng. Cô thấy đất đang sụt lở dưới chân mình”. Và cuối cùng, cô cũng xin được việc làm ở một công ty. Truyện kết thúc ở mong ước rất bình dị về một ngày mai của Liên. Vâng “Một ngày mai chỉ có Liên và Thanh và một đứa trẻ vui đùa…”

Đi vào từng ngõ ngách của cuộc sống, truyện ngắn của Phạm Thị Duyên cho thấy chị có khả năng quan sát và am hiểu khá tường tận về lĩnh vực mà mình quan tâm, đem lại cho người đọc cảm giác được trải nghiệm, được khám phá cùng nhân vật. Khi thì về những thủ đoạn, mánh lới làm ăn trong thời buổi kinh tế thị trường; khi thì ở những vấn đề mang tính tâm linh; cũng có khi ở cái ảo tưởng về “Giấc mơ phố” hoặc lấy chồng ngoại quốc… Tất cả được bộc lộ, bóc tách rõ ràng, nhằm chuyển tải một ý tưởng, một thông điệp nào đó mà người viết trăn trở.

Những năm gần đây, việc lấy chồng ngoại đã trở thành trào lưu của bao cô gái Việt muốn đổi đời. Và hiện thực không đẹp như chiếc bánh vẽ, không ít người phụ nữ phải trả giá cho ước mơ xuất ngoại… Nhân vật Mỹ Lan trong truyện “Kẻ rao bán trái tim” là một trường hợp như vậy.

Lẽ ra Mỹ Lan đã có một tình cảm đẹp với Tuấn. Tuấn là con một, gia đình lại khá nền tảng. Hai người từng có những kỷ niệm gắn bó bỏ từ thời niên thiếu. Kỷ niệm ấy luôn được tô điểm bởi sắc tím mong manh của những cánh bằng lăng nên càng thi vị. Nhưng Mỹ Lan đã phớt lờ người bạn lịch thiệp mà cô từng nghĩ sẽ là chỗ dựa an lành cho cuộc đời cô, để chạy theo một tình yêu… xa lắc, qua dịch vụ môi giới xuất nhập cảnh. Chỉ qua vài cuộc điện thoại, cô đã tin là Hùng chân thành và thấu cảm. Cô lao vào tình yêu trên mạng như con thiêu thân. Đối với cô chỉ khi đêm xuống mới là lúc cô cảm thấy cuộc đời có ý nghĩa:“Ngón tay tôi rạo rực lướt trên bàn phím, ánh mắt tôi thổn thức mê dại theo những con chữ múa lấp ló trên màn hình. Trái tim tôi hát líu lo như con chim họa mi giữa bầu trời đầy nốt nhạc”. Hùng đặt vấn đề cưới Lan làm cô “luôn trong trạng thái nghẹt thở vì sung sướng”. Và điều phải đến đã đến. Mặc cho cô trắng đêm chờ đợi với bao nhiêu giả thiết đặt ra, nhưng Hùng đã không được phép nhập cảnh về Việt Nam, trong khi ở nhà, tiệc cưới sang trọng, họ hàng bạn bè và người thân đang chờ. Để bịt miệng thế gian, cô phải bỏ ra mười lăm ngàn đô cho người môi giới mong tìm người thay thế chú rể. Trớ trêu thay, Tuấn giật lấy số tiền đó cho vào ví và tình nguyện làm chú rể thuê cho Lan. Lan đi bên Tuấn như người mộng mị. Tuấn ở bên cô một ngày và ra đi trong khi cô vẫn không trở thành đàn bà. Sau mọi chuyện, có thể cô sẽ về quê dưỡng tâm một thời gian theo gợi ý của cậu mợ. Và cái chính, cô đã nhận ra “Suối nguồn của cái đẹp trong cuộc đời là trái tim biết yêu thương”

Thế giới nhân vật trong truyện ngắn của Phạm Thị Duyên khá đa dạng. Có nam có nữ, có chính diện, phản diện, có người sang, kẻ hèn… nhưng nhân vật mà chị để tâm nhiều hơn cả là những người phụ nữ bất hạnh. Bất hạnh trong cuộc sống và trong hôn nhân (Liên, Sen, Ngăn…). Tuy vậy, dù bất hạnh đến đâu thì những con người ấy vẫn lấp lánh một vẻ đẹp bao dung, đầy ắp tình người. Nhân vật bà lão ăn xin trong “Phiêu bạt” là một người như vậy. Bà lão có hoàn cảnh khá tội nghiệp: người con trai bị mù lòa và hai đứa cháu bị chất độc da cam đang sống ở quê, trông chờ vào những đồng tiền lẻ ăn xin hàng ngày của bà gửi về. Có đêm, bà phải thức trắng bên hiên tường trong bộ dạng ướt như chuột lụt chờ trời sáng. Thật may, có một cửa hàng tốt bụng không cuộn bạt, cho bà trú ngoài hiên, tránh được sương gió. Rồi bà gặp cô gái hằng đêm “làm việc” ở nhà nghỉ, cô ta tỏ ra ái ngại và xót thương cho bà. Cô nói với bà: “Ngủ ở đó rồi chết lúc nào không biết”, cô tình nguyện hàng ngày đưa bà đến cổng chợ, chiều thì đón bà về ở cùng nhà trọ với cô. Cô còn dặn “Khi nào kiếm được nhiều tiền, khăn gói về quê mà sống, bà nhé!”

Nhờ có cô, bà có chỗ ăn ngủ tử tế. Tuy cách ăn nói của cô gái chỏng lỏn, khó nghe, nhưng với bà, cô vẫn là người tử tế, dù bà biết nghề của cô đang làm có nhiều cạm bẫy. Được cô chở đến chợ đầu mối thành phố, nên việc ăn xin của bà đỡ vất vả. Mỗi khi có tiền, bà xếp lại đống tiền lẻ theo từng mệnh giá, lấy địa chỉ, nhờ cô gửi hộ cho người con trai ở dưới quê. Bà không hề biết, mình đã bị người ta chăn dắt, lợi dụng. Khi được công an gọi lên phường làm chứng, bà mới biết rằng số tiền bà nhon nhặt bấy lâu (chừng mấy cây vàng), đã bị cô gái lừa để tiêu sài. Vậy mà bà không hề trách cô, lại còn gỡ tội cho cô:“cháu tự nguyện đưa cho cô ấy để thuê nhà trọ, nộp ăn hàng tháng và trả công cho cô ấy đưa đón cháu đi về ạ”. Bà vẫn thương cô gái như con, mua cơm hộp cho cô, dùng đồng tiền ít ỏi của mình mua thêm cho cô chiếc áo ấm, những mong cô cải tạo tốt. Bà mong sẽ gặp lại cô. Bà còn có ước muốn cưu mang cả những cậu bé hát rong tội nghiệp nơi chợ đầu mối… Tấm lòng bao dung, nhân hậu của bà thật đáng trân quý, ta tin bà sẽ cảm hóa được cô gái, như bà đã từng cảm hóa hai anh em thằng bé ăn xin ở chợ ngày nào. Câu chuyện có cái kết đẹp, khi những người làm thiện nguyện biết đến hoàn cảnh của bà và hứa sẽ cũng xã hội san sẻ gánh nặng với bà.

Truyện của Phạm Thị Duyên khá giàu chất sống, cốt truyện tương đối hoàn chỉnh, tuy đôi khi tình tiết hơi lòng vòng. Có cảm giác, hình như chị ít quan tâm đến “lát cắt” mà chú ý nhiều hơn đến việc mở rộng biên độ tác phẩm. Thế nên, nhiều truyện của chị không chỉ cho ta hiểu một khoảnh khắc, mà còn mường tượng được cả một đời người. Thiết nghĩ, đó cũng là thành công đáng khích lệ của người viết, khi tác giả muốn mở rộng, soi chiếu vấn đề từ gần đến xa, từ xa đến gần từ những điều lớn nhỏ mà người viết nói tới, mang lại cho người đọc những cảm nhận thú vị. 

 

N.T.B

Bài viết khác