Chủ nhật, 19/05/2024

Nét quê

Thứ sáu, 04/10/2019

PHẠM NGA 

Nét quê

 

Qua cây cầu cheo leo

Búp thon thả vin trong chiều sương khói

Kinh nhân ảnh dập dềnh thu gội

Tự hai bờ giao nối lòng anh

 

Chỉ đến khi em qua dòng kinh

Cây cầu mới biết mình có thật

Nước cũng được một lần trong xanh nhất

Nắng lên hương trăng mật miệt vườn

                               

Anh gặp bao cây cầu sừng sững sức vươn

Để rồi nặng lòng thương một cây “cầu khỉ”

Một mái nghèo nghiêng dòng xanh mộng mỵ

Nên nét quê kỳ vỹ của riêng mình.

                                            LÂM XUÂN VI

 

Lời bình của PHẠM THÚY NGA

Ai đã đọc, đã quen với những bài lục bát dung dị, đằm thắm, tinh tế, thâm hậu của nhà thơ Lâm Xuân Vi hẳn sẽ bất ngờ khi bắt gặp bài thơ “Nét quê” của ông. Vẫn là những hình ảnh gần gũi, là bóng dáng của “quê” nhưng bằng thể thơ tự do nhà thơ đã đưa người đọc đến với những cảm xúc rất mới, rất lạ.

Qua cây cầu cheo leo

Búp thon thả vin trong chiều sương khói

kinh nhân ảnh dập dềnh thu gội

Tự hai bờ giao nối lòng anh

Ngay khổ thơ đầu người đọc bối rối khi bắt gặp hai câu thơ thật lãng mạn: Búp thon thả vin trong chiều sương khói/ Kinh nhân ảnh dập dềnh thu gội. Chợt liên tưởng đến câu thơ của Hàn Mặc Tử: Ở đây sương khói mờ nhân ảnh/ Ai biết tình ai có đậm đà (Đây thôn Vĩ Dạ). Trong thơ Hàn Mặc Từ là sự tĩnh lặng đến tuyệt đối, nhân ảnh mờ ảo trong sương khói, nhà thơ hồ nghi, tự vấn, đó là một bức tranh tâm trạng đượm buồn. Còn trong thơ Lâm Xuân Vi mặc dù vẫn không gian đườm đượm sương khói, vẫn là nhân ảnh nhưng cách tả, cách gợi thật tinh tế khi tác giả đã khéo léo sử dụng những từ láy: thon thả, dập dềnh; động từ: vin, dập dềnh, gội để làm nên nét duyên của búp thon thả, vừa đủ mơ màng, mờ ảo mà không bị nhạt nhòa, vừa nhẹ nhàng lay động mà không tan biến, còn tâm hồn thi sĩ dường như có duyên có sự tương giao kết nối với miền quê này tự bao giờ.

Rồi đến khi “em” xuất hiện, gần hơn, rõ hơn cảnh vật như bừng thức, chỉ một lần mà ấm, sáng lên mà xôn xao bao cảnh sắc: Chỉ đến khi em qua dòng kinh/Cây cầu mới biết mình có thật/ Nước cũng được một lần trong xanh nhất/Nắng lên hương trăng mật miệt vườn. Em đã làm thay đổi rất nhiều điều kể cả “anh”, kể cả những điều tưởng chừng như không thể thay đổi. Cây cầu đã tồn tại bấy nay, vậy mà chỉ khi em đi qua dòng kinh cây cầu mới được biết đến, mới được gọi tên, mới biết “mình có thật”. Sao không phải là "hạnh phúc", là "tỉnh giấc"... mà lại là "có thật", "Cây cầu mới biết mình có thật" mới đúng là Lâm Xuân Vi, bởi hơn ai hết nhà thơ hiểu rằng khi con người ta trải qua bao thăng trầm cuộc sống, bao cung bậc cảm xúc thì cái cảm giác biết mình có thật đó mới là điều hạnh phúc nhất, đáng sống nhất. Ngay cả đến dòng nước quanh năm ngầu đục thế mà "Nước cũng được một lần trong xanh nhất", và nắng, và trăng cũng lên hương, lên mật cảnh sắc cứ ngời lên, cứ ngọt ngào như nếm, như cầm, như vơ vào lòng được. Đọc mỗi câu thơ lên nghe như có tiếng reo vui, tiếng lao xao, thấy cả sự rạn rỡ cả một vùng miệt vườn, sông nước.

Những phát hiện thật mới thật lạ, thật tài tình của nhà thơ, phải đâu là nước là cầu, là nắng là trăng mà là “anh” đấy, “em” qua đây dội vào lòng “anh” niềm náo nức, niềm hân hoan, hạnh phúc ngọt ngào. Đây có lẽ là khổ thơ hay nhất trong bài thơ, vẫn những câu từ dung dị, mộc mạc, những hình ảnh gần gũi nhưng hội tụ tất cả các giác quan, những xúc động của nhà thơ, vẫn là đề tài truyền thống nhưng nhà thơ đã lựa chọn cách diễn đạt mới lạ tinh tế mà vẫn ý vị sâu sắc.

Hình ảnh cây cầu được lặp đi, lặp lại trong bài: cây cầu cheo leo, cây cầu, cầu khỉ, không biết cây cầu của sông nước miền Tây có sức hút gì kì lạ làm mà khiến thi nhân xứ Bắc mê đắm đến vậy để cuối cùng thi sĩ phải thốt lên phải thừa nhận: nặng lòng thương một cây “cầu khỉ”. Hẳn nhiên cây cầu cheo leo, cầu khỉ chỉ là không gian trữ tình để nhà thơ bộc lộ cảm xúc, bộc lộ tình yêu của mình.

Anh gặp bao cây cầu sừng sững sức vươn

Để rồi nặng lòng thương một cây “cầu khỉ”

Một mái nghèo nghiêng dòng xanh mộng mị

Nên nét quê kỳ vỹ của riêng mình.

Dù “anh” đã qua bao nơi, gặp bao cây cầu uy nghi, sững sững nhưng với “anh” cây cầu khỉ như một mối lương duyên bởi ở đó có những điều tưởng như nhỏ bé, giản dị nhưng đã làm nên bao điều kỳ vỹ, làm nên những nét quê rất riêng rất đẹp mà có lẽ chỉ nơi này mới có được. Tình yêu nơi cầu cheo leo đã khiến anh say mê, khiến anh như bị “bỏ bùa”, phải chăng từ tình yêu trong trẻo, thánh thiện và đầy đặn nơi em, từ những gì mộc mạc, nguyên sơ, chân tình mà vẫn nên thơ vẫn phóng khoáng như con người của sông nước miền Tây vậy. 

 Khác với những bài thơ tình mà nhà thơ Lâm Xuân Vi đã viết: Anh ngồi nhấm nháp thời gian/ Ngóng trông từng chuyến đò ngang nặng đầy/ Cháy lòng uống cạn chiều nay/ Không em trời đất mai này còn không (Không em), Đợi mòn tím cả chiều thu/ Lời yêu ôm mối tương tư trọn đời (Thu) đầy da diết bâng khuâng thoáng buồn thì trái lại trong bài Nét quê người đọc bắt gặp một hồn thơ trong sáng đằm thắm thanh khiết như mối tình đầu.

Nếu chỉ nhìn vào câu từ vào hình ảnh trong bài thơ thì mới cảm nhận được một nửa cái hay của bài thơ. Nửa còn lại chính là tình cảm nồng ấm, là tiếng lòng của nhà thơ đã hòa, đã chảy vào trong từng mạch thơ. Suốt dọc bài thơ không một câu từ hoa mỹ mà nhà thơ đã dùng chân từ để để nói lên những điều giản dị, chân thành nhà thơ đã làm mới thơ mình và làm mới đề tài vốn đã quen thuộc với bạn đọc vì vậy mà bài thơ đã để lại dư vị, ám ảnh và neo vào lòng người đọc những rung cảm  thiết tha.

 

                                                             P.T.N

Chiều về                                       Tác giả: TUẤN PHƯƠNG 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết khác