Chủ nhật, 19/05/2024

Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết Trang trại hoa hồng của Đỗ Kim Cuông

Thứ sáu, 09/04/2021

T.S NGUYỄN MẠNH QUỲNH 

Nhìn lại văn học ta trong những năm qua, thấy có một thực tế là, giờ đây, viết về chiến tranh với những mô-tip thường thấy của dạng thể tài này như ngợi ca khí phách, lòng kiên trung, đoàn kết, đồng lòng, xả thân… rất hiếm thấy, kể cả với những nhà văn đã từng mặc áo lính, tham gia chiến trận.

Điều đó cho thấy, cảm hứng sử thi có vẻ như đã nhạt dần. Tuy thế, chiến tranh vẫn là một đề tài có sức mời gọi và lay động không cùng. Chỉ có điều, nó đòi hỏi một sự đổi mới về tư duy nghệ thuật, ở cái nhìn đa chiều, không cào bằng mà vẫn thấm đẫm nhân văn. Chiến tranh giờ đây phải được soi nhìn, khám phá ở nhiều góc độ hơn, nhất là những éo le, ngang trái của những cảnh đời, những số phận như là hệ quả của những mất mát đau thương trong chiến tranh hay vì chiến tranh. Trang trại hoa hồng của Đỗ Kim Cuông(1) là một trong những tác phẩm như thế.

1. Thời gian và nhịp điệu trần thuật

Nội dung của tiểu thuyết xoay quanh câu chuyện về người lính chiến đấu ở vùng sâu vào những năm khó khăn ác liệt sau năm tết Mậu Thân 1968 bị thương, được người dân vùng địch cứu chữa và nuôi giấu. Anh đã cố tìm về đơn vị nhưng lại bị phục kích, bị thương, được tiếp tục được nuôi giấu chữa vết thương, rồi yêu và lấy con gái của người cứu mạng. Được sự giúp đỡ của bố vợ, anh đổi tên và cùng vợ trốn đi nơi khác dưới thân phận giả là người lính ngụy tàn phế. Đơn vị cũ tưởng anh đã chết nên báo tử gửi về địa phương. Sau chiến thắng 1975, anh bị đưa đi cải tạo, bất ngờ gặp lại người bạn cùng quê và người bạn này, trong một lần về thăm quê, đã tố giác với xã và huyện. Bi kịch gia đình anh diễn ra thật đau xót: bố đẻ chết trong nỗi nhục nhã, đau đớn, mẹ bị xua đuổi, vu oan, phải bỏ làng ra đi tìm con với niềm tin con mình không phải là kẻ phản bội. Những oan khuất ấy chưa được giải tỏa thì vết thương lòng lại rỉ máu. Chiến tranh vẫn thò bàn tay gớm ghiếc của nó vào số phận anh ngay cả thời bình. Trong một lần làm vườn, mẹ và vợ anh chết tức tưởi bởi vì bom đạn còn sót lại. May thay, người con gái duy nhất của vợ chồng anh lớn lên trong hoà bình, được học hành, thành đạt. Cô đã  kể lại câu chuyện của cha mình, cùng với cuốn nhật ký mà ông và người vợ quá cố ghi chép lại những gì diễn ra sau khi bị ông thương. Câu chuyện mà ông cố giấu kín dần dần được hé mở.

Trang trại hoa hồng là tác phẩm có nhiều tuyến cốt truyện đan xen nhau. Có tuyến cốt truyện của nhân vật “tôi”, tuyến cốt truyện về làng Lôi, của nhân vật “y” và “em” (thông qua các trang nhật ký). Có thể tạm nhận diện các tuyến truyện này ứng các phần của tiểu thuyết: I.Trại Đầm Vịt (67 trang), II. Bà mẹ làng Lôi,  (67 trang), III. Những đêm trắng (213 trang), IV. Ngày Vu lan (29 trang) và Chương kết (6 trang). Trong đó phần I, IV và chương kết thuộc về tuyến truyện của nhân vật “tôi”; phần II là tuyến truyện về làng Lôi; Phần III thuộc tuyến truyện về nhân vật “y” và nhân vật “em” (vợ nhân vật “y” - mẹ nhân vật “tôi”). Dễ dàng nhận thấy Những đêm trắng là tuyến truyện nổi bật với số trang nhiều nhất và số phận của nhân vật chính cũng chủ yếu được khắc họa ở đây.

Tuy nhiên, đó là nhìn về đại thể. Thâm nhập vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm chúng ta thấy luôn có sự đan xen lồng ghép giữa các phân mảnh của các tuyến truyện khác nhau. Là tác phẩm viết về đề tài chiến tranh chống Mỹ trong những năm khốc liệt nhất, khung thời gian được trần thuật hiển nhiên lấy trọng tâm là thời quá khứ. Nhưng thời gian trần thuật lại khá đa dạng, không dễ bóc tách do các phân mảnh được chèn vào, nối dài, chia cắt bởi các tỉnh lược, lược thuật, hồi cố, dự báo – những thủ pháp thường thấy trong kỹ thuật xử lý thời gian nghệ thuật của tiểu thuyết.

Các đảo thuật (kể lại các sự kiện đã diễn ra, có thể nằm ngoài khung thời gian của truyện, kiểu như “năm xưa”, “hơn 700 năm trước”…) dự thuật (kể trước các sự việc sẽ diễn chi tiết sau đó, như sự kiện đám cháy lần thứ ba ở làng Lôi, cô con gái của Ca…) cùng với các tiết đoạn miêu tả, bình luận của người kể đã kiến tạo các nếp gấp thời gian, mở rộng biên độ thời gian kể chuyện, vừa khái quát diện mạo ác liệt, dữ dội của cuộc chiến tranh cả nơi hậu phương và trên tiền tuyến vừa có khả năng đi sâu vào khắc họa số phận của người lính như Hoài, ông Bậu, ông Duy, Hai Ngạn, Hai Tân, và cả những người dân thường như ông Sáu Đến, bà cụ Mít, bác Đạo, cô nữ sinh văn khoa Hương Giang đến cả thế hệ trưởng thành sau cuộc chiến 1975 như Thủy Tiên, Thoa, Thơm, Vân. Trong đó, đau đớn nhất là những cái chết, hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Có những cái chết về thân xác đầy đau thương như Nam “bị bom chết mất xác”, chết nhiều đến mức “hai mươi nhăm cái tang cho một xã vùng duyên hải. Hai mươi nhăm người con của quê hương đã bỏ mình vì nước trong chiến dịch tổng tấn công mùa xuân năm 1968 (…). Cũng có cái chết về tâm hồn vì bị ruồng rẫy, khinh khi, rẻ rúng và nguyên nhân sâu xa cũng là bởi chiến tranh như ông Đê, bà Mít, thầy Hàn và biết bao những con người khác, chỉ xuất hiện ở một số ít dòng hồi cố của nhân vật. Mỗi người như một mảng của bức tranh cuộc sống thời chiến và cả khi thời bình, khi thì khuất lấp, lúc hiển lộ, chấp chới hư thực.

 Và trong số những con người ấy, nhân vật chính, người lính Nguyễn Văn Đệ như đã thâu trọn vào mình những bi hùng của một thời: kiên cường và vị tha, lặng lẽ và đau thương. Chỉ tiếc rằng, do dành nhiều quan tâm cho các sự kiện bên ngoài, nhà văn ít chú tâm đến các sự kiện tâm lý của nhân vật này, trong khi với hình thức điểm nhìn kể chuyện (cả điểm nhìn thời gian và điểm nhìn nhân vật) của tác phẩm, tôi nghĩ nhà văn sẽ có thể làm được nhiều hơn cho nhân vật của mình.

Lối kể chuyện zich-zăc với nhiều đoạn kể báo trước tạo sự hồi hộp, đóng vai trò như là một chất keo kết dính giữa các phần trong truyện; cấu trúc tự sự vì thế cũng giãn nở, kéo vào trong nó những sự kiện nằm ngoài khung thời gian của truyện kể, nhằm thuyết minh, lý giải, phân tích các sự kiện. Chẳng hạn, hầu hết các sự kiện quan trọng, hành tung của nhiều nhân vật chính đều được tác giả kể ngay từ những trang đầu của câu chuyện về người bố và người mẹ (nhân vật chính của Những đêm trắng, qua các trang nhật ký) và bà nội của nhân vật “tôi”, về Ca (sẽ được kể rõ trong phần Bà mẹ làng Lôi), về thầy Nam Bê, chú Hoài (sau này trở thành chồng của “tôi” ở Chương kết). Cái chết đau đớn của mẹ và bà nội cũng được kể báo trước. Tất cả tạo ra các nút thắt. Các phần tiếp theo của truyện sẽ dần mở các nút thắt này, qua đó tạo sự mạch lạc của truyện.

Cứ thế, người đọc không khó để nhận ra một nhịp điệp trần thuật rất riêng của tác phẩm. Bởi lẽ, với khung thời gian sự kiện mấy chục năm, cho 390 trang sách khổ 13x19 với khoảng trên dưới 11 vạn từ, theo lý thuyết thời gian giả lập (pseudo – time) của G. Genette(2) thì tốc độ kể chuyện trung bình là khá nhanh. Nhưng người đọc lại có cảm giác nhịp điệu trần thuật của tác phẩm hơi chậm chạp. Chính sự giãn nở thời gian kể qua việc kể đan xen quá khứ, hiện tại, dự báo cùng với những đứt quãng (qua các khoảng thời gian bị lược đi) đã đem đến cảm giác ấy. Xét từ phương diện tự sự, nó tạo ra độ chùng cần thiết cho cốt truyện giấu kín như một dụng ý của nhà văn.

2. Người kể chuyện và các hình thức điểm nhìn

Thông thường người kể chuyện trong tác phẩm tự sự có chức năng chính như trần thuật, đạo diễn, giao liên, chứng thực, tư tưởng... Như thế, người kể đóng vai trò là người tổ chức, kết cấu lại câu chuyện và dẫn dắt người đọc tiếp cận và khám phá thế giới nghệ thuật của tác phẩm.

Trang trại hoa hồng sử dụng khá nhiều hình thức người kể chuyện. Có người kể chuyện xưng “tôi” - con gái của người lính tên Đệ, có người kể chuyện ngôi thứ nhất xưng “y” (nhân vật Đệ) dưới hình thức nhật ký, có người kể chuyện giấu mặt (như nhân vật cụ Sự), người kể đáng tin như nhân vật “y”, người kể không đáng tin (như nhân vật Ca, khi tác giả trao quyền kể chuyện cho nó) kể để nhòe ra, gây nhiễu… Trong đó, người kể chuyện xưng “tôi” đóng vai trò chính, dẫn dắt, kết nối các sự kiện, tương liên với người đọc. Nhân vật này đôi khi được giả lập như một người kể không đáng tin bởi những băn khoăn, thắc mắc không có lời giải. Nhờ đó, tạo ra sự mạch lạc cho truyện kể, dẫu có quá nhiều chi tiết, sự kiện lồng ghép, đan xen phức tạp như chính bản thân câu chuyện.

Tương ứng với người kể là điểm nhìn trần thuật. Nhưng trước hết, điểm nhìn luôn gắn chặt với thời gian. Nhà văn đã chọn hình thức truyện trong truyện để cấu trúc tác phẩm. “Tôi” là người kể chuyện – con gái  của một chiến sỹ đi chiến trường B năm xưa. Người con gái lớn lên trong hòa bình, trưởng thành và thành danh trong bối cảnh đất nước đổi mới. Về hình thức, khi kể chuyện xưng tôi, người kể sẽ mang hình thức điểm nhìn bên trong. Các phần Trại Đầm vịt, Lễ vu lan, Chương kết là như thế, Nhưng trong mối quan hệ với phần lớn các sự kiện được kể trong Những đêm trắng thì đây lại là hình thức điểm nhìn bên ngoài, loại điểm nhìn mà người kể biết ít hơn bất cứ một nhân vật nào khác. Thế nên, nó sẽ tạo ra những thắc mắc, hồ nghi trong người đọc. Và ngay từ đầu truyện, điểm nhìn của “tôi” đã báo hiệu một câu chuyện đầy uẩn khúc mà không dễ gì nói ra, kể lại: “Tôi mở to đôi mắt thỏ non, nhìn bà nội rồi nhìn sang cha tôi. Không hiểu… không thể hiểu. Phải nhiều năm sau nữa khi tôi đã làm chủ một gia đình. Tôi sống đơn độc trong căn phòng ấm áp đầy đủ tiện nghi mới vỡ ra nhiều điều mà ngày còn nhỏ không biết, không hiểu”.

 Nhưng làm sao người con gái kia lại có thể “vỡ ra nhiều điều”, nghĩa là biết và kể lại câu chuyện năm xưa của cha mình khi chính ông – người duy nhất biết đầy đủ và trọn vẹn - chỉ muốn chôn chặt trong lòng? Tình huống khiến nhà văn phải chọn một hình thức điểm nhìn thứ hai để người trong cuộc tự kể lại, dưới hình thức nhật ký. Lúc này, người kể chuyện chuyển sang nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết, xưng “y”. Đây là hình thức điểm nhìn được gọi là điểm nhìn bên trong. Từ điểm nhìn bên trong, người kể vô hình mới đi sâu vào những éo le, uẩn khúc, những trái ngang mà Đệ và Hương Giang phải chịu đựng trong lửa đạn chiến tranh và trong cả sự hiểu lầm của chính đồng chí, đồng đội; về những việc mà không phải người trong cuộc sẽ vĩnh viễn không biết, không thể biết như mụ Tr., ông Hai Nhựt – những con người mà bề ngoài là kẻ buôn bán, sống phóng dật, giải đãi, nhưng bên trong lại là người của “ta” đang hoạt động bí mật.

Nhưng tại sao nhân vật kể chuyện lại xưng “y”? Truyền thống tự sự của ta, gọi nhân vật là y, là thị, hắn, nó… hầu như đều hàm ý trong đó một sự giễu cợt, mai mỉa nào đó. Ở đây, cách xưng hô này tự nó đã gợi ra quá nhiều cảm xúc khác nhau đối với người đọc. Ta đọc được trong âm vang lời kể rất nhiều nỗi xót xa, cay đắng, rất nhiều dằn vặt, cam chịu, nhẫn nhịn … như chính con người ông.

Một hình thức thứ ba là cái nhìn vạn năng của người kể chuyện truyền thống. Cái nhìn này, đóng vai trò như một hình thức kể giãn cách, khi thì tạo màn sương mù cho các sự kiện, gây hoài nghi, thắc mắc; lúc lại rất chi tiết nhằm lý giải, phân tích, làm sáng rõ những biến cố mà hai điểm nhìn kia không thể thực hiện được. Nó có khi như một sự “ngưng nghỉ” (pause), giống như miêu tả, lại có khi lại là kể bồi thấn, tạo ra độ chùng, độ gấp khúc cần thiết cho những tiết đoạn truyện căng thẳng. Phần truyện Bà mẹ làng Lôi được kể chủ yếu với hình thức này. Từ hình thức điểm nhìn này, người kể có thể kể phanh phui, dưới thanh thiên bạch nhật những sự kiện, những sự việc, tình tiết mà các điểm nhìn khác bất lực “vì không ai ghi lại những chuyện ấy”. Chỉ có điểm nhìn này, người ta mới có thể thấy hết cái sự thật của một xã như Đồng Tiến, bên cạnh “truyền thống anh hùng”, “thương binh liệt sỹ đông nhất”, “nhận cờ thi đua xuất sắc trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp” là cảnh “đảng viên đánh nhau vì chia công điểm thiếu công bằng”, “chủ nhiệm hợp tác xã ngủ với kế toán trưởng”. Ta hiểu vì sao, từ góc nhìn của một người kể không đáng tin như cụ Sự thì phong trào đi xuống có nguyên nhân là vụ cháy làng Lôi và việc “anh con trai cụ Đê bà Mít chiêu hồi theo giặc”! 

Tuy nhiên, điều quan trọng là sự phối trí (perspective) giữa ba loại điểm nhìn trong quá trình trần thuật. Mỗi một điểm nhìn không nằm gọn trong một phần truyện nào, nó có mặt trong tất cả các phần của truyện, nhất là các phần chính. Dễ nhận thấy nhất là hình thức luân phiên giữa các điểm nhìn trong các tiết đoạn truyện, với nhiều giọng kể khác nhau, một mặt, tạo nên bức tranh tự sự có tính khái quát cao, trên nhiều bình diện của cuộc sống. Điều này cho phép tác phẩm bao quát được một diện trường không gian rộng lớn từ vùng làng quê châu thổ sông Hồng Bắc bộ qua miền Trung nắng gió đến vùng Cao nguyên lửa cháy, trong khoảng thời gian khá dài, suốt những năm chiến tranh ác liệt nhất, rồi khi đất nước thống nhất, với cảnh ngộ đầy éo le, trắc trở, trái ngang của ba thế hệ. Mặt khác, với sự phối cảnh này, người kể có thể đi vào khám phá, phân tích các trạng thái tâm lý khác nhau, các cách đánh giá khác nhau của nhân vật về các sự kiện. 

3. Hoa hồng và nước mắt

Trang trại hoa hồng chỉ là một trong số 14 tiểu thuyết và 7 tập truyện ngắn của Đỗ Kim Cuông viết về đề tài chiến tranh. Vốn là một người lính được tôi luyện trong khói lửa của cuộc chiến khốc liệt, Đỗ Kim Cuông đến với đề tài này với tư cách là người trong cuộc. Phải đối mặt với những cuộc chiến tàn khốc để bảo vệ chính mình, dân tộc này đã phải chứng kiến bao mất mát đau thương tưởng như không bao giờ bù đắp nổi. Nhưng rồi thời gian sẽ là một liều thuốc giảm đau quý giá, nó xoa dịu nỗi đau dai dẳng trong lòng người, nó nâng đỡ con người, đưa con người trở lại với cuộc sống. Những người ngã xuống được đất nước vinh danh. Những tấm bằng Tổ quốc ghi công, những tấm huân, huy chương… là sự ghi nhận công lao, máu xương và nước mắt đã đổ xuống vì độc lập, tự do, dẫu biết rằng, nỗi đau kia là không thể tính đếm. Mấy chục năm đất nước được hòa bình, chúng ta hằng mong “khép lại quá khứ” để hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Rồi khói lửa đạn bom một thời, theo thời gian, cũng đi dần vào dĩ vãng. Đó là quy luật của cuộc sống, là cái lẽ phải thế, vốn thế. Đặt tên cho tác phẩm là Trang trại hoa hồng, lấy nhân vật trung tâm là người con gái côi cút của người lính năm xưa, đã dũng cảm vượt lên những nghiệt ngã của số phận để sống có ích, đóng góp cho quê hương, đất nước, tác giả đã thể hiện cái nhìn sâu sắc và điềm tĩnh cũng như niềm tin, sự nhân hậu của ông đối với cuộc đời. Đó là đóa hoa hồng mà cuộc đời ban tặng cho những con người biết hy sinh và cống hiến cho đất nước, cho dân tộc.

Nhưng, đằng sau những đóa hoa ấy, vẫn còn hiện hữu nhiều nỗi niềm cay đắng mà khó có thể nói thành lời, khó có thể thanh minh và giãi bày, đeo bám dai dẳng cùng với thời gian, mà số phận của Đệ cũng như gia đình của nhân vật là một minh chứng. Lời bộc bạch của Đệ trước nấm mộ của người cha trong một đêm tối trời lén trở về nghe sao mà xót đắng: “Ai ngờ cuộc đời con gặp bao gian truân, những tưởng chỉ một mình con gánh chịu nỗi oan khuất, tủi cực. Nào ngờ con lại giáng họa cho thầy mẹ để thầy chết oan uổng như thế này, con có chết cũng không rửa hết nỗi nhục của thầy, thầy ơi”. Lẽ nào một người đã dâng cả tuổi trẻ cho cuộc chiến tranh vĩ đại này, đã từng “lấy máu để ký vào tờ đơn ngày nhập ngũ”, bị thương nặng mà vẫn đau đáu ngày được trở về chiến đấu cùng đồng đội, mà nay, trong hòa bình lại phải thốt ra những lời đắng cay đến thế?  Bi kịch chiến tranh như thế, đâu phải chỉ là máu mà nước mắt. Bi kịch chiến tranh còn là những nỗi đau khổ buộc phải chôn chặt trong tâm hồn.

  Nhà văn Hoàng Cát đọc Trang trại hoa hồng có nhận định: “Theo tôi cảm nhận - cuốn sách không dễ đọc - một phần vì hình thức cấu trúc của tác phẩm, một phần vì bản chất văn của Đỗ Kim Cuông nó giống như tính cách con người của anh”(3). Nguyễn Thế Quang cũng chia sẻ: Giữa những thành công mới của tiểu thuyết đương đại, cuốn sách là một ấn phẩm nổi lên, giàu gam màu và có hương vị riêng không lẫn vào ai khác, rất đáng đọc và suy ngẫm”(4). Quả thật, Trang trại hoa hồng dẫu là một câu chuyện buồn về người lính giải phóng sau chiến tranh - câu chuyện mà chúng ta dường như đã được nghe, được biết ở đâu đó trên đất nước này. Nhưng dưới ngòi bút của của một nhà văn cựu chiến binh, câu chuyện có sức hấp dẫn lạ lùng, không chỉ bởi vì những tư liệu sống của một người từng trải, lăn lộn với thực tế, ở khả năng quan sát và chiêm nghiệm một cách tinh tế, mà còn ở một lối viết có nhiều tìm tòi, sáng tạo đáng quý.

 

 

Chú thích:

(1) Đỗ Kim Cuông – Trang trại hoa hồng, NXB Hội Nhà văn. H.2016 ; (2) Gérard Genette, Narrative Discourse. An essay in method (1980) - English translation. Trans. Jane E. Lewin. Ithaca, NY: Cornell UP. Narrative Discourse Revisited (1988) - English translation Trans. Jane E. Lewin. Ithaca, NY: Cornell UP; (3) Hoàng Cát: “Trang trại hoa hồng” hay bi kịch chiến tranh, http://vnca.cand.com.vn/Ly-luan/Trang-trai-hoa-hong-hay-bi-kich-chien-tranh-466600/; (4) Nguyễn Thế Quang: Trang trại hoa hồng - một thành công mới của nhà văn Đỗ Kim Cuông, https://vanhien.vn/news/trang-trai-hoa-hong--mot-thanh-cong-moi-cua-nha-van-do-kim-cuong-48750

 

N.M.Q

(Nguồn: TC VNNB 249-3/2021)

Bài viết khác