Chủ nhật, 19/05/2024

Nguyễn Hữu Văn nguời cần mẫn say mê con chữ

Thứ năm, 18/07/2019

NGUYỄN THỊ BÌNH
Nguyễn Hữu Văn là một người viết “khỏe”. Nói thế bởi tác phẩm của ông vẫn được xuất bản đều đặn, bất kể thời gian và tuổi tác. Đó là điều tôi rất khâm phục. Khâm phục nữa là ông viết khá đa dạng các thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn và cả thơ…

Cho đến nay, ông đã có 09 tác phẩm được xuất bản. Chưa cần nói đến chất lượng, nhìn vào số lượng tác phẩm cũng đủ để ngưỡng mộ sức viết của ông. Biết rằng ở tuổi “thất thập cổ lai hy” sức khỏe của ông cũng giảm sút, nhưng với nghị lực và lòng đam mê văn chương, những trang viết của ông vẫn không ngừng tuôn chảy. Tập truyện ngắn Hai người cha- Nhà xuất bản Văn học, năm 2017 là một minh chứng tiêu biểu.

Hai người cha gồm 41 truyện ngắn. Đa phần là những truyện đã được đăng tải trên các Báo, Tạp chí trung ương và địa phương. Mỗi truyện ngắn của ông là mỗi câu chuyện đời hay dở, tốt xấu khác nhau, qua đó tác giả thể hiện cái nhìn khách quan, nhiều chiều của mình với hiện thực đời sống.

Theo cảm nhận của tôi, truyện ngắn của Nguyễn Hữu Văn không có gì “đặc biệt”. Đó là những mẩu chuyện ngắn theo đúng nghĩa, tình tiết và cốt truyện không éo le gay cấn, chỉ là những tình huống rất đỗi bình thường, như cuộc sống vốn là như vậy, thế rồi tác giả quan sát, nắm bắt, chắt lọc viết thành những câu chuyện mang tính nhân văn. Có phải vì vậy, truyện của ông nghe quen quen, như đâu đó nó vẫn xảy ra thường ngày? Nhiều truyện của ông nhẹ nhàng, ấm áp, ý nghĩa, người đọc qua đó có thể rút ra những bài học ứng xử trong cuộc sống.

Làm nghề địa chất, cho nên những vui buồn trong công việc luôn là mối quan tâm thường xuyên của ông. Thế nên, những truyện về đề tài này có vẻ như rất thuận tay với ông (Người viết chữ lên không gian, Một người bạn học, Về lại với mùa xuân, Nụ hôn muộn, Hai người cha, Vùng hồng hoang thức dậy…). Một giáo sư Tiến sĩ khoa học tên Quân, giỏi giang lịch lãm, lừng lẫy tên tuổi khắp trong ngoài nước, mà khi về làng, hành động đầu tiên là ông xuống xe, đi bộ tay xách chiếc túi căng phồng, bỏ mũ tay cầm trên tay trái, rẽ vào ngõ thăm thầy giáo cũ (Người viết chữ lên không gian). Nhưng đó chưa phải là tất cả những điều tác giả muốn nói. Truyện ca ngợi tình yêu đẹp giữa một người “lập dị”, “dở hơi” với một cô gái đẹp. Thuở nhỏ, vì nhà nghèo, cậu không được đi học nên tự học bằng cách nhiều lúc cái ngón tay trỏ của cậu cứ vung tung hoành ngang dọc lên nền trời…Cái cách học này của cậu đã bị một cô gái con nhà khá giả xinh đẹp như nàng Thúy Vân trong truyện Kiều hiểu lầm, khi thấy chàng ngoáy tít ngón tay như chỉ vào mặt mình, cô đã nổi đóa: A cái thằng khố rách áo ôm dám trêu mình, rồi chạy lại vặn tai cậu ta một cái đau điếng và bỏ đi…Rồi cậu trở thành kĩ sư địa chất, nay đây, mai đó. Cô gái đẹp trở thành nhà báo. Ân hận vì lỗi lầm của mình với người bạn trai, cô quyết tâm đi tìm để xin được tha thứ. Họ đã tìm thấy nhau và cùng gắn kết cuộc đời như một bản tình ca đẹp…

Truyện Một người bạn học, nhân vật xưng tôi kể về một người bạn học ham mê ngành địa chất tên là Châu. Trong chiến đấu, nhờ có kiến thức vững vàng về địa chất, Châu- người cán bộ đã tham mưu cho Sư trưởng Cho toàn bộ trận địa khoét hàm ếch trong hầm ở độ sâu hai mét rưỡi… quả nhiên, hầm hàm ếch vừa tránh được mảnh bom, vừa tránh được mưa nắng. Có lần Sư đoàn phó khi xem xong chất đất, liền đề nghị cho bộ đội hành quân qua đầm lầy, đề nghị này vấp phải sự phản kháng trực tiếp của Trung đoàn trưởng, nhưng mệnh lệnh vẫn được thi hành. Kết quả là đoàn quân đã an toàn không bị thụt, không bị oanh tạc vì có bóng cây rừng che khuất. Từ đó, người kĩ sư công binh, cố vấn kĩ thuật, trung tá Sư đoàn phó được đơn vị trìu mến gọi là “Sư phó Hai Biềng”. Chiến tranh kết thúc, Hai Biềng là Tổng giám đốc một cơ quan kĩ thuật, nổi tiếng với tấm lòng nhân hậu. Thật vui khi nhân vật tôi đã gặp lại người bạn học cũ.

Truyện ngắn của Nguyễn Hữu Văn đề cập đến những đề tài khác như: Tình yêu (Cái ngõ, Nàng Nu Lan ở nước Triệu voi, Huyền thoại một tình yêu…) Giáo dục (Thầy Hoàn, Về lại với mùa xuân, Thầy Hòa…), Nông nghiệp (Cánh đồng An Phú, Dự án đồng quê, Trước cánh đồng quê), Du lịch (Một niềm tin, Mùa xuân gặp lại…), Công nghiệp (Người kỹ sư trưởng, Hai người cha, Trung du)… Điều đó chứng tỏ ông đi nhiều, quan sát nhiều và luôn có những trăn trở về những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Từng là thầy giáo, Nguyễn Hữu Văn cũng dành nhiều tình cảm, tâm huyết cho đề tài này. Không có chuyện đấu đá một cách quyết liệt trong nghề nghiệp, mà đó chỉ là những mâu thuẫn nho nhỏ, những tranh giành nhau không đáng có của những đồng nghiệp, và như vậy cũng phân định rõ hai hạng người tốt, xấu. Truyện Thầy Hoàn là một trong những truyện như thế. Hoàn và Hường yêu nhau khi còn là sinh viên. Chuẩn bị ra trường, vì Hoàn không nghe theo kế hoạch của người yêu là ở lại thành phố, mà cô bỗng thay đổi tình cảm và thái độ. Và tình yêu của họ tan vỡ. Hoàn nhận công tác tại một trường miền núi, nói như Hoàn thì đó là nơi mọi người cần anh đến. Tại đây, Hoàn đã cống hiến hết mình, thậm chí anh còn thường xuyên nhường phần ăn của mình cho học sinh. Có một lần đói lả, anh bị ngất (học trò thì tưởng thầy Hoàn đã chết). Cô giáo Hạ- người chỉ đáng tuổi cháu của thầy Hoàn, đã biết được nguyên do của vấn đề và cứu chữa cho anh. Thế rồi như một lẽ tự nhiên, Hạ đem lòng yêu thầy Hoàn. Tình yêu của họ hứa hẹn sẽ thành quả ngọt giữa nơi miền quê heo hút…

Về lại với mùa xuân cũng là một truyện ngắn liên quan đến đề tài này. Theo bước chân của nhân vật xưng Tôi, người đọc sẽ được sống lại những năm tháng chống Mỹ. Tôi được điều về một trường Trung cấp dạy học. Tình bạn rồi tình yêu giữa Tôi và một cô gái mười tám tuổi có đôi mắt rất đẹp nảy nở. Nhưng tình yêu của họ gặp cản trở. Có tin anh sắp được đề bạt hiệu phó. Trưởng phòng tổ chức và Trưởng phòng giáo vụ (người đang hy vọng chức hiệu phó) cùng một vài giáo viên khác tìm cách “phá”, tung tin anh yêu vờ để lợi dụng. Họ mang anh ra kiểm điểm. Không chịu được những lời lẽ xúc phạm và vu cáo trắng trợn, anh đã tát vào mặt làm xoay đầu trưởng phòng giáo vụ. Anh bị chấm dứt nghề dạy học từ đó. Cái tát cứ theo anh như một án phạt nặng nề và thỉnh thoảng lại siết cuộc đời tôi lại. Nhân vật Tôi được ra nước ngoài học ngành địa chất. Hơn hai chục năm qua, anh không thể quên người con gái miền sơn cước ấy. Thế rồi anh quyết định trở lại miền đồi tơ duyên mong gặp cô. Ở đây mọi người vẫn nhớ và chờ đợi anh. Đặc biệt Trang- người con gái xinh đẹp khi xưa vẫn chờ anh trở về.

Là người con của Ninh Bình, dấu ấn quê hương in đậm trên mỗi trang viết của Nguyễn Hữu Văn. Nhất là từ khi tỉnh Ninh Bình được tái lập, những đổi thay của quê hương thường được ông chọn làm đề tài cho mỗi trang viết của mình. Trong nhiều truyện, hình bóng quê hương hiện lên, khi thì đậm đặc rõ nét, khi thì thấp thoáng, nhưng cũng đủ cho người đọc thấy được một Ninh Bình đang thay đổi từng ngày, từng giờ, trở thành một thành phố du lịch.

Truyện ngắn Một niềm tin, thông qua lời kể của nhân vật Tôi, quê hương Ninh Bình hiện lên với những danh thắng nổi tiếng làm nức lòng du khách: Tràng An, Tam Cốc Bích Động, Cúc Phương…Xuyên suốt câu chuyện là một tình yêu đẹp, xảy ra trong chiến tranh giữa nhân vật Tôi và cô chiến sĩ quân giải phóng nết na tài sắc vẹn toàn tên Huệ. Chiến dịch lớn mở ra, và họ bặt tin nhau đã mười lăm năm. Hòa bình, nhân vật tôi ra Bắc du lịch mong tìm lại được Huệ. Như một sự run rủi, tôi bắt chuyện với cô gái trẻ chèo thuyền tên Cúc. Cúc mời Tôi và người bạn đồng hành về nhà cô chơi. Nhân vật Tôi bàng hoàng khi nhìn thấy kỷ vật của mình-  chiếc lược làm bằng đuyra bày trong tủ ly có khắc hai chữ T và H, và biết được Cúc chính là em gái Huệ. Lúc đó, Huệ đi dạy học chưa về, Tôi có một niềm tin là mong đợi của mình sẽ được đền đáp. Đúng là Huệ của anh và cô vẫn chờ anh.

Mùa xuân gặp lại kể về sự gặp gỡ trên một chuyến đò về quê ngày giáp tết của Hoàng và Dung. Họ vốn là đôi bạn học, nhưng hoàn cảnh lại khác xa nhau. Nhà Hoàng nghèo, bố đi bộ đội, mẹ lại đau ốm luôn, nên tối nào cậu cũng xách ấm chè xanh đi dọc sân ga bán cho khách đi tầu. Nhà Dung khá giả, áo quần cô mặc toàn loại vải đắt tiền, nên cô đã đẹp lại càng đẹp hơn… Trớ trêu thay, Hoàng thích Dung nhưng vì không che giấu được tình cảm của mình, nên bị bạn bè phát hiện và trêu đùa. Nhưng đối với Dung, cô cho đó là một sự xúc phạm: Đũa mốc mà muốn chòi mâm son. Thế rồi Dung đi đại học, Hoàng trở thành nhà báo có tên tuổi, họ xa nhau. Sau này, ân hận vì những lời nói quá quắt của mình với Hoàng khi xưa, Dung nhiều lần đã đi tìm Hoàng. Thậm chí khi nghe tin Hoàng hy sinh, Dung đã đau đớn tới mức định liều mình. Nhưng tin đó không phải, Hoàng là nhà báo, những bài viết của anh trên các trang báo đã cứu Dung. Nay gặp Hoàng cô rất xúc động và muốn chuộc lại lỗi lầm…Truyện có một kết thúc có hậu.

Viết về tình yêu là đề tài quen thuộc trong nhiều truyện của Nguyễn Hữu Văn. Huyền thoại một tình yêu là một cốt truyện không mới, nhưng dưới ngòi bút của ông, truyện mang lại những cảm giác mới lạ thích thú, quan trọng hơn, nó đem lại niềm tin yêu giữa con người với con người. Hoài là con trai của một nhà văn, anh đã đỗ đại học và đang học trên Hà Nội. Hoài đem lòng yêu Lan- cô gái hàng xóm dị dạng. Mọi người gọi cô là “Lan dưa hấu”, vì đầu cô như một quả dưa hấu tròn nhẵn không một sợi tóc. Lan chỉ tự học ở nhà, nhưng rất sáng dạ học một biết mười, cô lại có giọng hát rất hay. Thời gian đầu, cha mẹ Hoài kiên quyết phản đối mối tình này, nhưng Hoài vừa gây sức ép, vừa khéo léo thuyết phục cha bằng tự trọng của nghề viết… Rồi khi hiểu ra, ông đã chấp nhận tình yêu này. Lan trở thành dâu thảo, chịu khó, nết na, được mọi người yêu quý. Và truyện có cái kết đẹp như trong cổ tích. Lan được phẫu thuật và trở thành một giai nhân nghiêng nước nghiêng thành…

Truyện của Nguyễn Hữu Văn cứ nhẹ nhàng và giản dị như vậy. Dù viết về đề tài nào thì cách xử lý tình huống truyện của ông cũng đơn giản và có phần dễ dàng. Cách dựng truyện như vậy không “làm khó” độc giả, nhưng nó cũng đem lại cảm giác trơn tuột, ít khi ám ảnh người đọc. Có cảm tưởng đôi khi, ông cố ép nhân vật vào một cái khuôn định sẵn, nên người đọc cảm thấy cách xử lý truyện có phần chưa thật thỏa đáng? Các nhân vật có khi chưa được chuẩn bị tâm lý cho hành động, lời nói của mình, nên có vẻ ngây thơ, dễ dãi…Những câu văn của ông nhiều khi chưa hoạt và chưa có sức nặng. Tất nhiên không thể đòi hỏi gì hơn với một người không được đào tạo viết lách bài bản, lại đã cao tuổi. Tôi hiểu những gì cả đời chắt chiu trải trên trang viết cũng là sự phấn đấu không biết mệt mỏi của ông. Chúc ông dồi dào sức khỏe và tiếp tục có những tác phẩm hay hơn nữa, đáp ứng lòng mong đợi của độc giả.

                                                                                    N.T.B

Bài viết khác