Chủ nhật, 19/05/2024

Những ngọn gió đồng

Thứ hai, 05/11/2018

Lời bình của HOÀN NGUYỄN

Rời phố phường tôi gặp ngọn gió quê
Gió thổi một thổi đôi thổi như dắt tôi đi giữa những bầy gió chạy
Tôi đông cứng gió thổi tôi mềm lại
Để như sông dào dạt phía ruộng đồng
Tôi trở về gặp buổi chiều mẹ vục bóng vào sông
Gió thổi áo nâu mềm lại ngày muối mặn
Thổi buốt tháng năm thổi tràn ký ức
Thổi mát những đau buồn còn nằm khuất đâu đây
Những vạt cỏ vơi hương gió thổi lại đầy
Ôi mùi hương của cỏ gầy tinh khiết
Đời đất cát lên hương từ đất cát
Nên mới thơm chân thật đến ngọt ngào
Gió chẳng bao giờ thổi tới trăng sao
Nhưng gió biết thổi cho nhau biết tự mình mở lối
Ôi những ngọn gió quê muốn ghim tôi vào đồng nội
Tôi bước ngược cánh đồng gió lại thổi ngược tôi

                  BÌNH NGUYÊN

Lời bình của HOÀN NGUYỄN:  Bước vào giai đoạn đổi mới, người người ra phố, nhà nhà ra phố mưu sinh. Đường đi đến đâu, phố mọc lên tới đó. Người quê chân lấm tay bùn, ra nơi phố thị, manh áo, tấm quần cũng sáng sủa đến theo. Cũng từ chút phố hội làm “hương đồng gió nội bay đi” mà chất quê xưa xa dần, chất “ngồi lê” thêm đượm. Cái khắc khoải chất quê, tiếng lúa, bờ tre của bao kiếp người một thuở ngày một phôi pha. Và trong số những người đằm trong khúc ru nôi, ấm trong tiếng kẽo kẹt võng đưa, lo lắng về những gì đang rơi, rụng từ bước chân lấm láp rời quê có Bình Nguyên. Một Bình Nguyên chân quê, sáng ấm trong thơ.
Có lẽ, lớn lên từ mảnh đất làng “chiêm khê mùa thối”. Thấu cái lam lũ tảo tần một nắng hai sương, vị mồ hôi mặn chát từ cha thấm vạt đất cày. Thương bóng lưng gầy, còng mùa cấy hái của mẹ, bắp chân còn ngấn váng phèn. Rời xa quê ra với đô hội, nơi “xô vai thích cánh”, nơi tất cả đều được quy về một từ “tiền”, hơn ai hết, Bình Nguyên ngấm như thế nào cái đang mất đi “hương vị đất bùn”. Ngày trở lại đất quê, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi tiếng à ơi ru qua bao đời, gặp lại đất quê, hương quê, ngọn gió quê đồng bãi mà Bình Nguyên phải thốt lên:

“Rời phố phường tôi gặp ngọn gió quê
Gió thổi một thổi đôi thổi như dắt tôi đi giữa
những bầy gió chạy
Tôi đông cứng gió thổi tôi mềm lại
Để như sông dào dạt phía ruộng đồng”

Cái chất “phố phường” đã bám vào để đến nỗi “gió thổi một, thổi đôi, thổi như dắt tôi đi giữa những bầy gió chạy” để cho “mềm lại”. Nói thế để biết cái “phồn hoa” nó dễ bám, dễ làm mê muội con người. Và cái sự thổi của “bầy gió chạy” chỉ đơn giản như sông bao đời vẫn vậy để trở về “dào dạt phía ruộng đồng”. Hương quê, chất quê còn đâu những ngày trên phố, nó đã trở thành một thứ khác, thứ đông cứng phù hoa bó chặt lấy tâm hồn. Sự mất mát này trở thành nỗi lo, đánh mất gốc gác bản thể của những người rời quê, “chất quê” bùn đất. Và cái sự lo đó nó từ ngay ký ức:

“Tôi trở về gặp buổi chiều mẹ vục bóng vào sông
Gió thổi áo nâu mềm lại ngày muối mặn
Thổi buốt tháng năm thổi tràn ký ức
Thổi mát những đau buồn còn nằm khuất đâu đây”

 Một ký ức của yêu thương, tảo tần, vất vả “mẹ vục bóng vào sông”. Ký ức về cánh áo nâu thấm mồ hôi cha mặn, đẫm lưng áo mẹ loang loáng thân còng. Cái ký ức “buốt tháng năm”, thổi qua miền ký ức. Ngọn gió đã từng “thổi mát những đau buồn còn nằm khuất” trong kiếp con người phận cò, thân vạc. Nếu không trở về, liệu những ký ức ấy còn trở lại? Chắc là không? Bởi, tất cả những vị chua phèn, những vất vả, buốt nhói của kiếp người nơi đồng phèn, nước mặn đã bay hoặc bị những hương hoa nơi phố hội lấy đi. Hình ảnh “mẹ vục bóng vào sông” hay chính mẹ vục bóng vào dòng sông cuộc đời? Cuộc đời đã không cho mẹ được phút giây thảnh thơi ngắm trời nhìn đất. Mẹ chỉ thấy nước là nước. Mẹ giấu nước mắt vào chính dòng sông cuộc đời. Nước mắt mẹ thành sông chảy ra làm biển mặn?
Lại là gió. Chỉ có gió. Nhờ có những ngọn gió đồng mà đứa con rời quê ra phố rũ được sự lầm lạc, điều đánh rơi, chút vị lạ với đồng đất váng phèn bám bắp chân mẹ, loang áo mồ hôi mặn của cha trở về với đúng chất quê. Sự gột rửa của gió cho tâm hồn sáng trong trở lại. Đất quê có nhọc nhằn ấy vẫn đất quê. Vất vả, tảo tần ấy cũng một quãng đời đã sống. Nhưng trên tất cả, trong thế gian, mấy ai có được điều đó. Nó là ký ức, là cái riêng, rất riêng của mỗi con người trên mỗi vùng đất mẹ sinh, cắt rốn chôn nhau. Ấy là triết lý, kể cả các bậc quân vương đến công hầu, khanh tướng, có ai buông được vạt áo mẹ sinh thành:

“Những vạt cỏ vơi hương gió thổi lại đầy
Ôi mùi hương của cỏ gầy tinh khiết
Đời đất cát lên hương từ đất cát
Nên mới thơm chân thật đến ngọt ngào”.

Đúng thế và mãi là như thế. “Đời đất cát lên hương từ đất cát”. Chỉ khi nào biết lớn lên tự chính những ký ức, từ những giọt sữa mẹ chắt từ vị chua phèn năm tháng, từ vị mặn mồ hôi thì sự ngọt ngào sẽ cất tiếng, tỏa hương. Hương thơm tự gốc mà thơm. Gốc không còn, hương có còn theo. Nguồn cội là gốc rễ cho cuộc đời bén vào hương sắc. Hương sắc không thể làm nên nguồn cội, có chăng, chỉ là chút điểm xuyết làm đẹp phù phiếm mà thôi.
Nếu chỉ biết “đời đất cát lên hương từ đất cát” thì có lẽ cũng chỉ là điều mà cuộc đời ai cũng phải biết và cần biết. Điều cần biết hơn, sâu hơn, lắng hơn ấy là biết được: “Gió chẳng bao giờ thổi tới trăng sao/ Nhưng gió biết thổi cho nhau biết tự mình mở lối/ Ôi những ngọn gió quê muốn ghim tôi vào đồng nội/ Tôi bước ngược cánh đồng gió lại thổi ngược tôi”.
Một cơn gió đơn độc sẽ chẳng mang lại sức mạnh. Sức mạnh của gió, của con người phải “biết thổi cho nhau, biết tự mình mở lối”. Nét “bầu bí chung giàn”của cha ông truyền dậy. Cũng như “bông hoa thơm biết nhờ ngọn gió”, “ngọt ngào tự vị mà ra”. Có thể, có ai đó thấy sự tự mâu thuẫn nhưng đây chính là sự logic của cuộc sống. Chỉ khi nào, biết tự thoát ra, vượt lên, biết “dựa vào nhau mà làm bão” thì khi ấy mới tự đứng lên, để không thể “ghim” lại với những tảo tần, buồn khổ. Và khi ấy, có thể lắm, sẽ là “hạt cát bay ngược chiều gió thổi” như lời dậy của nhà Phật đối với các bậc chân tu. Hạt cát bay ngược chiều gió, đối diện với thử thách nhưng cũng là cho gió gột rửa để hạt cát nhỏ nhoi kiếp người vẫn cứ mãi vẹn nguyên, mãi là chân giá trị của chính mình.
Với giọng thơ tự sự, bắt đầu từ sự trở về, rồi với những ký ức, đến sự tự nhận thức và cuối cùng là cách luận, “Những ngọn gió đồng” đã đưa người đọc đi từ cảm xúc này đến cảm xúc khác. Trường liên tưởng trong cảm xúc qua các cung bậc mang đến độ lắng, độ sâu, độ tinh tế trong cách cảm, cách tiếp cận, cách luận; là sự gửi gắm, lời tự sự của người viết đến bạn đọc. Ngôn ngữ mộc mà thanh; nhịp thơ chậm mà chuyển, gần gũi mà lắng sâu, như lời tự bạch của chính mình, “Những ngọn gió đồng” đã và sẽ là dấu lặng trong thơ viết về cuộc sống hôm nay. Thời những hào nhoáng phố phường đang lấn dần chất quê hay chính là sự “xâm thực” của những “bùa mê hương vị lạ” từ những văn hóa du nhập vào nét truyền thống trong mỗi con người thời @, “thế giới phẳng”. Có thể lắm, đây là lời “tuyên chiến” của Bình Nguyên với những gì không đúng là nguồn cội truyền thống nét Việt, hồn Việt đã ủ ấm và chảy suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Một Bình Nguyên tha thiết đất đồng quê. Đất váng phèn, con sông quê đã làm nên một Bình Nguyên “lấm láp” đồng làng không bao giờ rũ bỏ, mặc sự “phù hoa” đô hội có bóng bẩy và hào nhoáng thế nào. Một Bình Nguyên nồng ấm giữa những ngọn gió đồng, hương lúa.

                            
H.N

Bài viết khác