Chủ nhật, 19/05/2024

"Ông họa sĩ làng tôi" (*) và quan điểm nghệ thuật chân chính

Thứ hai, 19/10/2020

Th.S ĐỖ VĂN CHUYẾN
(Rút từ tập Phê bình "Trước trang văn" - Giải C, Giải thưởng VHNT Trương Hán Siêu tỉnh Ninh Bình lần thứ V)

Câu chuyện xoay quanh một chặng đường lao động nghệ thuật của nhân vật ông Tuấn, một hoạ sỹ được đào tạo bài bản. Ông xuất thân từ nông thôn và khi ra trường, ông lại gắn bó với làng quê, ruộng đồng. Theo quan niệm đương thời, một hoạ sỹ có năng lực như ông mà chỉ ở làng quê được coi như không thành đạt. Nhưng với lao động nghệ thuật, ông lại có được nguồn tư liệu và đề tài sáng tác khá phong phú. Do tranh ông phản ánh cuộc sống lao động thường ngày của người dân quê ngay nơi ông sống, nên ông có nhiều khán giả. Đồng thời chính những khán giả ấy lại là “khách hàng”. Tuy nhiên, họ là đối tượng không giàu có gì, cũng không phải là những người có nhiều đam mê nghệ thuật. Nên tiền bán tranh cũng chỉ đem lại cho ông cuộc sống thường thường bậc trung. Bù lại, “Năm nào đi triển lãm của địa phương, của trung ương ông cũng đều có giải… nhiều lần được giải cao nữa là khác.”

Từ tiền bán tranh, tiền thưởng, đời sống của ông ngày một khá giả. “Năm gian nhà ngói cũ kỹ đã được thay bằng năm gian nhà mái bằng vững trãi. Ông dành toàn bộ ba gian nhà ngoài làm xưởng hoạ”. Dù đã có một số thành công nhất định, ông Tuấn vẫn say mê nghệ thuật, ông tiếp tục đầu tư cho công việc sáng tạo nghệ thuật. Tài năng và sản phẩm của ông ngày càng được bà con trân trọng. Dân làng thường nói về ông với niềm tự hào bằng những lời ấm áp: “Hoạ sỹ làng tôi”, hoặc “Làng tôi có một hoạ sỹ”. Sống giữa làng quê, một người làm nghệ thuật, được nhiều người trân trọng như thế là một phần thưởng không dễ có, một nguồn động viên lớn. Chính người bạn hoạ sỹ của ông đã thừa nhận: “Phải công nhận là bác làm ăn khá, rất khá, chính là nhờ nghệ thuật đã đi đúng hướng, đã bắt sâu gốc, bền rễ vào cuộc sống…”

Lại cũng chính ông bạn đưa ra câu “tuyên ngôn” kia dẫn ông Tuấn đến một ngã rẽ của sự nghiệp. Phải nói, đây là một “tai nạn” nghề nghiệp. Là một hoạ sỹ, nhưng không có khả năng sống bằng lao động nghệ thuật, ông Thông làm nghề mối lái, lọc lừa. Ông Thông đi nhiều nơi, biết được các trào lưu nghệ thuật “mới mẻ”, nên ông khuyên bạn “tìm tòi, khám phá, sáng tạo…theo hướng “siêu hiện đại”. Rồi ông Thông vẽ ra viễn cảnh: “Thời bây giờ là thời mở cửa, tức là phải giao dịch rộng với nước ngoài, phải bán cho Tây, cho những thằng lắm tiền…”.  Theo ông Thông, “Tranh bán cho bà con nông dân… thì được bao nhiêu, thì phí quá…”. Như vậy, vì tiền, ông Thông đã quên đối tượng chủ yếu của văn học nghệ thuật, một đối tượng toàn xã hội phải hướng tới, phục vụ hết mình. Quan niệm nghệ thuật của ông Thông có khác nào quan niệm của nhân vật Hoàng trong truyện ngắn “Đôi mắt” của Nam Cao. Để thuyết phục bạn mình chuyển hướng sáng tác, ông đã phỉ báng nhân dân, những người không chỉ nuôi sống mà còn nuôi dưỡng sự nghiệp sáng tạo của ông Tuấn. Qua những lời nói, ta thấy trong suy nghĩ của ông Thông chứa đựng đầy rẫy mâu thuẫn. Lúc đầu, chính ông thừa nhận ông Tuấn “đi đúng hướng”, nhưng khi muốn thuyết phục bạn chạy theo đồng tiền thì ông lại khuyên ông Tuấn: “Bác phải vẽ khác đi. Phải vẽ sao cho người ta chẳng hiểu mình vẽ cái gì, nói cái gì… thế mới là khám phá, sáng tạo, tìm tòi, đổi mới…là siêu trí tuệ, là Tây”. Như vậy là ông Thông khuyên bạn đi lừa, “làm mù” thiên hạ. Lúc đầu, ông Tuấn còn nửa tin, nửa ngờ. Đến lúc, ông Thông vừa nói vừa rút tiền đặt cọc. Một xấp tiền năm triệu (thời điểm những năm 1990 số tiền ấy to lắm) có sức cám dỗ kỳ lạ đối với một hoạ sỹ nhà quê. Trước những lời bóng bảy, những viễn cảnh ông bạn vẽ ra, ông Tuấn đã siêu lòng.

Từ khi nhận lời ông Thông, ông Tuấn vung tiền, vung sức ra lao động sáng tạo kiểu “tranh Tây”. Ông mang tiền khao bạn bè, “kéo bạn ra nhà hàng đập phá”. Ông đầu tư mua sắm các vật dụng nội thất sang trọng mà trước đây ông không bao giờ mơ tới. Ông không muốn vẽ những người nông dân và con trâu con bò (người bạn của nhà nông) như trước nữa. Từ đấy, khán giả thưa dần và “khách hàng” cũng vì thế mà vắng bóng.

Điều gì đến cũng đã đến. “Tiếng ô tô con toe toe ngoài cổng, cả nhà nín thở chạy ra”. Và kết cục của câu chuyện đã mở ra: “Ông Thông vặn người quay vào với trong xe lấy ra một cuộn giấy to. Mọi người trố mắt nhìn ông khi thấy đó là cuộn tranh ông nhận ở ông Tuấn hai tháng trước”. Chưa hết, để tạo điểm nhấn cho bi kịch của câu chuyện, tác giả đã cho xuất hiện cảnh: “Giữa lúc ấy thì lại có hai thanh niên to con, lực lưỡng ra dáng những anh chị, đại ca… cưỡi xe máy lao rầm vào tận sân. Vừa dừng xe, một gã đã hất hàm nói bô bô: “Được tin hình như hôm nay họ mang tiền bán tranh về cho ông… Bà chủ nhà hàng Tiên Dung cho chúng tôi về xin ông thanh toán ngay cho số tiền ông chiêu đãi, ăn khao mấy bữa vừa rồi…”

Người đọc thương cho ông Tuấn và những người trong gia đình khi nhìn cảnh: “Chàng thanh niên vừa nói nọ liền thử chạm vào vai ông Tuấn mà vẫn thấy ông không hề động đậy gì, mặc dù hai mắt vẫn mở trừng trừng (và mấy người cũng vậy).”

Như vậy trong truyện ngắn, tác giả đã xây dựng hai nhân vật có đặc điểm và tính cách tương phản để nêu bật chủ đề về quan điểm sáng tạo nghệ thuật. Nhân vật ông Tuấn thì bình dị, cả đời gắn bó với ruộng đồng, sống gần gũi với bà con nông dân, sống thật thà đến dễ tin. Những tác phẩm của ông vì vậy cũng bám sâu gốc rễ vào cuộc sống phản ánh được bản chất của đời sống người bình dân, đối tượng đông đảo của xã hội. Ông thành công là vì thế.

Cùng với làn sóng của cơ chế thị trường, ông Thông xuất hiện. Ông Thông có ngoại hình, phong cách rõ ra là sản phẩm của đời sống thị trường. “Người ông béo tốt, phì nhiêu ra dáng một người phong lưu, lọc lõi ở đời”. Trong những lập luận của ông Thông thể hiện một tính cách không trung thực, nếu không muốn nói là tráo trở, lọc lừa. Ông Thông đã xui bạn đi lừa thiên hạ. “Bác phải vẽ khác đi. Phải vẽ sao cho người ta chẳng hiểu là mình vẽ cái gì, nói cái gì…thế mới là khám phá, sáng tạo, tìm tòi, đổi mới…”. Ông tưởng thiên hạ toàn là những người ngu. Khi ông rủa thiên hạ “Họ ngu quá” thì người ta lại hiểu ngược lại. Ở Tây cũng như ở ta, phần lớn người lắm tiền đâu phải được kiếm ra bằng những mánh khoé lọc lừa như ông. Tiền là mồ hôi, trí tuệ nên người ta sử dụng đúng chỗ, có hiệu quả. Kết cục có tính chất bi hài của câu chuyện là kết cục tất yếu của những nghệ sỹ kém cỏi lại không nghiêm túc trong lao động sáng tạo, thiếu tôn trọng chủ thể của nghệ thuật. Qua những lập luận của ông Thông ta thấy do học hành không chu đáo nên ông hiểu biết nông cạn về nghệ thuật, về hội hoạ và một con người thiếu văn hoá. Sai lầm lớn nhất của ông Thông là đã coi thường người dân lao động, đối tượng phục vụ và chính là nguồn đề tài không bao giờ cạn của văn học nghệ thuật. Xét về chiều sâu văn hoá, khi xui bạn học đòi theo Tây, muốn giàu như Tây, ông đã đẩy bạn đến chỗ đánh mất mình, xa rời bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc.

Trong Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị Đảng Cộng Sản Việt Nam, khi xác định Chủ trương và Giải pháp tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới đã nhấn mạnh: “Trên nền tảng mỹ học Mác –xít, tư tưởng Hồ Chí Minh, khuyến khích văn nghệ sỹ bám sát thực tiễn của đất nước, gắn bó với cuộc sống của nhân dân, bảo vệ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại; lên án, phê phán không khoan nhượng những tiêu cực, xấu xa đang cản trở sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam”. Bằng việc xây dựng hình ảnh tương phản giữa hai nhân vật, từ diễn biến và kết thúc câu chuyện, tác giả đem đến cho người đọc một thông điệp, một “tuyên ngôn” nghệ thuật có thể đã cũ nhưng vẫn đúng: Muốn thành công, văn học nghệ thuật phải gắn bó mật thiết với đời sống lao động. Nghệ thuật chỉ thực sự phát triển, đóng góp hữu hiệu cho sự phát triển chung của xã hội, khi nó xác lập được mối liên hệ vừa sâu xa vừa trực tiếp với đời sống chính trị, văn hoá, đạo đức của xã hội…Với truyện ngắn “Ông hoạ sỹ làng tôi”, tác giả không chỉ đề cao giá trị của tác phẩm nghệ thuật phản ánh chân thực cuộc sống nhân dân, ngợi ca những tấm gương lao động nghệ thuật vì con người, mà còn phê phán quan điểm sai trái trong lao động nghệ thuật. Nhà văn Thanh Thản đã thành công khi dùng hình tượng nghệ thuật minh hoạ sinh động cho mối quan hệ giữa văn học nghệ thuật với đời sống xã hội. Đây là quan điểm nghệ thuật chân chính.

 

Chú thích:

(*): Truyện ngắn trích trong tập “Mùa hoa bưởi” của Thanh Thản, Hội VHNT Ninh Bình, năm 2010.

                                                                           Đ.V.C

(Nguồn: TC VNNB 241+242+243)

 

Bài viết khác