Chủ nhật, 19/05/2024

Phúc nhà bồi đắp yêu thương (Đọc tập thơ “Phúc nhà” của  Lâm Xuân Vi)

Chủ nhật, 20/10/2019

MAI VĂN PHẤN
Thơ Lâm Xuân Vi đã trải qua hành trình dài. Với mười tập thơ, ba tập tiểu luận, phê bình, ký và ghi chép, nhà thơ đã tạo được dấu ấn khó quên trong lòng bạn đọc về một phong cách thơ không thể trộn lẫn, chân thành mà mê mẩn, bao dung mà quyến rũ.

Từ bài thơ trình làng đến những sáng tác gần đây cho thấy, thơ Lâm Xuân Vi trung thành với thi pháp truyền thống, cách viết dung dị, lấy chất liệu trực tiếp từ đời sống, ngôn ngữ đại chúng. Trong mọi giai đoạn, ông luôn giữ trọn niềm đam mê dâng hiến, sống, sáng tạo hết mình, yêu thương đắm say. “Yêu cho muôn nẻo xa xăm hóa gần” (Phía em đi). Đọc thơ Lâm Xuân Vi rất khó đoán tuổi tác giả. Bạn đọc thường gặp trong thơ Lâm Xuân Vi bóng dáng một người đàn ông quắc thước vùng châu thổ sông Hồng, giọng nói trầm ấm, bàn tay mở ra gần gũi, ân cần.  

Nhà thơ Lâm Xuân Vi từng viết nhiều đề tài, từ những điều bình dị, riêng chung trong mưu sinh thường nhật, đến luận bàn thế sự, thiên nhiên, cuộc sống… Thời gian gần đây ông dành nhiều thời gian và tâm trí viết về gia đình, dòng tộc, mà theo nhà thơ, đó chính là cội nguồn của yêu thương tạo nên cốt cách, cũng như năng lượng, sức mạnh mỗi con người: Sum suê cảnh sắc vườn nhà/ Phúc trời lộc đất ngày qua độ ngày (Cảnh sắc vườn nhà).

Quan hệ gia đình, dòng tộc trong thơ Lâm Xuân Vi chính là mạch nguồn làm nên diện mạo con người, rộng lớn hơn, là đầu mối khởi nguồn của một xã hội bác ái, văn minh, định hình tính cách một dân tộc nhân hậu, giàu lòng vị tha. Gia đình cũng chính là nơi để mỗi con người lên đường, cống hiến vì nghĩa lớn, rồi lại trở về “nơi chôn nhau cắt rốn” quần tụ, sum vầy. Những điều bình dị và ý nghĩa ấy đã đem đến cho nhà thơ Lâm Xuân Vi ý tưởng và cảm xúc để tuyển chọn tập thơ, mang tên “Tiếp nối phúc nhà”.

 Tập thơ cho tôi hình dung được tới thăm ngôi nhà thân quen của ông chốn thôn dã. Nơi “Cỏ gai chăng kín lối mòn” (Mẹ ơi), nơi “Gió qua vườn gió hiển linh giãi bày” (Nguồn cội thi thư). Chính nơi vùng đất đế đô Hoa Lư ấy có vườn cây xao động bởi những cơn gió biển từ Cồn Thoi bất chợt thổi về, gợi nhớ những buổi “Nắng ngày xa” (Tên một tập thơ của Lâm Xuân Vi), nhớ trận “lũ đồng chiêm cồn cào” thuở nào (trong bài thơ “Mẹ”).

Nhà thơ Lâm Xuân Vi viết nhiều về mẹ, rất cảm động, cho tôi liên tưởng tới cuộc đời bao bà mẹ âm thầm nhẫn nại, giàu đức hy sinh trên xứ sở này: Mẹ nghèo thân phận rêu rong/ Xanh cho hoang dại tận lòng còn chi. Hình ảnh người mẹ trong thơ ông đồng nghĩa với đất đai, thiên nhiên, khí thở: Yêu đồng chiêm đến tàn hơi/ Trở về đất lại đắp bồi đồng chiêm (Mẹ).

Câu thơ giản dị mà gây ấn tượng mạnh mẽ về lòng bao dung, tình yêu thương của người mẹ rộng lớn, bao trùm lên đất đai, cây cỏ, sông suối... Thi ảnh này dựng nên một biểu tượng mẹ, hiền hậu nhân từ và quyền phép hiển linh trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ta từ xa xưa: Hiển linh tự cội nguồn xa/ Rưng rưng dội mạch tim ta máu hồng  (Cội nguồn)

 Hình bóng người cha cũng thường hiện về gần gũi, ấm áp trong thơ Lâm Xuân Vi. Câu thơ sau đây trong bài thơ “Cha” cho ta cảm nhận sức mạnh của lòng yêu thương từ đấng sinh thành, luôn lan tỏa, che chở, trường tồn trên cõi đời này: Người về ấm mỗi giấc mơ/ Dìu con ra khỏi bơ vơ tủi hờn (Cha)

 Trong tập thơ này, nhà thơ Lâm Xuân Vi tập trung viết về những người thân yêu trong gia đình, dòng tộc. Ông coi đó là nơi thắp lên ngọn lửa yêu thương, khởi nguồn những giá trị cao đẹp của con người. Khi trưởng thành, những đức tính tốt đẹp như trí, tín, trung, dũng, liêm... của mỗi con người được lan tỏa, làm nên những điều cao cả, tốt đẹp cho cả cộng đồng. Hình ảnh người chị trong bài “Ngày mất chị” cho bạn đọc cảm nhận như có sợi dây vô hình kết nối giữa hai thế giới âm dương cách trở: Trong mê sảng biết có lần chị gọi/ Mà còn đâu nhớ nổi em mình. Câu thơ trên cho thấy, những người sống vẫn đi tiếp con đường yêu thương, thực hiện những ước nguyện của tổ tiên, những người thân yêu đã khuất.

Tập thơ “Tiếp nối phúc nhà” còn cho tôi cảm nhận về ân huệ hôn nhân, những giá trị nhân văn, lòng vị tha quảng đại, tình yêu thương mạnh mẽ, nhất mực thủy chung của con người: Ga cuối cùng anh đã có em/ Là có cả mọi điều viên mãn/ Anh sẽ hát cho lòng thanh thản/ Để em tin tất cả mới bắt đầu. (Ga cuối)

 Thơ tình Lâm Xuân Vi ở những tập thơ trước có hương vị riêng, khá ấn tượng, thật thà da diết, ngơ ngẩn mà chằm bặp, như: Trời còn cho nói một câu/ Vẫn xin nói lại lời đầu yêu em. (Day dứt)

 Năm nay nhà thơ đã bước sang tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng trái tim ông vẫn rộn ràng dành tặng cho người bạn đời thủy chung của mình những vần thơ nồng ấm, đắm say: Em nồng nàn một nửa/ Nhận gian khổ riêng mình/ Còn để dành một nửa/ Thắp lửa tình thơ anh. (Một nửa)

 “Tiếp nối phúc nhà” chính là ngọn lửa được thắp sáng, lan truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tập thơ cho bạn đọc thêm một lần cảm nhận sâu sắc tình yêu thương trong mỗi gia đình thời hiện đại. Theo truyền thống Á đông, đặc biệt người Việt từ xa xưa, các gia đình tam, tứ, ngũ đại đồng đường có ý nghĩa, các thế hệ cùng hạnh phúc sống hoà thuận trong một mái nhà. Thơ Lâm Xuân Vi đã viết về vẻ đẹp tinh hoa truyền thống ấy. Tình cảm ông cháu trong bài thơ “Ru cháu” được nhà thơ biểu lộ vô cùng đẹp đẽ, mang đến cho bạn đọc một cảm giác thanh khiết, an lành: Hương xuân dịu ngọt la đà/ Thả vào giấc ngủ nõn nà biếc xanh/ Ngủ ngoan hoa trái trĩu cành/ Ngủ ngoan cháu ngủ ông thành mùa xuân. Khổ thơ mở ra trong trẻo như một sớm mai khi ta vô tình thức dậy, bỗng thấy nắng mới tràn về, chim hót trong vườn, và trên đầu mây trắng đang bay

Nhà thơ Lâm Xuân Vi lấy tên tập thơ “Phúc nhà” từ  bài thơ “Tiếp nối phúc nhà”. Đây là bài thơ tác giả tiễn cháu nội Lâm Hoàng đi học cao học tại Cộng hòa liên bang Đức: Tiếp nối phúc nhà, giờ Cháu du học Đức/ Đường tu nghiệp đắp bồi kiến thức.../ Vốn nết nhà tự lực lập thân. Đó cũng là khát vọng tiếp nối truyền thống gia đình mà ông gửi gắm ở thế hệ sau.

“Văn học, đặc biệt thơ ca là niềm khao khát đam mê suốt đời. Bởi sẽ tìm thấy ở đó nguồn dung dưỡng cái Thiện, mà đời đời con người phải hướng tới để bồi đắp và tôn vinh nó”. Nhà thơ bầy tỏ mục đích và quan niệm sáng tạo như vậy trong lần trả lời phỏng vấn báo Nhân Dân. Niềm khao khát lớn nhất của nhà thơ Lâm Xuân Vi trong tập thơ này là bồi đắp tình yêu thương con người ngay từ trong mái ấm mỗi gia đình, là cuộc quy tụ “truyền phúc” giữa các thế hệ để làm nên căn cốt, cội rễ cho mỗi con người, cũng như tạo nền tảng vững chắc cho cộng đồng và xã hội.

Tập thơ “Tiếp nối phúc nhà” của nhà thơ Lâm Xuân Vi mang ý nghĩa vận động của dòng chảy yêu thương, từ cội nguồn, tiếp nối đời này qua đời khác làm nên diện mạo văn hóa, bản sắc một dân tộc. Tập thơ xuất hiện, ngoài giá trị thẩm mỹ còn mang ý nghĩa giáo dục trong thời đại bùng nổ thông tin và khủng hoảng những mối quan hệ cá nhân, dẫn đến việc phá vỡ cơ cấu gia đình, một thành tố quan trọng cơ bản của đời sống xã hội. Những giá trị nhân văn trong tập thơ này chính là vẻ đẹp, lòng nhân ái và cao thượng trong tâm hồn người Việt đương thời và mãi sau này.

                                                                                    M.V.P

Bài viết khác