Chủ nhật, 19/05/2024

Song đôi lục bát cùng Bình Nguyên

Thứ năm, 15/08/2019

NGUYỄN THỊ PHƯƠNG 
(Đọc tập thơ "Trăng hẹn một lần thu" của Bình Nguyên

Theo nhịp lục bát, thỉnh thoảng giữa dòng lại trôi xuôi đôi cặp “hai hàng”, “song song” mà biến thể của nó là “sóng đôi”, “bên núi, bên non”, “hết lở lại bồi’…Cũng không ngụ ý gì, là nhà thơ tự nhiên mà viết thế. Nhưng một cách tình cờ đấy cũng lại là cái tứ chung cho cả tập thơ . Trong vần điệu uyển chuyển của lục bát chứa chất cả bao điều vĩnh cửu và mới mẻ của đời sống này.

Từng biết đến một giọng điệu phóng khoáng và ý tưởng phơi mở, điệp trùng ở hầu hết các tập thơ trước của Bình Nguyên, lối viết như một dấu ấn của sự tìm tòi về hình thức biểu đạt mới cho thơ ca, gây được ấn tượng thẩm mỹ đậm nét cho người đọc:

“Sớm nay tung cửa nhà sàn gặp vô số tiếng chim
Vòm trời miên man vách đá miên man
tiếng suối trong veo thế cũng miên man
Từng âm điệu đã tinh khiết ùa vào nhau
thành bè còn hơn tinh khiết…”

                   (Một ngày với tiếng chim)

Cũng từng biết một giọng hát ru dịu dàng đầy trắc ẩn thủa “Hoa thảo mộc” nhuần nhụy:

Người mà bán cái lặng im
Thì ta mua lại nỗi niềm xót đau
Người mà bán những trầu cau
Thì ta mua phải lòng nhau thật nhiều…”
                       
      (Chợ tình)

Một đằng ý tưởng và câu chữ như tâm thế con người hiện đại vừa phóng thoát khỏi bụi bặm, chen lấn thị thành mà mặc cho nguyên sơ, tinh khiết ùa vào, cho cảm xúc tràn ra miên man không dứt. Phía kia khắc khoải phận người trong cái lối đưa đẩy, day dứt của ca dao…Sự giao thoa và khác biệt ấy đến “Trăng hẹn một lần thu” một cách tự nhiên đã nương tựa, nâng đỡ nhau trong thuần thể lục bát. Thể loại mà hầu như người làm thơ nào cũng hơn một lần “gieo” thử để hoặc trụ lại sau bao thử thách như một mối lương duyên  hoặc buộc phải tìm một lối biểu đạt khác nếu không muốn chìm nghỉm vào cái “biển” vần điệu mà nhảy xuống thì dễ, trường sức bơi mới là vấn đề.

Năm tập thơ đã in có thể xem như một cuộc đua dài mà tác giả vốn dày dặn kinh nghiệm tự thấy mình thuộc về đâu, nên neo đậu về bến bờ nào.  Bình Nguyên như cách một người từng chu du trong không gian tự do của thể loại, một ngày về lại bậc thềm đầy rêu là lục bát, thấy thẳm sâu trong nhỏ mọn quen thuộc là tất cả đời sống đang sinh sôi nảy nở như nó vốn có. Nếu trước đây thơ Bình Nguyên hiện đại mà không sa vào rắc rối, khó hiểu thì bây giờ ở tập mới nhất này ông tìm tới lối diễn đạt rất quen thuộc mà sức gợi của câu chữ lại liên tục mở ra những trường nghĩa mới. Nếu tìm một sự liền mạch theo kiểu câu nọ gọi câu kia rất dễ thấy ở thể loại này trong thơ Bình Nguyên thì quả nhiên khó khăn. Bằng cách nào đấy, hoặc là cái “tạng”, hoặc là ông đã ý thức rất sâu sắc để không sa vào cạm bẫy dễ dãi của thể loại mà không nhiều người làm thơ tránh được. Viết về đá với tính chất đơn điệu của chúng mà nhà thơ thấy ấm áp của bầu bạn, quây quần

“Bao nhiêu đá trẻ, đá già
Không cao được đội nhau mà cao lên
Kề lớp dưới với lớp trên
Nối sau với trước mà nên rộng dài…
…Sinh ra đã biết gọi bầy
Đã thành chòm xóm đan dày bên nhau”
                      
      (Với Cao nguyên đá)

Ở những câu giản dị mà mở ra nhiều lớp nghĩa đâu chỉ đơn thuần là gợi liên tưởng từ cấp độ hình ảnh bất ngờ và mới lạ. Hơn thế hình ảnh ấy gói ghém cả trải nghiệm đời người mà bật ra như một chân lý đời sống bình dị mà thấm thía. Bình Nguyên cũng không cố công đi tìm những từ ngữ mới, hay nói cách khác vẫn là quặng ở mỏ ngôn ngữ lộ thiên nhưng khi ông lướt qua, nhấc chúng đặt cạnh nhau như lời nói bình thường hàng ngày câu thơ sẽ lại mang một ý nghĩa mới, đó là nỗi ám ảnh mới, sự suy ngẫm mới về lẽ được mất ở đời, ở sự biến đổi của đời sống xã hội:

“Có nghe thắt lại giữa chừng
Bao nhiêu tiếng gọi ngập ngừng hôm qua”

…“Biết còn có với xa xôi
Mùa không hẹn gió thổi đôi lại buồn"
                                    (Gửi em từ núi)

Lục bát Bình Nguyên không nghiêng hẳn về âm điệu ca dao, vòng vèo với ẩn dụ sâu kín “Cá cắn câu biết đâu mà gỡ/ Chim vào lồng biết thủa nào ra”, cũng không sấn sổ “Em bỏ chồng về ở với tôi không” (Đồng Đức Bốn) trong tiếc nuối của những yêu đương dang dở, lỡ làng. Buồn đau ấy không phải là đối tượng để trách cứ mà là cơn cớ để suy tưởng, để thấu hơn hiện thực bất trắc và dâu bể này. Giận đấy mà không to tiếng, yêu đấy mà chỉ thầm thì, muốn đấy mà đành từ xa nhìn lại…

Thú vị nhất ở “Trăng hẹn một lần thu”  là sự biến ảo giữa cũ và mới, giữa quen và lạ, giữa bình thường và thăng hoa, một sự biến ảo, giao hòa không dễ thấy.  Có hẳn hai “vệt” chất liệu và lớp nghĩa sóng đôi. Ở rất nhiều bài nhà thơ sử dụng chất liệu quen thuộc, cổ xưa và thổi cho nó một tinh thần mới. Cũng là bến nước cây đa, là khói bếp rạ rơm sương chiều, là kiếp cỏ với cuối mùa thu tan, là chuông chùa với nâu sồng thoát tục…nhưng mang tâm thế của con người thời đại. Không đến nỗi phải kêu lên (nghe rất…bảo thủ) kiểu Nguyễn Bính “Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng” hay Phạm Công Trứ “Em tôi áo chẽn, em tôi quần bò”, Bình Nguyên quan tâm đến sự xáo trộn từ trong bản chất của đời sống thôn dã khi người ta bỗng “Bàn tay cày cuốc gieo trồng/ Bỗng quen xé mảnh ruộng đồng trao tay” để “Bên kia mua dọc, bên này bán ngang” (Chợ đất), “Cặp đôi như thể lên đồng/ Rồi mai điệu ấy gieo trồng ở đâu”… Để cho không gian đầy ắp kỷ niệm của đời người chợt biến mất “Rời làng ra phố đổi đời/ Ao sen ruộng mạ về trời mơ tiên” (Gửi chị Tầm). Quá khứ đấy không chỉ một ngày bị đánh thức, gợi nhắc mà nhớ nhung, tiếc nuối, nó chính là một phần đời sống thực tại đang vây quanh ta, đến nỗi nó chi phối nhân vật trữ tình một cách ghê gớm “Em về gọi chị, chị đâu/Chiều xa xót hắt lên màu khói sương” (Nhớ chị Cát). Ra phố mà vẫn nhớ làng, nhớ cái khuất lấp không tài nào vớt lại hồn vía của nơi chốn êm đềm. Mang tâm thế ấy người thơ cứ như luôn bị bật ra khỏi cuộc sống thị thành. Có thuận theo, chung sống với bầu khí quyển ấy để mà mưu sinh thì từ sâu sa không gian để nhân vật đắm mình trong đó là không gian làng quê,  nỗi niềm quê kiểng vẫn cứ bật lên, cứ lẫn vào cái nhìn phố xá và nỗi buồn cô đơn, để “Đêm đêm gọi giấc mơ hời/Chỉ nghe tiếng vạc bên trời kêu thương” (Xa xứ). Thế nên mới thủ thỉ rủ rê người ta “Về dại” với mình, về với cánh đồng, dòng sông mà thanh lọc mình “Chiều nay đổ bóng vào sông. Bước chân gió bụi về trong lại mình” (Thơ viết trước dòng sông).

Ở một sóng đôi khác Bình Nguyên dùng tất cả những chi tiết bình dị hữu hình hay vô hình vẫn song hành cùng ta hàng ngày để nói về những gì xưa cũ hoặc chân lý của đời sống này. Đây là lối viết phổ biến nhất của tập thơ và làm nên giọng điệu trầm lắng của sự tự ý thức và chất sáng tạo của Bình Nguyên nhất. Bất cứ tín hiệu nào dù tình cờ hay đơn sơ đến đâu nhà thơ cũng có thể gọi ra ở đó những quy luật muôn đời của tình yêu, nỗi nhớ, của dang dở đắng cay, của sự hữu hạn đời người. Cuộc sống với ông dẫu thế nào cũng là một trải nghiệm thú vị “Năm xô dạt tháng chòng chành/Qua bao kiếp nạn mà thành đời ta” (Một năm), là sự thấu hiểu và biết ơn “Gió mùa thổi buốt mái gianh/Thổi qua đời mẹ mà thành đời con” (Trở về sau chiến tranh). Và cả sự bơ vơ cay đắng của phận người “Phận này dắt cái thân đi/Dọc ngang chìm nổi từ khi ở đời”. Có cái gì đó thật xa xót trong giọng điệu của nhà thơ khi nhìn vào dâu bể của đời sống, sự bất trắc chăng hay sự hữu hạn của đời người “Sông khuya ai vớt trăng tàn/ Đêm khuya nước mắt ai tràn sau mây” (Con đường thân phận này). Khi liên tục hướng nội để nghe tiếng lòng mình nhà thơ thường có những triết lý sâu sắc và câu chữ tài hoa bất ngờ “Chị đi gửi lại trăng rằm/Phủ lên kiếp trước cho đằm kiếp sau” (Nhớ chị Cát), “Ta còn lạc lối trong ta/Nói chi ta lạc lối ra đường đời” (Phận thơ), “Bỗng chiều rơi một tiếng chim/Kìa trong cát bụi đang chìm bóng ai” (Cõi tôi), “Một ngày xa đã thành quên/ Con đường gió đã òa lên thành mùa” (Mùa sang), “Ngoại ơi trong cõi im lìm/Mắt hương rưng rức như tìm bóng ai” (Về thăm ngoại)…

Đặc điểm này đã tạo nên kết cấu rất riêng của lục bát Bình Nguyên. Các cặp lục bát vừa rất thống nhất trong tương quan toàn bài, vừa có thể đứng độc lập như bài thơ hoàn chỉnh hoặc mang một giá trị nhất định, nhất là các cặp câu kết. “Sợi tóc”, “Quê ơi”, “Gửi nàng Vọng Phu”, “Bóng người”, “Mùa sang”, “Chợ chờ”… là những minh chứng thuyết phục.

Cả tập thơ chỉ dùng độc một thể loại mà cất lời tự thú, suy ngẫm (đã thế còn là thể loại hệt như một cô nàng đỏng đảnh, ai cũng có thể mời gọi mà gia ân thì chặt chẽ, dền dứ) Bình Nguyên quả đã mạo hiểm. Nhưng tinh thần ấy của ông đã được đền đáp. Bạn đọc cũng vậy, thêm một lần lắng lại những điều tưởng như hiển nhiên mà không bao giờ xưa cũ đã được nhà thơ gọi tên giúp bằng một giọng điệu lục bát hiện đại dịu dàng, đầy trắc ẩn…

                                                                        N.T.P

 

Bài viết khác