Chủ nhật, 19/05/2024

Sức lan tỏa từ đèn không tắt sáng

Thứ hai, 24/06/2019

NGUYỄN THỊ BÌNH

Ma Văn Kháng là nhà văn gạo cội của nền Văn học hiện đại Việt Nam. Cả đời ông đã cống hiến không mệt mỏi cho văn học nước nhà.

Giờ đây, tuy tuổi cao sức yếu, ngày ngày ông dành thời gian chơi với cháu, nội ngoại và không hề xao nhãng việc văn chương. Đèn không tắt sáng của Ma Văn Kháng- một trong 10 truyện ngắn hay- Báo Văn nghệ, năm 2015, là một câu chuyện xúc động, giầu ý nghĩa nhân văn. Truyện kể về chuyến lên thăm vợ chồng anh con Út lần cuối của bà cụ Vy. Nào có gì to tát đâu, chỉ là những ứng xử bình thường của những người ruột thịt trong gia đình, mà sao nó đẹp đẽ, thiêng liêng và lay động lòng người đến vậy! Cũng dễ hiểu, bởi những ứng xử rất đỗi bình thường ấy đã xâu kết, duy trì và tiếp nối nền tảng đạo đức truyền thống gia đình, để rồi cuối cùng câu chuyện khép lại, tuy có mất mát, buồn thương nhưng đã giảm thiểu đến tối đa vẻ bi lụy cố hữu.

Tại sao truyện kết thúc bằng mất mát đau buồn, nhưng những người ở lại đều cảm thấy nỗi buồn đau vơi nhẹ đi…? Để hiểu điều này, ta hãy quay trở lại phần đầu câu chuyện, gặp bà cụ Vy. Năm nay bà bảy mươi hai tuổi. Bà cũng giống như muôn ngàn bà mẹ Việt Nam khác: Bao dung, vị tha, tần tảo chịu thương, chịu khó, thầm lặng hy sinh cả đời, thay chồng, nuôi con… Nhưng điểm nổi bật ở bà là sức sống kì diệu, nghị lực phi thường và một tình yêu mãnh liệt…  

 Chỉ qua một lát cắt cuộc đời- khoảng thời gian rất ngắn, trước khi bà cụ Vy mãi mãi ra đi, tác giả đã tái hiện chân thực bức chân dung vật chất, tinh thần của bà cụ. Ẩn bên trong cái vẻ còm cõi, bé nhỏ và xác xơ ấy là một tấm lòng, một tình yêu vừa cụ thể, vừa rộng lớn, lay động lòng người. Thời gian xảy ra câu chuyện chừng ít tiếng đồng hồ: Từ chiều hôm trước, khi bà cụ Vy vẫn là sự thường tình quen thuộc tay xách, nách mang… lên thăm người con trai Út, cho đến 3 giờ sáng hôm sau- là thời khắc bà về với tiên tổ, nhưng nó dồn nén, tích tụ và mở ra bao điều suy ngẫm về những giá trị đạo đức rất cần được trân trọng, nâng niu trong cuộc sống hôm nay và mai sau.

Với lời văn giản dị, dễ hiểu, chọn cách kể chuyện ở ngôi thứ ba, nhà văn đã khéo léo kể lại một cách khách quan câu chuyện cảm động về bà cụ Vy, trong ngày cuối cùng của cuộc đời. Nhưng cái ngày cuối ấy, đã thắp sáng niềm tin, soi rọi đạo lý, lẽ sống, không chỉ riêng cho con cháu của bà, mà cho chúng ta- những người đang được sống trên cõi đời này. Qua câu chuyện, hình ảnh bà cụ Vy hiện lên gần gũi, thân thuộc, chân quê, từ lời ăn tiếng nói đến hành động cử chỉ. Thân thuộc tới mức, tôi cứ ngỡ đó là hình ảnh bà nội, bà ngoại của tôi đang từ trang truyện bước ra. Rất thật thà và thánh thiện.

Trước hêt, bà cụ Vy là một người rất tỉ mỉ, hiểu biết và đầy kinh nghiệm trong việc giáo dục trẻ. Bà lặn lội đường xa mang cho cháu con mèo tam thể, vì: Có con mèo nhà cửa nó mới vui vẻ, trẻ mỏ nó mới thuần hóa tính nết. Bà còn là người rất chu đáo. Không chỉ chu đáo ở các thứ quà mang lên cho con cháu, mà chu đáo ở cách bà quán xuyến mọi việc, và quan tâm tới từng người trong gia đình không sót một ai. Ngược lại về phần mình, bà cố giấu đi bệnh tật, không muốn làm phiền con cái. Mặc dù đang nắm giữ cái án tử hình, nhưng bà vẫn làm như bình thường, toàn nói ra những điều lạc quan để các con yên tâm: Mẹ dứt hẳn cơn ho dai dẳng rồi. Bác sĩ chiếu điện xong vỗ vai bảo: Cứ về ăn ngon ngủ yên bà lão nhé. Mỗi bữa mẹ ăn hai bát cơm đầy có ngọn… Trong khi sự thực bà ăn rất ít, thể trạng suy sụp.  

Cuộc đời của bà vô cùng lận đận. Góa chồng từ khi ba mươi bảy tuổi, một mình vất vả nuôi năm người con và chăm sóc ông bà nội già yếu. Bà đã khóc khô nước mắt khi mất đi hai người con trai, một hy sinh ở chiến trường Quảng Trị năm 1972, một mất tích ở Phú Quốc khi tầu đánh cá gặp bão. Tám chín đứa cháu nội đều qua tay bà bế ẵm, chăm nom, nên bà hiểu rõ tính nết từng đứa. Có thể nói, con cháu được như ngày hôm nay, phần nhiều là do sự chăm sóc, dạy dỗ và quan trọng hơn, chính là tình yêu thương bà dành cho chúng.

Qua những câu chuyện bà kể, ta càng hiểu thêm tình yêu sâu nặng của bà với con cháu. Chính tình yêu ấy đã có sức lan tỏa… Các con đẻ, con dâu và các cháu của bà đều thấu hiểu, kính trọng mẹ, kính trọng bà. Cái cách vợ bác cả Huấn dạy con khi chúng hư hỗn với bà, đủ thấy bác luôn kính trọng, biết ơn mẹ chồng, và muốn con cái mình ngay từ bé, phải hiểu ra điều đó. Có thể người mẹ nào cũng thương con, người bà nào cũng thương cháu, nhưng tình thương của bà cụ Vy đối với con cháu quá đặc biệt, chu toàn, có vẻ gì đó rất mộc mạc, chân thành và gần gũi.

Đoạn kể về việc bà bế ẵm, chuyện trò ríu rít với thằng Tu Ti năm tuổi là một đoạn văn xúc động. Ở đây, tác giả sử dụng những câu văn ngắn, lặp cú pháp, nhấn mạnh cử chỉ, hành động rất tự nhiên, thể hiện lòng thương yêu khôn cùng của bà với cháu. Những lời độc thoại xen tiếng nấc của bà với Tu Ty, như một suối nguồn dào dạt yêu thương. Nào có phải lâu ngày không gặp cháu đâu, dăm bữa, nửa tháng bà lên thăm cháu một lần. Nhưng lần này trong bà như vừa có cuộc hóa thân. Bà bỗng trẻ ra. Bà bỗng khỏe lên, gầy còm bé nhỏ thế mà thằng bé phục phịch như ông phỗng cứ như nhẹ tênh trên tay bà… Có cảm giác bà đang vắt kiệt chút sức lực còn lại cuối cùng, dồn sang cho cháu. Những hồi ức của bà về cháu con tưởng như không bao giờ dứt. Trong tâm trí bà lúc ấy, những người thân yêu lần lượt trở về, ai cũng có chuyện để kể, để nhớ. Dường như cuộc sống với bà, chỉ có cháu con là tất cả…

Cho đến thời khắc cuối cùng của cuộc đời, bà vẫn chăm lo: Ru cháu ngủ; Ém chăn cho thằng cháu nội, bà còn dặn đi ngủ đừng tắt đèn, Để đứa nào ngọ nguậy thức giấc còn biết dậy để ru dín nó…Có một người mẹ như bà cụ Vy, nên các con cháu của bà cũng sâu sắc, tình nghĩa chẳng khác gì người mẹ.
Nói về Phong (vợ Đông)- Con dâu út của bà. Giây phút bà cụ Vy bất ngờ xuất hiện ở nhà Phong với lỉnh kỉnh túi to, túi nhỏ…chị đã rất tinh ý khi nhận ra có điều gì khang khác với thông lệ và gờn gợn ngay từ phút đầu tiên gặp gỡ. Khi mẹ kể lại những chuyện đã qua, nghe giọng của cụ, Phong thấy âm sắc là lạ. Hai con mắt bà cụ bỗng lơ lẻo như mắt trẻ thơ, và giọng nói thì hết sức trong trẻo và vui vẻ.

Cái cảm giác bất thường ấy, chỉ có thể cảm nhận được bằng sự gắn bó, hay nói chính xác là tình yêu thương đặc biệt của chị dành cho mẹ chồng. Sự nhạy cảm của Phong đã được cộng hưởng từ phía người chồng. Chỉ qua tiếng gọi mẹ có chút nao nức ngỡ ngàng của Đông, rồi cử chỉ anh trút vội cái mũ bảo hiểm ngồi thu lu cạnh mẹ, đột ngột nắm đôi cổ tay mẹ rồi ngửa đôi bàn tay để đỡ cho hai bàn tay mẹ mỏng mảnh gầy gò như hai phiến lá, trong khi cặp mắt sâu trầm nhiễm đầy lo âu…

cho thấy sự lo lắng, xót xa và nỗi bất lực của người con trước dáng vẻ và cử chỉ bất thường của mẹ. Lúc ấy, vợ chồng Đông đều cảm thấy nỗi khiếp sợ cố hữu vừa trỗi dậy, họ linh cảm đây là cuộc gặp cuối cùng, để mẹ con vĩnh viễn chia tay? Mặc dù Đông đã trấn an vợ bằng lời giải thích: Gia hệ bên anh như định mệnh, chẳng ai vượt qua được tuổi bảy hai cả. Nhưng dẫu là định mệnh, thì cả hai vẫn cảm thấy bất ngờ, đau xót trước sự chia lìa đang đến rất gần, mà không có cách nào cản lại được.

Thật ra, cả bà mẹ và các con đều linh cảm được điều gì sắp xảy ra, nhưng họ đều né tránh hiện thực. Tuy cử chỉ, hành động, lời nói của vợ chồng Đông cố tỏ ra bình thường, nhưng nước mắt thì nghẹn đắng, trong lòng đang run lên bần bật. Nhất là khi gọi điện xuống nhà bác Nam, biết được sự thật về bệnh tình của mẹ, thì cái điều lo sợ nhất vợ chồng Đông đã có câu trả lời. Giây phút họ chia sẻ cảm xúc cho nhau thật cảm động. Trước sự tử biệt, sinh ly, cả hai đều cảm thấy sợ hãi và yếu đuối.

Đông chỉ còn biết than thở: Trời, cái cuộc đời khủng khiếp và tàn nhẫn này, mỗi người chỉ có khoảng thời gian rất ngắn ngủi để sống cạnh những người thân yêu nhất của mình thôi em ạ! Câu nói của Đông phải chăng là thông điệp tác giả muốn gửi tới độc giả? Thời gian mỗi người được sống bên nhau có hạn, cho nên, phải biết trân trọng quãng thời gian quý giá ấy, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, đem đến cho nhau những gì tốt đẹp nhất… Hình ảnh bà cụ Vy là một minh chứng sinh động cho sự đồng cảm, chia sẻ, vun đắp yêu thương giữa cuộc đời này.

Sự ra đi nhẹ nhàng, thanh thản của bà cụ Vy, dẫu để lại cho con cháu nỗi thương tiếc khôn nguôi, nhưng cũng đỡ đi phần bi lụy. Bởi trong tâm thức mọi người, sáng mãi hình ảnh một bà mẹ chan chứa tình yêu thương, hóm hỉnh, mạnh mẽ sinh động, tràn đầy cảm hứng giữa cuộc đời. Như một ngọn đèn cháy bằng năng lượng không hề biết đến lụi tàn. Một năng lượng vui sống và yêu đời bất tận.  

Truyện Đèn không tắt sáng của Ma Văn Kháng chủ yếu khai thác những tình huống tâm lý nên không có cốt truyện, không có nhân vật phản diện, không có mâu thuẫn, xung đột. Truyện là những sự việc xảy ra trong cuộc sống thường ngày. Tất cả đều nhẹ nhàng, tình cảm, lay động lòng người, gợi cho người đọc nhiều suy ngẫm. Truyện dẫu có mất mát, nhưng vượt lên trên sự mất mát đó là niềm hãnh diện, tự hào về người mẹ. Bởi điều mà con cháu luôn cảm nhận được chính từ đạo đức vẹn toàn của người đã khuất. Đó là ngọn đèn không bao giờ tắt sáng.

                                N.T.B

 

Bài viết khác