Chủ nhật, 19/05/2024

Thơ Núi Non Nước đương đại - đôi điều cảm nhận

Thứ ba, 31/08/2021

NGUYỄN THỊ BÌNH 

Cuốn sách “Thơ núi Non Nước đương đại”, Nxb Hội Nhà văn, 2021 do hai tác giả Lã Đăng Bật và Thanh Thản sưu tầm, biên soạn, ra đời giữa lúc tỉnh Ninh Bình phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa tổ chức thành công Lễ khai mạc Năm du lịch quốc gia - Ninh Bình, 2021 với chủ đề “Hoa Lư - Cố đô ngàn năm”.

Trước đó, ngày 31/12/2019, Di tích lịch sử và danh thắng  núi Non Nước Thành phố Ninh Bình, được nhà nước xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Đây là một việc làm thiết thực, góp phần quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống Ninh Bình trên bản đồ du lịch Việt Nam, mà núi Non Nước là một trong những danh thắng tiêu biểu, niềm tự hào của quê hương Ninh Bình. 

Viết về núi Non Nước từ trước đến nay đã có một số ấn phẩm đề cập tới và “cũng đã có một số sách nghiên cứu, sưu tầm, dịch thuật về văn thơ núi Non Nước; về Danh nhân Văn hóa Trương Hán Siêu…”. Những cuốn sách đó với dụng ý nghệ thuật khác nhau, cũng ít nhiều đem lại những hiểu biết thú vị về núi Non Nước; thơ xưa viết về núi Non Nước và Danh nhân Văn hóa Trương Hán Siêu. Nhưng còn thơ nay viết về núi Non Nước? Với mong muốn có một cái nhìn toàn diện về núi Non Nước và để tiếp nối mạch nguồn thi ca, các tác giả đã “sưu tầm, biên soạn một cuốn thơ ngày nay viết về núi Non Nước…” Như vậy, cho đến thời điểm này, “Thơ núi Non Nước đương đại” là cuốn sách tập hợp một cách hệ thống và đầy đủ nhất về lịch sử núi Non Nước; về Thơ núi Non Nước đương đại; về Danh nhân Văn hóa Trương Hán Siêu - người có công lớn phát hiện, ca ngợi núi Non Nước và làm cho nó trở nên bất tử.

Ngoài “Lời mở đầu” và “Núi Non Nước những ấn phẩm văn thơ” , tập sách “Thơ núi Non Nước đương đại” chia 3 phần chính: Phần 1: Núi Non Nước - Di tích Quốc gia đặc biệt (Lã Đăng Bật biên soạn); Phần 2: Thơ núi Non Nước đương đại (Thanh Thản sưu tầm, tuyển chọn và biên tập); Phần 3: Cuộc đời và sự nghiệp Danh nhân Văn hóa Trương Hán Siêu (Lã Đăng Bật biên soạn).   

 Nhìn vào bố cục, dễ thấy tên sách chưa bao quát hết nội dung tác phẩm. Tuy nhiên, đi vào thế giới nghệ thuật của cuốn sách, ta thấy được sự công phu, cần mẫn của những người sưu tầm, biên soạn. Phần: Núi Non Nước - Di tích Quốc gia đặc biệt, được tác giả phân thành ba mục lớn, mỗi mục lại được chia tách thành những tiểu mục khác nhau, nhằm làm rõ vấn đề nghiên cứu. Nhưng cách trình bày như vậy rất dễ tạo cảm giác dài dòng… Sau mỗi phần, người viết đều đưa ra kết luận xác đáng, giúp người đọc có cái nhìn hệ thống toàn diện về núi Non Nước và những vấn đề liên quan. Hơn nữa, với kiến văn sâu rộng và trên hết là cái tâm của người làm công tác nghiên cứu, sưu tầm, tác giả đã đem đến cho người đọc một cái nhìn vừa cụ thể, vừa khái quát về các giá trị vĩnh cửu của núi Non Nước. Hiểu được vì sao núi Non Nước là Núi thơ … Đặc biệt, các phần mục đều được trình bày rõ ràng, tường minh, có viện dẫn những dữ liệu cụ thể, làm bằng chứng thuyết phục cho những luận điểm, luận cứ, nên khá hấp dẫn người đọc. Ở các phần Đền Danh nhân Văn hóa Trương Hán SiêuChùa Non Nước cũng được trình bày theo cách tương tự. Điều đó chứng tỏ sự cẩn trọng, nhất quán trong nhãn quan của một người làm công tác nghiên cứu, sưu tầm, đem lại cho độc giả những hiểu biết nhất định về cụm di tích núi Non Nước. Ngoài ra, để người đọc hiểu và có cái nhìn toàn diện về Trương Hán Siêu, nhà nghiên cứu Lã Đăng Bật, đã dành trên 50 trang cho phần phụ lục về Cuộc đời và sự nghiệp Danh nhân Văn hóa Trương Hán Siêu, khẳng định Trương Hán Siêu là nhà quân sự, nhà chính trị tài năng, nhà văn hóa, nhà ngoại giao và là nhà văn lớn thời Trần. Trương Hán Siêu còn là người đặt nền tảng cho chế độ phong kiến Việt Nam vận hành theo pháp luật; là người có tầm nhìn du lịch sớm nhất Việt Nam; người có tầm nhìn về sinh thái rất sớm, người phê phán những mặt tha hóa của nhà chùa và làm rõ tấm lòng của ông đối với Phật giáo…

Như vậy, bằng tư duy thực chứng, với tấm lòng trân quý và tự hào về con người, quê hương, đất nước nói chung, về cụm di tích núi Non Nước nói riêng, tác giả Lã Đăng Bật đã thành công khi tái hiện đầy đủ vẻ đẹp và những giá trị trường tồn của núi Non Nước, cũng như cuộc đời và sự nghiệp của Danh nhân Văn hóa Trương Hán Siêu - người con ưu tú của quê hương Ninh Bình. Các phần trình bày có sự tiếp nối xưa - nay và đều được dẫn dắt bởi hành văn lưu loát, kể, tả và thuyết minh xen lẫn đánh giá, bình luận, nên khá thuyết phục. Điều đó góp phần đem lại sự thành công cho cuốn sách “Thơ núi Non Nước đương đại”.

Phần chính của cuốn sách nghiêng về Thơ núi Non Nước đương đại. Từ thời Trần cho đến hết thời Nguyễn, các bậc vua, chúa, quan… đã đến núi Non Nước vãn cảnh, khắc đá đề thơ, mà “Trương Hán Siêu là người khai sinh ra truyền thống khắc thơ vào núi ở Ninh Bình, tạo nên một nét đẹp văn hóa đặc sắc của dân tộc”. Từ đó đến nay, núi Non Nước luôn là cảm hứng thơ ca bất tận cho du khách xa gần. Nói như nhà thơ Lâm Xuân Vi, đó là nơi “Dòng thi tứ nối đời thao thiết chảy”. Để tiếp tục dòng thi tứ về núi Non Nước, nhà thơ Thanh Thản đã dụng công sưu tầm, tuyển chọn và biên tập 102 bài thơ của 66 tác giả đương đại, trong và ngoài tỉnh. Có lẽ dù cố gắng, nhưng tác giả cũng chưa thể tập hợp hết các bài thơ viết về núi Non Nước, và những bài được tuyển chọn chưa phải tất cả đã là tiêu biểu, dẫu vậy cũng đủ để nói lên rằng núi Non Nước có cả một “Lâu đài văn thơ” (Hải Âu), đa dạng về nội dung, phong phú về thể loại …

Hơn trăm bài thơ đương đại về cụm di tích núi Non Nước, mỗi bài mỗi vẻ, đều tập trung ca ngợi vẻ đẹp của núi Non Nước, thể hiện lòng tự hào về Non Nước - Núi thơ, tự hào về truyền thống hào hùng của dân tộc, của người Ninh Bình, ngợi ca công đức của Danh nhân Văn hóa Trương Hán Siêu… qua đó tri ân những con người đã làm rạng rỡ quê hương, đất nước, thấy được trách nhiệm của thế hệ sau trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương Ninh Bình. Chiêm ngưỡng cảnh: “Núi sông đẹp cảnh Ngũ Hồ/ Dường như Thái phó đang chờ buông câu” (Trần Lâm Bình), tác giả hình dung người xưa cảnh cũ như hiện hữu cùng hậu thế, và nghĩ suy ngẫm ngợi về lẽ đời, về nhân tình thế thái, rồi“Lần đọc văn bia trên vách đá/ Nghe hồn non nước vọng đâu đây” (Thái Cự). Lên chơi núi Thúy, choáng ngợp trước cảnh nước biếc, non xanh, tác giả Mạc Kính Dương bỗng thấy xao lòng: “Nét bút tao nhân vương vách đá/ Hồn thơ xao động mảnh tâm tình”. Mỗi lần lên thăm núi Thúy, trái tim lại xốn xang, thấy ngỡ ngàng vì một sắc xuân ngập tràn tươi mới:“Phải chăng càng trải phong trần/ Mỗi lần bão tố, một lần hóa thân”(Đinh Hữu Dung). Lạ kì thay trước “Phong ba bão tố… thế thời/ Muôn ngàn năm vẫn sáng ngời nước non”(Nguyễn Văn Sa). Tác giả Trương Đình Tưởng say sưa trước cảnh đẹp “có một không hai” của núi Thúy bằng những câu thơ rất đẹp, gói cả mây trời sông nước, huyền ảo lung linh: “Ngàn năm sắc núi xanh nguyên/ Lơ thơ dòng nước bóng đền hắt hiu/ Nghênh phong mây gió dập dìu/ Long bong mõ tiểu gõ chiều lên cao”. Tình cảm của thi nhân với núi Non Nước không thể diễn tả bằng lời. Trước mây trời non nước bao la, lòng thi nhân lại dâng trào cảm xúc: “Thúy Sơn ơi đẹp vô ngần/ Non soi đáy nước thơ ngân sử vàng” (Hoàng Xuân Khuyên). Với tác giả Nguyễn Quang Hảo thì “Dục Thúy Sơn hồn thơ nghiêng bóng núi/ Sông Vân Sàng mây hiện dáng rồng thiêng”… Trước “Non tiên”, nhà thơ Bình Nguyên lại thả hồn về dĩ vãng, lắng nghe mạch đập của thời gian vọng về, dù năm tháng có làm mờ nét chữ, nhưng hồn thơ và tình người vẫn chạm khắc trong lòng thi nhân từng nỗi niềm sâu lắng: “Hình như từ vách núi/ Đêm đêm ai bước ra/ Những câu thơ rêu phủ/ Đã thức ngàn năm qua”.

Rõ ràng, mỗi tác giả đều có một cách cảm nhận khác nhau trước vẻ đẹp tuyệt vời của hình sông thế núi, cảm phục trước dòng chảy thi ca từ bao đời còn lưu giữ trên vách núi: “In trên vách đá dòng đời/ Mỗi câu đọng những nét người tài hoa”(Lê Nhuệ Giang). Hiếm có ngọn núi nào như núi Non Nước hiện còn lưu khắc 30 bài thơ trên vách đá. Thế nên:“Vách núi thành trang sách/ Ngàn năm nét không mờ/ Xanh xanh hòn Non Nước/ Sừng sững một núi thơ” (Thanh Thản). Bởi ta hiểu: “Núi thơ Non Nước không già/ Đầy vơi bút tích thơ nhòa mồ hôi” (Đinh Giáng). Cho dù nắng mưa, dù thời gian vội vã qua đi, nhưng những vần thơ khắc trên núi Thúy vẫn thắm lời người xưa, vì: “Núi mực thước, non hữu tình/ Bút thiêng “Tháp cổ” họa hình núi thơ” (Nguyễn Đình Vân). Nhưng còn đúng và tuyệt vời hơn bởi thơ khắc trên vách đá đã thành hồn quê: “Rêu phong nét chữ tỏ mờ/ Thi nhân sáng mãi hồn thơ muôn đời” (Ninh Đức Hậu). Cũng vậy, tác giả Vũ Đức Thanh rất tinh tế, gọi nơi đây là “Non thần”: “Non thần chẳng bạc nắng mưa/ Vầng trăng yểm một lá bùa vào thơ” …

Nói đến núi Non Nước, như một lẽ tất nhiên, ta liên tưởng đến Trương Hán Siêu - người đặt tên núi Thúy và làm cho nó trở thành bất tử. Ông là “Ngôi sao lấp lánh ngàn niên/ Tên người sáng mãi bao thiên sử vàng”(Nguyễn Hoán). Đó là một người nho nhã, tài giỏi:“Văn chương sánh bút ngang trời/ Hữu tình non nước vọng lời cố nhân (Đinh Ngọc Lâm). Và cũng là người: “Hiền tài đức độ so như núi/ Hậu thế noi theo mãi phụng thờ” (Nguyễn Ngọc Điến). Văn chương và sự nghiệp của Trương Hán Siêu mãi mãi còn vang vọng: “Ẩn hiện non xanh hồn hạc trắng/ Vách đá vang ngân Phú Bạch Đằng” (Mạc Khải Tuân). Bởi ông là người: “Một đời vì nước vì dân/ Tám mươi tuổi vẫn cầm quân lên đường” (Nguyễn Khắc Thiệu).

Núi Non Nước còn là nơi lưu giữ những chứng tích lịch sử về hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Nhìn cái lô cốt còn lại trên núi Thúy, Tạ Ngọc Hùng đã có một ý thơ thú vị: “Tên lửa Mỹ bắn vào lô cốt Pháp/ Dấu một thời “khai hóa” nằm đây”. Nơi đó còn ghi dấu chiến tích của hai người con anh dũng của quê hương Ninh Bình (Anh Lương Văn Tụy, anh Giáp Văn Khương): “Chống Pháp lừng danh hai dũng sĩ/ Thời Trần chức lớn bốn triều vua”(Trần Hữu Hòa) Và:“Nhớ xưa kháng chiến diệt thù/ Anh Lương Văn Tụy cắm cờ Đảng trao… (Trần Diệp). Anh Giáp Văn Khương, một lần bị giặc bủa vây, đã nhảy từ đỉnh núi xuống sông, an toàn, để“Chuyện xưa còn vọng hôm nay/ Một chàng dũng sĩ thắng bầy sói lang” (Hoàng Sơn).

Có lẽ không thể dẫn hết những vần thơ đằm thắm, nghĩa tình, đầy tự hào về cảnh đẹp, con người, về cụm di tích núi Non Nước. Bởi lẽ, mạch thơ được khơi nguồn từ các bậc tiền nhân, đêm ngày vẫn thao thiết chảy như thời gian không bao giờ ngừng nghỉ. Xin mượn mấy câu thơ của nhà thơ Lâm Xuân Vi để kết lại bài viết này: “Thơ theo người hôm nay về Non Thúy/ Dấu yêu xưa mộng mị sum vầy/ Thuở thắng Tống ngợp đôi dòng trăng chảy/ Tình luân hồi Thái hậu gửi sông Mây” .

          N.T.B

(Nguồn: TC VNNB 254-8/2021)

Bài viết khác