Chủ nhật, 19/05/2024

Tiếng lòng trong thơ Trần Xuân Trường

Thứ hai, 23/09/2019

TS. NGUYỄN MẠNH QUỲNH 

S.Freud nhà Phân tâm học lỗi lạc người Thụy Sỹ là người đầu tiên phát hiện và phân tích một cách có hệ thống cấu trúc chiều sâu tâm lý của con người.

Ông cho rằng, sáng tác nghệ thuật về bản chất là sự thăng hoa của những mặc cảm vô thức, của bản năng tính dục, bị lý trí kìm hãm nên phát tiết ra dưới hình thái của các giấc mơ hoặc các sáng tác nghệ  thuật. Cho nên, nghệ thuật với giấc mơ có cấu trúc tâm lý đồng dạng. Xuân Diệu, hình như rất vô tình, mà đã xác quyết điều này khi ông viết: “Là thi sĩ, nghĩa là ru với gió, Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” (Cảm xúc). Có những cảnh giới mà người ta chỉ có thể thấy nó trong những giấc mơ - cõi vô thức- và cũng chỉ có thể lý giải bằng cấu trúc tâm lý của giấc mơ mà thôi. Nghệ thuật là thế giới khả nhiên (có thể có), luôn có xu hướng tiếp cận với thực tại và không bao giờ trùng khít với cuộc đời, là hình ảnh chủ quan về thế giới này. Xem thế, nghệ thuật phải chăng đã mã hóa giấc mơ của người nghệ sỹ bằng các nguyên tắc và phương tiện đặc thù của chất liệu?

Thơ Trần Xuân Trường đưa tôi trở về với những cảm nhận ấy của mình khi đọc Freud và gieo vào lòng tôi những nỗi niềm như là xao xác, nghèn nghẹn; như là bâng khuâng, lại như đong đầy thương nhớ, cảm hoài, là cặp lục bát này trong bài thơ Lúa ơi: “Tiếng gà thoát khỏi đáy nơm/Bát cơm vụ gặt mẹ đơm bỗng đầy”. Thơ lúc này là sự giải thoát, là sự thanh lọc tâm hồn, là tiếng gọi của bản thể trong nỗi khát khao trở về. Và, trong nỗ lực giải thoát,  đã trở thành  con người có tâm hồn nghệ sỹ đích thực, thắp lên những giấc mơ trong trẻo, ngời sáng yêu thương trong nghệ thuật.

1. Một tai nạn bất ngờ đã cướp đi khả năng vận động đôi chân của Trường. Đối với một thanh niên tuổi ngoại đôi mươi, đang độ trai trẻ, đấy là một cú sốc lớn về tâm lý, nó biến cuộc sống tự do, phóng khoáng của chàng trai miền biển Kim Sơn có nguy cơ phải chịu tù đầy, giam hãm. Câu thơ trên của Trường trước hết là một hình ảnh ẩn dụ cho thân phận tù túng, bị đày ải, cả về thể xác và tinh thần. Nói đày ải bởi cái thế giới ngoài kia, giá như nó khuất mắt đi thì đã đành một nhẽ, đằng này, nó cứ bày ra trước mắt, cứ như trêu ngươi, thách thức; ngay trong tầm tay, mà chẳng có cách nào đến được. Còn hơn cả ngục tối như thế thì chẳng xót xa sao, nhất là đối với một sinh linh khát khao đến cháy bỏng được tái hòa nhập với đời? Trường giấu những mặc cảm về thân phận trong một hình ảnh thơ đầy ám ảnh, nó hàm chứa bao nỗi đắng cay, ngậm ngùi, tủi hổ.

Nhưng, con người, như một quy luật, để có thể tồn tại trong cuộc đời này, để sống sao cho đầy đủ với ý nghĩa của con người, thì phải luôn luôn phải vượt thoát, khắc phục những giới hạn, để được sống nhiều hơn, có ý nghĩa hơn. Trần Xuân Trường chắc ý thức rất nhiều về điều đó. Tiếng gà nói ở trên chính là một sự vượt thoát như thế. Nó hào sảng, cứng cỏi, ngân vang, kiêu hãnh một cách tội nghiệp và gợi nhiều thương cảm. Tôi cứ hình dung, một hình ảnh, một sự sống đang cố dán mình xuống, thu mình lại trong nỗ lực vượt thoát, trỗi dậy (thoát khỏi đáy nơm). Tiếng kêu thương thoát ra từ đáy, nghĩa là nó không thể xuyên ngang, mà cũng không thể thoát lên, nhưng rõ ràng là nó không chịu khuất phục, không đầu hàng, quyết không bó tay trước số phận trớ trêu. Vì sao? Vì trong trái tim phập phồng ấm nóng đến khắc khoải kia, đang cần lắm những gì là yêu thương, chở che, an ủi (Bát cơm vụ gặt mẹ đơm bỗng đầy), để mà vượt lên những cơ cực, ngang trái của đời và cũng là để khẳng định bản ngã của mình. Toàn bộ sáng tác của Trường, dù còn rất khiêm tốn, đều toát lên điều ấy. Vậy nên, cặp lục bát giản dị ấy, tôi nghĩ, đã được trao sứ mệnh như là lời đề từ cho thơ Trần Xuân Trường, là chiếc  chìa khóa  để đi vào thế giới thơ của anh.

2. Yuri Mikhailovich Lotman trong công trình Cấu trúc văn bản nghệ thuật đã cho rằng văn bản nghệ thuật là một kiểu mô hình hóa thế giới thực tại. Thế giới khách quan vô hạn đóng vai trò như cái được quy chiếu, còn văn bản nghệ thuật là cái quy chiếu, vốn hữu hạn, có khung khổ, là “tổng hòa của những đối lập cơ bản”, nghĩa là một kết cấu đa tầng bậc với các tiểu không gian khác nhau. Mỗi nhân vật phải thuộc về một tiểu không gian nào đó. Và khi bước qua ranh giới của không gian quen thuộc của nó, nhân vật tạo ra một giá trị mới, một ý nghĩa khác, tạo nên sự vận động của văn bản nghệ thuật.

Nếu có thể nói về một mô hình văn bản trong thơ Trường thì đó là tổng hòa những đối lập của không gian cái tôi, hay cái khung khổ (như cách nói của Lotman) mà số phận nghiệt ngã đã vô tình trói buộc anh, và không gian thế giới chân quê ngoài kia. Chúng vừa là một phần của nhau, lại vừa bao hàm nhau. Và như thế, có một ranh giới giữa ở đây/ ngoài kia; phi vận động/ vận động, đóng kín/ mở thông; trói buộc và tự do, thất vọng/ hy vọng, cô đơn/ sum vầy, hữu hạn / vô hạn;…Toàn bộ thơ của Trường là nỗ lực vượt quan cái lằn vạch ấy, cái ranh giới tưởng như mong manh, nhưng kỳ thực lại là bức tường thành sừng sững, hòng cấm cố, giam hãm tuổi xuân trong mòn mỏi, vô vọng. Trường đã khát khao thoát vượt cái ranh giới định mệnh ấy trong từng khoảnh khắc. Anh đã mơ ước, đã mong ngóng, hồ hởi, hạnh phúc òa vỡ trong giấc mơ vượt thoát: “Con chìm vào giấc ngủ mê/ Thấy người đang cấy lúa thuê ngoài đồng/ Thấy cha lùa vịt qua sông/ Bóng làng rạn dưới cơn dông cuối mùa/ Thấy bà đội nắng lên chùa/ Lom khom gậy trúc đón mua tuổi già/ Thấy mùa đông đến thu qua/ Chợt miền kí ức vỡ oà bên nôi (Đêm quê);  “Vịn vào bóng Huế ta mơ/ Ta mơ vớt được một bờ vai em/ Ta mơ vớt được cánh sen/ Trên làn môi ấm đang nhen câu cười”… (Mưa buồn).  Và rồi trong hành trình đầy khó nhọc ấy, người thơ cũng nếm trải không ít chán chường, thất vọng: “Anh đi tìm nắng, nắng phai/ Tìm mưa, mưa hạn tìm mai, mai tàn/ Chỉ còn nghe tiếng thời gian/ Rơi đầy năm tháng cơ hàn đa mang” (Ơn em). Chẳng thất vọng sao, khi bao nhiêu ước mơ, bao nhiêu hoài vọng, gắng gỏi cứ dần tan theo bọt nước: “Gọi đò, đò đã sang sông/ Người đi tình ở mênh mông chốn nào?/ Biết rồi cứ gửi cứ trao/ Cứ trông, cứ đợi, cứ ao ước cùng”… (Vọng thu). Người thơ cùng với nỗi vô vọng thầm lặng lẽ trở về trong u sầu và buông ra tiếng thở dài não nề: “Xuân đi - đến chẳng đợi ai/ Đêm khe khẽ tiếng thở dài trong mưa”(Bồi hồi tháng Giêng).

Lang thang trong chốn vô định, Trường dễ đồng cảm với những thân phận bơ vơ, tội nghiệp trong cuộc đời lênh đênh, chìm nổi. Hình như anh nhìn thấy mình trong dáng dấp của họ, tự thấy họ như một phần cuộc đời của anh. Ấy là lão thuyền chài với con thuyền nay đây mai đó: “Một lần ở, mấy lần đi/ Nổi chìm thân vạc có vì ai đâu/ Lang thang cuối bến, chân cầu/ Nước ròng, nước lớn hỏi đâu là nhà?” (Lão thuyền chài); là thân phận của kẻ tha phương cầu thực ở tuổi xế chiều: “Bàn tay sấp ngửa bàn tay/ Hôm qua đất khách chiều nay quê người/ Bụi đường khăn áo tả tơi/ Cuốn theo bóng lão về nơi đọa đày/” (Lão ăn mày); thậm chí, trong bóng dáng của người cha bên chén rượu vơi đầy: “Rượu thơm cha rót cho đầy Uống cho quên khúc sông gầy ngày xưa Cho quên đi những chiều mưa/ Mắt người bên mắt lưới thưa ngậm ngùi” (Bỗng một ngày dưng)

Sống giữa cuộc đời này mà sao cứ thấy mình như là lạc lõng, như người xa lạ. Có một nỗi nhớ quê cuộn dâng, da diết mãi khôn nguôi: “Nhớ quê nhiều lắm quê ơi/ Mùa này giọt nước giếng khơi có đầy/ Ruộng rau ruộng lúa còn đây/ Bát cơm nhớ mẹ, luống cày nhớ cha (Gọi nhớ quay về). Thế là, chỉ cần có một tác nhân rất nhỏ thôi, ngẫu nhiên thôi chạm vào, nỗi nhớ ngay lập tức xâm chiếm lòng người: “Chạm vào mặt nước giếng khơi/ Chạnh lòng nhớ giọt mưa rơi ngọn nguồn” (Giỗ ngoại con về); Quê hương trong thơ Trường, theo tôi hiểu, chính là ký ức, là những ước mơ, những khát vọng của một thời non trẻ, dại khờ: “Đưa tôi về lại dòng sông/ Tìm đâu năm tháng tuổi hồng đánh rơi/ Nụ cười chợt vắt ngang môi/ Chở niềm mơ ước về nơi bến chiều (Miền ấu thơ).

Có phải chăng Trường bị hụt hơi, châng hẫng trong toàn bộ nỗ lực vượt thoát? Hoặc nữa, khi bước qua cái lằn vạch ấy, anh mới chợt nhận ra rằng, toàn bộ những gì chờ trông, mong mỏi bấy nay hóa ra chỉ là ảo tưởng, khung trời mơ ước mãi mãi chỉ là ước mơ? Ô cửa màu xanh ngoài kia không hoàn toàn xanh tươi như anh vẫn hằng nghĩ? Những uẩn khúc ấy dường như chỉ một mình anh hiểu, một mình anh hay, nó được giấu kín trong những vần thơ mà bề ngoài thì lặng lẽ, âm thầm, mà bên trong thì như là cồn cào đến cháy lòng, cháy dạ. Nhưng điều đáng nói là, khi tự mình bước qua, đúng hơn là tự giải thoát định mệnh, sáng tác của Trường đã kiến tạo nên những giá trị mới cho tâm hồn và ngược lại.

3. Tôi đã tự giam mình trong các thi phẩm của Trường, cố trút bỏ sự ồn ào, xáo động, nhiều ân tình, ân nghĩa mà cũng lắm trái ngang, thị phi của cuộc đời này để thể nghiệm những gì mà thi sỹ đã nếm trải trong nỗi đau đáu khát khao. Tôi đã cùng Trường vượt qua cái ranh giới định mệnh của một cuộc đời, để cùng anh trải nghiệm với những giấc mơ về một nơi xa lắm cùng với buồn vui, hy vọng. Và rồi, sau tất cả, những vần thơ của Trường đã mang đến cho ta một sự nhẹ nhõm, tịch tĩnh trong tâm hồn. Lắng nghe thơ Trường bằng sự lặng lẽ, thư thái của tâm hồn, ta sẽ cảm thấy rằng, những gì đẹp nhất, trong trẻo, thuần khiết, cao quý, hiền dịu nhất của cõi Người hiển hiện như một phép màu, giống như Thiên đường của Chúa, Niết Bàn của Phật. Vẻ đẹp kỳ diệu ấy phổ vào các hình ảnh thơ, neo đậu trong mỗi cung bậc cảm xúc và hồn nhiên, chân chất trong từng câu chữ, ở mỗi dấu thanh trắc bằng. Nó như dòng sông miên man chảy qua các kiếp phù du, nay tự ngừng trôi, lắng lọc đi tất cả những váng bụi, lầm đục để trong sáng như một áng gương:“Bao đêm thức tự ru mình/ Sông ôm ấp cảnh yên bình làng quê”. Nó ngưng đọng trong hương cốm, hương sả, hương chanh đồng quê, trong lời ru của mẹ.

Những vẻ đẹp ấy, như một tất yếu, sẽ được kết đọng lại những hình ảnh giàu thiên tính nữ thường trở đi trở lại trong thơ Trường. Ấy là người mẹ, người chị, người yêu, người vợ. Tôi nghĩ, dường như những hình ảnh vốn chiếm nhiều cảm tình trong văn học xưa nay, được khúc xạ qua lăng kính của chủ thể, hiện lên như là hình chiếu cái tôi trong thơ Trường, nói cách khác, là âm bản của chính anh, hay chính xác hơn, là biểu tượng của nỗi khát khao trong tận đáy tâm hồn. Họ là hơi ấm tình thương, là sự chở che vỗ về, an ủi. Họ cũng là những gì thiệt thòi và khổ đau như chính người thơ đang phải gánh chịu, như một kiếp nạn: “Sông thì rộng biển thì sâu/ Bao giờ con sóng mới khâu lành bờ/ Héo hon ngày đợi tháng chờ/ Chị ngồi thức với giấc mơ tật nguyền” (Giấc mơ tật nguyền).

4. Tất cả các bài thơ của Trường đều được viết bằng thể thơ lục bát. Ninh Bình được bạn văn coi là miền lục bát và tôi nghĩ, miền thơ ấy từ nay chắc không thể vắng thiếu anh, người kín tiếng. Với Trường, lục bát gống như cái thú độc ẩm của những tao nhân, mặc khách khi xưa. Trường tìm đến với lục bát, chung tình với thể thơ ấy cũng là điều dễ hiểu. Lục bát của Trường chưa thể nói là đã nhuyễn, đã đều, còn có những tứ thơ, câu thơ, hình ảnh… gây cảm giác gò nén, cảm xúc có hơi hướng vay mượn! Mấy chục bài thơ của Trường qua hai tập thơ, dù còn ít nhiều khiếm khuyết, nhưng quả là đã có những thi phẩm, những câu thơ thật hay, thật đằm ấm, ngân nga mà người khó tính nhất chắc cũng không thể bỏ qua.

Văn học Ninh Bình trong thời gian qua đã có những bước đi, bước chuyển mình rất đáng ghi nhận, trong đó, thơ  được xem là có ấn tượng nhất, sung sức nhất so với các thể loại khác, với các nhà thơ mà tên tuổi gắn liền với bước đường phát triển của văn học nghệ thuật tỉnh nhà như Lâm Xuân Vi, Bình Nguyên, Thanh Thản,  Thi Hữu. Trần Xuân Trường thuộc lớp nhà thơ trẻ, cùng với trang lứa Diệu Thoa, Phạm Tâm An, Bùi Hồng... chắc chắn sẽ hứa hẹn gặt hái được những thành tựu mới, làm giàu đẹp thêm cho tâm hồn con người vùng đất cố đô nghìn năm.

N.M.Q

 

 

Bài viết khác