Chủ nhật, 19/05/2024

"Tôi và hai người lính Tây" một câu chuyện đậm tính nhân văn

Thứ hai, 23/09/2019

NGUYỄN THỊ BÌNH 

Truyện Tôi và hai người lính tây của nhà văn Tùng Điển đưa người đọc trở về với thời gian quá khứ. Đó là năm 1954, sau chiến thắng Điện biên Phủ, những tên lính Pháp cuối cùng đã dồn về Hà Nội chờ ngày cuốn gói về nước. Không gian của câu chuyện là một vùng ngoại thành Hà Nội. Sông Tô Lịch trở thành ranh giới giữa vùng tự do và vùng tạm chiếm.

 Truyện kể về sự gặp gỡ ngẫu nhiên giữa nhân vật Tôi với hai người lính Tây: một da đen, một da trắng. Ngày ấy, quan hệ của người Việt Nam với bọn lính Tây là quan hệ đối kháng giữa ta và địch. Nhưng câu chuyện không khai thác quan hệ ấy, mà nói về cuộc hội ngộ thú vị của nhân vật Tôi- một người bạn nhỏ, với hai người lính Tây. Mặc dù tên truyện nghe có vẻ khách quan, nhưng nội dung của câu chuyện lại như nói với chúng ta rằng họ là những người bạn.

 Tình huống họ trở thành bạn của nhau thật bất ngờ, thú vị. Một lần, nhân vật tôi vượt biên qua sông sang vùng tự do, được mẹ cho mấy đồng bạc Đông Dương, nhưng bị thằng Tây đen trấn lột hết. Thật may, thằng Tây trắng xuất hiện đúng lúc, trả lại công bằng cho Tôi và giáng cho thằng Tây đen một cái tát điếng người, làm hàm nó lung lay một cái răng. Mặc dù đã được trả lại thứ đã mất và được thằng Tây trắng đối xử rất thân thiện, nhưng nhân vật Tôi vẫn “cứng đờ người vì sợ hãi”.

Nhưng chỉ sau lần gặp gỡ ấy, họ đã trở thành những người bạn của nhau. Lúc đầu nhân vật Tôi cũng chỉ tò mò vì: “là người Tây đã lạ, lại thêm cách cư xử có phần ngồ ngộ”. Sau đó, từ sự tò mò, hiếu kì, đã chuyển thành sự hiểu biết, tin cậy.

Với thằng Tây đen, nếu hôm trước nó còn là một kẻ cướp, thì chỉ ngày hôm sau, nó đã trở thành người khác hẳn, rất biết điều. Nó không nhận tiền của Tôi (khi cậu bé dúi mấy đồng tiền hôm qua nó muốn lấy vào tay nó) vì nó hiểu đó là “tiền của pé con”, nó cũng biết phải trái: “Tao bị thằng Tây trắng đánh là túng. Nhưng tao vẫn ghét nó”. Nói là ghét, nhưng hành động, cử chỉ của nó vẫn tỏ ra vừa sợ vừa phục thằng Tây trắng.

 Nhưng với thằng Tây trắng, tình bạn của nhân vật Tôi có phần đặc biệt hơn. Theo sự phát triển của truyện, dường như sự xuất hiện của thằng Tây đen chỉ là sự chuẩn bị, là cái cớ để tác giả kể chuyện về thằng Tây trắng. Qua cuộc trò chuyện của Tôi với tên lính Tây da trắng, người đọc thấy được một thái độ, một cách ứng xử với kẻ thù. Cho dù đó là cách ứng xử của một đứa trẻ thì đằng sau nó vẫn tiềm ẩn một đạo lý. Đứa trẻ cũng không phải đã quên chúng là kẻ thù. Hành động Tôi mang ổi và mang đu đủ làm quà cho chúng chỉ là một hành động trẻ con: “do tò mò, đùa nghịch chứ không phải muốn kết thành huynh đệ” với chúng. Nhưng Tôi cũng có lý khi kết bạn với hai người lính Tây này. Bởi chúng đều có cái say sưa cao độ vào việc đang làm. Theo quan sát của Tôi thì người Tây sống cũng thoáng: “Chúng tát nhau đến rụng hàm, đi giầy xăng đá, đầu gối nhấc cao, nhận hình phạt theo tiếng ắc ê mà chẳng tỏ ra thù oán”. Và cái chính, Tôi nhận thấy hai người Tây ấy cũng vào loại tử tế, biết kính trọng Cụ Hồ. Nó không dám tự do bắn súng lên trời, vì nó hiểu rằng: “Cụ Hồ không cho phép”.

Truyện đã cho ta thấy: bên cạnh những kẻ xâm lược chém giết người không ghê tay, vẫn có những người lính có lòng tốt, hiểu biết, sẵn sàng bênh vực kẻ yếu. Mà tên lính Tây da trắng là một minh chứng cụ thể. Qua câu chuyện với người bạn nhỏ, ta hiểu được những uẩn khúc trong lòng nó và sự thật về cuộc chiến tranh mà nó bất đắc dĩ phải tham gia. Nó là người có học, bị bắt ép đi lính. Nó chỉ thích sang Việt Nam nghiên cứu lịch sử, ngôn ngữ chứ không phải sang cầm súng. Đang học dở đại học, nó bị bắt đi lính. Rất may, trước khi máy bay hạ cánh sang Việt Nam thì có tin tướng Đờ Cát đã đầu hàng…Nó là người chán ghét chiến tranh, mong chờ từng ngày được về nước gặp lại người thân. Thật thú vị khi nó đọc rất nhiều ca dao Việt Nam và hát rất đúng những bài dân ca về tình yêu đôi lứa, mà nó học được từ một bà giáo ở quê nhà. Khi hát, nó dồn cả tâm hồn vào làn điệu đến “quên cả việc gác xách của mình, quên cả những người xung quanh”. Hơn thế, yêu và hiểu ca dao Việt Nam, nó còn đọc cho vợ chưa cưới nghe những câu ca dao về tình yêu “khiến vợ chưa cưới yêu tôi thêm”...Chuyện nó kể tự nhiên, nhưng đối với nhân vật Tôi lúc ấy, như là một sự “giáo dục” về giới tính, “để tôi có ý thức chuẩn bị ngay từ bây giờ. Điều mà người lớn xung quanh tôi dường như kiêng kị, chẳng bao giờ dám nói trước mặt đám trẻ”.

Truyện Tôi và hai người lính Tây không có mâu thuẫn, xung đột căng thẳng, cốt truyện đơn giản, nhẹ nhàng, mạch kể tự nhiên, hấp dẫn. Những chi tiết kể về tên lính da trắng là những chi tiết thú vị. Mới sang Việt Nam chưa lâu nhưng nó hiểu khá rõ văn hóa của người Việt. Không chỉ thuộc những ca dao, dân ca mà nó còn hiểu rõ ngôn ngữ xưng hô của đất nước chúng sang xâm lược, để “uốn nắn” người bạn nhỏ khi cậu gọi đồng đội của nó là “thằng Tây đen”; nó còn biết nói “cảm ơn” khi được người chỉ bảo…Nhưng thú vị nhất là chi tiết kể về con dao nhíp xuất hiện ở cuối truyện. Biết người bạn nhỏ rất thích con dao, thằng Tây trắng đã bí mật để lại trong hốc cây bàng...Chi tiết này như một điểm nhấn có tác dụng xâu chuỗi mạch truyện. Thú vị hơn, con dao được gói trong tờ giấy với hai câu ca dao: Gió đâu gió mát sau lưng/ Dạ đâu dạ nhớ người dưng thế này “nghe thật mong manh và da diết”. Có thể thằng Tây chỉ hiểu “người dưng” theo nghĩa đen, nhưng qua hành động ấy cũng thấy được nó rất nhớ, rất hiểu và tôn trọng người bạn nhỏ.

Tình bạn của nhân vật Tôi với hai người lính Tây giống như một giấc mơ. Số phận đã run rủi họ gặp nhau. Mặc dù chỉ gặp nhau trong thời gian ngắn, nhưng họ đã để lại trong nhau những kí ức không dễ phai mờ. Họ là hai thế giới, tuổi tác lại chênh lệch, nhưng qua gặp gỡ, giao tiếp, ứng xử, ít nhiều họ đã tìm được sự đồng cảm. Có lúc, ranh giới về tuổi tác và Quốc tịch dường như bị xoá nhoà. Đó là khi tên lính Tây “bé lại” như trẻ con, cùng ăn ổi, ăn đu đủ với Tôi, rồi cùng nằm dài trên bãi cỏ… Có lúc họ như những người bạn lớn, ấy là khi Tôi cũng phải “lớn lên” để nghe chuyện tình của tên lính da trắng…

Truyện được kể từ ngôi thứ nhất, qua lời kể của nhân vật Tôi, người đọc không chỉ hiểu được tình bạn của Tôi với hai người lính mà còn thấy được văn hóa của người Việt Nam được nhìn nhận qua con mắt của người lính Tây như thế nào? Thêm nữa, ngôn ngữ đối thoại của hai người lính Tây, với giọng nói tiếng Việt còn lơ lớ, càng làm tăng tính chân thực cho câu chuyện.

  Bằng lối kể chuyện giản dị, tự nhiên, pha chút dí dỏm, truyện Tôi và hai người lính Tây của nhà văn Tùng Điển đã đem đến cho người đọc những cảm nhận thú vị về tình bạn (dẫu là ngắn ngủi) của người bạn nhỏ Việt Nam với hai người lính Tây, giúp ta hiểu thêm một góc khác, đậm chất nhân văn về cuộc chiến tranh đã qua.

Phần kết của truyện đưa người đọc trở về với thời gian hiện tại: “Nếu thoát được ngọn lửa thiêu năm ấy, giờ hai anh lính Tây cũng đã là người thiên cổ”. Chỉ một thay đổi trong cách xưng hô của Tôi với hai người lính Tây: từ thằng, nó, đổi sang anh cũng đã góp phần khẳng định thêm ý nghĩa nhân văn của câu chuyện. 

N.T.B

Bài viết khác