Chủ nhật, 19/05/2024

Trầm tư thưởng ngoạn Thi tập Đỗ Văn Khang

Thứ năm, 25/06/2020

MẠC KHẢI TUÂN 

Đỗ Văn Khang là người không chỉ dùng tư duy lôgíc để làm khoa học (Ông đạt hai bằng Tiến sỹ: một là Tiến sỹ Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, hai là Tiến sỹ các khoa học Triết học Đại học Tổng hợp Quốc gia Nga - Mátxcơva. Ông là người Việt Nam độc nhất được Nga phong Trạng nguyên); mà còn dùng tư duy hình tượng để viết văn và làm thơ.

Có thể nói: Ông là người thuộc số hiếm có may mắn được sở hữu cả hai loại tư duy để đồng thời: “Thẩm thấu, thăng hoa thế sự/ Phong lưu, tự tại thiên thời" (Mạc Khải Tuân).

Sau các công trình: Lịch sử Mỹ học - 1984 (Giai đoạn Nguyên thủy và Cổ đại Hy Lạp), Mỹ học Mác Lê Nin - 1985 (cùng với GS Đỗ Huy), Mỹ học đại cương - 2002 và 2008; Mỹ học Mác-Lê nin (cao cấp) - 2004, Lý luận văn học: Phương pháp sáng tác, trào lưu và trường phái văn học (GS. Hà Minh Đức chủ biên) - 2008, Lịch sử Mỹ học (trọn bộ) - 2010; Bình văn hiện đại - 2010, Nghệ thuật học - 2011, Cơ sở lý luận Văn học - 2013 và Tự truyện – 2016; “Thi tập Đỗ Văn Khang” ra mắt bạn đọc lần này, là dịp để bạn đọc thêm một lần tương giao và cảm nhận về một hàm lượng trí tuệ với nhiều hứng cảm sáng tạo mới.

Nhà thơ Đỗ Văn Khang                       Ảnh: (nguồn: vanhien.vn)

Bài “Tình và Mộng” là bài mà tác giả đã khéo léo kết hợp giữa tính Triết học và hình tượng Nghệ thuật; để mở đầu tập thơ: vừa như một tuyên ngôn nghệ thuật, vừa là một tuyên ngôn về lẽ sống. “Vẫn biết cuộc tình là cõi mộng/ Mà sao lại cứ dẫn thân vô” (Triết lý). “Bao nhiêu chiều chuộng khôn tả xiết/ Bao nhiều say đắm tựa lên mây” (Hình tượng). “Ngày xưa đã có anh Từ Thức/ Vui thú cõi tiên lạc cõi trần” (Biện hộ giữa hư và thực). “Ngày nay vẫn có người mơ mộng/ Bỏ cả Chương đài chốn phù hoa/ Bỏ cả Thủ đô về Cố đô” (Bộc lộ tính cách). “Nơi có ánh mắt sơn khuê/ Bàn tay ấm áp làm mê lòng người” (Hình tượng). “Nghĩ suy hết mọi đường rồi/ Chỉ còn duy nhất đường hồi mê cung!” (Phản tỉnh)

Dường như cả đời mình, Đỗ Văn Khang đã gửi gắm ở niềm đam mê cái đẹp và để trọn nghiệp ấy, ông phải là một người không thể không sâu dầy căn cơ Chân - Thiện - Mỹ. Ông “Nhặt được mảnh trăng quê” cũng nhờ từ “Sắc hồng hoa Tigôn” nơi “Em Thanh Thanh” rồi ở “Tắm Tiên”... đến khi “Anh riêng được em rồi/ Hoa xoan tím tình si”...

Người bạn vong niên thuở nào - Trần Quang Ngọc có lần nhận xét: “Cuộc đời của TSKH Đỗ Văn Khang là cả một thiên tiểu thuyết”. Bởi là, ở đâu ông cũng có người đẹp làm nên chất trữ tình cho sự nghiệp. Ông không thuộc tuýp người lãng tử; nhưng là một trang hào hiệp, cởi mở và hòa ái... Bởi thế, Đỗ Văn Khang luôn sẵn lòng đem tài hoa và tuệ giác của mình ra giúp đỡ mỗi khi có cơ duyên. Chả thế mà ông có được “Nataxa hiền hòa như nước sông Vônga/ Trẻ trung như Bạch Dương sang hạ” để phóng ngựa song đôi trên thảo nguyên của vùng sông Đông êm đềm; có “Ngọc Trâm - Em gái Trung Hoa” nhận phiên dịch suốt 6 tháng cho ông khi sang Bắc Kinh nghiên cứu kiến trúc từ những năm 60 của thế kỷ trước. Đỗ Văn Khang đã cùng Ngọc Trâm du dạo trên Vạn Lý Trường thành, cùng tâm đắc đàm đạo về thơ Đường, về Lý Bạch, Bạch Cư Dị... Còn được Ngọc Trâm dự báo: “Anh sẽ thành thi sĩ, vì Khang sẵn có tâm hồn, lại am hiểu Mỹ học của Trung Hoa, của Nga và của Việt Nam nữa”.

Thi tập Đỗ Văn Khang đã dụng công qua nhiều loại thơ: nào Lục bát, nào Thất ngôn; Trường ca. Khi tự sự, lúc trữ tình để “Ca ngợi vẻ đẹp La Vân”, “Ngợi ca đất cô Cổ đô”, “Ngợi ca Đô tri lực sĩ Đại Vương”, để “Ngợi ca mối tình của cha”, để “Kính thân mẫu bạn thân Giáo sư Hà Minh Đức” và để tri âm với “Ninh Bình đất cổ Cố đô”... Ông còn “tinh quái” dám chê Nguyễn Trãi bị mất mạng vì đã làm thơ “ghẹo gái”; trong khi chính ông đã có thời khắc “Đâu còn ngây ngất trăng thu” từ nghịch lý - được nhận thơ “gái ghẹo”! Ông lại bênh Nguyễn Du “Đâu có đi nhòm trộm...”. Ông cũng thật khéo việc tả “nuy”, trong dịp đưa hai em gái lên hồ cao trên núi “Tắm tiên” để “thấy nhau dưới nước trắng phau”. Tinh tế và sắc bén nơi ngọn bút thơ Đỗ Văn Khang còn ở chỗ: Dù dựng cảnh, lập tứ thế nào, ông cũng phát tiết một cách sang trọng, lịch duyệt và hào hoa - tao nhã. Thảo nào, Cố Thủ tướng Phan Văn Khải (vốn là bạn hàn vi từ Việt Nam sang Nga du học) khi đọc cuốn “Bình văn hiện đại” của ông đã thốt lên: “Bút lực của Đỗ Văn Khang sánh với cả Binh đoàn quân tiên phong”; thảo nào, ông đã dùng cách tách “tế bào gốc” khiến “châu chấu rụng càng” trong văn đàn những năm đầu Đổi mới (1986 - 1996).

Ông tiết lộ đã nhận ảnh hưởng từ nhà thơ Xuân Diệu, thay vì lời cám ơn thi sĩ trong “Bài ca trưởng thành”: “Cả rừng già thức dậy/ Cùng chung một điệu hò/ Hờ ơ ớ ơ/ Trời mưa trời gió/ Thế là anh Xuân Diệu/ Truyền cảm hứng sáng tạo/ Cho lớp trẻ Việt Nam”.

Đỗ Văn Khang có một tâm hồn luôn đắm đuối “tầm cao”, giúp ông đạt nhiều đỉnh cao trong sự nghiệp. Ta thấy bóng dáng các đỉnh cao ấy trong hình tượng và âm hưởng của cả tập thơ. Có lúc “tầm cao” ám ảnh từ những cảm hứng mênh mông, vời vợi, vô tận trong “Mưa thượng nguồn”, khi “Ngủ tại căn nhà xưa ở Kim Liên”; có lúc lại hào sảng, mộng mơ “Trò chuyện với một vì sao lấp lánh”. Ông còn khất với người thiên cổ - Phan Văn Khải: “Khoan, thư khoan thư khoan/ Khoan cho mười lăm năm nữa.…” và ước hẹn cùng người bạn trẻ nhất từ thời chuyên tu ngoại ngữ - Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quang Ngọc, nguyên Viện trưởng Viện Kỹ thuật và video Việt Nam - sẽ gặp nhau ở chín tầng mây, để: “Chung dạo miền sông Ngân/ Ba ta lại uống trà/ Tha hồ cùng lấp lánh!” (Trò chuyện với một vì sao lấp lánh) để cùng ngâm ngợi: “Cho hay mọi thứ đều mây nổi/ Còn với non sông một chữ tình!” (Đào Duy Anh) 

Bằng mỗi tứ thơ trong Thi tập cùng những tác phẩm về lịch sử, lý luận Mỹ học, Bình văn hiện đạiTự truyện, đã hiện lên cốt cách của một nhà khoa học, một văn nhân chân chính và một người tình tuyệt vời - Đỗ Văn Khang – đậm đà phong vị Nhân - Nghĩa – Lễ - Trí - Tín, nhờ có đặc ân “Thông minh vốn sẵn tính trời”. Bao quát nữa là nét “Phong lưu tài tử điểm tạo hóa/ Cốt cách hào hoa xạ tâm văn”; xin nhường phần bạn đọc thưởng ngoạn tiếp những dòng cảm hứng trong “Thi tập Đô Văn Khang” của ông.

M.K.T

(VNNB239/6-2020)

Bài viết khác