Chủ nhật, 19/05/2024

Văn trẻ: Không phải cứ sốt sắng là được

Thứ sáu, 10/09/2021

HOÀNG ĐĂNG KHOA

Đầu tháng 12 năm 2021 sẽ diễn ra Hội nghị đại biểu Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 tại TP Đà Nẵng. Gần 5 năm về trước, Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 9 diễn ra tại Hà Nội vào tháng cuối năm 2016, thêm một lần nữa nói lời hy vọng và tin tưởng vào đội ngũ người viết trẻ cả nước, bởi hội nghị lần này phát hiện và tập hợp hơn 100 cây bút sung sức, mới mẻ từ nhiều vùng miền. Thế nhưng, cho đến nay, ngoài một số cái tên như Nguyệt Chu (Hà Nội), Hoàng Anh Tuấn (Lào Cai), Nguyễn Luân (Lạng Sơn), Trương Công Tưởng (Bình Định), Kiều Duy Khánh (Sơn La), Trần Ngọc Mỹ (Hải Phòng), Kai Hoàng, Lê Hoà, Trần Võ Thành Văn (TP. Hồ Chí Minh), Nguyễn Hồng (Nghệ An), Trác Diễm (Quảng Bình), Lê Quang Trạng (An Giang), Lê Vũ Trường Giang (Thừa Thiên Huế), Nguyễn Văn Toan (Hà Giang)… còn xuất hiện khá đều đặn trên văn đàn, thì rất nhiều cái tên khác trở nên “vô tăm tích” sau hội nghị. 

PGS.TS Ngô Văn Giá, nguyên Trưởng khoa Viết văn - Báo chí, Đại học Văn hoá Hà Nội từng nói vui rằng, một trong những “công” của khoa đào tạo viết văn đó là “giải ảo” người học; nghĩa là, sau 4 năm theo học, nhiều người sẽ vỡ lẽ là họ không có năng khiếu văn chương như họ tưởng, họ không thể đi đường dài với văn chương. Câu chuyện này cũng có thể “áp” sang cho hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc được Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức 5 năm 1 lần. Tức là, rất nhiều người đã đến với hội nghị và đã buông bút sau khi từ hội nghị trở về, vì tỉnh táo nhận ra mình có lẽ không thuộc về lĩnh vực văn chương đòi hỏi nhiều năng khiếu, nhiều đam mê. Cũng có thể, trong số này nhiều người tạm gác giấc mộng văn chương để toàn tâm toàn trí toàn lực cho công việc học tập hoặc nghề nghiệp mà họ đang theo đuổi. Mà biết đâu nhiều tác giả đang chủ đích ẩn tích để âm thầm nạp năng lượng, tạo đà bứt phá, rồi một ngày đẹp trời sẽ tái xuất ấn tượng bất ngờ.  

Nói cho cùng, văn chương là câu chuyện định mệnh. Người ta sinh ra đã có thể là nghệ sỹ hay không, chứ không phải muốn được hay muốn chối bỏ là được. Cái định mệnh này sẽ lưu đày anh, sẽ thôi thúc anh nỗ lực mài giũa giác quan mà sống, nỗ lực đào sâu, tìm tòi để sáng tạo, không thể nào khác được. Hội Văn học Nghệ thuật địa phương hay Hội Nhà văn trung ương có thể không phải là “thánh đường” với ai đó như họ tưởng trước khi họ “vào hội”, toà soạn báo/ tạp chí văn nghệ có thể sẽ không là nơi người ta tiếp tục cộng tác nếu con mắt/ bàn tay biên tập phớt lờ/ làm hỏng tác phẩm chất lượng của họ, còn không gì có thể tước đoạt được tư chất nghệ sỹ của người ta, vương quốc tự do sáng tạo của người ta một khi trời đã trót “đày” người ta làm nghệ sỹ. Sẽ không mấy thuyết phục nếu đổ lỗi cho quỹ thời gian cá nhân. Bởi đa phần những tác giả đã và đang khắc dấu trên văn đàn nước nhà là những công chức - nhà văn, đặc biệt là nhà báo - nhà văn đấy thôi. Nếu anh có đủ đam mê, tài năng, sự trường vốn, dũng cảm dấn thân thì anh sẽ coi gia đình là chỗ dựa, công việc, thu nhập là phương tiện để thực hiện mục đích văn chương của mình. 

Một thực tế là, những người trẻ có thể làm văn chương ở nước ta không phải hiếm. Chỉ mới hai năm sau hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc kỳ gần nhất, văn đàn nước nhà đã được dịp chứng kiến sự trình hiện của nhiều cây bút gần như “mới toanh”, như Phan Thuý Hà, Trần Thị Tú Ngọc, Hoàng Khánh Duy, Võ Nhất Chí, Phan Đức Lộc, Ai Ta Yết Lam, Nguyễn Kiên Cường… (văn xuôi), Pháp Hoan, Nguyễn Thuý Hạnh, Nguyễn Khánh Duy, Trương Đình Phượng, Nguyễn Hải Yến… (thơ). Đặc biệt, trong danh sách 9 tác giả có tác phẩm đoạt giải Văn học tuổi 20 lần thứ 6 được trao giải tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 23/12/2018, ngoài 3 cái tên đã trở nên quen thuộc như Nguyễn Thị Kim Hoà, Đinh Phương và Phạm Bá Diệp, thì 6 cái tên còn lại là khá mới mẻ: Nguyễn Đình Khoa, Hiền Trang, Mai Thảo Yên, Đặng Hằng, Phạm Thu Hà và Maik Cây. Nếu các cơ quan chức năng, các toà soạn báo/ tạp chí chịu khó theo dõi, phát hiện qua tổ chức các kỳ hội nghị, qua phát động các cuộc thi, qua những bản thảo gửi về, và qua nhiều kênh khác, thì sẽ tập hợp được lực lượng, tiếp lửa, tạo cú hích sáng tạo cho những nhân tố trẻ và mới; văn đàn nước nhà từ đó sẽ được bổ sung thực đơn cho bạn đọc bằng những món văn mới. 

Tuy nhiên, không nên đặt “tin tưởng và hy vọng” quá nhiều. Bởi văn chương nhiều khi không vận động, tiến hoá theo đường thẳng mà là đường gấp khúc. Như là thứ “lộc trời”, nên sự trình xuất của những tác giả, tác phẩm sáng giá không phải cứ muốn là được, sốt sắng là được. Bạn đọc có quyền mong mỏi nhưng chẳng ích gì khi cứ thắc mắc tại sao sự nghiệp thơ của Trần Đăng Khoa mãi đang dừng lại ở Góc sân và khoảng trời, sự nghiệp tiểu thuyết của Bảo Ninh mãi đang dừng lại ở Nỗi buồn chiến tranh…, và sự nghiệp văn chương của một bộ phận lớn những người viết văn trẻ mãi đang dừng lại ở những… trang viết đầu tay. Chất lượng tác phẩm và khả năng đi đường dài của người viết trẻ trước hết được quyết định bởi chính nội lực sáng tạo của họ, khả năng dấn thân tự thân của họ. Sự sàng lọc (của thời gian, của bạn đọc) và tự sàng lọc (của chính người viết) là một quy luật tất yếu. 

Có người đặt ra câu hỏi là: Thời nay, người trẻ tại sao viết/ viết để làm gì? Theo tôi, người trẻ viết văn đơn giản chỉ vì không thể không viết. Và viết, với họ, đơn giản là để thỏa đam mê, để sở hữu khoảng riêng, miền tự do, để tự mình cách biệt với những ráo hoảnh thực dụng, để không đánh mất bản ngã, để bớt chông chênh, để tự huyễn hoặc dò gặp sóng tri âm ở đâu đó giữa nhân quần, hay ít nhất là để con chữ tượng hình những ý nghĩ tử tế.

H.Đ.K

(Nguồn: TC VNNB 254-8/2021)

Bài viết khác