Chủ nhật, 19/05/2024

Vượt lên tàn lụi miệt mài mà xanh

Chủ nhật, 24/11/2019

Lời bình của ĐẶNG DIỆU THOA 

   

     LẠI NÓI VỀ CỎ

Nghe lời cỏ rối lan man
Ru xanh gió nội trăng ngàn nắng mai
Vượt lên dày xéo muôn loài
Vượt lên tàn lụi miệt mài mà xanh.

Mất còn mỗi cuộc chiến tranh
Máu loang thấm đỏ cỏ thành tri ân
Cây cao bóng ngả xa dần
Cỏ đan vào cỏ thân gần sẻ chia

Xanh trong nước mắt đầm đìa
Cỏ đâu nghĩ có văn bia để đời?
Không phân thù bạn thứ ngôi
Gom xanh giữ ấm mộ người xưa, sau

Hại người kế hiểm mưu sâu
“…Nhổ cỏ tận gốc”- nỗi đau suy đồi
Lụi tàn trọn kiếp không ôi
Không cam thay số đổi ngôi phụ tình

Nơi bờ bãi chốn cung đình
Cỏ không trối bỏ phận mình dại hoang.

                      Lâm Xuân Vi

 

 VƯỢT LÊN TÀN LỤI MIỆT MÀI MÀ XANH

 

     Xưa nay, không ít các nhà văn, nhà thơ lấy cỏ làm nguồn cảm hứng cho  sáng tác văn chương của mình. Nhà thơ Lâm Xuân Vi ngoài việc lấy cảm hứng từ cỏ, sau chặng đường dài chiêm nghiệm đã lặng lẽ hóa thân vào thế giới của cỏ để lắng tìm đồng điệu và tường tận được không chỉ cỏ mà cả cõi đằng sau của cỏ.

    Tại sao nhà thơ Lâm Xuân Vi không chọn một chủ thể khác mà“Lại nói về cỏ”- loài sinh thể nhỏ nhoi nhưng sở hữu sức trường tồn vĩnh cửu này?Phải chăng, nhà thơ nhận ra nỗi người, nỗi đời thấp thoáng trong từng nhánh cỏ?   Ai hay, cỏ hồn hậu và bao dung đến độ những lời“lan man” muôn thủa, cỏ cũng không dành hưởng riêng mình. Cả vũ trụ bao la“gió nội, trăng ngàn, nắng mai” kia đều đắm trong lời ru ngàn đời của cỏ. Đất trời có còn không nếu sự sống trên trái đất này thiếu đi sự góp mặt của cỏ? Mỗi ngày ta đi trên cỏ mà ngỡ rằng cỏ thấp nhất nhưng ngờ đâu lại là cao nhất. Cỏ bao trùm lên vương quyền của mọi thời đại. Ở bất cứ đâu“nơi bờ bãi”,“chốn cung đình” hay  sơn cùng thủy tận…, cỏ luôn trung thành với kiếp phận“dại”,“hoang” bé mọn của mình. Cứ hi sinh thầm lặng thế, “Cỏ đâu nghĩ có văn bia để đời”, đâu mơ màng danh phận, cũng chẳng mong chờ cuộc“ thay số, đổi ngôi” nếu phải “phụ tình”. Bình thản, cỏ thoát ra khỏi cái ràng rịt của tham muốn thế tục để vươn tới cái lớn lao hơn thế ở đời. Ta nhận ra, từ những đám“cỏ rối”giữa nhọc nhằn hằng thường kia, hiển hiện một tâm thế sống không còn đơn thuần là cỏ.

    Cho dù thấp nhỏ đến mong manh nhưng chưa từng thấy cỏ cam lòng chấp nhận sự“dày xéo của muôn loài”. Trái lại, trong mọi hoàn cảnh, trước những thử thách, cỏ luôn thể hiện  sự can trường, sẵn sàng đối mặt để rồi“vượt lên” số phận,“vượt lên tàn lụi”chỉ với ao ước được làm cỏ, được“ru”đời và được“xanh” giữa dòng đời nghiệt ngã, bon chen. Thái độ “nhẫn”chạm ngưỡng  tâm thiền khiến cỏ trở thành một ẩn dụ điền tâm thật đáng trân trọng. Thử hỏi, đã bao giờ ta cúi xuống, nhẹ nhàng nâng ngọn cỏ lên mà an ủi khi bàn chân mình đã trót vô tâm? Câu thơ lóe sáng khi ta chớp được khoảnh khắc cỏ hóa thành bất tử. Ác tâm“…nhổ cỏ tận gốc”, trốc tận rễ kia dẫu đầy“mưu sâu”,“ kế hiểm”cũng khó bề gỡ nổi kết cục bi thảm. Tuy nhiên, phận cỏ rồi dễ gì tránh khỏi muôn nỗi oan khiên!

   Chẳng phân biệt “bạn, thù, ngôi, thứ”, chẳng băn khoăn cho phận lẻ riêng mình, cỏ loay hoay gom màu xanh“miệt mài”cuộc hành trình giữ ấm bao linh hồn khi trở về với đất. Chiến tranh nào mà không nhuốm máu? Cỏ là trí nhớ của đất. Đất tưới nhiều máu, nước mắt hay bất cứ nỗi buồn vui nào, mỗi khi con người trót quên thì cỏ lại rầm rì nhắc nhớ. Trong nỗi hoang lạnh biệt trùng nơi vách núi, bìa rừng, khi nén nhang thơm chưa một lần đỏ lửa thì niềm tri ân đêm ngày có gì thay thế đâu, ngoài cỏ? Một khoảnh khắc bình yên sau chiến tranh, một cõi an nhiên hiếm hoi của những cuộc đời đầy sóng gió chỉ có thể là khi trở về bên cỏ. Tin rằng, nhà thơ đã không ít lần chạm da thịt vào cỏ, căng lồng ngực để tận hưởng mùi hăng nồng, ngái quánh lẫn ngọt ngào của cỏ để dung dưỡng tâm hồn bấy nay mà có những ngẫm ngợi về cuộc đời, về hạnh phúc, khổ đau, sự trụi trần hay huyễn hoặc, tin yêu hay man trá, vĩnh hằng hay phù du,…thấm thía vậy? Cỏ có ngôn ngữ tâm linh riêng. Cỏ giúp cuộc đời nói những điều vô ngôn và hữu ngôn mà không phải bất cứ loài sinh vật nào cũng có được. Thiếu gì những loài cây càng lên cao, bóng tán càng lạc dần cội rễ. Biết đến bao giờ sum sê kia mới ủ ấm được khoảng lạnh dưới chân mình? Ta chợt khao khát được là cỏ để“ thân gần sẻ chia”, xúm xít bên nhau, đan níu lấy nhau mà chở che, ru vỗ những ấm lạnh cuộc đời này?

     Dùng những ngôn từ giản dị, thân thuộc như rơm, như rạ để phác họa cỏ và nói về cuộc đời của cỏ thể hiện kĩ năng điều phối ngôn ngữ của một nhà thơ từng trăn trở với đời và trĩu nặng duyên nợ với thi ca. Bài thơ “Lại nói về cỏ” của nhà thơ Lâm Xuân Vi sẽ luôn lay thức người đọc nhờ ý tưởng song hành cùng luồng gió văn chương thời đại. Ta bỗng yêu hơn loài sinh vật bình dị, vô danh bám riết vào nhựa đất, áp chặt vào tim đất để mà xanh, xanh đến nao lòng. Màu xanh miên man sẽ mách lối, chỉ đường sau bao lầm lạc, đưa ta về với thanh sạch vô tư. Tất thảy những bon chen, tít mù kia rồi sẽ trôi qua, sẽ trở thành cát bụi. Chỉ có cỏ thôi, chỉ cỏ mới theo ta đến tận vô cùng. Ta muốn mở lòng để cỏ cùng những hy vọng tin yêu len vào tâm tưởng.

Đ.D.T

 

                                                                          

                                                                        

Bài viết khác