Chủ nhật, 19/05/2024

"Xuống cửa là đường" - Niềm tin còn mãi!

Thứ hai, 13/04/2020

KHÁNH PHƯỢNG

Giữa lúc dịch cúm Corona đang lan rộng khắp toàn cầu, nỗi sợ hãi, hoang mang len lỏi khắp các ngõ ngách trong tâm hồn con người, tôi kiếm tìm sự bình yên trong những trang sách.

Khi “xuống cửa” không phải  là con đường mở ra những chân trời tươi mới thì đọc sách đưa ta vào thế giới “vô trùng” của những suy tư chiêm nghiệm về cuộc đời. “Xuống cửa là đường”, một truyện ngắn gợi những suy tư ngay từ nhan đề độc đáo.
Đọc những trang của truyện ngắn, người ta dễ liên tưởng đến không gian trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của nhà văn Thạch Lam thời trước Cách mạng tháng Tám. Đó là cái không gian ngột ngạt, tù túng của một quán xép ven đường. đó là cái sân khấu cuộc đời để các vai diễn phô bày những số kiếp, những lo toan thường nhật. Nhân vật chính cũng tên Liên, nhưng nếu như “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam đem đến cho người đọc một nỗi buồn miên man, dàn trải, không có điểm dừng, không có lối thoát thì “Xuống cửa là đường” lại đem đến những xúc cảm chộn rộn với những yêu ghét, buồn vui mang nhịp sống hiện đại, không nhàm chán, không đơn điệu mà đầy dằn vặt, đớn đau…
Tại quán phở vẻn vẹn 15 mét vuông, xuống cửa là đường, người đọc được thấy những khách ăn hàng đủ loại người: đôi vợ chồng hờ, vợ say khướt còn chồng thì cục súc; lão chất Nghệ trầm tư triết lí có cái túm tóc như đuôi mèo; thằng khóc vợ sống cảnh gà trống nuôi con, vì thương vợ mà rèn con bằng hình phạt quái đản, xoáy ấn cái nồi cơm nóng vào vòng chân đứa con… Mỗi người một tính cách, một hoàn cảnh, nhưng tất thảy đều éo le, ngang trái, đều là những mảng ghép loang lổ của đời thực. Trong nỗi ám ảnh về những gương mặt nhàu nhĩ của những phận người, ẩn hiện cùng âm thanh “lờm lợm” của những chiếc chén đập xuống bàn; tiếng bàn tay tát vợ đánh “bốp”, gọn lỏn như tiếng lốp xe nổ của gã “bản mặt bì bì dâm dục”; tiếng lải nhải dở say dở tỉnh của khách rượu; tiếng chửi tục tĩu của mụ Hướn bán xổ số ở quán bên… Tất cả, làm cồn lên trong lòng người đọc một nỗi hoang mang đến ngộp thở. Tưởng như, nếu phải sống giữa cái không gian xô bồ đáng sợ ấy, con người sẽ căng thẳng phát điên lên mất. 
Ấy vậy mà Liên vẫn đằm thắm, dịu dàng, vẫn kiên trì và bền bỉ bám trụ với cái nghề của chị. Chỉ một cái cười nhăn  nhở, cái cười cảm ơn của Toan, đứa cháu họ có gia cảnh be bét Liên cũng “thấy dễ chịu hơn”. Giữa đống ngổn ngang của những mảnh vỡ nát, người ta cần bình tĩnh lượm lặt lấy chút hình còn rõ dạng. Chắt chiu chút niềm vui trong cuộc sống cũng là cách mà Liên vượt lên cái vòng xoáy đảo điên của thời cuộc. Sự đằm thắm dịu dàng ấy như một sợi dây bền chắc níu giữ cô thoát khỏi hố đen của sự suy thoái nhân cách. Cũng có lúc, người đọc cảm thấy lo lắng bởi sự xao động của Liên trước cám dỗ  tình cảm trong mối quan hệ với Hoàng khi liên tiếp nhận những tin nhắn mời gọi việc làm. Nhưng sau những đấu tranh âm thầm, dai dẳng của một người phụ nữ tháo vát mà thận trọng, thông minh, chị tự mình gỡ bỏ ràng buộc mơ hồ để chọn cho mình con đường đi độc lập, không dựa dẫm, không hàm ơn. Mỗi ngày, chị đều thấm nhuần câu nói của Hoàng: “Phải tự biết làm giàu cho mình em ạ. Tức là giàu có về tiền của, giàu có về trí tuệ và giàu có về tâm hồn”. Khi đã chọn được con đường đi đúng, giữa dòng đời tấp nập, đổi thay, Liên vẫn an nhiên tự tại với niềm hạnh phúc giản đơn, được ngồi ngắm chồng sửa soạn lại căn nhà nhỏ, ngắm những giò lan bền bỉ vươn sức sống và mơn man trong niềm tin vào hạnh phúc sẽ sinh sôi từ căn nhà nhỏ ấm cúng ấy. 
Với lối viết truyện vừa dung dị đời thường vừa triết lí sâu sắc, ngôn ngữ đối thoại khá linh hoạt, uyển chuyển, sử dụng nhiều thành ngữ, từ ngữ độc đáo, mới mẻ, tác giả Phạm Thị Duyên đã đem đến cho người đọc những xúc cảm nhẹ nhàng mà sâu lắng, khơi dậy niềm tin vào khả năng vượt qua thử thách của con người. Chỉ cần giữ cho mái ấm được vững bền, tâm được bình an thì nhất định: Xuống cửa sẽ là đường!
                                                 

Kim Sơn. 04.01.2020
K.P

Bài viết khác