Chủ nhật, 19/05/2024

30 năm khơi dậy khát vọng, sáng tạo vì một Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững

Thứ tư, 16/03/2022

Đồng chí TRẦN HỒNG QUẢNG
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình 

Ngày 01/4/1992, khắc ghi một dấu mốc quan trọng trong chặng đường đổi mới và phát triển của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình, khi tỉnh Ninh Bình được tái lập và chính thức hoạt động theo đơn vị hành chính mới. 30 năm qua, phát huy hào khí linh thiêng của vùng đất Cố đô Hoa Lư lịch sử - quê hương cách mạng, văn hiến và anh hùng, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương; sự hợp tác của các tỉnh, thành phố; Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Ninh Bình luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

Trở lại những ngày đầu mới tái lập tỉnh, kinh tế - xã hội của tỉnh gặp nhiều khó khăn, thử thách: Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhỏ bé, phân tán, manh mún, hiệu quả sản xuất thấp. Tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản trong cơ cấu GDP cao, chiếm tới 62,9%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn chỉ đạt 40 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người chưa đầy 1 triệu đồng/năm. Hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu; hệ thống giao thông, thuỷ lợi, trường học, bệnh viện, trạm y tế, nhà văn hóa thiếu, cơ sở vật chất, trang thiết bị xuống cấp nghiêm trọng. Đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trên 20%. Đội ngũ cán bộ thiếu và không đồng bộ. 

Quán triệt sâu sắc đường lối đổi mới của Đảng, nhận thức, đánh giá đúng những thuận lợi, khó khăn, với tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo và bằng nhiều quyết sách táo bạo và khát vọng vươn lên, Ninh Bình đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Kinh tế có bước phát triển nhanh, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng qua các năm; bình quân giai đoạn 1992 - 1995 tăng 13,3 %; giai đoạn 1996 - 2000 tăng 9,6 %; giai đoạn 2001 - 2005 tăng 13,1 %; giai đoạn 2006 - 2011 tăng 15,7 %; giai đoạn 2011-2015 tăng 11,7%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 tăng tăng bình quân 8,03%/năm. Riêng năm 2021, mặc dù chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng đã đạt được kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,71%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Thu ngân sách năm 2021 đạt 22.094 tỷ đồng, vượt 18,7% dự toán và có chuyển biến tích cực về cơ cấu thu, là tỉnh tự cân đối ngân sách từ năm 2022. Với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, nhiều danh thắng, di tích lịch sử đặc trưng, du lịch Ninh Bình đã biết nắm bắt cơ hội, những năm gần đây có nhiều bước phát triển đột phá. Sự kiện Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 2014 đã tạo điều kiện, mở ra cơ hội, vận hội lớn đưa du lịch Ninh Bình dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, dịch vụ có những bước đột phá. Bằng việc tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cùng với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đã thu hút được nhiều dự án công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao, thúc đẩy công nghiệp tăng trưởng nhanh. Chính sách phát triển nông nghiệp và hỗ trợ nông dân được thực hiện hiệu quả; nông nghiệp chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hoá, hình thức sản xuất tiên tiến, giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đạt 135 triệu đồng/ha; hình thành các vùng, cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn theo chuỗi giá trị. Phong trào xây dựng nông thôn mới tiếp tục được nhân dân đồng tình hưởng ứng, đạt nhiều kết quả và đi vào chiều sâu; toàn tỉnh có 117/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỷ lệ 98,3%), có 17 xã nông thôn mới nâng cao, 11 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 04 huyện, 01 thành phố được công nhận chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Các lĩnh vực y tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh đều đạt được những thành tựu quan trọng. Riêng đối với sự nghiệp giáo dục, Ninh Bình có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chiếm trên 95,1%; chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục được nâng lên, Ninh Bình luôn đứng trong tốp đầu các tỉnh có điểm trung bình cao tại các kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, bộ mặt đô thị và nông thôn của tỉnh có nhiều thay đổi theo hướng sáng, xanh, sạch, đẹp. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, du lịch, nông nghiệp, điện lực, hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát kinh tế - xã hội. 

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại đều đạt được những kết quả toàn diện. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có nhiều đổi mới, sáng tạo, nền nếp, trở thành nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ được thực hiện nghiêm túc. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng được nâng lên. Xây dựng chính quyền các cấp ngày càng vững mạnh, hiệu lực và hiệu quả. Sức mạnh đoàn kết toàn dân được củng cố, dân chủ được phát huy, quyền làm chủ của Nhân dân được bảo đảm. 

Những kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình sau 30 năm tái lập tỉnh là to lớn, toàn diện, tự hào. Việc nhận định đúng tình hình, đề ra các mục tiêu với khát vọng lớn và tập trung lãnh đạo quyết liệt của Đảng bộ tỉnh là nhân tố quyết định để khơi thông nguồn lực cho phát triển. 30 năm qua, lúc khó khăn cũng như khi thuận lợi, mỗi giai đoạn phát triển, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đều nhận diện chính xác tình hình, đề ra chủ trương, quyết sách phù hợp. Tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh các khóa đều thể hiện sự trăn trở, toàn tâm, toàn ý với sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Ninh Bình, nhất là ở những thời điểm khó khăn, có ý nghĩa quyết định. Những thành tựu nổi bật 30 năm qua khẳng định sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Ninh Bình có tính chất quyết định, dẫn dắt toàn bộ quá trình hoạch định chiến lược phát triển của tỉnh trong dòng chảy chung của sự nghiệp đổi mới đất nước. Đây là cơ sở vững chắc, là niềm tin, động lực lớn để Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh tiếp tục vững bước trong chặng đường mới, thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đề ra.

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư tặng hoa
chúc mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình khóa XXII (Nhiệm kỳ 2020-2025)         Ảnh: TL 

Mặc dù đã đạt được những kết quả hết sức to lớn. Song, với yêu cầu phát triển nhanh, toàn diện và bền vững thì nhiệm vụ xây dựng quê hương Ninh Bình trong thời gian tới còn hết sức nặng nề. Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Ninh Bình tiếp tục phát huy giá trị lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, sự đồng lòng, chung sức, với quyết tâm chính trị cao xây dựng quê hương ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Trước mắt là thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 để hiện thực hóa khát vọng trở thành trung tâm du lịch của khu vực và của cả nước; phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh phát triển trung bình khá, đến năm 2030 trở thành tỉnh khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Để thực hiện được mục tiêu này, Ninh Bình đang nỗ lực, tập trung sức người, sức của, đồng lòng nhất trí, thực hiện tốt các định hướng, giải pháp đã đề ra: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Tập trung xây dựng Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quan liêu, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước việc khó, việc phức tạp. Củng cố và tăng cường lòng tin, sự gắn bó của Nhân dân với Đảng, chính quyền. Nghiêm túc triển khai thực hiện và vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả các nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn của tỉnh.

Ninh Bình tập trung thực hiện 3 khâu đột phá và 6 chương trình trọng tâm, 14 nhiệm vụ giải pháp. Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra các giải pháp tổ chức thực hiện cụ thể và đang được các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân nỗ lực thi đua thực hiện. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, gắn với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Rà soát, điều chỉnh hoàn thành quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo phát triển bền vững, đồng bộ, hài hòa, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa. Tập trung phát huy lợi thế về vị trí chiến lược, trung điểm của tứ giác tăng trưởng vùng kinh tế Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Thực hiện liên kết vùng, tăng cường hợp tác liên vùng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, khai thác hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên du lịch; nâng cao năng suất lao động, đảm bảo năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, phát triển bền vững, có số thu ngân sách lớn. Phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng số, tạo nền tảng cho chuyển đổi số, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số, xây dựng chính quyền điện tử gắn với cải cách hành chính, tinh giản bộ máy. Phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng; sản xuất nông nghiệp hữu cơ với các sản phẩm chủ lực theo vùng sinh thái, đặc trưng phục vụ du lịch. Xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao, kiểu mẫu. Phát huy vai trò kinh tế biển dựa trên tiềm năng lợi thế, với trọng tâm là dịch vụ, du lịch sinh thái ven biển; phát triển kinh tế biển theo quy hoạch, tạo điểm nhấn về vùng kinh tế năng động gắn với quản lý đô thị và trung tâm du lịch sinh thái ven biển Kim Sơn. Tập trung đầu tư và thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược cho phát triển du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, hướng tới xây dựng Ninh Bình thành trung tâm du lịch của cả nước. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử và truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất cố đô Hoa Lư; nâng cao chất lượng hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở. Phát triển toàn diện giáo dục đào tạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả; đổi mới hoạt động khoa học và công nghệ, gắn với sản xuất, kinh doanh. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, chủ động thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Kỷ niệm 200 năm danh xưng Ninh Bình (1822 - 2022) và 30 năm tái lập tỉnh Ninh Bình (01/4/1992 - 01/4/2022) là dịp để chúng ta tìm về cội nguồn, tự hào và tiếp tục khẳng định, giữ gìn, phát huy những thành quả dựng nước, giữ nước của vùng đất và con người Ninh Bình trong suốt tiến trình lịch sử dân tộc. Với sự kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử, văn hoá các dân tộc Việt Nam nói chung và quê hương Ninh Bình nói riêng sẽ là nguồn sức mạnh, động lực tinh thần to lớn để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình chung tay, đoàn kết, góp sức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025, xây dựng tỉnh Ninh Bình phát triển nhanh, bền vững./.

(Nguồn: TC VNNB 262+263 tháng 3/2022)















 

Bài viết khác