Chủ nhật, 19/05/2024

Mấy cảm nhận 30 mùa xuân từ khi tỉnh nhà tái lập (1/4/1992-1/4/2022)

Thứ bảy, 26/03/2022

Đồng chí NGUYỄN THANH TÚC
Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

Sau Đại thắng Mùa Xuân 1975, với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử “Mỹ cút, ngụy nhào”, miền Nam hoàn toàn giải phóng, nước nhà thống nhất, chấp hành chủ trương của Trung ương tỉnh nhà sáp nhập với tỉnh Nam Hà thành tỉnh Hà Nam Ninh từ ngày 3/2/1976.

Sau 16 năm đồng hành, đoàn kết, cùng nhau phấn đấu  khắc phục khó khăn, chia ngọt sẻ bùi, đạt được những thành tích to lớn trên các mặt hoạt động. Trước yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới, thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa VIII về chia tách tỉnh Hà Nam Ninh thành 2 tỉnh Ninh Bình và Nam Hà, từ ngày 1/4/1992 tỉnh nhà chính thức được tái lập cho đến mùa xuân này đã 30 năm! Là người có may mắn được phục vụ và công tác liên tục tại cơ quan lãnh đạo cao nhất của tỉnh nhà cả từ trước, trong hợp tỉnh và từ khi tỉnh được tái lập cho đến lúc nghỉ hưu, và là 1 trong 5 ủy viên thường vụ Tỉnh ủy lâm thời do Trung ương chỉ định khi tái lập tỉnh, được trực tiếp tham gia và chứng kiến quá trình tái lập tỉnh tôi có mấy cảm nhận về những đổi thay và phát triển trong 30 năm qua kể từ khi tỉnh nhà tái lập cho đến nay:

1. Cảm nhận đầu tiên và khái quát nhất, đậm nét nhất, nổi bật nhất, sâu sắc nhất, vui mừng nhất đó là: 30 năm qua là thời kỳ đổi mới và phát triển nhanh nhất, mạnh nhất, ấn tượng nhất về mọi mặt của tỉnh nhà từ trước tới nayKhông có bất cứ thời kỳ nào trước đây có sự đổi mới và phát triển nhanh như vậy, mạnh như vậy và toàn diện như vậy, nhất là những năm gần đây càng ngày càng phát triển nhanh hơn, mạnh hơn về mọi mặt. Từ chỗ “nền kinh tế ở điểm xuất phát thấp, là một tỉnh nghèo, thuần nông, công nghiệp nhỏ bé, manh mún, phân tán, lạc hậu, hiệu quả thấp” (như nhận định của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 12), đến năm 2021 các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đã tăng gấp hàng chục, hàng trăm lần, trong đó nổi bật nhất là GRDP tăng gấp gần 105 lần, công nghiệp, xây dựng tăng 271 lần, du lịch dịch vụ tăng 169 lần, thu ngân sách trên địa bàn gấp 474 lần, kim ngạch xuất khẩu gấp gần 1062 lần… Đây là những chỉ tiêu chất lượng, tổng hợp nhất, ấn tượng nhất, phản ánh tổng quát nhất sự phát triển của nền kinh tế tỉnh nhà trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu đúng hướng (công nghiệp từ 27,2% tăng lên 46,7%, dịch vụ từ 21,8% lên 40,7% và nông nghiệp từ 51% còn 12,6%) đi đôi với tăng trưởng tích cực mà nổi bật là đã hình thành các khu, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp, doanh nhân, đội ngũ công nhân ngày càng đông đảo ở khắp các vùng trong tỉnh, bước đầu hiện hữu một nền kinh tế công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển du lịch, dịch vụ khai thác, phát huy lợi thế, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhà. Kéo theo đó là cơ cấu lao động xã hội cũng có biến đổi lớn, lao động công nghiệp, dịch vụ, du lịch tăng nhanh, lao động nông nghiệp giảm nhiều, trong đó có bộ phận không nhỏ “ly nông bất li hương”. Nông nghiệp từ tự túc, tự cấp với năng suất thấp cũng đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 117/ 119 xã và các huyện Hoa Lư, Yên Khánh, Gia Viễn, Yên Mô đã đạt chuẩn Nông thôn mới. Nhiều cánh đồng trước đây, kể cả ở vùng chiêm trũng Gia Viễn, Nho Quan, Hoa Lư... ngày nay đã thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các khu đô thị mới, các cánh đồng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao… Đời sống nhân dân được nâng lên về mọi mặt, ngày càng rút ngắn khoảng cách giữa thành thị với nông thôn. Có những thứ cách đây 30 năm chưa dám nghĩ tới thì nay đã trở thành hiện thực phổ biến trong cuộc sống hàng ngày cả ở thành thị và nông thôn, nâng cao mức sống, chất lượng sống của nhân dân cả về vật chất, văn hóa và tinh thần. 

Cùng với cả nước đây là thành tựu rất quan trọng và to lớn, có ý nghĩa lịch sử, không phải chỉ do tái lập tỉnh mà cơ bản là thành tựu của công cuộc đổi mới. Nhưng tái lập tỉnh đã tạo nên khí thế mới, tình cảm mới, động lực mới, quyết tâm mới và có những điều kiện mới để khai thác, phát huy truyền thống lịch sử và cách mạng, những tiềm năng, thế mạnh, nội lực thúc đẩy sự đổi mới và phát triển của tỉnh nhà, nhất là trong những năm đầu sau tái lập. Đặc biệt từ một thị xã nhỏ bé, có thời kỳ đã trở thành thị trấn, sáp nhập với huyện Hoa Lư, nếu như không tái lập tỉnh, không trở thành trung tâm tỉnh lỵ thì chắc chắn thành phố Ninh Bình không thể có sự đổi mới và phát triển cả về quy mô và tốc độ, cả về chiều rộng và chiều cao, không thể có tầm vóc, vị thế và diện mạo như ngày nay. Đó là điều chắc chắn.

Càng phấn khởi trước những đổi mới và phát triển của tỉnh nhà trong 30 năm qua bao nhiêu, chúng ta càng vui mừng trước những đổi mới và phát triển của 2 tỉnh Nam Định và Hà Nam anh em bấy nhiêu! Chúng ta cũng không thể không nhớ tới những tình cảm tốt đẹp, quý báu, cùng nhau khắc phục khó khăn, chia ngọt, sẻ bùi của cán bộ, nhân dân Hà Nam, Nam Định đã cùng đồng hành với chúng ta trong 16 năm hợp tỉnh!

Đêm hội tự hào non nước Ninh Bình                Ảnh của NGUYỄN MẠNH LINH 

2. Cảm nhận thứ 2 là về đội ngũ cán bộ. Sau 16 năm hợp tỉnh khi tái lập, tổ chức, cán bộ phải bố trí, sắp xếp lại từ đầu, “vừa thiếu, vừa yếu, vừa không đồng bộ”. Trong số cán bộ từ Hà Nam Ninh chuyển về chỉ có 1 Phó Bí thư Tỉnh ủy, 2 Ủy viên thường vụ, 6 Tỉnh ủy viên, 1 Phó Chủ tịch UBND, 1 Phó Chủ tịch HĐND, 8 trưởng và 19 phó ban, ngành, đoàn thể của tỉnh. Nhiều cơ quan chưa có cả cán bộ lãnh đạo và cán bộ, nhân viên. Ban Thường vụ Tỉnh ủy lâm thời do Trung ương chỉ định có 5 đồng chí. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lâm thời có 19 đồng chí. Nhưng sau khi tái lập chỉ trong chưa đầy 5 tháng cho đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đã bố trí cơ bản xong bộ máy, cán bộ của tỉnh và các huyện thị do phải điều động cán bộ từ các huyện thị bổ sung cho tỉnh. Có thể nói đây là dịp đổi mới tổ chức và cán bộ lớn nhất từ trước đến nay của đảng bộ tỉnh nhà. Thế rồi qua 30 năm kiện toàn, bổ sung, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, nhất là trong mấy năm gần đây, qua Đại hội các đảng bộ và bầu cử HĐND các cấp vừa rồi đến nay đội ngũ cán bộ của tỉnh đã phát triển lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, được đào tạo bài bản và rèn luyện qua thực tế, từng bước trẻ hóa. Có thể khẳng định rằng nếu như không có tái lập tỉnh thì không có đội ngũ cán bộ như hôm nay. Đó là điều chắc chắn. Đây vừa là kết quả, là sản phẩm của tái lập tỉnh vừa là nguyên nhân của những thành quả trong 30 năm tỉnh nhà tái lập. Không có tái lập tỉnh thì không có đội ngũ cán bộ như ngày nay và ngược lại không có đội ngũ cán bộ như ngày nay (cả đương chức và đã nghỉ hưu) thì cũng không có những thành quả đã đạt được trong 30 năm qua với sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ và bằng trí tuệ, công sức của đảng bộ và nhân dân trong tỉnh dưới sự lãnh đạo, giúp đỡ của Trung ương.

3. Vạn sự khởi đầu nan. Những ngày đầu tái lập tỉnh bên cạnh những thuận lợi cơ bản, nhất là về tư tưởng, khí thế cách mạng, tinh thần phấn khởi từ động lực tái lập tỉnh và cơ hội để đổi mới và phát triển thì cũng hết sức khó khăn về mọi mặt. Cán bộ thiếu. Trụ sở các cơ quan, kể cả Tỉnh ủy, UBND tạm bợ, một thời gian khá dài ở nhờ tại các nhà tạm của thị xã Ninh Bình và huyện Hoa Lư. Ngân sách cho tái lập tỉnh chỉ có 5,7 tỷ đồng, không đủ để sửa sang, quét vôi ve tường nhà tạm ở các cơ quan của tỉnh. Phương tiện thiếu thốn, thô sơ, tài sản ở nhiều cơ quan chỉ có mỗi 1 chiếc điện thoại quay tay. Không ít cơ quan thậm chí cũng chưa có máy điện thoại, máy đánh chữ. Nhưng với động lực mới và trách nhiệm trước đảng bộ, nhân dân trong tỉnh, trước Trung ương; với tâm nguyện “Ninh Bình ơi con đã về đây, cùng nhau chung sức dựng xây Ninh Bình” những người được giao trách nhiệm lúc ấy đã hết sức cố gắng, háo hức, hồ hởi, hăng hái chung sức, chung lòng, đoàn kết xây dựng quê hương. Mọi cán bộ đều nghiêm túc chấp hành sự bố trí, phân công của tổ chức trên cơ sở dân chủ, trách nhiệm và công tâm, không thấy có lạm dụng, chạy chọt, kèn cựa, né tránh, thắc mắc, dựa dẫm, ỉ lại, tranh chức, tranh quyền, tiêu cực trong công tác cán bộ. Ngay từ đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII sau tái lập tỉnh các định hướng chủ yếu được xác định về cơ bản phù hợp với điều kiện của tỉnh nhà và là tiền để để bổ sung, phát triển trong các đại hội Đảng bộ tỉnh từ đó đến nay.

Tuy vậy do các yếu tố chủ quan và khách quan, do năng lực và tầm nhìn có hạn cũng có thể có những việc cần làm nhưng chưa làm được hoặc làm chưa tốt đã ít nhiều ảnh hưởng đến sự đổi mới và phát triển, nhất là về quy hoach xây dựng và về tổ chức cán bộ. 

 4. Khát vọng, ý chí và niền tin. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng hiện nay thuận lợi hơn rất nhiều so với trước đây và những năm đầu tái lập tỉnh. Bên cạnh những thành tựu to lớn về mọi mặt đã đạt được tỉnh nhà vẫn còn nhiều tiềm năng, nguồn lực, dư địa, lợi thế, nội lực để cùng cả nước tiếp tục đổi mới và phát triển nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa, bền vững hơn nữa về mọi mặt. Đặc biệt tiếp tục quan tâm xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tệ tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ, cùng cả nước thực hiện thành công khát vọng cháy bỏng và những mục tiêu thiết thực kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng vào năm 2030 và 100 năm ngày thành lập nước vào năm 2045 như đã nêu trong nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và những mục tiêu đã nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII góp phần tích cực đưa đất nước ta “sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc nhở!

Một mùa xuân mới đã đến! Mừng Đảng, mừng xuân, mừng 30 năm tỉnh nhà tái lập với tất cả tình cảm, trí tuệ, quyết tâm, niềm tin và hy vọng trong mọi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân trong tỉnh chắc chắn mọi mặt hoạt động sẽ tiếp tục đổi mới, phát triển và thành công!

N.T.T

(Nguồn: TC VNNB 262+263-3/2022)

Bài viết khác