Chủ nhật, 19/05/2024

Sau mỗi thăng trầm là một tầm cao

Thứ ba, 29/03/2022

Đồng chí ĐINH NGỌC LÂM      
Nguyên Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Ninh Bình
Nguyên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy

30 năm với một đời người là chặng đường khá dài đủ để cho mỗi con người lớn lên, trưởng thành, cống hiến… đủ để suy tư, chiêm ngẫm, nghiệm ra những giá trị đích thực của cuộc sống mà chỉ giáo cho lớp sinh sau…

Ngược lại hàng trăm năm trong tiến trình lịch sử phát triển của quê hương đất nước thì chỉ là một gạch nối mà thôi. Song nhìn lại từ mốc son giải phóng miền Nam thống nhất hai miền Nam - Bắc (1975), sau 47 năm phát triển và lớn lên của đất nước thì quả là thành tựu hết sức lớn lao. Dân tộc Việt Nam quật cường sau hai cuộc chiến tranh khốc liệt, thoát ra khỏi sự tàn sát, hủy diệt của bom đạn, vừa vá lành vết thương vừa dựng xây đất nước, mỗi hành trình là biết bao thách thức cam go… Đến hôm nay mỗi người dân Việt Nam dù ở bất cứ đâu trên trái đất này đều đã rất tự tin, tràn đầy niềm tự hào về dân tộc mình. Việt Nam đã hội nhập với năm châu và đang tỏa sáng ở nhiều lĩnh vực trên trường quốc tế…

Một chút suy tư lóe mở vào thời khắc tôi đang tản bộ trên một con phố mà cách đây 30 năm về trước còn là bờ kênh (thời điểm tỉnh Ninh Bình được tái lập), con kênh đất mang tên Quyết Thắng là trục tưới tiêu lớn nhất của phần lớn nông nghiệp thị xã Ninh Bình ngày xưa, từng là nơi chứa đựng đầy rác rưởi, xác chết động vật, mùi hôi thối xông lên tràn ngập khu dân cư dọc hai bên bờ mương. Giờ đây đứng nhìn con đường đôi thênh thang chạy dọc giữa hai dãy phố hun hút mờ dần trong sương đêm dưới muôn sắc màu hòa cùng ánh điện đường mà vui khôn tả. Con đường được mang tên Đinh Tiên Hoàng, vị Hoàng đế của giang sơn Đại Cồ Việt cách đây hơn một nghìn năm, vùng đất kinh đô Hoa Lư từ ngàn xưa vẫn đang tỏa sáng. Ngắm nhìn một con đường đại diện cho bao nhiêu con đường trong thành phố đủ cho tôi cảm nhận thấy sự đổi thay như trong mơ của thời điểm 30 năm về trước. 

Chúng ta cùng nhìn lại từng bước đi, từng hơi thở suốt dọc hành trình 30 năm để đánh giá sự phát triển của thành phố Ninh Bình qua mỗi chặng: “hồi sinh, định hình, bứt phá, tăng tốc và phát triển”. 

Cuối thập kỷ 70 thị xã Ninh Bình đã từng xuống cấp thị trấn của huyện Hoa Lư thuộc tỉnh Hà Nam Ninh. Cái thị trấn vỏn vẹn 4 km vuông với vài vạn dân mới hồi cư. Dày đặc khói bụi, nhà không số, phố không tên, mỗi phường gồm mấy khu ổ chuột, lẹt đẹt được mấy ngôi nhà xây tạm bợ, còn lại hầu hết là tường xếp gạch xỉ, mái lá cọ và giấy dầu. Năm 1981 thị xã được tái lập trở lại, toàn bộ diện tích xã Ninh Thành gộp với thị trấn thành tổng diện tích thị xã Ninh Bình là 8 km vuông. Thị xã trở thành một công trường nung vôi đóng gạch, “nhà nhà nung vôi đóng gạch, người người nung vôi đóng gạch”. Nhà cửa, tiện nghi, đời sống sinh hoạt chủ yếu nhờ vào việc nung vôi đóng gạch. Bắt buộc mọi người phải quên đi sự xuống cấp nghiêm trọng của môi trường sống. Cơ sở hạ tầng quá thấp kém, kinh tế nghèo nàn lạc hậu, đời sống nhân dân hết sức khó khăn, cán bộ cùng nhân dân thắt lưng buộc bụng, sẻ chia khốn khó... Có thể nói sự hủy diệt của chiến tranh đã biến thị xã Ninh Bình thành một đống tro tàn. Vừa vươn dậy hồi sinh đã ai dám nghĩ đến một tương lai sau 30 năm phía trước. Chỉ có thể nói rằng hầu hết một lớp người (cán bộ và nhân dân) rất can trường và rất nhân văn, luôn hướng thị xã vươn mình tới ấm no, hạnh phúc, quyết tâm xây dựng một đô thị, một địa danh vốn dĩ “Non nước hữu tình”, có núi Thúy, sông Vân, có Ngọc Mỹ Nhân thơ mộng giữa mây trời soi mình bên sông Đáy… 

     Thành phố Ninh Bình                                         Ảnh của NINH MẠNH THẮNG

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI - 1986, với nhiệm vụ chính trị trọng tâm là “Thực hiện đổi mới đất nước” đã mở ra vận hội cho các địa phương cả nước vươn dậy, bung tỏa tiềm năng, sức sáng tạo để phát triển quê hương mình. Kim chỉ nam của Đảng Cộng sản Việt Nam đã vạch ra cho Đảng bộ, quân và dân thị xã Ninh Bình một hướng đi mới. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp được tập trung, thương nghiệp được cải thiện, xóa bỏ bao cấp, tập trung đổi mới các doanh nghiệp, phát động và khuyến khích toàn dân làm kinh tế, với phương châm “Mỗi hộ dân là một đơn vị kinh tế, mỗi đơn vị kinh tế là một pháo đài”. Cả thị xã vươn mình, sản xuất kinh doanh phát triển đa ngành nghề, diện mạo thị xã có sự thay đổi đáng kể, các đơn vị hành chính được sắp xếp lại, phố xá cơ bản được rạch ròi, bước đầu đi vào trật tự “nhà có số, phố có tên”… Trong tôi vẫn hiện rõ nguyên hình diện mạo của thị xã bé nhỏ thân thương một thời gồng mình bước đi theo năm tháng. Những công trình, điểm nhấn của thị xã lúc đó chỉ kể đến như trường cấp III Lương Văn Tụy, rạp chiếu bóng Hoa Lư, rạp hát ngoài trời, sân bóng đá, khu đình mái tôn chợ Rồng, cầu Chà Là, khách sạn Giao Tế, khách sạn Hoa Lư… Thương hiệu đối ngoại của thị xã lúc đó là nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình, trường Lắp máy Ninh Bình, sản phẩm đặc trưng của thị xã là vôi và gạch xỉ… kèm theo là biệt danh 4B “bụi, bẩn, buồn, bực”, đường phố chủ yếu là đường đất (trừ mấy tuyến quốc lộ chạy qua), chưa ai dám mơ đến có vỉa hè trước cửa nhà. Nghèo nhưng con người thị xã Ninh Bình rất đỗi nhân hậu, chân tình, hiếu khách và cầu thị… Cầu nối giữa thị xã Ninh Bình với các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… được thiết lập. Từ đó được góp chung tiếng nói, đồng thời học tập được rất nhiều kinh nghiệm từ các đô thị bạn. 

Ngày 1 tháng 4 năm 1992, một dấu mốc lịch sử đặc biệt quan trọng đối với Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình. Tỉnh Ninh Bình sau 16 năm sát nhập với Nam Hà thành tỉnh Hà Nam Ninh nay được tách ra tái lập trở lại tỉnh Ninh Bình với địa giới nguyên trạng như trước năm 1975. Mười sáu năm thị xã Ninh Bình ở cấp đô thị loại V, mười sáu năm làm đô thị vệ tinh, người ta gọi đùa là thị xã “xép”. Một trong những điều đặc biệt quan trọng trong quá trình thực hiện “Đổi mới đất nước” của Đảng ta là tái lập lại các tỉnh đã sát nhập năm 1975 trở lại như trước đây, trong đó có Ninh Bình. Thị xã Ninh Bình được trở lại là đô thị loại IV - đô thị tỉnh lỵ. Đây là thời cơ, vận hội to lớn đối với Đảng bộ, quân và dân thị xã Ninh Bình. Qua các kỳ đại hội, Đảng bộ thị xã đã lần lượt định hình, xác định hướng phát triển thị xã Ninh Bình sao cho xứng tầm với vai trò là đô thị tỉnh lỵ. Tháng 11 năm 1996 Chính phủ quyết định cắt từ huyện Hoa Lư sát nhập vào thị xã 5 cụm dân cư thuộc 5 xã Ninh Khánh, Ninh Tiến, Ninh Phong, Ninh Sơn, Ninh Phúc với tổng diện tích gần 3 km vuông, đưa tổng diện tích của thị xã lên gần 11 km vuông. Đáng nhớ nhất của thời điểm này là các khu nhà tạm, nhà ở tập thể được dỡ bỏ, hợp pháp hóa quyền sử dụng đất và quyền xây dựng nhà ở cho cán bộ, nhân dân. Một loạt các tuyến phố mới được mở ra, vận động nhân dân giải phóng mặt bằng theo quy hoạch, phong trào phát động làm đường với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” được đẩy lên thành cao trào. Một loạt công trình các cơ quan đơn vị, trường học, bệnh viện được xây mới, xây dựng hệ thống chiếu sáng đường phố cao áp hiện đại, hệ thống đường điện dân dụng tạm bợ được thay thế, hệ thống cấp thoát nước được cải thiện đáng kể… Sản xuất kinh doanh phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên rất rõ nét. Các phong trào Đảng, chính quyền, đoàn thể phát động được nhân dân đồng thuận hưởng ứng mạnh mẽ. Diện mạo thị xã ngày một khang trang…                

Tháng 1 năm 2004, thị xã được nhận sát nhập trọn vẹn 6 xã giáp ranh từ huyện Hoa Lư cắt về nâng diện tích thị xã lên gần 47km2, với dân số gần 13 vạn người. Bước đột phá được Chính phủ, Tỉnh đồng ý, vừa là tạo cơ hội, đồng thời trao trọng trách cho Đảng bộ và nhân dân thị xã bứt phá tiến tới lên cấp thành phố, sớm phát triển thành một đô thị văn minh giầu đẹp… Sau gần 4 năm phấn đấu quyết liệt, tháng 12 năm 2005 thị xã Ninh Bình được Bộ Xây dựng ra quyết định công nhận là đô thị loại III, tháng 02 năm 2007 được Chính phủ ra nghị định công nhận là thành phố. Những năm tháng ấy là những năm tháng sôi động, quyết liệt của Đảng bộ, quân và dân thị xã, đặt các tiêu chí thành phố lên bàn nghị sự, đưa tiêu chí xuống từng phường xã, xác định từng bước đi sao cho phù hợp. Để tạo niềm tin cho 6 xã mới sát nhập, mệnh đề thúc đẩy là: “8 phường vì 6 xã, 6 xã sẽ vì 8 phường”, trước hết tập trung toàn lực ưu tiên mọi nguồn lực đầu tư cho 6 xã, trọng tâm là cơ sở hạ tầng: điện, đường, trường, trạm, trụ sở, hệ thống tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ tập trung xóa đói giảm nghèo… Quả thực các xã từ địa bàn nông nghiệp nghèo nàn lạc hậu, giờ đây 3 xã đã trở thành phường, quỹ đất nông nghiệp nhiều khu đã trở thành đất công nghiệp, thành mặt bằng kinh doanh thương mại, cơ sở sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, mặt bằng dành cho các dự án phát triển của tỉnh, mặt bằng kinh doanh nhà ở… Tiềm năng đã trở thành nguồn lực điều phối chung cho cả thành phố. Tháng 5 năm 2014 thành phố Ninh Bình đã được Chính phủ ra quyết định công nhận là đô thị loại II.   

Trước đó, mấy ai còn nhớ khung cảnh và bầu không khí nóng bỏng của thị xã bấy giờ, với phương châm “Cả hệ thống chính trị ra hiện trường” để vận động nhân dân thực hiện phương án giải phóng mặt bằng. Công việc ngồn ngộn, khó khăn, thách thức, trước đòi hỏi của nhân dân, nhân dân cần quyền lợi đền bù thỏa đáng, rõ ràng, công bằng. Chế độ chính sách do nhà nước ban hành thì còn nhiều bất cập, vận dụng nghiêng về dân thì sai luật, cứng theo luật thì dân không thuận. Ấy là chưa kể đến đòi hỏi quá thái, đấu tranh cực đoan, bị kích động, lợi dụng, chưa kể đến hạn chế yếu kém của một số khâu trong hệ thống công quyền... Dự án bờ tây sông Vân với hơn 300 hộ dân, dự án mở rộng quốc lộ 10 với hàng ngàn hộ dân và cơ quan đơn vị nhà nước, tư nhân… có lúc đã trở thành điểm nóng của tỉnh. Sau một loạt những sự cố bất an, cuối cùng lòng dân cũng đồng thuận, hệ thống chính trị hoàn thành nhiệm vụ đồng thời cũng rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm đắt giá. Làm cán bộ gần dân, sát dân, hiểu dân, với tâm thế vì dân, với phong cách và đạo đức đúng mực, minh bạch và hiểu biết thì dân tin và dân làm theo. Các dự án này là “cửa mở” cho bước đi đầu tiên của việc mở rộng và phát triển thị xã lên thành phố. 

Bao kỷ niệm của một thời trong tôi đang lần lượt hiện về. Ninh Bình - thành phố trẻ. Tôi yêu thành phố, yêu quê hương, đất nước như mẹ của tôi, trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì trong tôi cũng không hề phai nhạt tình yêu ấy. Tuổi trẻ lăn lộn, phấn đấu vất vả bao nhiêu thì giờ đây tôi càng thấu hiểu hơn những giá trị lớn lao của một đời người…

Khung cảnh thành phố Ninh Bình đang hiển hiện trước mắt chúng ta. Mỗi hoạt động, mỗi bữa ăn, mỗi giấc ngủ của chúng ta đang được thành phố nâng niu, bao bọc hàng ngày. Tôi vẫn tự “diễu hành” trên các đường phố, đến các địa điểm năng động để lắng nghe nhịp thở của thành phố, để suy tư, để tìm lại tuổi thanh xuân của các thế hệ kế tiếp nhau chung tay xây nên thành phố này. Tuổi trẻ của các thế hệ chúng ta đã hòa vào sóng nước sông Vân, hòa vào nhịp sống của từng tuyến đường, ngõ phố, những công trình thấm đẫm mồ hôi công sức, trí tuệ của các tầng lớp cán bộ và nhân dân qua mỗi thời kỳ. Có lẽ chỉ có tự mình nhận ra tuổi trẻ của mình trong ký ức là rõ nhất mà thôi, những kỷ niệm đẹp rất đỗi tự hào, hãy giữ lấy và mang theo mãi… mãi... Quy luật là như vậy! 

Thời gian trôi nhanh, nhanh đến nỗi bất chợt điểm lại tên nhau thì không còn đủ nữa. Sau 30 năm, dòng sông Vân từng là nơi chúng tôi tắm mát, cuối ngày tải nước về sinh hoạt, nấu ăn… đến một kỳ xuống cấp trầm trọng, ô nhiễm nặng nề, lòng sông thu hẹp đến mức tắc nghẽn, giờ đây đã được hồi sinh. Những tuyến đường trải nhựa Asphanlt có bo vỉa hè bằng đá thênh thang, những công trình cao tầng mọc lên san sát, những khuôn viên trụ sở khang trang, mạng lưới dịch vụ thương mại năng động, khách sạn nhà hàng phân bố khắp thành phố. Những công trình hiện đại tầm cỡ quốc gia như Trung tâm thi đấu thể thao Ninh Bình, sân vận động Ninh Bình, cầu Non Nước mới, cầu vượt đường sắt Thanh Bình, ga đường sắt mới Ninh Bình, Bệnh viện 700 giường, trường PTTH chuyên Lương Văn Tụy, khu phố cổ Hoa Lư... Hệ thống cấp điện, cấp thoát nước cho sản xuất kinh doanh, cho sinh hoạt cơ bản đã đến khắp nơi chốn trong thành phố, hệ thống đèn đường cao áp đã cơ bản đến các tuyến phố, thông tin liên lạc rất hiện đại và thông suốt… Đời sống nhân dân được nâng lên vượt bậc, ước tính bình quân trong thành phố mỗi nhà đã có 1 xe ô tô... Giờ đây thị xã Ninh Bình đã chung vòng tay với tất cả các đô thị trên toàn quốc và là một trong những thành viên hạt nhân của Hiệp hội Đô thị Việt Nam. Phải nói rằng, ở thời điểm năm 1992 ai có thể tưởng tượng để mô phỏng được khung cảnh của thành phố Ninh Bình hôm nay.

Vui nhiều, mừng nhiều nhưng băn khoăn trăn trở vẫn là điều đáng để chúng ta suy nghĩ. Những tiếng thì thầm hoài nghi trong nhân gian vẫn đang thổn thức, những tiếng thở dài trong quá khứ đang dội về hiện tại như đang lay thức nhân tâm… Thành tựu là của chúng ta, những day dứt trăn trở, hoài nghi trong nhân gian cũng là những đòi hỏi rạch ròi đối với chúng ta. Mỗi giai đoạn kế thừa là một dấu mốc. Kế thừa thành quả, song đương nhiên cũng kế thừa cả những tồn tại, nhưng uy tín thì không phải chỉ kế thừa mà là tấm gương để soi mình, giữ gìn và phát huy hơn... Tuy nhiên cũng không thể đòi hỏi hiện tại một cách chu toàn, hiện tại có hướng đi mới, cách làm mới, đỉnh cao sau kế tiếp đỉnh cao trước… Kỳ vọng những bước đi mới của thành phố Ninh Bình sẽ nhanh hơn, mạnh hơn, bài bản hơn… Một vườn hoa rực rỡ nhưng đòi hỏi phải ngát hương hơn… và trong một bầu không khí trong lành hơn. 

Ninh Bình - thành phố trẻ đang vươn mình với đôi cánh chim bằng, hy vọng sẽ tiếp tục bay cao và tỏa sáng!

Ninh Bình, 22/02/2022      

(Nguồn TC VNNB 262+263 - 3/2022) 

 

 

Bài viết khác