Chủ nhật, 19/05/2024

Thắp sáng niềm tin yêu và khát vọng của Văn học Nghệ thuật Ninh Bình trong 30 năm đổi mới (1992-2022)

Thứ sáu, 01/04/2022

Nhà thơ, NSNA BÌNH NGUYÊN
Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam;
Chủ tịch Hội VHNT Ninh Bình

Ngày 28 tháng 8 năm 1994, Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình được thành lập theo Quyết định số 626/QĐ-UB của Ủy ban nhân dân tỉnh Nình Bình, (Trước đó Hội VHNT hoạt động theo Giấp phép số 02/ GP-UB, ngày 11/ 5/ 1992 của UBND tỉnh), đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa to lớn đối với những người làm văn học nghệ thuật.

Từ đấy, ngôi nhà chung của giới văn nghệ sỹ Ninh Bình đã được khai sinh một cái tên chính danh bước vào một chặng đường mới, mang hoài bão và tâm thế mới sáng tạo ra các giá trị văn hóa ở vùng đất Cố đô Hoa Lư lịch sử, để trực tiếp góp một phần nhỏ bé của mình xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội. 

Những người sáng tạo văn học nghệ thuật rất tự hào được sinh ra ở vùng đất Ninh Bình, miền quê yêu dấu được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng. Miền quê có bề dày truyền thống cách mạng, nhiều di tích văn hóa theo chiều dài lịch sử. Người Ninh Bình ấm áp, giàu lòng nhân ái, vị tha, bao dung, mến khách. Con người và mảnh đất Ninh Bình luôn hấp dẫn, là đề tài lớn, nguồn cảm hứng lớn trong sáng tác thi ca, nghệ thuật.

Suốt chặng đường xây dựng phát triển trong 30 năm (1992 - 2022), Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình thường xuyên nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh; sự phối kết hợp của các ban, ngành, đoàn thể, cùng với sự nỗ lực của hội viên, đến nay Hội đã có bước phát triển mới khẳng định được vị thế của mình. Nhiều tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật đã tập trung khai thác các vấn đề của đời sống xã hội, đồng thời tích cực mở rộng phương thức phổ biến, tuyên truyền tác phẩm, mở rộng giao lưu, trao đổi, đóng góp nhiều tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật với nền văn học nghệ thuật khu vực và cả nước. Nhiều chuyên ngành hoạt động đạt thành tích cao, nhiều tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc. Nhiều tác phẩm có chất lượng tốt góp phần phục vụ các nhiệm vụ chính trị địa phương trên mặt trận văn hóa, văn học nghệ thuật. Trong suốt chặng đường trưởng thành và phát triển, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tập trung giới thiệu, quảng bá các thành tựu kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh, làm sâu sắc thêm các giá trị văn hóa của Ninh Bình, ghi dấu ấn trên bước đường xây dựng, đổi mới và phát triển trong nền văn học nghệ thuật cả nước.

Từ chỉ có chưa đầy 40 hội viên (năm 1992), trong đó trên 50% là hội viên Sân khấu, chỉ có 10 hội viên chuyên ngành Trung ương, đến nay, Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình đã có trên 200 hội viên, trong đó có gần 80 hội viên chuyên ngành Trung ương, sinh hoạt ở gần 20 chuyên ngành, chi hội. Năm 2012, Nhà viết kịch Nguyễn Đăng Thanh được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT, đã có NSND, nhiều NSƯT, NNƯT. Từ chưa có hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đến nay đã có 11 hội viên Nhà văn Việt Nam.  

Đồng chí Tống Quang Thìn, UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng hoa chúc mừng thành công Đại hội Hội VNNT Ninh Bình

lần thứ VI (Nhiệm kỳ 2020-2025)                                              Ảnh: NINH MẠNH THẮNG

Trong hoạt động, Hội luôn bám sát và quán triệt, định hướng chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam nhằm thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước và của tỉnh. Hàng năm, Hội thường xuyên mở các cuộc hội thảo bồi dưỡng nghiệp vụ, tổ chức các trại sáng tác, các chuyến đi thực tế cho hội viên ở cả 8 chuyên ngành. Đặc biệt chú trọng đến các vùng, miền trong tỉnh... để văn nghệ sỹ nắm bắt, thâm nhập thực tế sáng tác. Hội luôn tạo điều kiện cho anh chị em hội viên tham gia đều đặn các hoạt động với các Hội chuyên ngành Trung ương và Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Mỗi năm, bình quân Hội mở 4 đến 6 trại sáng tác và thực tế sáng tác cho hầu hết các tác giả của Hội tham dự; tổ chức 1 đến 3 cuộc triển lãm Mỹ thuật và Nhiếp ảnh. Nội dung phong phú, đa dạng về nhiều thể loại đề tài trong tỉnh và toàn quốc.

Đã xuất bản được trên 200 đầu sách thuộc nhiều lĩnh vực, phát hành rộng rãi trên phạm vi toàn quốc. Công bố nhiều vở diễn có chất lượng cao, hàng ngàn tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh, hàng vạn tác phẩm văn, thơ, kịch bản, các bài viết, bài nghiên cứu, lý luận, sưu tầm, các bài giới thiệu,... đăng tải trên các sách, báo, tạp chí địa phương, trung ương, phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, giới thiệu đất và người Ninh Bình đến mọi miền đất nước. Hội viên các chuyên ngành của Hội đã đoạt hàng trăm giải thưởng ở trung ương, quốc tế thuộc nhiều thể loại, trong đó nhiều giải thưởng có giá trị cao. 

Nhiều lần Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình được Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, các Hội chuyên ngành Trung ương chọn và đại diện, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động mang tính chất quốc gia và quốc tế. Gắn bó hoạt động hằng năm với 5 vùng Kinh đô Việt Nam xưa và nay; 12 Hội Văn học Nghệ thuật khu vực miền Bắc liên kết hoạt động.

Tham mưu và tổ chức thành công lễ trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Trương Hán Siêu tỉnh Ninh Bình lần thứ nhất, thứ 2, thứ 3, thứ 4, thứ 5 và đang chuẩn bị tốt mọi công việc cho lễ trao Giải lần thứ 6. Qua mỗi lần xét, trao giải số lượng và chất lượng giải thưởng được nâng lên, động viên kịp thời văn nghệ sỹ Ninh Bình trong sáng tạo…

Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình thường xuyên phối hợp với báo, đài, tạp chí trung ương và địa phương giới thiệu những tác phẩm mới, có chất lượng của anh chị em đến với công chúng. Đặc biệt trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình đã xuất bản “Tuyển tập Văn học Ninh Bình ngàn năm” sách khổ lớn có độ dầy 1.400 trang, được tuyển chọn công phu. Thực hiện Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh, Hội triển khai xuất bản tuyển tập “Văn học Ninh Bình 30 năm xây dựng và phát triển (1992 – 2022)”. Tuyển tập văn học Ninh Bình ngàn năm và Tuyển tập văn học Ninh Bình 30 năm đổi mới ra đời là việc làm có ý nghĩa nhằm tôn vinh, giữ gìn và quảng bá những tác phẩm văn học của người Ninh Bình, những tác phẩm của người ngoài tỉnh viết về Ninh Bình trong công cuộc xây dựng và đổi mới. 

Những người làm văn học nghệ thuật luôn hiểu rằng, các tác phẩm ra đời bao giờ cũng chịu nhiều thử thách của thời gian và sự đánh giá bình phẩm của công chúng, để làm việc này, Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình từ 3 tháng 1 số ngày mới tách tỉnh, đến nay đã ổn định 84 trang và định kỳ xuất bản 1 tháng 1 số, nhuận bút tăng gấp 3 lần so với năm 2009. Các chuyên mục, chuyên trang luôn được đổi mới và mở rộng. 30 năm nhìn lại, Tạp chí của Hội luôn luôn là tiếng nói của văn nghệ sỹ Ninh Bình, là diễn đàn văn học nghệ thuật địa phương, công bố, giới thiệu đất và người Ninh Bình đến mọi miền tổ quốc. Để công tác quảng bá, giới thiệu rộng rãi các tác phẩm văn học nghệ thuật ở địa phương tốt hơn nữa, Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình đang triển khai Website của Hội bước đầu đã có hiệu quả khả quan. 

Bồi dưỡng, chăm sóc tài năng gắn với giữ gìn, phát huy sắc thái văn hoá trong sáng tác văn học nghệ thuật ở Ninh Bình là việc làm thường xuyên của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Hội đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa công tác quản lý với công tác tìm nguồn; phát hiện, bồi dưỡng các tài năng văn học trẻ, với công tác chuyên môn, chuyên sâu; sáng tạo ở các chuyên ngành với công tác quảng bá, công bố các sáng tác mới của tác giả trên diện rộng…

Mỗi vùng đất mỗi địa phương ở Ninh Bình đều có những sắc thái văn hóa riêng, những sắc thái văn hóa riêng ấy hòa quyện với nhau trong dòng chảy qua thời gian, bồi đắp nên những tầng vỉa mà thành diện mạo văn hóa quê hương, tạo ra những mùa màng văn học nghệ thuật, kết dính nhau lại thành bản sắc văn hoá Ninh Bình. Đằm sâu trong sắc thái văn hóa mỗi vùng, miền là thể hiện sự quan tâm, bồi dưỡng, chăm sóc những tài năng văn học nghệ thuật của mỗi địa phương. Có thể nói truyền thống và bản sắc văn hoá dân tộc luôn luôn là điểm tựa cho đội ngũ văn nghệ sỹ Ninh Bình sáng tạo. Qua nhiều bước thăng trầm của cuộc sống nhân dân ta đã hình thành nên một nền văn học nghệ thuật trường tồn cùng dân tộc trong đó có đóng góp của Văn nghệ sỹ Ninh Bình. 

Dòng chảy của thành quả 30 năm văn học nghệ thuật Ninh Bình đã đằm sâu, kết tinh trong dòng chảy văn hoá Ninh Bình và văn hoá ấy đã và đang lan truyền, toả hương cho mỗi vùng đất, con người trong từng bước đường xây dựng, phát triển, đi lên.

B.N

(Nguồn: TC VNNB 262+263-3/2022)

 

Bài viết khác