Chủ nhật, 19/05/2024

Buồn vặt

Thứ hai, 20/02/2023

Truyện ngắn của VŨ THANH LỊCH

Dạm ở thành phố đã lâu, thi thoảng mới về thăm bố mẹ ở quê. Quê cách phố không quá xa, lại tiện đường ô tô đi lại nên cô thường về buổi sáng và ăn tối xong thì lái ô tô về lại phố.

Lý do để Dạm không ở nhà qua đêm luôn luôn là: “Con phải về coi nhà, đi qua đêm không có ai ở nhà là dễ bị trộm cắp lắm, thành phố chỗ nào cũng có trộm, có đâu yên bình như quê mình”. Bố mẹ Dạm nghe thì biết vậy, chưa khi nào nài ép cô ở lại. Ông bà biết ở thành phố trộm cắp như rươi. Cũng biết nhà con gái mình lắp camera bốn phía, ai vào cũng ghi được hình. Và còn biết, con mình đang ở quê mà nhìn thấy trộm đột nhập thì cũng chả chạy về kịp, xóm giềng đêm hôm ai dậy bắt trộm cho, mà có ai thức, có ai biết cũng chả ai đủ gan mà lao ra ngăn bọn trộm, làm lỡ việc của chúng nó, nó cho nhát dao vào cổ thì thôi. Thân ai nấy lo là tốt nhất.

Hai ông bà già chả mong con cháu ngủ lại với mình, nhưng vẫn sắm đủ giường chiếu chăn màn, con cái về đứa nào cũng có chỗ ngả lưng, dù chỉ ngả tí giấc trưa.

Bố mẹ Dạm đã nghỉ hưu nhưng còn khoẻ nên cũng biết “vẽ việc” ra làm cho vui chân vui tay. Nhà ông bà không ở đầu ve nhưng vẫn có hai mặt tiền. Mặt trước có vài mét quay ra đường trục của xã, cách cổng trường ngày xưa bà dạy học không xa. Mặt sau là cả cái vườn rồi đến ao rộng mênh mông, ngoài bờ ao là con đường nhỏ dẫn vào làng. Đường nhỏ vừa bốn bánh ô tô, nếu từ cửa trước ra cửa sau mà đi bằng ô tô là phải chạy lòng vòng đến gần cây số. Ông bà cũng mở cả cổng quay ra đằng ấy, để con cháu về đánh xe thẳng vào sân. Ở mặt trước, quay ra đường trục, ông kê một tủ đồ nghề sửa xe đạp, bọn trẻ con đi học về qua chả may xe hỏng hóc gì hay thủng săm, ông sửa giúp. Bơm thì để chúng tự bơm. Vá thì ông lấy tiền đủ mua miếng vá. Phanh xe không ăn thì ông kéo lại dây cho an toàn. Xe tuột xích thì ông căng lại cho, tra dầu luyn miễn phí nếu xích líp khô dầu. Ông có đứa cháu sửa xe máy nên thi thoảng đến xin vét dầu thừa ở hộp dầu mới thay cho khách, dồn vài cái vỏ hộp là đầy một lọ con vịt, đủ tra xe cho bọn trẻ cả tháng. Ban đầu ông sửa miễn phí hoàn toàn, nhưng nghĩ đi nghĩ lại ông lại thu một tí tiền vật liệu, ít nhất để bọn trẻ biết mọi sự lao động đều cần phải có thù lao, và thứ nữa để chúng nó đi xe phải giữ gìn cẩn thận, đừng có phá phách quá… Đứa nào nghĩ được cái chuyện phải trả công hoặc biết ơn người giúp mình thì may cho chúng, không thì ông vẫn được vui chân vui tay, được trẻ con ríu ran xung quanh. Bà thì trồng mấy luống rau sau nhà, nuôi vài chục con gà, vài bụi hoa hồng để ngày tuần thắp hương, cuối tuần có rau có trứng sạch gửi lên thành phố cho cháu, chả có người để gửi thì bà để ăn dần, hoặc là bán rẻ cho mấy cô đang nuôi con nhỏ, về nấu bột cho trẻ con, trứng sạch chỉ ưu tiên cho cái bọn trẻ con chưa đầy đủ hệ miễn dịch thôi. Mỗi lần Dạm về, thế nào bà cũng đùm dúm cho đầy một cốp xe thực phẩm các loại.

Giờ thì Dạm không vui nên chạy về nhà mẹ. Cô không kể ra được vì mọi thứ chuyện không vui ấy đều be bé, nho nhỏ, không đáng để cô phải buồn, phải mệt, phải đau đớn, phải trăn trở như người ta vẫn hay nghĩ ra để buôn dưa với nhau cho có kịch tính, cho đáng thương, cho bõ cái công kể. Chuyện be bé, nho nhỏ, nhưng gom góp lại thì thành ra nhiều, ở chỗ làm một tí, ở chỗ chơi một tí, ở nhà một tí, ngoài chợ một tí… tích lâu thì nó khiến cô buồn với mệt. Vậy thôi. Cô cũng chẳng muốn kể với ai, vì vài cái thứ lặt vặt ấy mà kể ra, lại thành ra mình là người tủn mủn vụn vặt, mình buồn chứ ai người ta coi cái sự ấy đáng phải buồn.

Chẳng hạn như lúc Dạm đứng ở cổng trường đón con, có đứa bé được ông mua cho que xiên xúc xích, nó đứng ăn ngon lành rồi đưa que cho ông nó, bảo ông nó bỏ hộ vào thùng rác vì nó ngại chen vào chỗ đông người, ông nó cầm rồi ném xuống đường bảo, có cái que ti tí này thì bẩn thỉu gì mà phải bỏ vào thùng rác… Chỉ thế thôi Dạm cũng buồn, cũng thấy tiếc cái công cô giáo hết hơi dạy trẻ con phải giữ vệ sinh chung. Cô giáo chả tiếc mà Dạm lại tiếc.

Rồi thì về nhà, chồng bảo ăn cơm nhà, Dạm nấu xong lại điện bảo không ăn, đồ ăn để hôm sau ăn lại không ngon, đổ đi thì tiếc của. Mình mua thức ăn bằng tiền mình lao động chứ có phải trên giời rơi xuống đâu mà không tiếc được. Hai đứa trẻ con không ăn lại đồ ăn thừa từ bữa trước. Dạm tiếc nên Dạm ăn. Ăn bữa thứ hai không hết thì ăn bữa ba bữa bốn… Còn rau canh thì đổ đi, cố làm sao được cả tô nước… Một vài lần thì không kể nhưng nhiều lần thì tiếc, mỗi bát canh đổ đi chỉ tính rẻ một nghìn mà cả tháng có mươi bữa đổ đi vậy cũng đủ mua nửa cân gạo ngon nấu đẫy một bữa no cho cả nhà rồi. Ấy là chưa kể, thức ăn để trong tủ lạnh ăn từ bữa này sang bữa khác, từ ngày này sang ngày khác, vừa chán, vừa chả biết còn cái chất gì không. Dạm đi làm cũng vất vả như chồng chứ kém gì mà suốt ngày phải ăn đồ thừa, trong khi chồng đi nhậu nhẹt sơn hào hải vị đủ thứ… Nhưng nói ra thì lại mang tiếng là ghen ghét đố kỵ. Chồng được hưởng cái ngon thì mình vui chứ sao lại ấm ức. Còn kêu phải ăn lại đồ cũ thì chồng lại bảo đổ đi, nấu cái mới mà ăn, không đổ là do Dạm chứ ai bắt Dạm phải thế, ăn cái gì vào mồm là do Dạm chứ do ai mà phàn nàn…

Hoặc là đến cơ quan, có cô bé mãi hơn ba chục tuổi mới lấy chồng mà lấy được vài tháng đã suốt ngày dùng điện thoại cơ quan gọi cho bạn buôn dưa cả buổi để nói xấu mẹ chồng, than thở về ông chồng không như ý muốn, thi thoảng còn điện thoại chửi bới, dằn mặt những đứa con gái nghi là bạn gái của chồng… Dạm nhìn mà thương hại cô ấy, bỏ công bỏ việc, bỏ thời gian, bỏ trí tuệ, bỏ sức lực, bỏ cả tình cảm, danh dự, rồi thì thể diện (cứ cho là có để mà bỏ đi) để làm ba thứ việc chả có ích lợi gì, chỉ thấy càng ngày cái nửa u tối, hẹp hòi mà loài người ai cũng có càng lúc càng to đùng lên, chèn lấp hết cái nửa tử tế mà Dạm nhận thấy khi cô ấy mới làm việc chung với Dạm. Dạm còn có cô bạn không thân thiết gì lắm nhưng hễ gặp Dạm là lên giọng giáo lý này nọ, thể hiện mình thông minh tài giỏi xinh đẹp nết na, đoan trang hiền thục, nhưng chồng đi làm về muộn lại làu bàu với mẹ chồng rằng “mẹ dạy con mẹ làm sao mà nó suốt ngày đi uống rượu, về chẳng thèm giúp vợ nó việc gì, đến cả cái bô ỉa của con nó nó cũng không đổ”, rồi thì ngủ chung giường mà chồng sốt không biết, chồng ốm không hay, đến lúc bạn mình vô tình sang chơi, kiếm cho ít thuốc thì lại nghi ngờ bạn mình câu kéo chồng mình rồi nhảy lên phây - búc chửi đổng… đôi khi hớn lên còn hãnh diện khoe thành thích đấu tranh vì quyền lợi của đàn bà trong nhà… Mỗi lần nhìn thấy cô ấy, Dạm thấy thương hại, mặc dù cô ấy đúng là xinh thật, quần áo xài toàn hàng hiệu thật, mà Dạm cứ thấy tội nghiệp làm sao…

Rồi nữa, một anh chàng, Dạm gọi là anh chàng chỉ vì anh ta tán tỉnh Dạm thôi, tóc hoa râm, da đồi mồi, ngồi xe sang, khoe nhà có cả một kho sách, khoe đọc hết cả trăm cuốn sách mỗi năm, có sở thích đi đó đây làm từ thiện, vậy mà hôm Dạm nhận lời cùng đám bạn đi ăn nhà hàng với anh ý, anh ý vừa ngồi lên ghế, vừa ghếch chân lên bảo cậu bé đánh giày mới thò cổ vào cửa kính: Ê, đánh giày bao tiền? Mười ngàn, giá chung mà chú. Tao toàn đánh tám ngàn, giày xịn, mày dùng xi vớ vẩn thì rờ hồn nhá. Thằng bé cúi đầu vâng dạ rồi bỏ đôi dép xuống cho anh ý thay giày, nhưng anh ý bảo: Khiếp, dép của mày mấy thằng xỏ rồi vậy, tao chỉ kê gót thôi, đánh nhanh tay thì có tiền, có đồ ăn mà chưa xong giày thì không có tiền đâu nhá… Bữa ăn ấy Dạm nuốt cái gì cũng như nuốt quả ké. 

Rồi còn cái bữa Dạm có việc đến cơ quan nọ liên hệ công tác, gặp được ngài thủ trưởng đáng kính đã vài lần nói chuyện qua điện thoại, vài lần gặp gỡ trong sự kiện này, đám đông nọ. Ngài thủ trưởng đáng kính trả lời mấy câu hỏi Dạm cần xong, tán chuyện tầm phơ tầm phào xoay quanh cái thứ cách mặt đất trên dưới một mét dài rồi Dạm đứng lên chào về. Ngài ấy xoè tay ra bắt, Dạm cũng xoè tay ra như nghi lễ thông thường, vậy mà mắt ngài ấy liếc ngang liếc dọc rồi kéo vụt Dạm vào lòng, vòng tay qua lưng Dạm, ghé môi định thơm lên má Dạm một cái, bắt chước người Tây trong phim người ta thơm xã giao ấy, nhưng cái cách ngài ý giật tay, cái cách ngài ấy nhìn Dạm chỉ thấy toát lên thứ bản năng dâm đãng phàm tục. Dạm chưa kịp cưỡng, ngài ý chưa kịp thơm thì có tiếng dép loẹt quẹt ngoài hành lang. Ngài ý vội vã đẩy Dạm ra, mặt đanh lại, hai tay xốc áo cho ngay ngắn rồi ngồi bắc chân chữ ngũ về chỗ của mình như thể đang làm việc nghiêm túc chỉn chu lắm. Tiếng dép loẹt quẹt kia dừng lại thì tiếng gõ cửa vang lên, ngài ý đanh giọng nói với cả Dạm lẫn bàn tay vừa gõ cửa: Thế nhé, cô cần gì thì trở lại sau, tôi đang bận lắm, mời vào… Nghĩ lại thì dài, nhưng cái khoảnh khắc nó diễn ra có vài giây, khiến Dạm thấy tơm tởm rồi lợm giọng buồn nôn… Cảm giác buồn nôn lắng xuống thì cảm giác thương hại lại trồi lên…

Rồi nữa, Dạm đi lễ chùa, gặp bà chị trên dưới ngũ tuần, bụ bẫm phúc hậu, eo trước bánh mì, eo hông kẻ chỉ, lưng vuông chữ nhật, vàng chằng trên cổ, vàng quấn quanh tay, vàng quây quanh chân, bước đi chữ bát, váy thun bó sát, dài ngang bắp đùi, tay xách túi da… ngúng nguẩy bước vào sân chùa, vừa đi vừa véo von điện thoại, vừa nhai kẹo cao su rồi tiện mồm phì xuống đất, không cần biết đất dưới chân mình là bậc lên chùa… trong đầu Dạm thoáng nghĩ đến cái gọi là giàu - nghèo - hèn - sang rồi thở dài rồi thương hại, rồi xót xa… Chợt nghĩ hay là mình cúi xuống nhặt cái bã kẹo cao su kia rồi bỏ vào thùng rác cho nó sạch cửa chùa, nhưng lại ngại bao nhiêu người xung quanh nhình thấy lại cười mình ngớ ngẩn, điên rồ, rỗi hơi thừa sức đi nhặt rác, mà lại là rác nhổ ra từ mồm, thế hoá ra mình là con hầu cho cái ngữ… ngữ gì cơ… ngữ bã kẹo cao su… nó mà dính vào tay thì cũng tởm… Thôi… Thiên hạ chắc cũng nhiều người như cô đeo vàng bụ bẫm kia, cũng nhiều người như Dạm nên bậc lên chùa mới lem nhem bã kẹo vầy… thế là lại hờn trách mình hèn nhát, thế là lại thương cái mầm tử tế trong mình vừa nhú lên đã bị thứ sĩ diện kia giơ ngón chân di nát…

Đấy, những cái buồn của Dạm nó cứ tích tụ từ những cái lặt vặt như vậy thôi. Vậy thì đáng gì mà kể. Đáng gì để nhào bột mà gột thành kịch tính với mâu thuẫn rồi kể cho hấp dẫn người nghe, cho người ta thấy thật sự là Dạm đang buồn cái gì đó xứng đáng để buồn…

Lâu lâu Dạm tích đầy một bụng những thứ buồn lặt vặt, giờ buồn cho hết cỡ cũng tốt. Giá mà có cớ gì để buồn cho hết cỡ được nhỉ. Ước gì Dạm bị chồng đánh, bị sếp mắng oan, hay là bị ngã xe phải vào viện nằm một dạo thì tốt. Điều ước chả thành hiện thực thì thôi, cứ giả sử mình buồn như kiểu thi sĩ họ buồn ấy. Hồi còn con gái thi thoảng Dạm vẫn hay lẩm bẩm cái câu thơ đọc thấy trên báo rằng “tôi buồn chẳng hiểu vì sao tôi buồn” đấy là gì… Cứ cho là đến giờ mình vẫn chả hiểu vì sao mình buồn đi thì cũng có ai chê mình đâu, có khi lại thành ra thâm trầm sâu sắc… Nhìn một cô gái hay man mác buồn người ta dễ yêu, dễ thương hơn cái thứ cứ mở mồm ra là thấy răng... cho dù răng ấy đôi khi chỉ do vổ… Dạm bật cười trong đầu khi đột nhiên tự mình hình dung ra răng mình vổ thì mặt mình sẽ thế nào. Cái cười ấy bật lên rồi bật xuống nhanh như cái rơ-le tự ngắt điện khi có sự cố. Dạm tự nhủ, chồng đi vắng suốt, mình vắng nhà một bữa cũng có sao. Mình đi vắng một đêm liệu mấy bố con nó có thấy nhà cửa thiếu vắng không nhỉ? Có ai nhớ mình không nhỉ? Con có thể nhớ, nhất là lúc ngủ không có tí cho nó sờ, không có tóc cho nó rứt, không có bụng cho nó gác… Còn bố nó, có nhớ mình không nhỉ… Hồi trước, mỗi lần viết thư cho mình, lá thư nào cũng chi chít chữ nhớ… Vậy mà về ở chung rồi, chả mấy khi nhìn thấy mặt nhau lúc giời còn ánh sáng. Đêm về muộn, sáng Dạm chợ búa cơm nước xong xuôi thì chàng thức giấc, xỏ vội bộ quần áo Dạm đã ủi sẵn rồi nhảy lên xe ra ngoài ăn sáng với bạn, uống cà phê với bạn trước khi đi làm. Chàng vừa chào vợ vừa leo lên xe nổ máy và vù đi, còn Dạm vừa lau nốt cái bàn ăn vừa trả lời còn kịp lên thay quần áo mà đi làm… Có ngày Dạm vứt mớ giẻ lau đó, ra cửa chào tạm biệt chàng, ước chàng chậm lại một giây, chạm cái môi lên má mình một tí như vài hôm đầu mới cưới thì tốt… Nhưng thôi, người ta vội, mình cứ trọn vẹn cái phận mình, mưa lúc nào ướt mặt lúc ấy.

Trước khi đi, Dạm gọi điện cho chồng không được nên nhắn tin, chắc chàng đang ở chỗ nào sóng yếu hoặc là điện thoại hết pin, khi nào nhận tin chàng sẽ trả lời, mà có khi trả lời rồi cũng nên, vì điện thoại Dạm để ở cốp dưới yên xe cơ mà. Để dưới yên xe, để còn kiếm tí niềm vui nếu lúc mở cốp xe ra mà màn hình điện thoại có báo cuộc gọi nhỡ thì tốt, cuộc gọi nhỡ của ai cũng được, để Dạm có cơ hội thể hiện mình bận rộn hoặc là xao lãng hoặc là vô tình, hoặc là giận dỗi gì đó nếu như chồng có gọi. Còn như mở ra chả có cuộc gọi nhỡ nào thì cũng như tất cả mọi ngày thế thôi.

Dạm chạy xe máy về quê như ngày còn con gái. Đường xá đẹp hơn nhiều, xe cộ cũng đông vui hơn, nhưng cái cây đa đầu làng thì vẫn xanh um thế, tán nó vẫn đủ sức thanh lọc bớt những ồn ào ở nửa quay về phía phố, để nửa quay về làng được yên bình, sạch sẽ như từ hồi Dạm còn bé tí đến giờ. Mọi lần về bằng ô tô, Dạm không nhận ra điều này.

Con đường nhỏ dẫn vào cổng sau nhà Dạm được trải bê tông sạch sẽ, mỗi lần Dạm về bằng ô tô là người đi đường thường dừng xe nép sang bên nhường cho ô tô của Dạm đi xong họ mới đi tiếp, họ ít tiếp xúc với ô tô nên cứ dượng dẹ vậy chứ trên phố người ta cứ len nhau mà đi, quệt vào ô tô một tí cũng không sao, cùng lắm thì xước tí sơn, xước sơn ô tô với người nhà quê thì ghê lắm chứ với người phố thì thường thôi. Hôm nay Dạm về, chẳng ai phải dừng lại nhường đường, cũng không có ai đứng xem cả. Hai bên đường cây cỏ vẫn mọc xanh vậy, thi thoảng có đoạn còn mọc đầy hoa sam đủ các màu nữa. Chắc nó nở hoa đón Dạm. Lúc Dạm còn là trẻ con mà trước nhà có bụi hoa sam thế kia là tự hào lắm. Đi đâu cũng khoe nhà tớ có chỗ trồng hoa, giờ thì đường làng đầy hoa là hoa, hoa mọc thay cho cỏ dại, hoa mọc át cả cỏ dại.

Dạm bảo mẹ:

- Tối nay con ngủ ở nhà

 

Mẹ chỉ hỏi có ai ở nhà trông nhà chưa, Dạm nói có rồi là mẹ không hỏi gì thêm nữa. Nhà Dạm cũng chưa phải là đại gia trên phố, nhưng cửa giả cũng chắc chắn. Trộm có cạy được cửa, phá được khoá vào nhà Dạm thì cũng không biết nhặt cái gì cho vừa bõ công cạy cửa vừa dễ tẩu táng. Chả nhẽ lại ăn trộm cái ô tô hay cái tủ lạnh, hay cái ti vi… xem ra có cái ti vi là dễ có triển vọng bị ăn cắp hơn cả, nếu trộm nó vào được nhà, nhưng ti vi cũng chả đáng giá bao nhiêu so với công cạy cửa phá khoá. Vậy nên trả lời mẹ xong, Dạm cũng phải thành thật với lòng mình, lí do chính để Dạm ít khi ở lại nhà là vì nhà bố mẹ lắm muỗi, ngủ phải bỏ màn, đi vệ sinh phải ngồi xổm, tắm phải xả nước ra chậu rồi múc, dội. Tóm lại, nhà vệ sinh hơn ngày xưa mỗi cái là ị xong xả nước cho nó trôi đi, trôi hẳn không nhìn thấy nữa, chứ ngày xưa là vẫn nhìn thấy cái bể phân để xem khi nào nó đầy còn móc lên ủ bón ruộng. Tắm thì hơn là có chỗ tắm riêng, kín gió, không phải vừa mặc quần áo vừa tắm, rồi chui vào xó bếp thay quần áo, vác chậu quần áo ra ao giặt như ngày xưa… Nhà vệ sinh riêng, nhà tắm riêng và vẫn cách chỗ ngủ một cái sân gạch. Đêm mà muốn đi vệ sinh vẫn phải lạch cạch mở cửa, không muốn ra ngoài thì dùng bô, mà tiểu rồi để qua đêm nó khai khắm lên, bưng đi đổ muốn phát oẹ, thế thì còn gì là buổi sáng thanh tịnh với tinh khôi nữa.

Dạm không thích, và không muốn quay trở lại với cái cảnh thiếu tiện nghi như thế. Chả riêng gì Dạm, ai mà từng đi qua gian khó rồi, bất đắc dĩ lắm mới phải quay lại, hoặc là có quay lại thì quay lại tí chút gọi là hồi cố, và để nhắc nhớ thân phận mình lớn lên từ nghèo khó, để làm màu làm vẻ với thiên hạ tí chơi, cho họ khỏi kêu mình sướng từ trong trứng. Nghe khen gì chứ khen sướng từ trong trứng cứ thấy mình re rẻ thế nào, như một kẻ ăn sẵn lộc giời mà chả mất công nỗ lực cố gắng gì, một kẻ không biết gì về cái gọi là vượt qua những cơn bão cuộc đời, một kẻ chả có trải nghiệm gì về cuộc sống… Nói chung, Dạm không thấy có thiện cảm với những ai khen Dạm sướng từ trong trứng, đó là cách khen tụng vớ vẩn nhất và thiếu suy nghĩ nhất. Nhưng thôi, thiên hạ mỗi người mỗi suy nghĩ, họ nói ra mình mới biết được họ đang ở đâu, đang nghĩ cái gì. Không thích. Nhưng kệ.

Hôm nay Dạm quay lại cái thời khốn khó, không phải để làm màu làm vẻ, chỉ mong đổ bớt mấy thứ buồn lặt vặt kia ra khỏi đầu, đầu có trống mới đựng tiếp được, vì Dạm biết sẽ còn nhiều thứ lặt vặt khác những thứ ấy, sẽ tiếp tục đổ vào đầu Dạm mà đầu Dạm thì như cái cốc thuỷ tinh, quá hạn mức sẽ vỡ. Dạm cũng rất ghét cái thói làm màu làm vẻ, hay hớm gì cái thứ nghèo khó ấy mà phải trưng ra, những con người một thời tự hào là bần cố nông giờ không còn dám tự hào nữa. Ai dám tự hào với cái sự nghèo khó khi mà thiên hạ thi nhau làm giàu, ai biết làm giàu mới giỏi. Và cũng không còn ai dám coi khinh phường con buôn, ít nhiều người ta cũng phải giỏi một thứ gì mới biết kiếm tiền mà trở nên giàu có… Nghĩ cạn rồi lại nghĩ nông, Dạm tự nhủ mình, nếu mình mang cái nghèo khó xưa cũ ra khoe khoang để thiên hạ biết về sự từng trải hay là vượt khó vượt khổ để vươn lên, thì rõ là mình được tung hô nào là nỗ lực nào là có ý chí nào là có quyết tâm, vậy thì hẳn là sẽ có kẻ dề môi nghĩ “nó đang ngấm ngầm chê trách cha mẹ nó không khôn ngoan tài giỏi, không biết làm giàu đấy”… Thôi chả nghĩ nữa, mấy cái thứ lặt và lặt vặt, chả đáng kể gì. Nói ngắn cho nhanh là Dạm không còn chỗ nào để đi thì về quê, không còn chỗ nào cảm thấy an toàn thì về rúc vào nách mẹ. Thế thôi.

Dạm nằm ngủ ở giường của mẹ, bảo mẹ sang nằm chung với bố, khỏi phải dọn thêm cái giường nữa mất thời gian mà Dạm cũng chỉ nằm một đêm, và cũng chỉ nằm hết nửa cái giường. Thường ngày, bố mẹ mỗi người mỗi giường, còn hai cái giường để dành con cháu về có chỗ nằm, nhưng năm thì mười họa chúng mới về, mà về thì cũng không ở nhà lâu, mẹ guộn chiếu gác lên nóc nhà, để mấy bì ngô, bì lạc lên giường cho khỏi ẩm mốc, thi thoảng lấy dùng cũng tiện, lúc con cháu về chỉ nhấc bì xuống, rải chiếu ra là xong. Giường nhà mẹ to đùng, mỗi cái đủ cho vợ chồng con cái Dạm nằm. Khi cả năm chị em về đông đủ, muốn ngủ chung với nhau như ngày xưa thì cả năm đứa chui vào một cái giường cũng vẫn vừa. Ngày xưa năm chị em có cái giường mét hai mà vẫn lớn lên như thường. Bé thì nằm ngang, lớn thì nằm giở đầu đuôi, đứa nào cũng có chỗ đặt lưng là được.

Mẹ có năm cô con gái, không đứa nào xấu xí dị tật, cũng không đứa nào xinh đẹp giỏi giang xuất chúng gì. Có lẽ bởi vậy nên không đứa nào gặp phải giông ba bão táp gì, cứ nồng nỗng mà lớn, đến tuổi gả chồng là có người mang cau trầu đến hỏi. Ngày xưa mẹ Dạm dạy học trường làng, bố đi bộ đội, đến thượng tá là về hưu. Lúc trẻ họ chẳng được gần nhau bao nhiêu nên về già, cứ ríu ra ríu ran như đôi bồ câu. Cuối tuần về chơi với ông bà, thế nào chồng Dạm cũng khen, “ông bà làm chúng con thèm đấy, chả biết lúc về già chúng con có được như ông bà không, cứ là kè kè ríu rít như bồ câu thế này cho bọn con thèm”. Vậy là cười rổn rảng. Vậy là vui thênh thang. Nhưng cả lúc cười rổn rảng hay vui thênh thang ấy xong, Dạm lại thấy buồn buồn. Nhất là tuần nào, tháng nào chồng Dạm cũng có vài câu ấy nói với bố mẹ. Bố mẹ cũng chả nghĩ ra cái gì hay ho hơn ngoài mấy chum rượu mang ra đãi các con, cho chúng say mềm say nhũn ra rồi ngủ lăn ngủ lóc, còn các con gái của bố mẹ tha hồ mà tiếp nhận hậu quả. Không về đông đủ thì ông bà không vui, về đông chỉ tổ rượu chè bê tha nhếch nhác. Vậy nên chị em Dạm chia nhau về với ông bà, Dạm ở gần nhất nên về nhiều hơn. Các chị em ở xa thì giỗ chạp hoặc tiện có công chuyện gì mới về.

Con cháu về thì ông bà vui được cái lúc ấy, đi rồi nhà cửa lại buồn thỉu buồn thiu. Ông mở cửa phía đường trục để sửa xe cho trẻ con cũng vì muốn có người nói chuyện cho vui. Nói chuyện với bọn trẻ con vừa an toàn, vừa được dạy dỗ chúng nếu có cơ hội, lại vừa được học chúng cái thứ trẻ trung tươi mới mà tuổi thơ ông bà không có. Các ông bà già trong làng thì ngoài mấy chuyện ngoài đồng trong chuồng dưới ao ra, đến chuyện ti vi với đài báo, nhiều lắm là trên mạng nữa, mấy thứ lăng nhăng ấy với ông nó chả có nghĩa lý gì ngoài việc có thêm tiếng người nói trong nhà. Bọn trẻ ở làng lớn lên đứa nào cũng tìm cách bay cho xa khỏi cái nghèo cái khó của làng, rồi thi thoảng về để thể hiện cái hơn người ở chính nơi mình sinh ra… 

Làng quê của Dạm chỉ đông vui vào dịp thanh minh, mà nơi đông vui xôn xao nhất là hai cái nghĩa trang ở hai đầu làng. Làng không có người giàu lắm cũng chả có người nghèo quá. Lúc cả làng đói thì nhà Dạm cũng đói, lúc cả làng khấm khá thì nhà Dạm cũng khấm khá hơn. Cái sự có lương hay không có lương ở làng không khác nhau bao nhiêu, bởi đất đai màu mỡ, người dân cần cù chịu khó, ai đi làm có lương rồi thì không có ruộng, ai không đi thoát ly thì được chia ruộng mà cấy cày gieo hái. Làng vì thế cứ yên bình bằng lặng trôi qua thời gian. Trôi như cái cây ngày nhả ô-xi đêm nhả các-bon-nic vậy. Như cây đa đầu làng kia, mỗi lần về qua, Dạm thấy như bước vào một bầu không khí khác, trong sạch, thanh tĩnh. Hồi chiều phi xe máy qua, Dạm còn để ý thấy mạn tán phía quay ra đường cái quan, lá đa có vẻ xanh già hơn, hình như nó được phủ một lớp bụi. Dạm đoán thế, đủ các loại bụi. Dưới nắng, bụi cũng có thể phản quang vì trong bụi, có đủ thứ từ đất cát cho đến vàng bạc kim cương đồng chì nhôm sắt. Nửa tán quay về làng, lá đa có vẻ xanh non hơn, chắc là do bụi chưa tràn tới.

Tối. Mệt. Dạm ngủ thiếp đi. Nửa đêm tỉnh dậy, thấy trăng chui qua kẽ cửa, lách vào đầu giường. Cô trở dậy, vén màn, mở cửa sổ. Cửa vẫn chốt bằng cái khoen móc ngày xưa bố tự làm từ mấy miếng tôn cắt ra từ thùng nước thủng. Chạm tay vào cái móc cửa, khẽ đẩy, bản lề rỉ đen nhưng không một tiếng động, Dạm biết bố vẫn chăm chỉ vài tuần tra dầu luyn vào các bản lề cho cửa khỏi kêu. Cửa nhà Dạm mới hơn nhiều nhưng chỉ khẽ mở là kêu ken két, vì người đàn ông ở chung nhà với Dạm không mấy khi quan tâm tới bất kể thứ gì, kể cả chuyện nhà bị dột, tường bị nứt, cửa bị xệ, mỗi lần kéo ra kéo vào phải ra sức đẩy, rồi nâng cánh cửa lên mới đẩy ra được… lúc khoẻ không sao, đi làm về mà mệt thì chả muốn đẩy cửa ra mà bước vào nhà. Cái chốt cửa thì oặt oẹo từ bao giờ, các thứ đồ mới mua về mà có đặt tạm ở chỗ nào là nó sẽ cứ ở nguyên chỗ đó, không thay đổi nếu như Dạm không ra tay. Dạm thở dài, trăng chan chứa dãi dề ngoài khung cửa. Nơi ngọn cây cao nhất, nhiều trăng nhất, mấy chùm lá non ngửa tơ hơ lên trời mà rung vẫy.

Gió ngọt. Khẽ vờn lên tóc. Thoáng rùng mình, rất khẽ, Dạm thấy se se lạnh, quàng tay qua vai mình, tự ôm lấy hai bắp tay mình, bàn tay này chạm tới bắp tay kia, cái ấm cái lạnh ấp vào nhau, rồi trượt lên nhau. Thêm một cơn rùng mình thổn thức, lâu quá rồi Dạm không chạm đến da thịt mình, mà cũng không ai chạm đến. Dạm không biết nó còn căng mềm mơn mởn thế. Dạm không biết nó thèm hơi ấm thế, thèm cái va chạm rà trượt, ve vuốt như thế… Và đôi bàn tay cứ thế, tự ấp lấy mình mà ru rín, cưng nựng… Trăng tãi ra, rỏ vào tay Dạm lớp kem dưỡng da trong suốt, Dạm chỉ cần dùng nó mà thoa miết khắp cơ thể mình. Tận hưởng.

Cách chỗ Dạm nằm một bức tường gạch, Dạm nghe thấy tiếng giở mình, rồi tiếng thì thầm nói chuyện của bố mẹ.

- Ông có biết sao con nó lại về nhà mình ngủ thế không? Hay là vợ chồng nó có chuyện gì.

- Tôi cũng đang đoán già đoán non…

- Vầng, không dưng lại bỏ chồng con ở nhà mà về quê, thăm ông với tôi thì tuần nào chả có đứa về. Chúng nó chia nhau về chơi với mình đều tăm tắp, có chủ nhật nào vắng con vắng cháu đâu. Ông với tôi còn khoẻ vầy, lo cái gì nhỉ. Hay là nó biết ông với tôi có chuyện nên về…

- Vớ vẩn… tôi với bà thì có chuyện gì… Bà có thôi cái thói đa nghi ấy đi không, già rồi…

- Ông bảo tôi đa nghi á, cả làng người ta biết chứ riêng gì mình tôi… ông che giấu làm cái gì… tôi thì chả thèm, nhưng mà tôi sợ các con nó mất mặt thôi.

- Bà có im đi không, nó nghe thấy thì còn ra cái gì

- Ra cái gì… còn cái gì mà ra… may mà người ta viết lên báo còn đổi tên chứ không thì con nó muối mặt với thiên hạ.

- Thôi thôi bà im đi cho tôi nhờ… có mỗi một tí mà đay đả mãi… tôi là người chứ có là thánh thần gì đâu… mà cũng tại bà cơ, lúc tôi cần thì bà không cho, lúc bà cần thì tôi không có khả năng… còn cái con mẹ kia, nó cứ nưng nứng ra thế, tôi lại đang có tí men…

- Ông còn thanh nga thanh minh nữa cơ à, lại còn nhớ nó nưng nứng ra cơ à… khoẻ cãi…

- Đằng nào bà chả bắt tận tay day tận mặt rồi… bà cũng khéo làm cho tôi mất mặt cơ, bà không xăm xăm xông vào thì ai người ta biết, bà bới ra cho cả làng người ta xem, người ta còn đưa cả lên mặt báo thế, bà chưa hả lòng hả dạ hay sao mà còn đay đả tôi, bà tưởng tôi chịu nhục dễ lắm à…

- Thì tôi thấy tức nên tôi nhảy vào chỉ định lôi ông về, cho ông chừa cái thói giăng hoa, chứ ai biết được đám trẻ ranh lại đàn đúm quanh nhà con hỗng ấy đông thế, lúc tôi vào có thấy đứa nào đâu mà vừa hét lên đã thấy chúng nó xúm đen xúm đỏ, lại còn mang điện thoại ra mà chụp ảnh, đăng báo… Mà tôi biết tôi sai rồi… nhưng tôi sai là do ông, ông không rúc vào đấy thì tôi đâm đầu vào đấy làm gì… mà tôi còn không thèm đếm xỉa đến chuyện cái thằng con rơi của ông nữa đấy nhé, tôi chả có con giai nên phải cắn răng chịu chứ ông tưởng tôi sướng à…

- Thì tôi cũng phải chấp nhận cái cảnh bà ở nhà một mình vò võ không nhịn được đấy thôi, lúc ở đơn vị về, nghe người này người kia nói tôi cũng muối mặt chứ bà tưởng tôi sướng à…

- Thì tôi cũng là người như ông chứ thánh thần gì… Mà cái con mẹ nứng ấy, tôi nghe nói nó buôn hàng cấm đấy, ông lăng xăng ra vào có ngày chết oan chứ đừng đùa… thôi thì chuyện trai gái giăng hoa tôi không tính, nhưng lỡ nó nhét vào túi áo ông một gói cho ông ngồi tù thì chết rục xương trong tù à…

- Thôi, tôi biết rồi, đay đả mãi…

- Ừ thì thôi, ngủ đi… mà già rồi, có ngủ được đâu… cái con Dạm, ngủ ngon vậy chắc là chả có chuyện gì to tát đâu, buồn thì về nhà với bố mẹ vậy, cũng may mà nó về nhà chứ nó đi chỗ khác thì khổ…

- Ừ, cái bọn trẻ bây giờ nó lắm thứ phải lo nghĩ… mà chả có cái gì để lo nghĩ thì cũng buồn.

- Còn buồn được cũng tốt, thôi kệ nó, ông ngủ đi, tôi dậy đi đái, già rồi không ngủ được nên buồn quá…

- Để tôi đi cùng, đêm hôm gió máy…

- Ừ, giăng sáng thế kia, không cần đèn pin đâu…

Hai ông bà lạch cạch mở cửa, dắt nhau xuống nhà vệ sinh. Bao nhiêu lần Dạm bảo ông bà xây khép kín trong nhà cho an toàn, nhưng ông bà không nghe, kêu không quen cái kiểu ăn ngủ ỉa đái sát nhau vậy…

Dạm thấy tức thở, nước mắt chảy thành dòng. Cô nén cơn nấc, sợ phát ra tiếng động bố mẹ nghe thấy. Những chuyện bố mẹ nói với nhau, Dạm có nghe phong thanh nhưng không tin… Bây giờ thì Dạm không tin vào tai mình, có đời nào hai vợ chồng già nằm cạnh nhau mà nói được mấy chuyện ấy bằng cái âm giọng thì thào trò chuyện ban đêm như kể chuyện thiên hạ vậy… Dạm thì không có khả năng, cũng không dám nhảy bổ đến mà bắt quả tang… không phải Dạm sợ chồng mất mặt, mà sợ chính mình sẽ đau… không dám đau, không dám đối mặt, vậy thì Dạm dám làm gì…

Tiếng thở dài trộn lẫn vào trăng. Chắc là Dạm thở mạnh lắm, nên trăng không đậu trên tấm màn tuyn nữa mà chảy tung toé khắp giường.

Dạm nằm xuống, đôi bàn tay lại quàng sang ôm chặt hai bắp tay cho đỡ lạnh, không cần dùng đến cái khăn ở đầu giường cũng chẳng cần đến tấm chăn mỏng mẹ để sẵn ở chân giường… Có phải chăn với khăn lúc nào cũng ngăn được lạnh đâu, mà có phải cái lạnh nào cũng cần ngăn lại đâu.

Gần sáng Dạm sốt, cơn sốt không cao nhưng nó khiến cô mệt mỏi rã rời. Dù vậy, Dạm vẫn dậy từ tinh mơ, đi bộ ra đồng làng cùng lúc ánh bình minh đầu tiên rọi xuống con ngòi dẫn nước tưới về cánh đồng lúa đang trổ đòng. Cô thấy mình bước đi không vững, đó chỉ là những cơn choáng nhẹ như thường ngày, có thể là một cơn thiếu máu não, Dạm bị thế cũng lâu lâu rồi, nhưng không đủ nặng để phải vào bệnh viện chữa trị, cũng chưa gây hậu quả nghiêm trọng gì cho cuộc sống của cô. Nên cô kệ nó. Giá như đang đi mà được ngã ùm xuống ruộng thì tốt. 

Hương lúa thơm ngọt. Vài đọt bông đã tẽ áo non, chìa ra những hạt lúa xanh non bấy, đầy lông măng khiến sương không thể nào rơi xuống được, đành đợi nắng để bay lên.

Dạm bỏ dép, lội xuống đồng, cúi người nhặt mấy cọng cỏ dưới gốc lúa… bùn lầm lên, có tiếng cá rô quẫy đuôi bỏ chạy, tiếng cào cào con bật cánh, bay từ lá lúa này sang lá lúa kia… Dạm cười, tao có bắt chúng mày về nướng đâu mà chạy. Nhưng không có con cá con tôm hay cào cào châu chấu nào nghe thấy. Chúng cứ tanh tách bật từ lá lúa này sang lá lúa khác. Không con nào chịu tin Dạm không bắt hay làm hại gì chúng. Nước mắt thì tràn khỏi mi, rơi xuống, trộn vào sương, trộn vào bùn.

Những lá lúa ráp sắc đã kịp vẽ lên da cô vài đường thẳng ngắn, những đường thẳng vụn vặt, chạm vào sương ẩm, xon xót.

Nếu nó cào mình chảy máu, rồi nhiễm trùng, rồi sốt cao, rồi mình ngủ thiếp đi ở cánh đồng này thì tốt nhỉ, ngủ càng lâu càng tốt, không dậy còn tốt hơn… Dạm nghĩ vậy, nhếch môi cười, kéo cao ống quần, lội sâu vào các giẽ lúa, thi thoảng cúi mặt nhặt những cọng cỏ hoang còn sót lại dưới gốc. Hình như lá lúa có quệt vào má, vào môi, vào da thịt cô. Có rát. Có xót…

10/2018

(Nguồn: TC VNNB 278 - 3/2023)

Bài viết khác