Chủ nhật, 19/05/2024

Quỳnh hoa lưỡng triều

Thứ hai, 03/04/2023

Truyện lịch sử của NGUYỄN ANH TUẤN

Lịch sử phụ thuộc những góc nhìn

Trong dòng chảy của lịch sử phong kiến Việt Nam, khi nói đến những cuộc thay triều đổi đại êm đềm mà ít có mùi máu tanh của sự soán đoạt, người ta thường nhắc đến 2 cuộc chuyển giao nổi tiếng giữa nhà Đinh với nhà Tiền Lê (năm 980) và nhà Lý với nhà Trần (năm 1225). Một sự trùng hợp ngẫu nhiên đó là cả hai sự kiện chuyển giao quyền lực này đều có bóng dáng của những người phụ nữ. Đầu tiên, đó là Thái hậu Dương Thị với việc mặc áo hoàng bào cho Lê Hoàn và suy tôn ông lên làm vua, lập ra nhà Tiền Lê thay thế nhà Đinh của Đinh Bộ Lĩnh. Và tiếp theo, chính là nữ vương Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, qua đó, hai tay dâng ngôi báu của 8 đời nhà Lý cho họ Trần ở Hải Ấp. Hai người phụ nữ ở hai thời kỳ lịch sử khác nhau, nhưng đều là chứng nhân và là gạch nối giữa hai vương triều chuyển tiếp. Thế nhưng lịch sử lại có sự phán xét khác nhau về hai người phụ nữ này. Với Lý Chiêu Hoàng, lịch sử có vẻ thương bà nhiều hơn là quy trách nhiệm cho bà trong việc để mất ngôi báu của họ Lý, nhưng với Dương Thị, lịch sử lại có nhiều chỉ trích gay gắt với bà khi trao chiếc chìa khóa quyền lực cho Lê Hoàn, khiến cơ nghiệp của họ Đinh dễ dàng rơi vào tay kẻ ngoại tộc. Dẫu vậy, trong bối cảnh đất nước khi ấy, lịch sử đã lựa chọn Dương Thị với một sứ mệnh mà không ai ngoại trừ bà có thể gánh vác.

Cho đến nay, sử sách không cho chúng ta biết rõ vị Thái hậu họ Dương tên thật là gì, nhưng chúng ta vẫn thường gọi bà với cái tên quen thuộc: Thái hậu Dương Vân Nga. 

Chuyện xảy ra vào giữa năm 992, tại chùa Am Tiên, Hoa Lư, nước Đại Cồ Việt(1). Tin về việc Đại Thắng Minh Hoàng hậu Dương Vân Nga, vị hoàng hậu rất được Đại Hành Hoàng đế Lê Hoàn sủng ái sẽ đến tu hành ở chùa Am Tiên gây chấn động cả vùng Hoa Lư. Bởi xưa nay, hoàng hậu là bậc mẫu nghi thiên hạ, chỉ dưới một người mà trên cả vạn người, đạt đến tột cùng của vinh hoa, mấy ai lại dễ dàng buông bỏ để mà tìm về nơi tịnh căn cửa Phật. Câu hỏi ấy khiến cho dân chúng kéo đến chùa Am Tiên mấy ngày gần đây rất đông, làm cho các sư sãi trong chùa phải thường xuyên tất bật dọn dẹp và đón tiếp.

Chiều hôm ấy, sư trụ trì Minh Không vừa xong buổi thuyết pháp, đang chuẩn bị cất kinh sách lên kệ thì bất chợt một cơn gió thổi qua khung cửa sổ mang theo một luồng sát khí đến ớn lạnh khiến vị sư già phải giật mình. Thấy sự lạ, sư trụ trì bèn bước ra cửa theo hướng gió vừa thổi. Trong sân chỉ có chú tiểu Tuệ Lâm đang quét lá. Sư Minh Không chăm chú nhìn theo, trong lòng bỗng nổi lên một điều bất an. Tuệ Lâm năm nay 18 tuổi, xuất gia cách đây gần một năm, nghe bảo vì bị hủy hôn mà chán ghét hồng trần nên đã cắt tóc quy y, nương nhờ cửa Phật. Nhưng với đôi mắt đã tinh tường thế thái của sư Minh Không, chú tiểu này không phải là kẻ đau khổ vì tình mà chán đời đi tu. Linh tính mách bảo vị sư trụ trì rằng: chàng trai trẻ kia đang nung nấu điều gì đó, nhưng vì thời cơ chưa đến nên đành phải mượn áo Phật để che giấu mà thôi.

Bỗng tiếng một chú tiểu khác vang lên cắt ngang dòng suy nghĩ của sư Minh Không:

- Tuệ Lâm, đệ ở đây mà ta tìm mãi!

Tuệ Lâm quay lại:

- Dạ, sư huynh, thấy sân chùa lá rơi nhiều nên đệ…

- Ây dà, để tạm đó đã, mau ra bờ suối giúp Tuệ Năng, Tuệ Hải gánh nước đi.

- Vâng!

Tuệ Lâm nhẹ nhàng đáp, đoạn xắn tay áo lên rồi đi ra hướng bờ suối, dần khuất bóng. Sư Minh Không định quay đi thì chú tiểu kia bèn lên tiếng:

- Bẩm thầy, người đó đã đến rồi ạ, đang chờ thầy ở gian sau.

Sư Minh Không giật mình:

- Con nói là…

Chú tiểu kia gật đầu. Sư Minh Không hiểu ý bèn vội đi ngay. Dẫu đã rất cẩn thận, nhưng cả hai đều không biết rằng, câu chuyện của họ đã bị ai đó nghe được. Trước cơ hội ngàn năm có một, hắn quyết định ra tay hành động.

* * *

Giữa gian sau của chùa Am Tiên, một nữ nhân trùm chiếc áo choàng màu tím đang mải mê nhìn cảnh vật nơi cửa Phật. Theo sau đó là một người hộ vệ cao lớn đang chú ý quan sát xung quanh để bảo vệ cho chủ nhân của mình. Tiếng gõ cửa vang lên. Người hộ vệ ra mở cửa rồi cúi đầu chào sư Minh Không.

Vị nữ khách quay lại, hạ chiếc mũ trùm đầu xuống. Đó là một người đàn bà tuổi đã trên 40 nhưng dung mạo lại toát lên vẻ thanh tú không kém những thiếu nữ tuổi đôi mươi, với một khuôn mặt trái xoan tròn đầy, đôi chân mày chạy dài thanh thoát cùng một cặp mắt sáng như sao, tất cả đều hài hòa tạo nên một khuôn dung đầy đặn, phúc hậu của một bậc quyền quý.

- Lão nạp bái kiến Hoàng hậu nương nương - Sư Minh Không bước đến và kính cẩn chào vị nữ khách. Giờ đây, thân phận của vị quý nhân kia đã được hé lộ. Đó chính là Đại Thắng Minh Hoàng hậu Dương Vân Nga, vợ của Đại Hành Hoàng đế đương triều (nhà Tiền Lê) đồng thời là Hoàng Thái hậu, vợ cũ của Đinh Tiên Hoàng đế tiền triều (nhà Đinh).

 - Đại sư! - Dương Vân Nga cúi đầu khiêm nhường đáp lễ - Chắc hẳn đại sư đang rất ngạc nhiên vì sao ta lại đến trong đường đột và hành tung lại bí ẩn như thế này phải không?

 - Bẩm Hoàng hậu nương nương, quả thật lão nạp cũng đang có ý đó ạ.

Dương Vân Nga mỉm cười:

 - Ta biết, tin về việc ta sẽ đi tu tại chùa Am Tiên đã làm chấn động cả vùng Hoa Lư, dân chúng tò mò lui tới cửa chùa rất đông, khiến cho vẻ thanh tịnh của chốn tu hành ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Thật tâm, ta không có ý muốn làm náo động chốn cửa Phật… - Dương Vân Nga ngừng lại, trào dâng một nỗi niềm - nơi đây với ta mang nhiều duyên nợ, đặc biệt là món nợ với cố nhân…

 - Thứ cho lão nạp nhiều lời, cố nhân mà nương nương đang nhắc tới phải chăng là Hoàng đế tiền triều…

Dương Vân Nga gật đầu:

- Đúng vậy, Đinh Tiên Hoàng đế với ta trước có nghĩa phu thê, nhưng duyên kiếp chẳng thể vẹn, ta vì vận nước trong cơn nguy biến mà thất tiết với Người, làm trái đạo vợ chồng. Nay đất nước đã được thái bình, điều phải làm cũng đã làm xong, ta cũng không tham cái ngôi vị Hoàng hậu, chỉ muốn dành thời gian còn lại tĩnh tâm nơi cửa Phật. Sở dĩ ta đến trong bí mật là vì không muốn phô trương, bắt quan lại, binh lính và dân chúng địa phương phải phục dịch vất vả vì ta, âu cũng nghĩ cho muôn dân.

Sư Minh Không nghe đến đó, bất giác cảm phục cho tấm lòng nhân hậu của Dương Hoàng hậu. Bỗng một tiếng cười lạnh toát vang lên làm tất cả giật mình:

- Ha ha ha… Đồ yêu hậu nhà ngươi còn dám nhắc đến Đinh Tiên Hoàng đế ư? Ha ha ha…

Tiếng cười vừa dứt, từ trên mái chùa, một người đàn ông bịt mặt đạp vỡ ngói rồi lao xuống nền nhà với thân thủ cực kỳ nhẹ nhàng, hắn tuốt thanh gươm dắt bên hông và chỉa thẳng về Dương Vân Nga:

 - Dương hậu! Hôm nay, ta sẽ cho ngươi đi gặp Tiên Hoàng để tạ tội với Người.

Dứt câu, tên thích khách vung gươm xông tới. Nhưng nhát chém của hắn đã bị lưỡi gươm của Lam Kiều - quan hộ vệ của Dương Vân Nga chặn lại. Lực va chạm mạnh đến nỗi khiến hai thanh sắt tóe cả lửa khi chạm vào nhau. Lam hộ vệ hất mạnh thanh gươm đẩy tên thích khách bật ra một khoảng tầm 5 bước. Tức giận vì bị chặn lại, tên thích khách hăng máu lao đến chém liên tiếp vào mặt đối thủ. Thế nhưng, viên võ quan với võ nghệ cao cường đã dễ dàng hóa giải mà không tốn quá nhiều sức lực. Tên thích khách xoay người tung một cú đá vòng cực mạnh nhưng Lam Kiều kịp thời né được. Với thân thủ nhanh nhẹn, viên hộ vệ xoay người quét một cước vào chân trụ khiến tên thích khách ngã bật xuống. Hắn chưa kịp vùng dậy thì lưỡi gươm trong tay Lam Kiều đã kề vào cổ, kết thúc cuộc giao đấu một cách chóng vánh.

- Ngươi là ai? - Dương Vân Nga bước đến và hỏi.

Tên thích khách kéo tấm khăn che mặt xuống khiến cho sư Minh Không bàng hoàng không dám tin vào mắt mình:

- Tuệ Lâm… là con ư?

Dương Vân Nga ngạc nhiên khi nghe những lời của sư Minh Không thốt ra.

- Đại sư, người biết hắn à? - Dương Vân Nga hỏi.

- Bẩm nương nương, đây... đây là một chú tiểu mới vào chùa cách đây một năm... nhưng lão nạp lại thật không ngờ...

Tuệ Lâm nhìn sư Minh Không, áy náy cất lời:

- Bẩm thầy, thực lòng con không muốn dối gạt thầy, nhưng con có nỗi khổ tâm của mình...

Đoạn, hắn quay lại nhìn Dương Vân Nga, lạnh lùng nói:

- Đồ yêu hậu, việc ta làm ta chịu, không liên quan đến các sư thầy trong chùa. Muốn chém muốn giết thì tùy ngươi, nhưng đừng làm liên lụy đến những người vô can.

Dương Vân Nga cố gắng quan sát kỹ hơn kẻ vừa có ý định giết mình. Với một người đàn bà đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc đời, bà đủ sự khôn ngoan để xét đoán một con người dù chỉ qua tướng mạo, cử chỉ. Trước mắt bà, tên thích khách còn quá trẻ, trong ánh mắt của hắn không hiện ra sự mưu mô xảo trá, trái lại, một ánh lửa của sự chính trực lại rực cháy trong đó. Dương Vân Nga tin bản thân không nhìn nhầm người, nhưng bà thực sự muốn biết hắn là ai và lý do gì hắn lại muốn giết mình.

- Ngươi là ai? Sao lại muốn giết ta?

- Đồ yêu hậu lăng loàn - Tên thích khách không trả lời câu hỏi mà cứ thế mắng chửi - Vì dâm loạn mà ngươi tư thông với Lê Hoàn, giết Đinh Tiên Hoàng đế rồi hai tay dâng ngai vàng của họ Đinh cho hắn. Ta chỉ hận mình kém cỏi không thể giết được ngươi để trả thù cho Tiên Hoàng đã khuất.

- Câm mồm! Sao ngươi dám nói những lời bất kính với nương nương? - Lam hộ vệ tức giận cắt lời.

Thế nhưng, Dương Vân Nga lại tỏ ra điềm tĩnh trước những lời cay nghiệt nhắm vào mình. Bà ra hiệu cho Lam Kiều lùi lại và nói:

- Ta thấy ngươi rất xúc động khi nhắc đến Đinh Tiên Hoàng đế. Phải chăng, ngươi có mối ân tình rất sâu nặng với Người?

Tuệ Lâm đáp:

- Ta vốn không máu mủ gì với Tiên Hoàng nhưng mang ơn tái sinh của Người. Không có Tiên Hoàng, ta đã là đứa trẻ sơ sinh bỏ mạng bên đường. Người đã cứu vớt và tìm người nuôi dưỡng cho ta. Ơn đức trời biển ấy ta chưa kịp báo đáp thì Người đã bị ám hại. Hay tin ngươi đến chùa Am Tiên tu hành, ta đã từ biệt cha mẹ nuôi, lên chùa xuất gia, chờ ngày tiếp cận ngươi để trả thù cho Tiên Hoàng.

Nghe đến đó, đôi lông mày của Dương Vân Nga liền nhíu lại, bà sực nhớ ra một việc gì đó đã xảy ra từ rất lâu. Nhưng chưa kịp ghép nối những mảnh ký ức rời rạc thì Tuệ Lâm lại tiếp tục chất vấn:

- Yêu hậu Vân Nga, Tiên Hoàng đối xử với ngươi không bạc, cớ sao ngươi lại ăn ở hai lòng, đem dâng ngôi báu cho kẻ đã giết hại chồng mình?

- Vì sao ư? - Dương Vân Nga mỉm cười trả lời - Vì một ánh mắt!

- Vì một ánh mắt?

- Đúng vậy!

Dương Vân Nga bỗng xúc động nhớ lại buổi sáng định mệnh hôm ấy. Đó là một ngày tháng 7 năm 980, một cơn mưa nặng hạt hối hả xối nước xuống mái điện hoàng cung. Buổi thiết triều hôm ấy, bá quan văn võ ai nấy đều rất căng thẳng. Bởi từ biên cương cấp báo, nhà Tống nhân thời cơ nước Nam rối ren, vua còn nhỏ, đã điều động binh mã chuẩn bị chinh phạt. Nhận được tin dữ, Dương Vân Nga khi ấy đương là Thái hậu của nhà Đinh đã sai Lê Hoàn tuyển mộ quân sỹ để chống giặc, đồng thời phong Phạm Cự Lạng làm Đại tướng quân thống lĩnh. Khi triều đình đang bàn cách chống giặc, bất ngờ, Phạm Cự Lạng cùng các tướng khác mặc giáp trận, mang gươm đi thẳng vào cung. Quân lính theo sau, vây chặt cả điện khiến bá quan sửng sốt.

Phó vương Lê Hoàn tức giận hét lớn:

- Phạm Cự Lạng, tự ý mang võ sỹ vào điện, ngươi định làm phản à?

Nghe vậy, Phạm Cự Lạng bèn kính cẩn thưa:

- Muôn tâu Quan gia(2), muôn tâu Thái hậu, tâu Phó vương cùng văn võ bá quan, Phạm Cự Lạng này có điều muốn nói. Nay nhà Tống sắp mang quân xâm phạm, thế nước lâm nguy rất cần người hiền đức làm minh chúa để yên lòng quân mà ra sức đánh giặc. Xưa nay, thưởng người có công, giết kẻ trái lệnh là phép sáng để thi hành việc quân. Nay chúa thượng còn trẻ thơ, chúng ta dẫu hết sức liều chết để chặn giặc, may có chút công lao, thì ai biết cho? Chi bằng... trước hãy tôn lập Phó vương - Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi Thiên tử, rồi hãy xuất quân dẹp giặc.

Quần thần nghe vậy thì sửng sốt nhìn nhau xì xầm, nhưng không ai dám cất lời, chỉ có Lê Hoàn là lớn tiếng đáp lại:

- Phạm Cự Lạng to gan, sao dám nói những lời trái đạo như thế?

- Xin Phó vương đón nhận mệnh trời, lên ngôi Thiên tử - Phạm Cự Lạng chắp tay rồi nói lớn, quân sỹ nghe vậy cũng hùa theo, hô “vạn tuế” vang cả điện rồng.

Trước tình thế đó, Thái hậu Dương Vân Nga ở sau rèm trướng bèn cất lời:

- Bá quan văn võ, ta có lời này muốn nói riêng với Phó vương.

Lê Hoàn cúi mình bước vào sau rèm trướng. Dương Vân Nga nhìn ông rồi chậm rãi nói:

- Thế nước đang nguy, mẹ con ta tài hèn đức mỏng, chẳng thể gánh vác được nghiệp lớn. Ta chỉ ở hậu cung nhưng cũng thấy được mệnh trời khó cãi... nhưng có lời này, xin Phó vương hãy thật lòng cho ta biết.

- Tâu, thần xin nghe.

- Về cái chết của Tiên Hoàng và Nam Việt vương Đinh Liễn ...

Lê Hoàn giật mình, đáp:

- Bẩm, đó là do tên nghịch tặc Đỗ Thích ám hại. Hắn uống rượu say, đêm nằm mơ thấy sao rơi vào miệng mình nên ngỡ là điềm báo sẽ được làm vua, từ đó, nảy sinh mưu đồ giết vua đoạt ngôi rồi làm ra chuyện tày đình. Việc này cả triều đình và chính Thái hậu cũng biết, cớ sao lại còn hỏi thần nữa ạ?

Dương Vân Nga mỉm cười nói:

- Ông nghĩ ta là trẻ con hay sao mà đi tin câu chuyện đó? Đỗ Thích chỉ là một viên Chi hậu nội nhân(3) nhỏ bé, không vây cánh, không binh quyền, dẫu cho giết được vua đi chăng nữa, thì các đại thần của nhà Đinh như Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Phạm Hạp và chính cả ông - Thập đạo tướng quân làm sao có thể chấp nhận để hắn lên ngôi dễ dàng cho được. Dù hắn có ôm mộng đế vương lớn đến chừng nào thì cũng không ngu xuẩn đến mức không nhận ra điều đó.

- Vậy, ý Thái hậu là...? - Lê Hoàn cau mày hỏi.

- Phó vương, ông hãy nhìn thẳng vào ta và cho ta biết... - Dương Vân Nga tiếp lời - trong cái chết của Tiên Hoàng và Nam Việt vương, bàn tay của ông có nhuốm máu hay không?

Nghe vậy, Lê Hoàn mặt không biến sắc, liền tuốt gươm rồi tiến về phía Dương Vân Nga. Có lẽ, ông đã đoán định được ý đồ trong câu hỏi của Thái hậu. Thế nhưng, Dương Vân Nga lại không chút sợ hãi và bình thản đợi xem Phó vương sẽ làm gì.

- Tâu Thái hậu... - Lê Hoàn quỳ xuống, hai tay dâng thanh gươm lên rồi nói - Thề có trời đất linh thiêng của Đại Cồ Việt chứng giám, thần hoàn toàn vô can trong cái chết của Tiên Hoàng và Nam Việt vương. Nếu có nửa lời gian dối, xin trời đất trừng phạt, chết cũng không được toàn thây. Còn Thái hậu vẫn có ý nghi ngờ, xin hãy lấy thanh gươm này mà chém đầu thần. Thần xin nguyện lấy cái chết để chứng minh cho sự trong sạch của mình.

Dương Vân Nga nhìn Lê Hoàn, ánh mắt cương nghị của Phó vương khiến bà gật đầu rồi nói:

- Vậy thì mẹ con ta và trăm họ của Đại Cồ Việt đặt tất cả vào ông.

Khi tấm rèm được mở ra, Dương Thái hậu bước đến trước quần thần, theo sau là Phó vương Lê Hoàn. Không ai có thể ngờ rằng, vận mệnh của cả dân tộc đến ngàn đời sau sẽ được quyết định bởi thời khắc lịch sử này.

- Người đâu? Mang tấm áo long cổn(4) của Tiên Hoàng ra đây cho ta.

Thế rồi trước điện rồng, Thái hậu Dương Vân Nga đã khoác áo hoàng bào cho Phó vương Lê Hoàn và suy tôn ông lên ngôi Thiên tử. Cuộc thay triều đổi đại đầu tiên không đổ máu trong lịch sử phong kiến Việt Nam đã diễn ra như thế.

Lê Hoàn bước lên ngai vàng, uy nghiêm nhìn quần thần tung hô vạn tuế. Giữa bá quan văn võ, vị tân đế đưa ánh mắt về phía Phạm Cự Lạng, người vừa làm binh biến đưa mình lên ngôi. Dương Vân Nga thấy được cái nhìn đó của Lê Hoàn nhưng bà không quá quan tâm. Cuộc binh biến ấy là kết quả của một vở kịch chính trị hay là sự lựa chọn của thiên mệnh, của nhân tâm, điều ấy với Dương Vân Nga bây giờ không còn quan trọng. Thiên hạ của họ Đinh hay của họ Lê cũng không còn quan trọng. Bởi giặc thù trước mắt, ai là người đủ tài trí dẫn dắt Đại Cồ Việt non trẻ vượt qua cơn bão táp ấy mới là điều quan trọng.

- Hừ! Cứ cho những lời mà bà nói là thật, nhưng chỉ vì một ánh mắt của Lê Hoàn mà bà tin hắn vô can trong cái chết của Tiên Hoàng ư? Và chỉ bằng một ánh mắt đó, bà hai tay đem cơ nghiệp gây dựng vất vả của Tiên Hoàng trao cho Lê Hoàn không chút đắn đo?

Tuệ Lâm cắt lời khiến cho dòng hồi ức của Dương Vân Nga bị đứt mạch.

- Chàng trai! Ngươi còn quá trẻ để hiểu thấu thế sự. Tiên Hoàng đoản mệnh, để lại một khoảng trống quyền lực mênh mông ở Hoa Lư. Ngươi nghĩ, một người đàn bà và một đứa trẻ 6 tuổi đủ sức nắm giữ vương quyền hay sao? Trong khi quyền binh đều nằm trong tay các trọng thần như Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Phạm Hạp, Lê Hoàn… Xưa kia, Tiên Hoàng vì uy vũ mà thu phục được người tài theo về dẹp loạn sứ quân, thống nhất thiên hạ. Nay đầu lĩnh mất đi, ai dám chắc những người tài kia không có ý riêng mà tiếp tục trung thành với mẹ con ta. Mà kể như họ không có ý riêng, nhưng chắc gì họ đã ưa nhau để đồng tâm hiệp lực, không đấu đá lẫn nhau để tranh quyền đoạt vị, khiến triều đình chia năm xẻ bảy…

- Đừng có cuồng ngôn! - Tuệ Lâm tức giận nói chen vào - Định Quốc công Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền, Vệ úy Phạm Hạp đều là các bậc khai quốc công thần, đều tận trung với triều đình, làm gì có chuyện ăn ở hai lòng như ngươi nói?

Dương Vân Nga vẫn mỉm cười, đáp:

- Ta chưa nói hết. Thế nước khi ấy không cho ta một sự lựa chọn tốt hơn. Ở biên ải, quân Tống đang chuẩn bị động binh, trong nước, Quan gia đang còn nhỏ, làm sao cáng đáng được việc lớn. Ta khi đó dù ở ngôi Thái hậu, nhưng trong mắt đám văn quan võ tướng, ta vẫn chỉ là phận đàn bà, làm sao đủ uy đức cho họ nể phục mà hết lòng phò trợ. Ta có lỗi với họ Đinh nhưng ta không có lỗi với muôn dân. Đại Hành Hoàng đế ở ngôi Thiên tử, đánh đuổi giặc Tống, bình dẹp Chiêm Thành, giữ cho giang sơn Đại Cồ Việt thái bình thịnh trị, trăm họ ấm no. Đó chẳng phải là điều tốt đẹp mà con dân nước Việt nào cũng mong muốn hay sao?

- Nhưng… nhưng thiên hạ của họ Đinh vất vả gây dựng… - Tuệ Lâm đuối lý nhưng vẫn cố phân bua.

- Thiên hạ trong tay của họ Đinh hay của họ Lê thì đã sao? Ít nhất thiên hạ vẫn là của người Việt. Nếu không phải Đại Hành Hoàng đế gánh vác, liệu giang sơn này có còn quốc hiệu Đại Cồ Việt hay sẽ trở về cái tên Giao Chỉ như xưa, để lũ ngoại bang phương Bắc giày xéo? Ngươi mang ơn Tiên Hoàng, trung thành với họ Đinh, ta không trách, nhưng đến lúc này, ngươi vẫn chưa nhìn ra thế cuộc, vẫn vì ngai vàng của họ Đinh mà oán giận ta, thì đó là ngu trung, là mê muội. Kẻ chỉ biết đặt lợi ích của một gia tộc lên trên lợi ích của cả dân tộc, làm sao đủ tư cách để phán xét ta?

Những lời đanh thép của Dương Vân Nga như một gáo nước lạnh tát thẳng vào mặt của Tuệ Lâm. Quả thật, đây là những điều mà lần đầu hắn được nghe, đầu óc non nớt của hắn trước đây bị nhồi nhét đầy những oán hận nay lại phải lắng nghe những điều vượt sức tưởng tượng. Cú sốc quá lớn khiến hắn đổ gục xuống, chết lặng không nói nên lời.

Nhìn gương mặt đáng thương của người thanh niên trước mặt, Dương Vân Nga bèn nói:

- Ngươi đi đi. Ta không muốn giết ngươi, càng không muốn gieo nghiệp ác nơi cửa Phật.

- Yêu hậu! - Tuệ Lâm vừa đứng dậy vừa nói - Đừng nghĩ ngươi tha cho ta là ta sẽ thay đổi cách nhìn về ngươi. Ai mà biết được, lời ngươi nói là thật hay dối. Ta không giết được ngươi, nhưng ta sẽ đi kể khắp thiên hạ, để ngàn đời sau, thiên hạ phỉ nhổ ả đàn bà dâm loạn là ngươi…

Nghe vậy, Dương Vân Nga bật cười. Bà thừa hiểu rằng, trên đời, núi đã cao, biển đã sâu nhưng còn có thứ cao hơn núi, sâu hơn biển, đó chính là định kiến tại lòng người. Một khi đã khắc sâu trong lòng thì dễ chi vài lời là có thể hóa giải hết được. Bà vẫn điềm nhiên, đáp:

- Ngươi cứ việc. Những lời cần nói, ta đã nói hết rồi.

Tuệ Lâm quay người nhìn sang sư Minh Không, cúi đầu dập 3 lạy tạ lỗi rồi lau nước mắt rồi chuẩn bị rời đi.

- Tuệ Lâm… - Sư Minh Không bùi ngùi - Trong số đệ tử của chùa, con là người mà ta thương nhất. Nếu một ngày con có thể vứt bỏ đồ đao, buông bỏ chấp niệm, ta và chùa Am Tiên luôn chờ con trở về.

- Con không phải là Tuệ Lâm! Con là thần tử của nhà Đinh. Mãi mãi là thần tử của nhà Đinh - Tuệ Lâm lạnh lùng đáp.

Nghe vậy, vị sư già đành chỉ biết thở dài, nhìn người đệ tử chấp mê bất ngộ cất bước. Ánh chiều vàng vọt hắt xuống mái hiên của ngôi cổ tự, buồn bã như muốn níu chân người đệ tử phật môn. Tuệ Lâm ngoái đầu nhìn lại lần cuối nơi đã cưu mang mình hơn một năm qua. Nội tâm của hắn bây giờ bị xáo trộn vì những oán thù đã khắc sâu nay phải đối diện với những lý lẽ mà lần đầu được nghe. 

Lam hộ vệ bước đến và nói:

 - Nương nương, hắn chính là đứa trẻ sơ sinh của người đàn bà chửa hoang treo cổ tự vẫn ở bãi săn năm ấy phải không?

Dương Vân Nga gật đầu. Cái gật đầu ấy khiến cho viên hộ vệ càng ngạc nhiên:

- Sao Người không kể cho hắn biết sự tình, rằng chính nương nương mới là người tìm ra hắn bên bãi cỏ, chính nương nương đã chăm sóc cho hắn, vất vả tìm bà vú khi hắn đang khát sữa và cũng chính nương nương đã chôn cất tử tế cho mẹ của hắn?

- Nhưng để làm gì? - Dương Vân Nga quay lại - Để hắn sống tiếp phần đời còn lại với sự đau khổ khi biết mình là đứa con hoang ư? Nếu vậy, ta thà để hắn oán hận ta vì dâng cơ nghiệp của họ Đinh cho người khác thì tốt hơn.

Câu trả lời của Dương Vân Nga khiến cho Lam Kiều và sư Minh Không bất ngờ, lòng thầm cảm phục tấm lòng bao dung của người đàn bà đã trải qua những thăng trầm biến cố của thời cuộc, chấp nhận để lịch sử khoác lên mình tấm áo cay nghiệt.

 Dương Vân Nga và Lam Kiều cúi chào sư Minh Không rồi ra về. Trên đường xuống núi, nhìn những đóa Quỳnh trắng được trồng hai bên lối lên chùa, mùi hương vẫn còn phảng phất nhẹ nhàng, bất giác, bà nhìn Lam hộ vệ và hỏi:

- Lam Kiều, ngươi biết ta thích nhất loài hoa nào không?

- Bẩm! Thuộc hạ chỉ là kẻ võ biền, thật sự không biết ạ? - Lam Kiều kính cẩn đáp.

Dương Vân Nga ngừng lại, đặt tay lên một đóa Quỳnh gần đó, những cánh hoa mỏng manh, héo úa như chính lòng bà hiện tại:

- Là hoa Quỳnh. Thế gian biết bao nhiêu loài hoa với sắc hương rực rỡ, luôn tìm cách khoe ra vẻ đẹp dưới ánh mặt trời, còn hoa Quỳnh lại chọn đêm tối để khoe mình lặng lẽ. Không cần ai biết, chẳng cần ai thấy, những đóa Quỳnh vẫn vô tư nở hoa và tỏa hương thơm dịu dàng, thanh khiết giữa đêm tối tĩnh mịch. Và khi ánh mặt trời vừa lên, hoa Quỳnh lại bình thản trở về dáng vẻ ban ngày, lặng lẽ làm những đóa hoa tầm thường, thất sắc, vô hương trong con mắt của người phàm.

Lam hộ vệ như hiểu ra điều gì đó, lúng túng chẳng biết mở lời thế nào cho phải:

- Nương nương… vẫn còn ưu phiền… chuyện lúc nãy chăng?

Dương Vân Nga lắc đầu:

- Năm ấy, khi khoác tấm hoàng bào cho Đại Hành Hoàng đế, ta đã chấp nhận làm một đóa Quỳnh dập nát dưới ánh mặt trời của lịch sử. Những trang sử được viết bởi những nam nhân khinh thường đàn bà. Ngòi bút của họ sẽ dành cho ta những lời cay nghiệt nhất, nhưng ta vẫn tin rằng, hậu thế sẽ vẫn có người bao dung đối với ta, với người đàn bà đã đi qua hai vương triều này.

Vừa nói, Dương Vân Nga từ từ buông những ngón tay gầy guộc của mình ra khỏi những cánh hoa, như trút được nỗi lòng: 

- Trời sắp tối rồi. Chúng ta về thôi.

Lam Kiều gật đầu, ân cần khoác chiếc áo choàng cho nữ chủ nhân khi gió lạnh thổi qua, rồi lặng lẽ nhìn bà cất bước. Trước vẻ mặt vẫn còn ưu tư của hoàng hậu, ông quyết định gạt đi những lời rất muốn nói với bà. Những lời mà ông đã chôn giấu tận sâu trong đáy lòng suốt mấy chục năm qua và có lẽ, sẽ tiếp tục chôn giấu cho đến hết cuộc đời.

* * *

Năm 1000, Đại Thắng Minh Hoàng hậu Dương Vân Nga qua đời, thọ 48 tuổi, cùng năm với Thái tử Lê Long Thâu - con trưởng của vua Lê Đại Hành. Bảy ngày sau khi triều đình phát tang, trên tường của chùa Am Tiên, ai đó đã để lại 4 câu thơ: “Hai vai gồng gánh hai Vua/ Hai triều Hoàng hậu, tu chùa Am Tiên/ Theo chồng đánh Tống bình Chiêm/ Có công với nước, vô duyên với đời”.

Không ai biết chủ nhân của 4 câu thơ trên là ai. Có người bảo, đó là lời của viên hộ vệ họ Lam, một đời đơn phương với bà nhưng vì đạo thần tử, chỉ có thể âm thầm làm người hầu cận để bảo vệ cho bà. Có người lại bảo, đó là lời của người thanh niên vốn là đứa trẻ sơ sinh do người đàn bà chửa hoang treo cổ chết bỏ lại bên đường, được bà nhìn thấy và tìm người cưu mang trong một lần đi săn với Đinh Tiên Hoàng đế.

 Thực hư thế nào chẳng ai biết rõ. Nhưng lịch sử mãi mãi sẽ nhắc đến bà, đóa hoa Quỳnh mỏng manh nhưng quyết đoán, gạch nối quan trọng giữa hai vương triều nền móng trong buổi đầu độc lập của đất nước. Số phận của dân tộc này có lẽ sẽ khác đi rất nhiều nếu năm ấy, bà không trao chiếc áo hoàng bào cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn.

Hơn 1000 năm đã trôi qua, ai đó vẫn đắp lên mộ bà những lời cay nghiệt, nhưng rồi, những cơn gió của lịch sử sẽ cuốn đi tất cả.

 

Chú thích: (1) Đại Cồ Việt: Quốc hiệu nước ta từ năm 968 - 1010, qua 3 triều đại nhà Đinh, nhà Tiền Lê đến đầu nhà Lý; (2) Quan gia: Từ để gọi vua thời phong kiến; (3) Chi hậu nội nhân: Quan phục dịch trong cung; (4) Long cổn: Hay còn gọi là hoàng bào, tức áo lễ có thêu rồng của Vua mặc trong các nghi lễ quan trọng.

 

Quảng Bình, ngày 03/3/ 2023

(Nguồn: TC VNNB 279-4/2023)

Bài viết khác