Chủ nhật, 19/05/2024

Tình yêu nơi xứ lạ

Thứ năm, 06/04/2023

Truyện ngắn của TRẦN THỊ NGỌC

Học sinh lớp 11A1, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, TP Ninh Bình

(Giải Khuyến khích của Cuộc thi sáng tác Thơ, Truyện ngắn dành cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình năm học 2021-2022)

 

- Cái này là của tao mà!

- Cái nào là của mày. Rõ ràng là cô cho tao mà!

- Bỏ ra coi!

Thằng Trương nó cứ kiên quyết giành lấy cái bánh từ tay tôi, một mực cho rằng là của nó. Đây không phải là lần một lần hai chúng tôi cãi cọ, với bất kỳ lý do nhỏ nhặt nào tôi với nó cũng có thể xảy ra xung đột.

- Thôi nào các con! Hai đứa phải nhường nhịn nhau chứ!

Và mỗi lần như thế người giải quyết sự việc này luôn là cô Thương - người chăm sóc cũng nhận trách nhiệm bảo vệ bọn tôi trong cái trại trẻ mồ côi này. Trong cái thế giới xa lạ này thì người thân duy nhất của tôi là cô Thương và cái thằng béo múp suốt ngày giành đồ ăn của tôi kia.

- Tại sao mày không nhường tao, có cái bánh mà mày cũng ích kỉ. Cái đồ xấu xa, cái đồ bị bố mẹ bỏ rơi - thằng Trương nó cứ hét toáng vào mặt tôi. Hầu như mỗi lần tranh đồ ăn là lời nói của nó trở nên mất kiểm soát, chẳng cần quan tâm nó vừa nói cái gì. Và khi nó nhận ra cũng là lúc trong tôi đã như nồi nước sôi sắp phun trào đến nơi rồi.

- Mày vừa nói cái gì cơ?

- Tao... tao có nói gì đâu - Nó co người lại, lắp bắp nói.

Ai mà ngờ nó nói như vậy càng làm cho tôi tức giận hơn vì tôi là người vốn ghét sự giả dối. Tôi nhảy bổ lên đấm thẳng vào đống mỡ trên mặt nó. Nó ngã nhào, không thể đứng dậy. Sự đau đớn không thể tưởng tượng nổi. Thực ra nó đau, tôi cũng đau.

- Mày nói ai mồ côi cơ, mày là cái thá gì...

 Cô Thương chạy lại giữ lấy tôi, hét lên:

- Hai đứa sao lúc nào cũng cãi nhau vậy hả. Rõ ràng hai đứa là anh em cơ mà.

- Cô nói là anh em nhưng làm gì có anh em nào chê bai nhau không có bố mẹ.

Cuộc xô xát đã kéo theo bao nhiêu ánh mắt đổ dồn vào chúng tôi. Cô Thương như khóc nấc lên trong sự mất kiểm soát của tôi. Còn thằng Trương thì nằm bệt đất, ôm má đau không dám nói. Sau sự việc ấy, tất cả chỉ còn là sự im lặng. Thằng Trương bị chuyển sang phòng khác chỉ còn tôi trong căn phòng cũ kĩ này. Giường thì ọp ẹp, thứ duy nhất đón lấy ánh sáng từ bên ngoài là cái cửa sổ thì tôi cũng đóng lại vì chả ai còn muốn làm thân với tôi nữa. Từ khi bước vào cái trại này, tôi nhận ra rằng cái thế giới của tôi luôn tồn tại khoảng cách lạnh lẽo. Ấy vậy mà thằng Trương nó chuyển đến cùng phòng tôi. Không những nó không xa lánh mà còn cho tôi cảm nhận rằng hóa ra cuộc đời tôi vẫn còn có thứ tình cảm gọi là anh em.

Thằng Trương là một đứa ham ăn nhưng chưa lần nào tôi phải tranh chấp với nó vì miếng ăn. Tôi cứ quanh quẩn nghĩ mà trời sập tối lúc nào không hay. Miếng bánh vỡ vụn dưới sàn, kiến đã bâu kín. Lúc này bỗng có tiếng gõ cửa.

- Hậu ơi! Con còn thức không?

Nghe giọng nói ấy, tôi nhận ra ngay đấy là cô Thương. Là cô thì không lần nào tôi từ chối trả lời nhưng lần này lại khác. Dường như có thứ gì níu kéo tôi lại, làm tôi không biết có nên mở cửa hay không. Cùng lúc ấy một giọng nói khác vang lên.

- Cháu nó ngủ rồi sao ấy?

Một giọng nói khàn, trầm nghe có vẻ nghiêm trọng. Lại là tên đại gia nào đến đây sao. Mấy cái lão suốt ngày vung tiền như rác, đi đâu cũng định giá được mọi thứ, kể cả con người. Chắc hắn lại muốn mua tôi về để lao động khổ sai. Chứ nói là muốn nhận nuôi, xong bọn nó làm gì có tình thương người.

- Thôi! Nếu cháu nó ngủ rồi thì mai tôi quay lại sau vậy. Nếu gặp được cháu thì gửi lời lại cho tôi rằng “Tôi thực sự quý nó lắm đấy”.

Tiếng nói của hai người xa dần theo đường hành lang. Tôi thấy dường như mình chẳng còn lí do để ở lại đây nữa. Sáng mai thức dậy nếu còn ở đây thì sẽ là cái máy phục vụ cho bọn nhà giàu đến chết mà thôi. Tôi thấp thỏm không yên và quyết định sẽ bỏ trốn khỏi nơi này. Đây là một việc tôi chưa từng nghĩ tới. Một đứa thiếu thốn như tôi làm gì có ý định rời xa cái mái ấm gọi là duy nhất này. Tôi phân vân nửa muốn đi, nửa muốn ở lại.

“Nhưng ở đây làm gì có ai thương mày?”.

Bỗng trong đầu tôi hiện lên lời nói này làm ý định muốn rời khỏi nơi đây tăng lên gấp bội.

- Không còn gì nữa. Trăng lên đỉnh thì đi thôi.

Trời đã trở khuya, sự vắng lặng đến mức nghe cả tiếng lá rơi nghiêng ngoài thềm. Tiếng gió rì rào, lay đưa các rặng tre càng tăng thêm sự tĩnh mịch của đêm tối. Tôi nhẹ mở cửa, nhìn ra ngoài hành lang, tất cả mọi cánh cửa đã đóng kín bưng. Tôi bỏ chạy qua hàng rào rỉ sét. Đây là mối nguy hiểm với tất cả lũ trẻ trong trại nhưng với một đứa cao 1m68 như tôi thì đó không phải là vấn đề. Tôi nhanh nhẹn trèo ra ngoài, đúng lúc ấy có bóng đèn pin rọi thẳng vào mặt.

- Đứa nào kia? Bỏ trốn à?

Một bóng người già nua, khập khiễng từ trong bước ra. Chắc hẳn đây là ông Hào - người già nhất cũng là người đảm nhận chức vụ lớn lao nhất là trông giữ cái trại này. Thêm một mối lo nữa nhưng trèo ra được khỏi đây thì còn gì phải lo sợ mà chần chừ nữa. Tôi mặc kệ lời nói của lão mà phi thẳng ra phía trước. Trời tối đen ngòm, cảnh vật dường như chỉ có một sắc đen. Tôi cứ chạy, chạy mãi nhưng trong đầu vẫn nhận thức được rằng “Chắc người của lão Hào sắp đuổi kịp rồi. Không biết có bị bắt về không đây”. Tôi mải mê trong suy nghĩ, trong đêm đen mà không biết đi đường nào.

Tôi đang chạy, bỗng “Sụt” một cái... Người tôi nghiêng ngả sang một bên. Tôi chới với trong không gian. Tôi ngã, đầu đập vào một bờ đất cứng toàn đá sỏi, toàn thân tôi dập xuống. Đầu tôi choáng váng, tôi lịm đi. Tôi đau lắm nhưng có lẽ đau nhất là nỗi đau nằm trong lồng ngực này.

Ánh sáng chiếu rọi vào mặt làm tôi phải nheo mắt, cố gắng cử động nhưng cơ thể tôi như có đá đè. Lúc ấy tôi mới cảm nhận được nỗi đau xót, dằn vặt trong tâm. Tôi cố gượng ngồi dậy, thấy mình đang nằm ở một chỗ xa lạ. Ngước mắt lên mới nhận ra tôi đã trượt chân ngã lăn xuống từ vách núi. Dạ dày tôi ì ọt kêu. “Tôi đói quá” - Tôi nằm ngửa nhìn lên bầu trời xanh vời vợi. Nó mênh mang vô tận như tương lai sắp tới của tôi vậy, chẳng thể xác định được phương hướng mình cần tới. Bỗng nghe thấy tiếng người từ đằng xa, tôi giật mình bật dậy lo sợ. Lỡ đấy là người của ông Hào thì làm sao. Tôi cố vươn mình lên định bỏ chạy, nhưng chân tôi cứng lại đau điếng. Bỗng từ xa có giọng nói vọng lại.

- Hình như ở kìa có người.

Tôi hoảng sợ, đứng dậy khập khiễng lết đi được 1, 2 bước lại bị ngã xuống. Tôi không thể điều khiển được ý muốn của mình.

- Ôi trời! Cháu có bị làm sao không?

Khi quay lại, tôi thấy một bà trung niên cùng với một người thanh niên cao to bịt kín mặt, trên người khoác theo chiếc balo to. Bà cô hỏi tôi:

- Cháu có ổn không, sao lại đến nông nỗi này?

- Cô ơi cháu đau quá, cháu đói lắm, cháu không có nơi nào để đi cả - Tôi mếu máo.

Bà cô quay ra nhìn cậu thanh niên kia rồi đứng dậy, mở chiếc cặp hắn khoác trên vai, lục tìm cái gì đó. Khi ấy tôi thấy cậu thanh niên thì thầm vào tai bà cô điều gì đó, có lẽ điều chẳng lành.

 

 

- Đây rồi! - Nói xong bà quay ra chỗ tôi với cái bánh mì và chai nước trên tay - Này cháu ăn đi.

Tôi chần chừ lo sợ

- Cháu không phải sợ, cô và con trai cô đủ điều kiện để giúp cháu lúc này. Chả là cô với nó cũng vì túng quá nên muốn vượt biên sang nước ngoài để kiếm việc làm. Nó mồ côi cha từ nhỏ, hoàn cảnh gia đình cũng thiếu thốn lắm…

- Mẹ sao phải nói nhiều như vậy làm gì - Người thanh niên lập tức chặn họng không cho bà nói.

- Aizz! Thôi mong cháu thông cảm, cũng vì không được dạy dỗ nên tính nó hơi cục cằn. Cháu đừng lo, cầm lấy bánh mì ăn đi cho khỏi đói, nào ăn đi.

Lòng tôi cảm động vì hóa ra trên đời này vẫn còn người tốt như vậy. Cầm cái bánh mì tôi ăn ngấu nghiến. Đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy cái bánh mì nó ngon như vậy.

- Ăn từ từ thôi không nghẹn cháu. Này! Cầm lấy nước uống cho dễ trôi.

- Áu ảm ơn (Cháu cảm ơn) - Tôi nhồm nhoàm vừa ăn, vừa nói. Tôi uống gần cạn chai nước. Dòng nước chảy qua họng tôi như cơn mưa dội qua vùng sa mạc vậy. Cứ vậy tôi ăn như chưa bao giờ được ăn. Đầu tôi lại tiếp tục choáng váng, mắt mờ đi không nhìn rõ, người tôi ngã xuống, trong cơn mê man tôi nghe văng vẳng câu nói:

- Bán thằng này chắc được nhiều tiền lắm đây.

Và tôi lịm đi, không biết gì nữa...

- Hurry up, get the job done today (Nhanh lên, mau hoàn thành công việc ấy trong hôm nay).

... “Sao lại có tiếng người ngoại quốc” -Tôi thổn thức nghĩ, người tôi như chẳng còn cảm giác, xung quanh ồn ào tiếng máy nổ, đoàn người rầm rập qua lại. Tôi mang máng nhớ là mình vừa được bà cô cho cái bánh mì và chai nước, sao giờ bản thân tôi lại đang ở chốn nào không hay.

- He might be wake (Cậu ấy có thể sắp tỉnh rồi) - Một người vừa nói bước vào, nghe không giống người bản địa, chắc mới học.

- Okay! Let’s wake him up as quick as possible. My factory is very lack of labor (Được rồi! Hãy đánh thức cậu ta nhanh nhất có thể. Nhà máy tôi đang rất thiếu lao động).

- Yes sir (Vâng thưa ngài).

Cuộc hội thoại ấy kết thúc. Chắc hẳn đây là cuộc trò chuyện của kẻ quyền lực và người thừa hành.

- Cậu có thể dạy được rồi - Giọng nói thuần Việt vang lên. Tôi như được một sức mạnh nào đó đánh thức, đôi mắt mình lập tức mở ra khi nghe giọng nói ấy. Khung cảnh đầu tiên hiện ra là căn nhà gỗ, xung quanh được bày biện khá ngăn nắp nhưng bụi bặm. Tôi đang nằm trên một chiếc giường có chăn đệm đầy đủ. Thứ thu hút tôi nhất là người đàn ông già nua mặc áo blu trắng đứng trước mặt, ông ta cất giọng nói:

- Sao cậu lại bị bắt vào đây thế này? Cậu bị hành hạ nên bỏ trốn sao hay là bị bán sang đây?

- Ông... ông mau cho tôi biết đây là đâu? Ông có phải vừa nói tiếng nước ngoài?

- Đúng vậy! Đây là thuộc địa của người Mĩ, là chợ nô lệ chuyên buôn bán người để phục vụ lao động. Tôi bị bắt vào đây nhưng có chút chuyên môn về y học nên được vào đội cứu thương cho những kẻ nô lệ lao động.

- Chợ... chợ nô lệ sao?

Người tôi như chết lặng. Hóa ra tôi bỏ trốn khỏi trại mồ côi để không phải lao động thì giờ lại trở thành kẻ dưới đáy xã hội phục tùng bọn người quý tộc ngoại quốc. Tôi chua xót cảm thấy tủi nhục cho cuộc đời mình. Tôi đã bị lừa và bị bán sang đây. Hóa ra cái sự tử tế của người phụ nữ kia lại chính là cái gai độc đâm thẳng vào cuộc đời tôi một vết thương chí mạng mà có lẽ suốt quãng đời về sau tôi sẽ chẳng thể quên.

- Bản thân chúng ta đều là những kẻ kém may mắn, không thể cảm nhận tự do hay chút dư vị của tình yêu. Đừng suy sụp vì bản thân tôi bị bắt vào đây 6 năm trước, gặp rất nhiều trắc trở bắt buộc phải hòa nhịp với cuộc sống này. Nhưng từ đó cũng chính là kinh nghiệm giúp cậu có thể mở ra cánh cửa khác trong cuộc sống đấy. Vì vậy…

- What are you talking to him about? He’s awake why didn’t you tell me (Ngươi đang nói chuyện gì với cậu ta vậy? Cậu ta tỉnh rồi sao không thông báo cho tôi) - Cái tên ngoại quốc vừa nãy bước vào, hầm hổ chặn lời bác sĩ kia với khuôn mặt cau có như phì ra khói.

- Sorry, that was my mistake (Xin lỗi là do tôi sơ xuất) - Ông vội cúi người cầu khẩn

Tên kia quay sang chỗ tôi, lập tức kéo tôi ngay ra khỏi giường. Người tôi thót lại, đau điếng vì chỗ bị thương sơ cứu quá sơ sài, ấy vậy mà tôi không thể nói. Tên người to lớn kéo tôi đi trong sự bàng hoàng của ông bác sĩ. Nhưng cả hai không thể làm gì, đó là sự bất lực của những kẻ nô lệ phải chịu bất công trong xã hội thối nát này. Hắn ném tôi vào một công xưởng. Nơi khói bay nghi ngút, đoàn người tấp nập đang lao mình vào làm việc cật lực. Tôi có thể cảm nhận sự quay cuồng ở đây như có thể giết chết một con người. Tên người ngoại quốc ra lệnh:

- Everyone, hurry up, we have to finish this job today (Mọi người nhanh lên, hôm nay chúng ta phải hoàn thành công việc).

Tôi ngơ ngác không hiểu hắn nói gì, môi tôi khô rát như chỉ cần mấp nhẹ là có thể rách toạc. Nói xong hắn liền quay đi. Cơ thể tôi rã rời trong làn khói nghi ngút, nhìn đoàn người như một khối đông đặc. Ai cũng khoác lên mình bộ quần áo bò nâu sẫm, tất cả tỏa ra mùi dầu hăng hắc đến khó thở. Tên ngoại quốc kia đã đi được một lúc nhưng tôi chưa hiểu mình phải bắt đầu bằng việc gì. Tôi đứng lặng trong khoảng thời gian dài. Và dần dần bộ não tôi bắt đầu hoạt động trở lại. Tôi nhận ra mình bị bắt vào đây chính là để lao động, mà đó là bắt buộc làm chứ không được quyền lựa chọn. Và ở đây là phải làm cật lực cho đến chết. Ở ngoài kia, những tên lính cai quản công xưởng này, súng lăm lăm trên tay, nếu ai tự tiện bước ra ngoài là lập tức hàng chục viên đạn găm lên cơ thể.

- Này thằng kia! Mày không làm đứng đờ đấy làm gì. Định vênh mặt lên chỉ đạo bọn này à? - Bỗng một giọng nói vang từ đằng sau. Tôi quay ra thì thấy cả một đoàn người đang vác những thanh thép trên vai phải, tay trái cầm 2,3 thùng dầu.

- Mày nghĩ mày trốn được khỏi đây à? Mơ đi thôi. Ban đầu ai chả nghĩ vậy nhưng vào đây thì nên từ bỏ ý định ấy đi. Mau làm việc nhanh lên!

Lời nói ấy lại làm tôi nhớ đến lời ông bác sĩ đã từng nói “... nhiều khi cuộc sống gặp những trắc trở bắt tôi phải sống hòa nhịp nhưng đó cũng chính là kinh nghiệm giúp cậu mở ra nhiều cánh cửa khác...”. Nghĩ đến đây tôi mới thấm thía… Tôi cúi người ôm mấy thanh thép nặng ngang ngửa cơ thể mình, cạnh thép chèn lên đôi vai tôi như muốn đè nát khung xương mình. Đau cũng phải làm, buồn cũng phải làm... Làm từ sáng đến tối, bọn tôi bị đầy vào những khu nhà ổ chuột, tôi không được gặp ông bác sĩ nữa, có lẽ là không bao giờ.

Tôi cứ sống như vậy, quen dần với cuộc sống khổ sai này qua ngày tháng. Vết thương lành lại nhưng sẹo lỗ chỗ vì không được chữa trị cẩn thận. Cơ thể tôi cũng thay đổi...

Sau một năm sống làm cái máy lao động cho bọn ngoại quốc.

Sau 2 năm chấp nhận mỗi ngày ăn ổ bánh mì khô.

Sau 3 năm rời xa nơi chôn nhau cắt rốn.

Cứ như vậy tôi trở thành chai lỳ. Trở thành con người chững chạc. Biết cách ứng xử khéo léo sao để chiếm được lòng tin của bọn người ngoại quốc. Tôi được coi là đứa tinh ranh trong khu chợ nô lệ này. Đầu óc tôi luôn nhảy số nếu gặp phải trường hợp bất chắc. Sau từng ấy năm làm việc ở công xưởng này tôi mới nhận ra, bọn người da trắng mỗi tháng tầm 1, 2 lần sang Việt Nam để cung cấp nguyên liệu. Và sắp tới đây vào thứ tư bọn nó sẽ trở lại lần nữa.

Vào thứ ba trước hôm ấy, tôi bàn bạc với tất cả mọi người về phi vụ lần này. Ai cũng lo sợ vì nếu không trốn được có khi còn bị bắt lại đánh cho đến chết. Tôi vẫn kiên quyết vạch ra kế hoạch đoàng hoàng. Mọi người chú ý lắng nghe nhưng có lẽ không ai có cái gan trở về. Dù khuyên ngăn thế nào cũng vô ích.

- Ai dám nói với tôi là sẽ bỏ được quê hương của mình. Mọi người ai dám đứng lên phủ nhận tình yêu quê hương mình?... Không ai, không một ai. Vậy tại sao mọi người lại không về cùng tôi.

Tôi nung nấu và kiên trì quyết tâm của mình, thuyết phục mọi người.

- Dù có thế nào ta cũng không thể phản bội nơi mình sinh ra. Đất nước có nghèo khó nhưng không bao giờ bắt ta phải hạ thấp mình, phải ăn ở nơi lụp xụp như này. Nếu có nơi nào được coi là nơi cho ta cảm thấy hạnh phúc thì chỉ đất nước Việt Nam mà thôi. Lòng tự hào, tự tôn dân tộc của các người đâu? Không dám lôi ra để đánh cược mạng sống mình sao?

Thâm tâm tôi gào thét, tim thắt lại, nước mắt sắp ứa ra vì nỗi nhớ quê hương đất nước. Tôi muốn được tự do, muốn được trở lại nơi có cô Thương và thằng Trương để có cơ hội nói lời xin lỗi tất cả mọi người. Rằng tôi đã bỏ đi khi chưa nói lời nào. Rằng tôi yêu họ hơn cả bản thân mình. Tất cả im lặng, không một tiếng nói hay vỗ tay hoan nghênh, tất cả phản bội tôi. Tôi cúi người, quay lại chỗ mình thường nằm. Mọi người cũng chìm vào im lặng. Chính là cái cảm giác này, cái cảm giác vắng lặng đến phát sợ giống đêm cuối cùng ở trại trẻ mồ côi, không là mái ấm của tôi. Tôi thao thức chẳng thể ngủ, quay ra, mọi người đã chìm vào giấc ngủ. Tôi nhìn ra góc phòng. Mắt không thể đóng, cứ vậy, cứ vậy, thời gian trôi...

- Hurry up, hurry up (Nhanh lên, nhanh lên) - Một giọng nói thấp thoáng vọng lại. Tôi quay ngoài cửa thấy rì rầm một vài người mang đồ nghề lỉnh kỉnh chất đầy lên xe. Cánh cửa ấy có lẽ sắp mở, tôi phải nắm bắt thời cơ để trở về. Khi ấy tôi quay ra đã không thấy mọi người nữa rồi. Nhưng tôi không thể chậm chạp liền thay quần áo giả dạng bọn thương nhân giàu có, vác chiếc cặp ra chỗ xe sắp lên đường. Tôi hòa mình vào đám thương nhân nhanh chóng trèo lên được một chiếc xe.

Bước đầu thành công. Nếu đây là vận may thì tôi mong nó dồn hết vào cả ngày này cũng được. Chiếc xe bắt đầu khởi hành, điều khiển chiếc xe của tôi là một thương nhân khác. Hắn có vẻ không quan tâm đến tôi. Trời cũng đã hửng sáng, không sớm thì muộn bọn chủ xưởng cũng nhận ra sự mất tích của tôi. Phải nghĩ cách…

- Hey… hey, can you go faster… I’m h..hungry (này, liệu ông có thể đi nhanh được không, tôi đói quá) - Tôi lớ ngớ hỏi tên thương nhân kia. Mấy năm ở đây, tôi cũng học được kha khá vốn từ vựng. Mong hắn không nhận ra.

- Ok (Được rồi) - Hắn không chút đắn đo liền chấp nhận, phóng xe đi vun vút.

Vấn đề bây giờ là thời gian, nếu như…

“Reng, reng, reng…” - Một cuộc gọi đến bỗng vang lên. Tim tôi đập liên hồi. Tên thương nhân cầm máy lên nghe điện. Giọng nói đầu dây kia vang lên, tiếng hoảng hốt hòa vào đó là dòng người hoảng loạn. Sự hối hả này chắc chắn là dành cho tôi rồi. Nếu chậm chễ thêm chút nữa tất cả sẽ đổ xuống sông, xuống biển; phải hành động thôi... Bỗng một giọng nói Tiếng Việt vang lên:

- Thằng khốn da trắng, dù bọn mày có cấu xé tao thì dòng máu tao chảy vẫn là dòng máu nước Việt. Tao yêu Việt Nam hơn bất kỳ thứ gì, bởi tao yêu những bát cơm khê hơn là ổ bánh mì khô khốc. Việt Nam nghèo về vật chất nhưng luôn giàu về tinh thần. Đó là tình yêu quê hương, yêu đất nước, lòng tự hào một đất nước nhỏ bé nhưng quá nhiều kì tích. Tao yêu Việt Nam! Việt Nam muôn năm!

Tôi lập tức quay đầu nhìn người thương nhân.

- Bác sĩ… bác sĩ phải không ạ?

- Là tôi đây. Có lẽ sống ở nước ngoài quá lâu nên nhìn tôi chẳng còn giống dân Việt Nam nữa rồi.

Quá nhiều sự bất ngờ trên một chuyến xe. Tôi đã gặp lại người quen cũ. Người đã dạy tôi cách vượt quá cuộc đời đầy rẫy những chông gai này. Nếu cuộc đời không mỉm cười với chúng ta thì hãy tự tạo ra niềm vui để chúng ta mỉm cười với cuộc đời.

Khi ấy tôi nhận ra rằng mình không cô đơn, chưa bao giờ bị phản bội. Tôi vẫn luôn là người của đất nước có những người đồng chí mạnh mẽ, dũng cảm hiên ngang. Điều quan trọng là tình yêu đất nước luôn chảy trong trái tim nhỏ bé này.

- Vậy thưa ông Hậu! Ông có muốn tăng tốc nhanh hơn nữa không?

- Tất nhiên rồi thưa bác sĩ!

- Sau khi gặp cậu, tôi cảm thấy được sự bất lực của những người nô lệ trong xã hội này. Điều này rấy lên trong tôi suy nghĩ muốn trở về. Tôi muốn tăng tốc đi thật nhanh để đến nơi mình thuộc về. Về với nước Việt Nam, về nơi tôi cảm thấy yên bình nhất. Trái tim này dù có đi đâu xa 10 năm hay 20 năm thì nó cũng chỉ có một điểm dừng chân duy nhất mà thôi. Đó là Việt Nam.

Tôi thực sự như muốn chết trong niềm hạnh phúc này. Dù bây giờ tôi có ngã xuống thì nhất định đó là trong đất nước Việt Nam.

- Ngồi sau xe chật chội quá.

- Đã thế còn phải ôm mấy thùng xăng chứ.

- Cửa xe không khóa làm tôi sắp ngã đến nơi rồi.

Cuộc nói chuyện sau xe phát ra. Hóa ra mọi người luôn ở cùng tôi cho đến phút cuối cùng. Nghĩ đến đây tôi thực sự thấy bản thân mình quá ích kỉ. Tôi xin lỗi tất cả. Và tôi luôn tin rằng chiếc xe này chạy bon bon là vì trong đó chứa đựng lòng tin hướng về nơi có lá cờ đỏ sao vàng. Dù ở nơi đâu có con người Việt Nam thì nơi đó vẫn ánh lên được ánh sáng hy vọng thắp lên ý chí mạnh mẽ vượt qua nghịch cảnh cuộc sống. Đó là đức tính của người dân da vàng chúng ta mà dù có vấy mực thì nó vẫn trong, sáng như viên ngọc quý.

Tôi cùng mọi người trở về. Trong khoảng thời gian dài đó tôi cùng mọi người hát vang bài ca chiến thắng. Bọn tôi ca thâu đêm suốt sáng, không một vật cản hay hiểm trở nào. Chiếc xe bon bon trên đoạn đường. Chúng tôi thay nhau lái xe, cùng nhau chia sẻ những cái bánh, từng ngụm nước, mồm ngậm tẩu thuốc lá phì phèo nhả khói. Tất cả như hòa vào niềm vui của tự do...

Thời gian trôi, chuyến xe đường dài bắt đầu đi đến những nơi có những câu rao “Bán ngô, bán khoai, bán sắn”. Nơi mà chúng tôi sinh ra, nơi chúng ta tự hào. Tôi nhìn qua gương những đoàn người lái xe xuôi ngược. Đất nước đã thay đổi rồi. Kinh tế phát triển, cuộc sống văn minh. Tôi vội cho xe dừng bên một cánh đồng, thơm ngát hương lúa đến vụ, thấp thoáng xa xa là vài bác nông dân đang gặt hái. Tất cả mọi người xuống xe hướng về nơi chân trời. Cuộc đời tôi lắm lúc chơi vơi không biết xác định nơi mình cần tới nhưng có lẽ bây giờ lại khác. Tôi hét to theo dòng cảm xúc dâng trào, sự vui mừng khó tả nên lời:

- Tôi đã trở về Việt Nam!

                                                            Mùa đông năm Kỷ Sửu, 2021

(Nguồn: TC VNNB 279-4/2023)

 

Bài viết khác