Chủ nhật, 19/05/2024

Quế hương

Thứ sáu, 08/09/2023

Truyện ngắn của CẦM THỊ ĐÀO

1. Quế gọi điện cho chồng, nấc nghẹn:

- Anh ơ…i….!, bà mất rồi…!

Hùng lặng người. Hai vợ chồng vừa về thăm bà hôm kia, bà vẫn còn nói năng minh mẫn, bảo Hùng dìu bà ra vườn, bà muốn nhìn cây cối. Những thứ cây ăn quả bà trồng từ khi mới về làm dâu. Vườn xanh rười rượi. Cây dừa, cây cau cao vọt lên đón nắng trời. Những gốc cọ bao quanh ngôi nhà. Vườn trồng rất nhiều quế, thân cây thẳng đứng, những cành lớn nhỏ xếp tầng xếp lớp tăm tắp, trong nhà lúc nào cũng thơm dìu dịu hương.

- Bây giờ cũng tối muộn rồi, em thu xếp ngày mai mình về sớm.

Sáng hôm sau, hai vợ chồng về đến nhà thì rạp đã bắc xong xuôi, bà nằm yên vị trong áo quan. Bên cạnh quan tài, ông nội Quế ngồi như tượng tạc. Cái dáng ngồi không lẫn vào đâu được mỗi khi trong nhà có việc lớn - xa lạ, cô độc. Hình như chẳng ai để tâm đến ông, sự hiện diện hay vắng mặt của ông không thay đổi điều gì, dù hôm nay ông là chồng của người đã khuất. Họ hàng đến đầy sân, Quế phải len mãi mới vào tới buồng của bà. Nhìn đống chăn gối, cô khóc hu hu.

Bà nội Quế năm nay đã tám mươi lăm. Bà mang thai tới mười lăm lần nhưng sa sẩy nhiều. Năm người con ruột bà sinh ra là bố Quế, cô Thơm, cô Tho, chú Thạo và cô Thư.

Ngày bé, Quế rất hay vào nhà bà vì trường học của Quế ở gần nhà bà hơn nhà Quế. Mỗi sáng Quế đều đạp xe từ nhà đến trường, trưa vào bà ăn cơm rồi chiều lại về nhà. Con đường đi học của Quế cũng khá gian nan, phải qua một con sông rộng. Mùa mưa lụt, lũ trẻ con phải có người lớn dắt. Mấy đứa con nít cởi hết quần áo vắt lên vai, cặp sách đội đầu, một tay giữ cặp một tay bấu víu vào nhau và vào người lớn dò dẫm sang sông. Bữa nào nước to quá thì khu nhà Quế nghỉ học. Qua sông là đến những cánh đồng nằm xen giữa làng mạc, hai bên có những con mương chạy dọc. Mùa xuân đi học, cánh đồng lốm đốm bóng người lom khom cấy. Thích nhất là mùa hạ, lúa chín vàng, thơm nức. Có những hôm không phải học chiều, Quế không vào bà nữa mà theo lũ bạn về nhà. Cả lũ lang thang trên cánh đồng, vừa móc cua dưới mương, vừa bắt châu chấu, cào cào trên ruộng, rồi thỉnh thoảng nhặt được một vài quả trứng do vịt nhà ai đẻ rơi ngoài đồng. Về đến nhà có khi đã gần một giờ chiều, mẹ mắng té tát.

 

Nhà bà có cô Thư chỉ hơn Quế vài tuổi, hai cô cháu quấn quýt. Thỉnh thoảng cô rủ Quế ở lại đi xúc cá, tắm sông. Thế là Quế không về nữa, ngủ lại nhà bà luôn. Buổi tối bà kể chuyện cổ tích cho hai cô cháu nghe, rồi bà hát vài câu. Bà vừa đứng vò lúa vừa kể, hạt rụng dần ra khỏi những đon lúa. Quế nghịch rơm chán chê liền leo lên giường nằm. Quế cứ bắt bà kể đi kể lại mãi, ngủ say lúc nào không biết. Sáng hôm sau, tiếng gà vịt quang quác ngoài chuồng đánh thức Quế. Bà đã dậy từ bao giờ, bếp lửa hồng rực, bà đang đồ xôi. Chõ xôi cao bốc hơi nghi ngút, thơm mùi lúa mới. Sau này, Quế vẫn không thể nào quên tiếng gọi “Gái ơi”, bếp lửa của bà, chõ xôi, tiếng gà vịt và vị riêng của đất đồi trung du nghèo.

Bây giờ thì bà nằm đó, bình an trong áo quan. Bà đã đi đến nơi ai cũng phải đến, dù sớm hay muộn, bằng một hành trình thật gian nan. Xung quanh linh cữu là những cái sào dài, vắt lên bao nhiêu váy áo của bà. Có cái váy mẹ Quế mua cho nhưng bà không mặc, còn mới tinh, bà bảo váy cũ dễ chịu hơn. Những chiếc áo Quế mua tận thủ đô về biếu mà bà cứ để dành - như một thói quen của những người mẹ giỏi tằn tiện. Mẹ Quế ngồi cạnh quan tài, khóc đỏ con mắt. Mẹ chăm bà suốt từ ngày bà ốm, thỉnh thoảng các cô đến ngủ thay mẹ mấy hôm nhưng không ai chịu được một người già đêm dậy gần chục lần tiểu tiện. Bà đau mỏi người nên cứ phải xoa bóp. Các cô chỉ ngủ được hai đêm là về, bảo nhà còn nhiều việc, còn phải đi kiếm tiền nuôi con. Bố mẹ Quế đã nghỉ hưu, chăm sóc bà hộ cô chú. Mẹ Quế không nói nhiều, cứ lặng lẽ làm. Cùng phận phụ nữ, mẹ hiểu và thương bà lắm. Mẹ thương bà vì biết bà khổ. Từ ngày mẹ về làm dâu, mẹ chưa thấy bà sung sướng ngày nào. Càng lớn, Quế càng hiểu nỗi khổ của bà và thương bà theo một cách sâu sắc hơn.

Bà là vợ cả của ông nội. Bà hơn ông hai tuổi, con nhà quan. Thời con gái bà đẹp. Cái đẹp hoang dại của hoa mua, hoa sim giữa đất rừng cằn cỗi. Lại được ăn học tử tế nên bà trở thành niềm ao ước của rất nhiều người. Khi bà lấy ông, ai cũng nghĩ rằng cuộc đời của bà sang một trang mới đẹp đẽ. Nhưng cái đẹp đẽ đó chỉ được vài năm. Bà sẩy thai liên tục. Ông nội đưa bà đi khắp nơi khám chữa. May mắn có được bố Quế.

2. Hồi ông nội lấy bà, ông hai mươi tuổi, trẻ và đẹp. Khi bà đang mang thai cô Thơm, ông theo mấy người trong làng đi đào vàng. Thời chiến tranh loạn lạc, đàn ông nơi nơi ra trận, chuyến đi của ông tựa như một cuộc trốn chạy. Bãi đào vàng nằm kín đáo trong rừng sâu. Giữa những cánh rừng nguyên sinh, nếu nhìn từ trên cao xuống người ta sẽ thấy vài túp lều dựng tạm, lộ ra màu bàng bạc của lá cọ lâu ngày tắm nắng gội mưa. Những bãi đào vàng thường quy tụ đủ các hạng người tứ xứ. Đa phần là đàn ông, có một số phụ nữ theo đi phục vụ cơm nước, giặt giũ. Những hạt bụi vàng sáng li ti, lấp lánh trên những máng gỗ có sức mê dụ con người. Đàn ông có thể đánh chém nhau vì vàng. Có nhiều người đi mà không về, phần vì bỏ mạng nơi rừng thiêng nước độc, phần do tranh chấp lẫn nhau giữa những các đội nhóm.

Bà nội bàng hoàng, đứng run lẩy bẩy khi thấy người trong làng về mà ông vẫn biệt tăm. Bà tưởng ông mất. Đến khi nghe người làng nói đã ông đi theo người đàn bà khác, bà nổi đoá. Bà không thể tin người chồng đầu gối tay ấp của mình lại nhẫn tâm bỏ vợ con, bản quán chỉ vì một thứ chung chạ chẳng ra gì. Từ đó, trái tim bà chết.

Một buổi tối, bà thấy ông trước cửa. Bà đuổi ông đi. Bà cầm cây chổi làm bằng lá cọ quét sàn sạt trên hè nhà, như muốn hất ông đi cho khuất mắt. Quét đến đâu bà mắng đến đó, nào giống bội bạc, nào kẻ vô tình, loài quỷ tha ma bắt... Ông cứ ngồi lì ở bậc cửa. Chán chê, bà cũng ngồi phịch xuống, quay lưng vào ông, vừa búi cao mái tóc vừa khóc nói: “người ta có chồng để trông cậy nhờ vả, còn tôi chồng chẳng ra chồng…”. Rồi bà đột ngột gạt phắt cái ý nghĩ đuổi ông như đuổi tà đi. Bà nghĩ lại, ông đã về đây, bằng xương bằng thịt. Thời chiến tranh loạn lạc, có chồng là tốt rồi, huống chi người đàn bà nào kia ăn ở cùng ông bao lâu nay cũng xa xôi tận đẩu tận đâu, chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống của gia đình mình nữa. Lòng bà dịu lại, như cơn lũ quét qua, đem theo cả rêu ráy, rác rưởi ra biển lớn mênh mông, chỉ còn bãi bờ sạch bong. Dần dần ai cũng quên. Ông bà nội có thêm cô Tho và chú Thạo.

Thế nhưng, lúc nào ông cũng cảm thấy thiếu đàn bà. Ông cần tình yêu và tìm mọi cách để có được tình yêu của những người đàn bà nhẹ dạ. Trong làng có bà Miên, chồng đi bộ đội, hoà bình lập lại vẫn chưa thấy về. Không biết ông nội hay tin ở đâu mà khẳng định chồng bà đã hi sinh. Bà Miên ít hơn ông hai chục tuổi, còn rất trẻ. Ông thương cảnh phụ nữ chăn đơn gối chiếc, thường xuyên qua nhà giúp đỡ, khi cày hộ thửa ruộng, khi dựng lại bờ rào. Có hôm ông không về nhà, cứ ở riết nhà bà Miên. Rồi ông ở hẳn.

Bà nội Quế khi đó đã là người đàn bà gần bốn mươi tuổi, không sợ đất, không sợ trời, chỉ sợ đánh mất lòng tự trọng. Bao nhiêu năm ông đi vắng bà một mình nuôi con. Chiến tranh, đói khổ, sự bạc bẽo không quật ngã được bà. Bây giờ, nhìn người đàn bà khác trong làng ngang nhiên cướp chồng mình. Bà uất. Bà bắt ông chọn, hoặc bà hoặc bà Miên. Ông nội chọn bà Miên. Khi ấy bà đang mang thai cô út. Bụng vượt mặt. Bà cầm con dao dựa chém ba nhát lên cây quế lâu năm nhất vườn tuyên bố: ông không có đường về. Cây rung rần rật. Nhựa ứa ra từ thân thể thương tích, nhát chém vô tình làm quế sực nức hương. Thứ hương thơm cay nồng bà đã quen thuộc từ ngày chào đời. Từ đó, ông nội sống với người vợ bằng tuổi con mình ở cuối làng. Bà nội một mình nuôi năm người con ở đầu làng. Sáu mẹ con nương tưạ nhau.

Chị em Quế không hề biết đến sự tồn tại của ông nội và bà Miên cho đến năm Quế mười tuổi. Hơn mười năm trời, bố coi như ông nội đã chết, không bao giờ nhắc đến dù ông vẫn sống sờ sờ, vẫn uống chung một nguồn nước, hít thở cùng một bầu không khí. Mỗi khi vào bà, Quế nghe láng máng ông nội ở đâu đó rất gần nhưng không ở cùng bà. Trong kí ức của Quế, ông là một người hoàn toàn xa lạ. Xa lạ đến mức ông bừa ở thửa ruộng trên, cô Thư và Quế bừa thửa ruộng dưới, ông coi như không nhìn thấy con và cháu gái chật vật đứa dắt trâu, đứa đẩy bừa. Ông xong việc liền đánh trâu về, mặc hai đứa con nít đã sang trưa vẫn lụi cụi trên ruộng. Quế và cô Thư đứng chôn chân trên ruộng, trân trân nhìn theo bóng lưng vạm vỡ khuất dần sau con đường mòn về làng cho đến khi mất hút, cô bảo với Quế: “Ông nội đấy”. Đó là lần đầu tiên Quế trông thấy ông. Một cảm giác từ sâu thẳm dâng lên, Quế biết mình không ưa ông. Tất nhiên ghét lây sang cả bà Miên - vợ hai của ông nội.

Bà Miên có một người con riêng, nhưng không phải với người chồng bộ đội mà với một người đàn ông khác. Năm bà nội Quế có mang cô Thư, bà Miên cũng mang bầu giọt máu của ông nội. Cùng trong một năm, ông nội có hai người con - một trai, một gái - với hai người vợ. Đó là chú Thọ. Bà Miên là người đàn bà dù cướp chồng người khác nhưng chưa bao giờ thấy xấu hổ. Bà còn muốn cướp cả của cải. Khi ông nội ở hẳn với bà Miên, thỉnh thoảng ông về nhà bà nội Quế, đòi bà chia đất chia nhà. Bố lúc đó đã trưởng thành, tuyên chiến với ông: “Tôi thách. Có giỏi thì ông chặt lấy nửa ngôi nhà này mang đi!”. Ông sừng sộ: “Đời mày cũng chả làm nên trò trống gì đâu!”. Ông nội và bố không nói với nhau câu nào nữa, dù chạm mặt.

3. Bố Quế đứng trước linh cữu, cúi tạ những người đến phúng viếng. Bố là con trưởng, năm nay ngoài sáu mươi nhưng trông bố già hơn tuổi. Tóc bạc trắng. Bố vất vả từ bé. Khi những đứa trẻ trong làng còn mải chơi khăng, chơi cù, lang thang nghịch ngợm thì bố đã phải vác bừa đi bừa, vào rừng đốn cây lấy gỗ, lên rẫy canh nương. Bố làm hết mọi công việc của người đàn ông trụ cột gia đình.

Bố quyết tâm học lên cấp ba. Ở cái xó núi này, cùng lắm người ta chỉ học hết lớp bảy rồi đi học nghề. Nhưng nghĩ đến câu nói của ông nội, bố thề phải học hành đến nơi đến chốn. Nhà nghèo, một mình bà nội làm không đủ ăn, nói gì chuyện nuôi bố học. Bà vay mượn quanh năm, bán cả lúa non. Khi đến vụ, lúa sàng sẩy đằng trước, đằng sau người ta đã đến bắt nợ. Nhà không có lúa, các cô Quế phải đào các loại củ nơi rừng sâu núi thẳm, tháng ba ngày tám hầu như mấy mẹ con chỉ ăn khoai sắn, củ mài, thỉnh thoảng được bữa cơm độn. Bà bán hết vòng bạc, xà tích, nhưng vẫn không gom đủ tiền mua cho bố chiếc xe đạp để bố có thể xuống huyện học cấp ba. Bà ra đồi quế sau nhà. Giống quế ở đất này được mệnh danh là quế ngọc - ngọc của mọi loại quế, thường được chọn để tiến vua. Tháng năm quế bắt đầu ra hoa, trắng muốt, li ti… Mắt bà rơm rớm, quế vẫn còn non, chưa đến tuổi khai thác. Tán còn muốn vươn rộng, thân còn muốn cao thêm cao thêm nữa, những lá quế mướt mát xanh dưới nắng hè rực rỡ. Bán hay không bán? Bà sì sụp suốt đêm hôm trước, hôm sau quyết định gọi người chặt gần hết đồi, chỉ để lại một khoảng nhỏ. Hàng trăm cây quế nằm rạp xuống, sáng quang cả một ngọn đồi, lòng bà mênh mang buồn. Nhưng bố đi học đỡ vất vả vì đã có xe đạp.

Trường cách nhà hai chục cây số. Đường xuống huyện chỉ có một lối mòn, một bên đồi núi, một bên sông suối. Cứ cuối tuần bố về, đầu tuần lại đi sớm. Để bớt gánh nặng cho bà, bố hay theo những thương lái miền xuôi lên miền ngược làm ăn buôn bán. Có khi cùng họ vào làng thu mua những đặc sản miền núi như măng khô, mộc nhĩ, nấm hương… Những mùa giáp Tết thì chở lá dong, ống dang,… xuống chợ huyện bán. Mỗi dịp nghỉ hè, bố theo đoàn người trong làng vào tận rừng sâu đốn gỗ. Bố làm bất cứ việc gì để có tiền ăn học. Bố học lên đại học, trở thành một ông giáo làng. Rồi lên hiệu phó, hiệu trưởng của một trường cấp ba. Tất cả mọi việc trong nhà đều đặt lên vai. Bố cùng với bà nội nuôi các em khôn lớn, cho ăn học, lo công việc và dựng vợ gả chồng.

Năm chú Thạo lấy vợ, bố gọi ông về. Khi hai cô lớn đi lấy chồng bố đảm nhận vai trò của người cha, đứng ra tổ chức đám cưới. Nhưng chú Thạo thì khác, dẫu gì vẫn còn một người đàn ông ngang vai phải lứa với ông bà thông gia, bố muốn người ta xem trọng nhà mình. Ông nội hờ hững. Bố đưa ông một con trâu, bảo ông bán đi lấy tiền lo đám cưới cho chú. Ông dắt trâu ra khỏi nhà. Trâu và người đều không thấy trở về. Gần đến ngày cưới, bà nội lục tung căn nhà năm gian bằng gỗ lim cũng không thấy mấy món đồ để dành đón dâu cho chú: một đôi hoa tai, một đôi trâm cài tóc, đôi vòng bạc và dây xà tích. Tất cả đều bằng bạc. Đó là hồi môn của bà cố để lại, bà không dám bán. Một thời gian sau, khi đám cưới đã xong xuôi đâu đấy, ông lù lù trở về, bình thản sống giữa làng như chưa hề có chuyện gì xảy ra.

Rồi đột ngột, ông nội bị tai biến, người con riêng của ông là chú Thọ xuống gặp bố, nhờ bố tìm cách cứu ông nội, dẫu sao bố Quế cũng quen biết nhiều, lại có chút địa vị, nhờ vả người ta cũng nể. Ông được cứu chữa kịp thời và tận tình nên giữ được tính mạng. Nhưng từ đấy chân tay ông ông run rẩy, di chuyển khó khăn, chỉ quanh quẩn quanh nhà, khi vãi cho con gà mấy hạt thóc, khi hái mấy ngọn rau, phần đa ngồi bất động nhìn mặt trời đỏ ối khuất dần sau dãy núi trước nhà.

Từ dạo ông nội ốm, bố Quế năng đi lại thăm ông hơn. Sau tất cả những việc ông làm, bố vẫn tha thứ cho ông, vì nghĩ rằng dẫu sao một nửa dòng máu người đó vẫn chảy trong mình. Quan trọng hơn, bố cũng muốn chị em Quế biết mình có một người ông. Nhưng một đứa trẻ lớn lên không biết ông nội là ai như Quế thì mười năm hình như muộn quá rồi. Cả đời ông chưa bao giờ âu yếm chị em Quế. Quế không cảm nhận được tình yêu thương của ông dành cho mình, tất nhiên cô cũng chẳng yêu quý gì ông nội. Thậm chí mỗi lần vào nhà bà, bố dặn lên chơi với ông Quế chỉ ậm ừ. Quế vẫn lên nhưng nhanh nhanh chóng chóng để về nhà bà. Quế không thích bà Miên, bà có một cái vẻ giả lả Quế không chịu được. Càng lớn cô càng thể hiện thái độ. Nhất là khi Quế biết được mẹ Quế với bà Miên vốn là chị em họ, bà Miên thậm chí bằng tuổi bố mẹ Quế, lại cành dưới, theo họ hàng phải gọi mẹ Quế bằng chị. Sự chéo ngoe của số phận chính là: bố lấy em còn con lấy chị. Ông ngoại Quế tức giận bảo mẹ Quế, sau này bà Miên chết không được để tang. Có lần Quế nói với mẹ: “Con chỉ có một người bà là bà nội”. Bà nội biết chuyện, ôm Quế vào lòng, chỉ ra cánh đồng xa xa, tỉ tê với Quế: “Sau này bà chết, con đưa bà ra đồng, nhớ trồng cho bà một cây quế”. Quế khóc. Bà cũng khóc.

4. Sau đám tang của bà, Quế trở lại Hà Nội. Trong hành lý cô mang theo, cơ man nào là quế. Có những bẹ quế khô đã phơi vài nắng, mùa đông nhấm nhấm một chút cũng đủ ấm người. Có bẹ quế tươi cô bóc vội ở thân cây trong vườn. Bố đã chặt đi lớp cây già, sang xuân trồng lại lứa mới. Thích nhất là tinh dầu quế. Chỉ cần ngửi thấy hương thơm đó, cảm giác ấm áp như có bà bên cạnh. Quế nhớ lại những đêm đông nằm gối đầu lên đùi bà, hương quế quyện lẫn mùi trầu phả ra ngai ngái. Nhớ cả những ngày mưa lũ, bà cõng Quế lội qua sông. Mùa này ở quê mưa lũ liên tục, nước ở các sông dâng lên, trẻ con không thể đến trường. Cây cầu bằng gỗ quế bắc qua con sông trước nhà bà đã bị lũ cuốn trôi. Giá mà Quế có nhiều tiền, Quế sẽ xây một chiếc cầu thật to, thật đẹp, để đường về với bà không bị ngăn sông cách núi nữa. Dù bây giờ trở về, bà đã không còn đón đợi Quế ở cổng, cái dáng còng còng, cùng với cây gậy tạo thành một chữ U lộn ngược. Tuổi thơ của Quế đã được bà dìu đi như thế, qua sông suối ruộng đồng, qua những đồi quế xanh mướt, cơ man nào là hồi ức vừa tha thiết vừa day dứt, bây giờ, bà chỉ còn là những kỉ niệm mà thôi. Tất nhiên trong những kỉ niệm đó, có cái tên thân thương Quế Hương.

                                                                                                                                                                                                             C.T.Đ

                                                                                                                                                                                       (Nguồn: TC VNNB 283-8/2023)

 

 

Bài viết khác