Chủ nhật, 19/05/2024

Chảy đi sông ơi

Thứ sáu, 29/10/2021

Truyện ngắn của HOÀNG PHƯƠNG NHÂM

                    “Xin cho người vừa nằm xuống
              Thấy bóng thiên đường cuối trời… thênh thang”                      
                                                  (Trịnh Công Sơn)

Không hiểu sao mấy hôm nay tôi cứ cảm thấy bồn chồn, khắc khoải đứng ngồi không yên. Hồi tháng bảy từ khi biết tin Sài Gòn rồi các tỉnh lân cận bị bùng phát đại dịch Covid-19 với chiều hướng khá phức tạp, tôi đã mất ăn mất ngủ vì mấy lần alô cho Giang, cô bạn thân thiết đang làm ở trong ấy mà không liên lạc được. Trưa nay vừa hết giờ làm việc tôi nán lại alô cho Giang. Nghe thấy tiếng alô của Giang, tôi vội hỏi:

- Trong ấy cậu sao rồi? Có ổn không? 

Giọng Giang tự tin:

- Không sao, tuy có chút xáo trộn nhưng nhìn chung vẫn ổn.

Tôi gặng:

- Công việc có bị trì trệ không? Xưởng may vẫn có việc đều chứ?

Tôi nghe Giang cười nhẹ:

- Ừ! Vẫn ổn mà! Xưởng mình không lớn, chỉ vài chục công nhân nên tớ lo được! Cậu yên tâm! À thôi, có khách đến ký hợp đồng mới, tớ phải tiếp đây. Tối facetime nha!

Nghe bạn nói vậy tôi vừa mừng vừa lo. Rồi đây, nếu dịch dã chưa biết thế nào. Ở thành phố Hà Nội, vừa qua thời gian thực hiện “giãn cách xã hội”, cũng nhiều khó khăn nhưng không thể so với những gì thành phố trong ấy và các tỉnh lân cận đã và đang gánh chịu. Thời gian Giang vào Sài Gòn làm ăn tôi thường facetime với Giang. Đã nhiều lần tôi bảo bạn: “Công việc ổn rồi thì thu xếp về vài bữa nha! Ở ngoài này tuy dịch Covid đã tạm ổn nhưng bệnh viện cũng bận lắm, khoa nào cũng đông bệnh nhân chứ không tớ bay vào với cậu liền!”. Tôi nghe Giang cười: “Từ từ xíu, dịch dã ổn ổn tớ về mà! Tớ cũng có việc cần giải quyết ở Hà Nội mà chưa ra được đây! Cũng sốt ruột lắm! Mà cậu có về quê được lần nào không? Nhiều đêm khuya khoắt vừa chợp mắt lại mơ thấy hai đứa mình ngồi dưới gốc cây phượng già xòa cành xuống mặt nước sông Vân. Cậu có còn nhớ chỗ ấy không?…”. “Ừ. Từ ngày cậu vào trong ấy, mỗi lần về, đi qua đấy tớ chỉ liếc mắt nhìn qua và nhớ cậu thôi chứ một mình ngồi ở đấy vô duyên lắm! Chờ cậu về hai đứa mình phải dành cả buổi ngồi ở đấy để ôn nghèo kể khổ nhé!”. “Chắc chắn rồi! Thú thật vào trong này không có thời gian rảnh nhưng đêm nằm nghe tiếng mưa buồn lắm! Mệt rã cả người mà không ngủ được cứ tính toán, sắp xếp công việc cho ngày tới, quanh đi quẩn lại, lại thương chồng nhớ con, nhớ cậu, nhớ phố, nhớ nhiều thứ lắm!...”. Khi ấy, không nghe Giang khóc nhưng tôi biết nước mắt nó đang lăn tràn gò má và chính tôi cũng thấy sống mũi mình cay xộc lên tận óc.

Không đến một tháng sau, tình hình dịch Covid trong thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đã trên đà bùng phát dữ dội. Các ca nhiễm F0 mỗi ngày tới con số hàng ngàn rồi lên hàng chục ngàn. Các khu cách ly, các bệnh viện dã chiến trong thành phố được triển khai xây dựng cấp tốc để điều trị cho người nhiễm Covid chuyển nặng. Biến chủng delta có tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm hơn trước nhiều lần nên số người mắc Covid lần này tử vong cũng tăng vọt. Nhiều ca nhiễm bệnh đã tử vong khi chưa kịp đưa đi cấp cứu. Thành phố phải kêu gọi ngành y tế cả nước chi viện nhân lực vật lực cho thành phố để dập dịch. Tôi hốt hoảng alô cho Giang một câu thăm hỏi quen thuộc:

- Chỗ cậu sao rồi? Có ổn không?

Giang có vẻ bình tĩnh:

- Không ổn! Xưởng mình chưa có công nhân bị nhiễm nhưng cũng đóng cửa rồi!

Tôi sững người:

- Đóng cửa?

- Ừ. Mình thực hiện theo Chỉ thị của thành phố theo phương án “ba tại chỗ” được nửa tháng thấy không thể tiếp tục được nên phải đóng cửa. Mình vốn mỏng.

- Vậy giờ sao?

- Thì trước mắt phải lo hỗ trợ cho cuộc sống mấy chục công nhân của mình đã!

Cả hai chúng tôi đều lặng đi. Áp tai vào điện thoại, tôi nghe rõ hơi thở của Giang. Lúc sau tôi nói:

- Dù sao cậu cũng gắng giữ sức khỏe nhé! Chiều nay Bệnh viện mình đã cử một đoàn chi viện cho trong ấy. Chiều mai bay. Tới nơi, tớ sẽ alô cho cậu! Nhớ giữ sức khỏe đấy!

Giang thở dài:

- Ừ! Nghe cậu nói vào, tự nhiên tớ thấy nhớ phố quá!

 Giang nói nhớ phố, tôi biết là con phố ấy. Con phố ấy ở thành phố ấy đã gắn bó với một phần cuộc đời tươi đẹp nhất của hai đứa. Thành phố tỉnh lẻ, con phố cũ không dài, nhà không nhiều nên cư dân thân thuộc với nhau, hờn giận nhau rồi lại thương yêu nhau. Con phố dài chừng dăm trăm mét, từ Nhà thờ đổ chạy thẳng ra công viên núi Thúy.

Gấp gáp chuẩn bị cho đợt công tác đặc biệt này, khi ngồi trên máy bay tôi mới có dịp nhớ lại con phố cũ ăm ắp những kỷ niệm một thời của tôi và Giang. Con phố của những năm bao cấp quanh năm lầm lục bụi than vì gần nhà máy nhiệt điện, gần cảng than, nắng lội trong bụi, mưa lội trong bùn. Được cái không nhà nào phải mua than về đun nấu, người ta chỉ việc dùng xẻng xúc bùn than bên rãnh đường về nắm thành từng nắm, ném tệt lên tường phía sau nhà chờ khô rồi bóc xuống xếp thành đống để dùng dần cho việc nấu nướng, nhất là nấu cám lợn hàng ngày. Thủa đó nhà nhà nuôi lợn. Người có thể đoi đói một chút nhưng lợn cứ phải ngày ba bữa đầy đủ. Bởi tất cả những việc chi tiêu cho học hành, ốm đau, cưới xin, tết nhất… nói chung là những việc cần đến tiền đều trông vào “bán lợn” cả. Tôi với Giang sau giờ học thường rủ nhau hót than bùn và cùng nhau đạp xe sang bên kia cầu Sắt kiếm rau lợn. Nhà Giang, bên trên cái cũi nuôi lợn, mẹ Giang còn thiết kế thêm một ngăn nuôi đến chục con gà. Một lần gần tết, đi kiếm rau lợn về đến bờ đê hai đứa nằm trên bờ cỏ ngửa mặt nhìn bầu trời xám xịt, Giang chợt nói: “Tớ mong đàn gà nhà mình bị toi vài con cậu ạ!”. Tôi ngạc nhiên nhổm người nhìn Giang đang nhấm nhấm cọng cỏ trong miệng. Lặng một lúc, Giang nuốt nước miếng đánh “ực” rồi ngồi dậy nói: “Thôi về đi! Chỉ là từ tết trước đến giờ chả được ăn một miếng thịt gà nhưng nghĩ lại thấy thương mẹ tớ quá!”. Thương mẹ, vì tất cả cuộc sống cả gia đình chỉ trông vào đồng lương công chức còm cõi của bố mẹ và sự tần tảo, chắt chiu từ hai bàn tay mẹ.

Phía sau con phố ấy là con đường liên tỉnh chạy men theo dòng Vân Giang chảy qua thành phố. Bên kia sông là chợ Rồng quanh năm đông vui tấp nập kẻ bán người mua. Ven con đường bên này sông có hàng cây xà cừ xen với phượng vĩ. Chắc hàng cây cùng với tuổi con đường nên cây nào cũng bị thời gian vẽ lên thân cành những dấu ấn vừa oanh tráng vừa bi ai. Trong rặng cây ấy, Giang chọn riêng được một chỗ vô cùng ưa thích dưới gốc cây phượng già bị bão làm ngả nghiêng vẫn xõa cành duyên dáng soi mình trên mặt sông. Dưới gốc cây có một tảng bê tông trụt xuống nhưng được rễ cây ôm lấy thành mặt ghế chắc chắn. Những lần đi học về, hai đứa tôi thường ngồi ở chỗ ấy để tỉ tê bao nhiêu chuyện. Thường thì tôi chỉ im lặng ngồi nghe Giang nói. Giọng nói của Giang nhỏ nhẹ, mềm mại như dáng người của Giang. Ngược lại, Giang có vẻ chín chắn so với bạn bè cùng trang lứa, nghĩ nhiều hơn nói nhưng đã nói là làm cho bằng được. Chơi thân với nhau từ nhỏ nhưng tôi chưa thấy Giang khóc bao giờ. Tôi thích Giang, luôn nghĩ rằng lớn lên tôi sẽ cưới Giang nhưng càng lớn tôi biết mình không phải là tạng người mà Giang yêu. Cuối năm lớp 12, hai đứa tôi bàn với nhau xem sẽ đăng ký thi vào ngành gì. Tất nhiên tôi sẽ đăng ký thi vào ngành Y theo truyền thống gia đình. Giang đăng ký thi Quản trị kinh doanh. Giang bảo nếu được chọn, Giang sẽ học nghề cắt may. Từ nhỏ Giang đã thích được làm thợ may, tự may quần áo cho mình và cho cả nhà. Thế rồi, đúng vào đợt thi đại học, bố của Giang bị bệnh nặng phải điều trị ở bệnh viện lâu dài, Giang gác lại chuyện thi cử để chăm bố. Rồi Giang thành thợ may thật, vừa làm kiếm tiền vừa học tại chức cao đẳng Kế toán. Rồi Giang yêu, lấy chồng và có một cô con gái xinh xắn dễ thương hệt như Giang. Vẫn biết Giang không phải dành riêng cho mình, nhưng hôm nhận được tin nhắn và ảnh người yêu của Giang tôi thực sự choáng váng, hụt hẫng, bỏ học ba ngày nằm bẹp ở ký túc xá, sau một tuần thấy tôi hốc hác, mấy anh bạn cùng phòng giải tôi khám bệnh. Tôi sút ba ký. Chuyện này Giang không thể biết. Hôm cưới Giang tôi về dự với nụ cười bình thản mà tan nát con tim. Rồi tôi cũng yên trí bởi gia đình nhỏ của Giang ấm áp, ăm ắp tiếng bi bô con trẻ, Giang đã mở được một tiệm may khá khang trang, phải thuê thêm nhân viên mà vẫn chưa thực sự đáp ứng kịp nhu cầu của khách. Mặc dù bận bịu tối ngày, Giang lúc nào cũng rạng ngời, tươi tắn, khách đến, khách đi ai cũng hài lòng. Thi, chồng Giang, đẹp trai, dáng dấp thư sinh, tính tình cởi mở, dễ gần, trân trọng và quý mến bạn bè của vợ. Tôi đành quay về cố tạo ra thế giới của riêng mình. Ngán nỗi tôi không thể mở lòng đón nhận tình cảm với người khác giới. Hình ảnh của Giang lúc nào cũng chiếm đầy trái tim tôi.

Đùng phát, cô bạn cùng làm với Giang báo tin Thi bị tai nạn khi đang thi hành công vụ nghe chừng khó qua khỏi đang ở phòng cấp cứu của bệnh viện Việt Đức. Một luồng điện rất mảnh chạy dọc sống lưng khiến tôi lạnh người. Phải tĩnh trí một lúc tôi mới hiểu hết chuyện gì đang xảy ra với Giang. Tôi báo với Trưởng khoa và tức tốc chạy thẳng xuống khoa Cấp cứu. Tôi sững lại khi nhìn thấy Giang. Giang không nói, hai tay chộp lấy vai tôi, nhìn tôi với đôi mắt mở to, thất thần như chưa hết ngạc nhiên:

- Sao lại vậy? Sao lại vậy?!

 Tôi chỉ kịp nhìn lại Giang rồi xô bạn sang bên và chạy thẳng vào phòng cấp cứu. Trưởng khoa đã ở đấy. Tôi nói:

- Bạn tôi!

Ông lắc đầu:

- Ca này nặng lắm, tay chân bên phải đều gãy nát, xương sọ bên phải cũng vỡ một miếng khá to ngay phía trước. Hy vọng mong manh!

Ca mổ đã tiến hành hơn mười tiếng với kíp bác sĩ giỏi đầu ngành. Bước ra khỏi phòng mổ, tôi nhìn Giang và khẽ gật đầu:

- Ca mổ thành công nhưng chưa thể nói được điều gì Giang ơi!

Giang trân trân nhìn tôi rồi bất chợt gục xuống. Tôi nhào tới đỡ lấy Giang, Giang gục vào ngực tôi, đôi vai gầy của bạn rung lên từng chặp. Tôi vỗ vỗ nhẹ vai Giang an ủi:

- Hãy hy vọng! Chúng ta sẽ chiến đấu với tử thần!

Và với sự tận tâm của kíp bác sĩ, vợ chồng Giang đã chiến đấu thật ngoan cường. Sau năm năm, sự sống đã trở lại với Thi trên chiếc xe lăn. Năm năm ấy, Giang vừa tiếp khách hàng, vừa cắt đồ cho khách, vừa quản lý tiệm may, vừa chăm chồng chăm con. Ai cũng ngạc nhiên, khâm phục nghị lực của Giang. Tôi thương Giang, thương Thi mà không thể san sẻ gánh nặng trên đôi vai mảnh mai ấy. Khi sức khỏe đã ổn ổn, Thi tự điều khiển xe lăn đi lại trong nhà, có thể nhúc nhắc mấy việc vặt trong nhà bằng tay trái. Cuộc sống mỗi ngày thêm khó khăn, có chị khách hàng thân thiết rủ Giang lên Hà Nội tìm kiếm, mở rộng thị trường. Giang gửi chồng con nhờ bà ngoại và theo chị khách hàng lên Hà Nội. Chỉ sau một tháng, với tay nghề của mình, Giang đã kiếm được lượng khách hàng kha khá. Tháng thứ ba, thu nhập của Giang đã tăng gấp nhiều lần so với ở nhà và Giang đã phải thuê ba bốn nhân viên làm vẫn không xuể. Giang tính chuyện lên hẳn Hà Nội mở tiệm. Về bàn bạc với chồng, Thi cũng theo quyết định của vợ. Giang bán nhà đưa chồng con lên thuê một căn nhà trong ngõ đủ rộng rãi vừa mở tiệm, vừa làm chỗ ở của cả gia đình. Việc làm ăn của Giang có chiều hướng phát triển tốt. Cái tiệm nhỏ càng ngày càng như chiếc áo quá chật. Chị khách hàng thân thiết bàn với Giang vay tiền để mở rộng sản xuất. Chị giới thiệu cho Giang những khách hàng lớn tiềm năng, giới thiệu nguồn tiền cho Giang vay. Giang như con thoi trong guồng máy dệt. Khi tấm vải đã thành những cuộn đầy, có giá trị thặng dư cao thì sự cả tin, niềm đam mê đã khiến Giang thành tay trắng, cùng với những món nợ khó trả. Giang cắn răng chịu đựng không để cho chồng biết. Nhân kỳ nghỉ hè, Giang gửi con về quê. Sáng sáng Giang vẫn ra khỏi nhà, chạy tới những nơi đã từng là bạn làm ăn mong sự thấu hiểu ở họ nhưng nơi nào cũng chỉ có những mắt khóa lạnh lùng trơ tráo nhìn lại. Một buổi chiều, vừa hết ca trực tại bệnh viện thì chuông điện thoại reo, tưởng anh bạn gọi đi nhậu, tôi hờ hững vuốt nhẹ màn hình. Tiếng Giang thều thào: “Trung ơi! Thi… Thi chết rồi!”. Tôi giật mình hét lên: “Cái gì? Cái gì?... Giang ơi! Giang ơi!”. Không có tiếng trả lời. Tôi phóng xe đến nhà Giang. Tới nơi thấy cửa khép hờ, hằn mấy vết dao chém lên cánh cửa. Tôi đẩy cửa bước vào, căn phòng hơi tối vì không bật điện, gần bàn học của con bé, Thi nằm ngả trên xe lăn. Giang ngồi bệt xuống sàn nhà ngay cạnh đó, mặt mày phờ phạc, tái mét, ngước cặp mắt vô hồn nhìn tôi. Trong tay Giang nắm chặt tờ lịch block. Tôi gỡ tờ lịch từ tay Giang đưa ra gần cửa xem. Một dòng chữ nghuệch ngoạc chạy suốt mặt sau tờ lịch mới xé từ block. Luận mãi tôi mới hiểu nội dung: “Anh yêu hai mẹ con lắm nhưng anh phải đi thôi!”. Tôi vội quay vào hỏi, Giang thều thào đáp:

- Giang về thì Thi đã chết rồi! Tờ giấy Thi nắm trong tay…

Tôi nhìn Thi, nhìn Giang rồi quả quyết:

- Không thể làm gì cho Thi được nữa! Phải báo cảnh sát thôi!

Lo xong việc cho Thi, Giang đến tìm tôi. Giang gầy và già đi đến dăm tuổi:

- Tớ không thể ở đây được nữa! Chủ nợ cho giang hồ đến dọa sẽ biến tớ thành phế nhân như Thi nếu không trả tiền ngay cho họ.

- Cậu định đi đâu?

- Đến nơi nào đó có thể cầy trả nợ! Tớ còn ít tiền này nhờ cậu chuyển về cho mẹ tớ dành cho con bé đi học…

Rồi Giang đi. Cũng năm năm rồi bọn tôi chưa gặp lại. Sau Giang mới nhắn tin cho biết là đang có việc làm tại Sài Gòn. Vào đó được ba năm Giang gửi về cho tôi hai trăm triệu trả đỡ món nợ cho người. Với tay nghề và sự tháo vát, chăm chỉ của mình, hiện Giang đã mở được một xưởng may nhỏ nhưng… lại nhưng. Đang kỳ làm ăn vào guồng thì đại dịch Covid-19 bùng phát. Số phận nghiệt ngã lại bủa vây Giang. Lần này vào, chắc gì tôi và Giang đã gặp được nhau. Tôi cứ nơm nớp lo như thế.

Máy bay dừng lại trên đường băng, tôi vội alô cho Giang:

- Đến sân bay rồi nhé! Khi ổn định tớ sẽ alô tiếp!

- Ừ. Tớ đang tham gia thiện nguyện ở một chuỗi “Bếp ăn không đồng”. Ngành Y tế vừa kêu gọi người có điều kiện đăng ký tình nguyện viên chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid. Tớ đăng ký rồi.

Tôi lo lắng:

- Cậu cẩn thận nhé!

- Ừ! Bye!

 Đoàn chúng tôi được điều đến bổ sung cho một bệnh viện điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng mới thành lập trong thành phố. Tôi làm việc ở đây chưa được một tuần, bệnh viện lại được bổ sung một số tình nguyện viên với nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân, giảm tải cho đội ngũ y tá, hộ lý có nhiều thời gian cùng các bác sĩ cấp cứu bệnh nhân nặng. Một buổi sáng, tôi vừa bên ngoài bước vào phòng bệnh chợt thấy bà cụ đang thở oxy níu tay nhân viên y tế đi qua:

- Con ơi! Hay cứ lấy máy thở của bà cho nhỏ bên cạnh kia. Nó còn trẻ quá!

Cô nhân viên y tế vỗ vỗ vào tay bà, nhỏ nhẹ:

- Bà ơi! Bà yên tâm. Ở đây chúng con có đủ máy thở nha bà!

Tôi sững người, tim nhảy thon thót, hỏi nhỏ:

- Giang phải không?

Cô nhân viên quay phắt lại, cặp mắt mở to sau kính chống giọt bắn, một phút sau mới khe khẽ thốt lên:

- Trung! Cậu!

Chỉ vậy rồi cả hai lại vội vàng đến với cô gái đang khó nhọc hớp từng ngụm oxy. Chúng tôi chỉ mới kịp nhận ra nhau, nói với nhau vài lời như vậy nhưng tôi vẫn thầm cảm ơn số phận đã cho chúng tôi làm việc gần nhau trong lúc khó khăn này. Cả tháng trời tôi phải lo cấp cứu chữa chạy cho những ca bệnh nặng. Thi thoảng đi qua liếc thấy các nữ hộ lý và tình nguyện viên xoay như chong chóng chăm sóc cho những ca bệnh còn tỉnh táo, trong số đó tôi biết chắc có Giang vì ai cũng mặc đồ bảo hộ kín mít. Gặp lúc họ thay ca ngủ vạ ngủ vật ở một góc nào đó tôi thấy thương làm sao! Đang lúc dịch bùng phát dữ dội. Bệnh nhân cũ chưa khỏi, bệnh nhân mới chuyển nặng mỗi ngày nhập viện mấy trăm người. Cơ sở vật chất không đủ để đáp ứng kịp. Nhiều bệnh nhân chuyển nặng nhanh. Có người vừa mới gọi điện thoại nói chuyện với người nhà, một lúc sau đã không thở được. Buổi sáng mới được chuyển đến, buổi chiều thăm khám hai bên phổi đã đóng băng trắng xóa. Đội ngũ y, bác sĩ mỏng, trở tay không kịp. Chúng tôi làm việc với công suất 200% giữa thời tiết nóng bức, người lúc nào cũng sũng ướt mồ hôi trong bộ đồ bảo hộ. Sức trai như tôi cũng ngất xỉu hai lần trong ca trực vì cơ thể mất nước chứ đừng nói các y, bác sĩ, hộ lý là phụ nữ. Vậy nhưng không ai rời vị trí của mình. Có nhiều khi chúng tôi ăn nghỉ ngay tại bệnh viện, tranh thủ ngả người chợp mắt ở một góc nào đó để chỉ cần một cái vỗ nhẹ vào người là bật dậy chạy đến với bệnh nhân. Giành giật với tử thần từng phút sự sống cho người bệnh. Thế mà ngày nào cũng ở bệnh viện chúng tôi cũng có người chết, có ngày lên tới cả chục. Người chết thi thể chưa kịp chuyển đi lại đã có thi thể đưa ra xếp hàng ngay sân sau bệnh viện chờ xe cứu thương đưa đi hỏa táng. Chúng tôi cảm thấy xót xa, bất lực nhìn tử thần cướp đi mạng sống bệnh nhân của mình. Đã có hơn chục năm trong nghề chưa bao giờ tôi thấy nhiều người bệnh chết mà cái chết lại đến nhanh như vậy!

Hai ngày liền tôi không về chỗ nghỉ. Đêm về sáng, sau khi cấp cứu cho một ca tưởng đã ổn lại bỗng dưng chuyển nặng, chị đồng nghiệp giục tôi tranh thủ nghỉ một chút. Tôi ngồi tựa một cái bình oxy dự trữ lơ mơ ngủ thì có người đập vào người tôi, giọng hốt hoảng:

- Bác sĩ! Người của mình bị rồi!

Tôi bật dậy chạy ra chỗ mấy bác sĩ và nhân viên đang xúm lại bên giường bệnh. Họ cởi bỏ bộ đồ bảo hộ cho nhân viên y tế ấy. Không nén nổi, tôi bật kêu khẽ:

- Bạn tôi!

Giang đang há miệng cố hớp lấy từng hớp không khí như cá ngáp. Máy thở oxy được mang đến. Công tác khám, chữa trị triển khai nhanh chóng. Một lúc sau, Giang đã thở dễ hơn, chỉ số oxy đang nhích lên dần nhưng chỉ số sự sống vẫn thấp. Giang có vẻ tỉnh táo hơn. Tôi quỳ xuống, quàng tay ôm lấy Giang, vỗ về:

- Ổn rồi! Ổn rồi! Có tớ ở đây rồi!

Giang gật đầu. Rồi đưa tay ra hiệu lắng nghe Giang nói:

- Tài khoản tớ có bảy trăm triệu, đã đóng góp thiện nguyện bốn trăm, còn ba trăm cậu mang về để hai trăm trả nợ, một trăm đưa cho mẹ tớ. Máy móc, hàng hóa trong xưởng thanh lý để trả tiền thuê xưởng, còn lại hỗ trợ cho công nhân về quê. Họ cũng đói lắm!

Nước mắt ướt nhòe mặt tôi. Đồng nghiệp đang tiêm thuốc cho Giang cũng không thể cầm lòng. Tôi an ủi:

- Cậu sẽ không sao cả! Vội lo chuyện ấy làm gì!

Giang lại thở dốc. Bác sĩ lệnh cho thở oxy dòng cao. Chỉ số oxy trong máu tụt rất nhanh. Giang chìm vào hôn mê. Bác sĩ khám cho Giang lắc đầu. Tôi vội lấy dụng cụ khám lại. Chụp phổi thấy phổi của Giang trắng xóa. Hiện tượng suy nội tạng phát triển rất nhanh. Tôi biết hiện tượng cơn bão cytokine đang hoành hành trong cơ thể Giang khiến chúng tôi bất lực. Giang ra đi lúc trời vừa sáng. Vậy là số phận khắc nghiệt lại không buông bỏ Giang, không cho Giang có thời gian làm lụng để lấy lại những gì đã mất. Ôi Giang! Lời Giang nói với tôi sau bao năm gặp nhau lại là lời trăn trối! Tôi đã chẳng làm gì được cho Giang! Tất cả các y, bác sĩ, nhân viên y tế và những bệnh nhân còn tỉnh táo trong phòng bệnh đều đứng dậy cúi đầu tiễn biệt Giang. Giám đốc Bệnh viện hứa với Giang sẽ lo thu xếp để Giang sớm được về với mẹ nơi quê nhà!

Bấy đến nay đã hơn hai tháng. Covid-19 đã được khống chế. Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa cuộc sống sang giai đoạn “bình thường mới”. Lực lượng chi viện cho thành phố chống dịch đã trở về với công việc thường nhật của mình. Thực hiện xong mọi yêu cầu an toàn phòng chống dịch, tôi lái xe về quê. Tôi chầm chậm chạy xe dọc con phố ấy rồi tìm đến gốc phượng già kỷ niệm của hai đứa. Đậu xe sát lề đường, tôi đến ngồi xuống tấm bê tông dưới gốc phượng. Vuốt ve những chiếc rễ sần sùi ôm giữ tảng bê tông và nói lời cảm ơn cây phượng đã ôm giữ kỷ niệm cho chúng tôi. Tôi thầm gọi:

 - Giang thân yêu! Cậu hãy ngồi xuống đây và tựa đầu vào vai tớ. Cuộc đời cậu cũng như dòng sông đã vượt qua biết bao ghềnh thác. Đã đi qua một kiếp đa mang. Hãy yên lòng mà ra với sông Đáy ngoài kia rồi nhẹ nhàng hòa vào mênh mang biển rộng. Vậy thì, hãy chảy đi sông ơi!

   Hà Nội, tháng 10/2021

(Nguồn: TC VNNB 256-10/2021)

 

Bài viết khác