Chủ nhật, 19/05/2024

Đêm dài

Thứ sáu, 02/11/2018

Truyện ngắn của NGÔ XUÂN HÀNH

Trời mùa đông mau tối, se lạnh. Ông Báu khoác thêm chiếc áo rồi vội vã đi ra phía cổng. Chừng giữa sân, bỗng ông dừng lại, bởi không nhớ mình sẽ đi đâu và để làm gì. Ông gõ ngón tay trỏ lên trán mấy cái, miệng lẩm bẩm: “Đầu với óc, mới ngoài sáu mươi mà đã mụ mị, lúc nhớ lúc quên…”.

3

Rõ ràng tối nay, ông đã có dự định một việc gì đó quan trọng. Ấy vậy, tự nhiên lúc này quên bẵng, không hiểu là việc gì nữa. Ông cứ đứng tần ngần giữa sân, cố nhớ xem việc quan trọng ấy là việc gì.
Ngoài đường, điện đã bật sáng. Nhà ông Báu ở vị trí ngã ba đắc địa. Mỗi khi điện đường chiếu vào ngôi nhà ba tầng của ông, nó bỗng trở nên rạng rỡ uy nghi, nổi bật cả một khu vực. Ai có dịp đi qua, nhìn tòa nhà cũng đều ngưỡng mộ. Vậy mà lúc này đây, ông Báu đứng giữa sân ngắm nhìn lại ngôi nhà mà như thấy xa lạ, như nó không phải nhà của ông. Vẫn ngôi nhà ba tầng sừng sững ấy, nhưng đã lâu rồi vắng lặng, không còn cảnh ồn ào tấp nập, kẻ vào người ra như hồi ông còn đương chức. Cái sân gạch rộng mênh mông ông đang đứng đây, giờ chỉ còn hằn vết mờ của bánh xe ô tô con các loại…
Nhớ lại hồi ông còn đương chức, cái thời hoàng kim, ông đã từng được nắm giữ chức vụ quan trọng của cả một huyện. Chữ kí của ông, tiếng nói của ông rất có uy lực. Trong các cuộc họp, ông luôn được giới thiệu là người “chỉ đạo và cho những ý kiến quý báu”. Ở cơ quan, nhiều người thấy ông từ xa đã phải chào. Ông chỉ gật đầu hoặc ừ hữ cho qua. Nhìn chung, ngày đó ông Báu được mọi người coi trọng.
Về hưu, ông Báu thấy nhớ cơ quan, luôn cảm thấy nơi ấy vẫn đang cần đến mình. Vậy là thời gian đầu, hàng ngày ông vẫn đến công sở như một thói quen cố hữu. Ông được mọi người hồ hởi bắt tay, pha trà mời nước, đưa đẩy vài ba câu xã giao. Sau cứ thưa nhạt dần, có người thấy ông từ xa đã cố ý khép cửa phòng lẩn tránh. Rồi một lần ông đến cơ quan, gặp ngay cái người mà trước đây ông không ưa cho là “kẻ lắm chuyện”. Người ấy lại chủ động bắt tay ông, vẻ vồn vã: “A! Chúc mừng bác!”. Ông Báu ngạc nhiên: “Chúc mừng cái gì?”. Người kia: “Thì… Chúc mừng hạ cánh an toàn”. Ông Báu cau mặt: “Anh nói thế nghĩa là…”. Người kia lấp lửng: “Thì mấy chuyện đất đai, nhà cửa… bồ nhí bồ nhiếc gì đấy… Dư luận ấy mà, không sao là tốt rồi. Vậy nhá! Tôi đang bận, bác thông cảm!”, nói rồi quay mặt cười khẩy, bước nhanh về phòng khép cửa. Ông Báu sững người, mặt đanh lại, mắt quắc lên, giọng gầm gừ, hậm hực: “Hừ!... Cái thằng… Trước đây… đố dám mở mồm”. Từ hôm ấy, người ta không thấy ông Báu lảng vảng ở cơ quan nữa. Những dịp tổng kết hay kỉ niệm nào đó, cơ quan phải có giấy mời và dứt khoát không được viết thiếu chữ “Nguyên…”. Được thế, ông mới vui vẻ nhận lời tới dự.
Về nghỉ ở nhà, ông Báu còn bức xúc hơn nhiều. Bà vợ kém ông năm tuổi, theo chế độ hai người nghỉ hưu cùng năm. Ông muốn bà hàng ngày lo toan mọi việc trong nhà, phục vụ ông chu đáo. Bà không nghe, đòi tự do, bình đẳng, bình quyền. Thế là mâu thuẫn giữa hai người luôn xảy ra. Bắt đầu từ những chuyện nhỏ nhặt thường ngày, như ông thích cơm khô, bà ưa cơm ướt, ông muốn ăn rau này, bà thèm ăn rau nọ, ông nghiện chè khô, bà chuyên nước vối… Chỉ thế thôi, mà bữa ăn nào hai người cũng cằn nhằn với nhau. Bà bảo: “Nghỉ hưu rồi, ông phải thay đổi cách sống, thì gia đình mới vui vẻ được”. Ông nói như quát: “Cái gì? Tại sao phải thay đổi? Tôi vẫn là tôi, là chủ gia đình này. Nhá! Kim chỉ phải có đầu. Cuối tuần tôi gọi các con về họp gia đình, để tôi nêu rõ quan điểm”. Bà vợ cười khẩy: “Hầy! Lại họp, từ hồi về hưu, ông tổ chức họp gia đình mấy lần rồi. Có lẽ trước đây, họp là nghề chính của ông, nên bây giờ ông mới “nghiện” họp vậy”.
Trong cuộc họp gia đình, không ngờ mấy đứa con lại cùng quan điểm với mẹ. Anh cả phát biểu: “Mẹ nói đúng, nhưng mẹ cũng phải thông cảm với bố. Suốt mấy chục năm công tác, lại là người có chức vụ, cái ý thức luôn muốn người khác tuân phục, đã ăn sâu bám rễ vào bố rồi, thay đổi ngay cũng khó. Bố mẹ phải hiểu tâm lí của nhau để điều chỉnh cho phù hợp. Thôi, từ nay bố đừng gọi chúng con về họp gia đình nữa, quanh đi quẩn lại cũng chỉ là vấn đề đó. Chúng con còn phải lo công việc của công ty, của xí nghiệp, rồi cuộc sống vợ con gia đình riêng của mỗi đứa nữa”. Mấy em thấy anh cả phát biểu có tình, có lí nên hô to: “Đồng ý!”. Ông Báu vẻ không hài lòng, nhưng nể anh con cả có học, lại đang giữ cương vị lãnh đạo một công ty lớn, nên đành im lặng giấu nỗi hậm hực trong lòng.
Tưởng sau cuộc họp ấy, mọi chuyện êm thấm hơn, nhưng giữa hai vợ chồng ông Báu mâu thuẫn không hề giảm mà còn tăng dần. Ông lấy cớ đi thăm bạn hữu nơi này nơi kia, dăm ba hôm mới về. Ở nhà buồn, bà theo “Hội các mợ” đi vãn cảnh chùa. Nhà bỏ mặc như không có người ở. Hai người cố ý kình địch nhau, không ai chịu nhân nhượng ai. Cho đến một hôm bà nghe được tin, ông thường lui tới với “bồ nhí” trước kia, thì bà không nhẫn nhịn được nữa. Ngoài năm mươi, nhưng bà vẫn đang còn độ “hồi xuân”, vẫn có nhu cầu “chuyện ấy”. Vậy mà, hèn chi mấy tháng trời ông không hề đáo phòng bà. Sau khi xác minh nguồn tin kia là chính xác, bà đối mặt với ông chì chiết: “Về rồi, hãy để tâm lo toan đến việc nhà cửa, vợ con. Đừng lúc nào cũng “mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao”, phóng xe khỏi nhà là tắt di động. Nếu muốn tình xưa nghĩa cũ với con nào, công khai ra, “gái già” này thả cửa. Nhá!...”. Bị điểm trúng “huyệt”, nhưng ông Báu cố giữ vẻ mặt thản nhiên, giọng điệu từ tốn: “Chuyện dư luận, bà tin làm gì”. Thấy ông bình thản như không có chuyện gì, bà càng thêm tức tối: “Dư luận à? Không có lửa làm gì có khói. Tôi có bằng chứng đấy, nhưng không muốn làm to chuyện. Chỉ nhắc nhở ông “ăn vụng phải biết chùi mép”, đừng để liên lụy đến vợ con, đừng làm ô uế cái nhà này…”. Ông Báu không kìm nén được, mặt đỏ, mắt trừng, giọng rít lên: “Này! Bà bớt cái mồm đi. Xưa nay tôi không phải nghe ai dạy khôn ở cái nhà này. Nhá! Một vừa hai phải thôi, nếu không mỗi người một nơi. Nhá!...”. Im lặng một lát, bà đứng dậy cười khẩy: “Được thôi! Ý ông không muốn vợ con ràng buộc chứ gì? Ông muốn tự do rộng cẳng chứ gì? Ông thật khó thay đổi tính gia trưởng quan cách. Đành vậy! Cũng nên có thời gian để ông tĩnh tâm. Tôi về bên nhà với ông bà ngoại”. Nói xong, bà nhặt mấy thứ cần thiết nhét vào va li, rồi vội vã ra đường gọi Taxi đi thẳng...
Thời gian cứ lặng lẽ trôi đi, ông Báu sống lủi thủi một mình, cô đơn ngay trong tòa nhà ba tầng trống vắng. Có lúc ông nghĩ lại, thấy chuyện đó xảy ra mình cũng hơi quá lời với vợ, nên đã chủ động gọi điện bảo bà ấy về. Bà vợ trả lời trong máy: “Nếu ông đã biết phải thay đổi cách sống, thì sang bên này có nhời với bố mẹ tôi đàng hoàng, rồi đón tôi về”. Ông Báu biết vậy là phải nhẽ, nhưng không chịu “hạ cố”. Ông quát trong điện thoại: “Bà tự ý bỏ nhà đi, phải tự biết về. Nhá!...”. Cả hai cùng cúp máy.
Bà vợ không về, hàng ngày ông Báu phải tự lo mọi sinh hoạt bản thân. Ông ăn uống thất thường, có hôm chán ăn bỏ bữa. Đêm đến, ông trằn trọc mất ngủ, cảm giác tức ngực rồi đau nhức nhiều vùng cơ thể. Ông lo lắng đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe. Bác sĩ là người quen biết trước đây, khám bệnh cho ông xong, mời sang phòng riêng nói chuyện. Ông Báu sốt sắng hỏi: “Bệnh tình của tôi thế nào?”. Bác sĩ đắn đo một lát rồi nói: “Ông có biểu hiện của giai đoạn trầm cảm nhẹ”. Ông Báu lo lắng hỏi dồn: “Trầm cảm nghĩa là sao? Có nguy hại không?”. Bác sĩ từ tốn giải thích: “Có nhiều loại trầm cảm và cũng có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh này. Như trầm cảm nội sinh di truyền, trầm cảm do các bệnh thực tổn… Ông thuộc loại trầm cảm do stress…”. Ông Báu cắt ngang: “Sì- chéc là cái gì?”. Bác sĩ cười: “Nói nôm na là tâm lí căng thẳng quá ấy mà. Vậy hàng ngày ông sống có thoải mái vui vẻ không?”. Ông Báu: “Vui vẻ thế quái nào được. Trước đây mình còn công tác, mọi người tôn trọng. Giờ về hưu, nhiều người quay lưng. Đúng là thói đời…”. Bác sĩ cắt ngang: “Ông cả nghĩ vậy thôi, mọi người vẫn tôn trọng ông đấy chứ. Ông phải vui lên, nếu không bệnh trầm cảm sang giai đoạn nặng thì nguy hiểm lắm”. Ông Báu lo lắng: “Bệnh của tôi, giờ uống thuốc gì cho mau khỏi?”. Bác sĩ động viên: “Ông yên tâm, trầm cảm mức độ nhẹ chưa cần phải dùng thuốc gì. Trước mắt, sử dụng các phương pháp tâm lí trị liệu kết hợp vật lí trị liệu… Nhưng quan trọng là tâm lí của ông phải ổn định, ăn đủ chất, ngủ đủ giấc, sống vui khỏe thì các biện pháp trị liệu kia mới có tác dụng”.
Biết vậy, nhưng hoàn cảnh của ông hiện nay không thể vui vẻ được. Vợ con không muốn ở chung cùng ông. Anh em, bạn bè ông lui tới nhiều cũng ngại. Đến cô “em nuôi” của ông trước đây, bây giờ ông đến nó cũng lạnh nhạt, tiếp đón theo kiểu trả nghĩa đấy thôi. Vậy là ông cứ quanh quẩn ở nhà, tự dằn vặt mình, rằng sao về hưu sống cuộc đời thường khó thế…
Ông Báu cứ đứng tần ngần giữa sân hồi lâu, nghĩ miên man sự đời, sự người, nhưng mãi vẫn không nhớ ra cái việc ông cần làm tối nay. Ông lại quay vào nhà, bật điện sáng phòng khách, rồi hạ mình xuống bộ sa lông sang trọng. Căn phòng đầy đủ tiện nghi, toàn loại đắt tiền mà giờ đây ông cảm thấy chẳng có giá trị gì. Bất giác ông ngoảnh lại nhìn tấm gương đại sau lưng, bỗng giật mình thấy người trong gương không phải là ông nữa. Ông bật thêm bóng điện để căn phòng sáng thêm rồi lại gần gương nhìn cho rõ mặt. Càng nhìn ông càng thấy khuôn mặt mình khác hẳn. Hồi còn công tác, mặt ông đầy đặn, hồng hào. Giờ hai má như lệch hẳn, xề xệ. Mắt quầng thâm, lộ thăn thịt đôi bên mi dưới nằng nặng… Đã lâu ông không soi gương, giờ nhìn kĩ thấy khuôn mặt mình “xuống cấp” quá. Ông đưa tay vỗ nhẹ hai bên má, giọng chua chát như tự trách mình: “Mày có phải là thằng Báu không? Hả! Hả! Mới nghỉ hưu mấy năm mà mặt mũi đã thay đổi thế này ư? Muốn chết hả? Hả!...”. Nhắc đến cái chết, bỗng ông Báu chợt nhớ ra “nhiệm vụ” tối nay rồi reo lên khe khẽ: “Ờ! ờ… Có vậy chứ, đầu óc mình làm gì đã đến mức u mê mụ mị”. Ông vội cầm chiếc đèn pin rồi bước nhanh ra cổng, đi về phía cuối làng.
Chẳng là, ban chiều có người mách với ông, rằng khu mộ tổ nhà ông ngoài nghĩa địa, mấy đêm qua thấy có đôi trai gái nào vào đấy tình tự, bao cao su vương vãi. Ông Báu bực lắm, nên đêm nay ông phải ra đó mai phục. Con cái nhà nào dám vào bậy bạ khu mộ tổ tôn nghiêm nhà ông. Bắt được ông bêu riếu khắp cả làng cho bẽ mặt, sẽ phạt thật nặng cho chừa… Gần đến nghĩa địa, ông Báu tắt đèn pin. Trời tối, đường trơn, ông dò dẫm từng bước, vòng lối sau khu mộ tổ ngồi rình. Cho tới tận khuya, mãi vẫn không thấy bóng người nào xuất hiện. Ông nghĩ, hay kế hoạch của ông bị lộ, hoặc cũng có thể kẻ nào đó phao tin nhảm bôi xấu thanh danh ông. Nửa tin nửa ngờ, ông bật đèn pin soi xét kĩ mọi ngóc ngách khu mộ tổ, không phát hiện vấn đề gì. Chắc chắn có kẻ nào đó đã phao tin nhảm. Ông biết, ở làng này không phải ai cũng nể phục ông. Hồi ông còn công tác, có người nhờ cậy việc này việc nọ, ông không giúp được nên giận, giáp mặt không thèm chào. Ngay cái việc ông quy tập mồ mả tổ tiên trong họ của ông từ nhiều nơi về đây, quây thành một khu riêng bề thế. Ông dành một xuất gọi là “sinh phần” cho mình, ốp đá hoa cương cẩm thạch, nắp đậy cũng bằng một tấm đá liền. Những thành viên trong họ ông, ai nhìn khu mộ tổ cũng ưng ý, cũng có chút tự hào. Thế nhưng, những người khác họ trong làng tỏ ra khó chịu, bóng gió đặt điều, bảo ông xây mộ tổ bằng tiền của thiên hạ, ông bỏ ngoài tai…
Đêm đã quá khuya. Ánh trăng mùa đông mờ đục trong sương lạnh. Tiếng côn trùng râm ran. Mấy con đom đóm lập lòe đuổi nhau nơi cuối bãi. Ông Báu định ra về, nhưng thấy người mệt mỏi, nên đến chỗ “sinh phần” ngả lưng, tự nhiên thấy thoải mái dễ chịu. Ông đặt tay ngang trán nghĩ ngợi lan man. Ngày mai, nhất định ông phải truy tìm cho ra kẻ nào đã phao tin nhảm, nhằm hạ uy thế của ông. Phần nào ông đã nhận thấy cuộc sống không đơn giản như ông nghĩ. Ở đời, làm quan có kẻ ghét đã đành, làm dân cũng còn có người không ưa. Dò lòng người không dễ như dò sông dò biển. Bất giác ông nhớ câu ca dao, lẩm nhẩm đọc: “Thức lâu mới biết đêm dài. Ở lâu mới biết là người có nhân”. Ông đọc đi, đọc lại, rồi hứng chí lẩy Kiều, giọng ngân dài như hát. Một lát, ông thấy buồn ngủ, mắt dần díp lại, nhưng miệng vẫn cố mấp máy: “Thức lâu i i… đêm dài i i… đêm dài…”. Tiếng ông Báu nhỏ dần rồi im bặt.
Sáng bảnh, ông Báu choàng tỉnh dậy. Trời lạnh, nhưng ông cảm thấy trong người nóng ran mệt mỏi, đầu đau nhức. Nhìn xung quanh, ông không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Sao ông lại ở đây? Ông bấu vào da thịt thấy đau, vậy là vẫn tỉnh không phải mơ. Ông gõ nhẹ ngón tay lên trán, lúc lâu sau mang máng nhớ ra sự việc đêm qua. Ông cầm vội chiếc đèn pin, rồi thất thểu đi về làng. Không ai biết ông Báu đi đâu về. Và, cũng không ai biết ông vừa có một đêm dài nơi nghĩa địa.   

                                                         N.X.H

Bài viết khác